Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Trang web này được cập nhật thường xuyên. Một số nội dung có thể còn bằng tiếng Anh cho đến khi được dịch hết.

Hướng dẫn về COVID-19 bổ sung dành cho người chăm sóc người mắc chứng mất trí nhớ trong các cơ sở cộng đồng

Hướng dẫn về COVID-19 bổ sung dành cho người chăm sóc người mắc chứng mất trí nhớ trong các cơ sở cộng đồng
Cập nhật ngày 11 tháng 9 năm 2020

Chăm sóc người mắc bệnh mất trí nhớ tại các cơ sở chăm sóc dài hạn (LTCF): Để biết thông tin về cách chăm sóc người mắc bệnh mất trí nhớ tại LTCF bao gồm viện dưỡng lão, cơ sở điều dưỡng chuyên ngành và cơ sở chăm sóc dành cho người già và người tàn tật có bộ phận/khu chăm sóc người mắc bệnh về trí nhớ, vui lòng xem hướng dẫn của CDC để chuẩn bị cho các cơ sở này về COVID-19.

Người cao tuổi và những người có sẵn các bệnh nền nghiêm trọngcó nguy cơ mắc bệnh nghiệm trọng cao hơn do COVID-19, theo nhận định của các chuyên gia lâm sàng và y tế công cộng.1-2 Trong số những người lớn đã xác nhận mắc COVID-19, những người có độ tuổi từ 65 tuổi trở lên có nhiều khả năng phải nhập  viện, được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt và tử vong. Trên thực tế, 8 trong số 10 ca tử vong có liên quan tới COVID-19 tại Hoa Kỳ là trong số những người lớn có độ tuổi từ 65 tuổi trở lên1-2

Người cao tuổi cũng có tỉ lệ mắc bệnh mất trí nhớ cao nhất. Ước tính có khoảng sáu triệu người trưởng thành mắc một số dạng sa sút trí tuệ, bao gồm cả bệnh Alzheimer, bệnh mất trí nhớ phổ biến nhất.3

Do những rủi ro mà người cao tuổi phải đối mặt từ cả COVID-19 và bệnh mất trí nhớ, CDC cung cấp hướng dẫn bổ sung này cho những người chăm sóc người lớn mắc bệnh Alzheimer và các loại chứng mất trí nhớ khác để giảm sự lây lan của COVID-19 và để giúp họ quản lý sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân cũng như sức khỏe của chính bản thân họ. Không phải tất cả những người chung sống cùng bệnh mất trí nhớ đều cần có người chăm sóc. Do đó, mức độ hỗ trợ mà một người cần sẽ phụ thuộc vào mức độ tiến triển từ căn bệnh mất trí nhớ của họ. Với những người mắc bệnh mất trí nhớ, cần đánh giá những thay đổi về hành vi hoặc các triệu chứng bệnh mất trí nhớ nặng hơn vì chúng có thể là dấu hiệu của tình trạng căng thẳng và lo lắng chuyển biến tồi tệ hơn cũng như COVID-19 hoặc các bệnh nhiễm trùng khác.

Nếu quý vị chăm sóc ai đó bị mắc bệnh mất trí nhớ, điều quan trọng là quý vị phải biết những gì quý vị có thể làm để bảo vệ bản thân và những người khác trong đại dịch COVID-19 và những bước bổ sung nào quý vị có thể thực hiện để bảo vệ người thân của mình:

  • Biết rõ thời điểm quý vị cần được chăm sóc y tế cho người thân.
  • Nếu người thân của quý vị mắc bệnh mất trí nhớ tiến triển và cần được nhập viện vì COVID-19, hãy đảm bảo nhân viên bệnh viện biết rằng họ có thể cần trợ giúp trực tiếp từ quý vị để trao đổi thông tin y tế quan trọng và hỗ trợ khẩn cấp. Dưới đây là một số vấn đề quan trọng cần lưu ý:
    • Chuẩn bị sẵn sàng ở môi trường chăm sóc sức khỏe với người thân của quý vị. Chuẩn bị để sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân như khuyến cáo của nhân viên bệnh viện nếu quý vị ở cùng phòng với người thân của mình.
    • Biết rằng quý vị và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể phải đối mặt với một số khó khăn khi chăm sóc người thân vì họ:
      • Có thể không hợp tác với nhóm chăm sóc và có thể không tuân theo các biện pháp bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang hoặc thực hành cách ly giao tiếp xã hội
      • Có thể từ chối các quy trình chẩn đoán

Trong trường hợp này, hãy làm hết sức có thể hoặc hết mức trong chừng mực cho phép để giúp người mắc bệnh mất trí nhớ tiến triển tuân theo hướng dẫn của CDC.6

  • Nếu quý vị bị bệnh, hãy tuân theo hướng dẫn của CDC7 và có sẵn người chăm sóc dự phòng cho người thân của quý vị.
  • Gắn kết hướng dẫn của CDC vào các quy trình hàng ngày cho bản thân quý vị và người thân:
    • Đeokhẩu trang8 và đảm bảo người khác cũng thực hiện điều này.
      • KHÔNG đeo khẩu trang cho bất cứ ai bị khó thở, hoặc bất tỉnh, mất khả năng hoặc không thể tự tháo khẩu trang mà không có sự trợ giúp.
    • Rửa tay thường xuyên.
    • Dùng khăn giấy che miệng hoặc mũi khi ho hoặc hắt hơi.
    • Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng khi chưa rửa tay.
    • Làm sạch và khử trùng thường xuyên các bề mặt hay chạm vào.

Người chăm sóc: Biết rõ về các triệu chứng của COVID-19

Bước đầu tiên khi chăm sóc người mắc bệnh mất trí nhớ trong bất kỳ môi trường nào là hiểu rõ rằng cần đánh giá những thay đổi về hành vi hoặc các triệu chứng bệnh mất trí nhớ nặng hơn vì chúng có thể là dấu hiệu của tình trạng căng thẳng và lo lắng chuyển biến tồi tệ hơn cũng như nhiễm bệnh COVID-19. Không phải ai mắc COVID-19 cũng có các triệu chứng nhưng khi người mắc bệnh mất trí nhớ và có các triệu chứng cả COVID-19,4 các triệu chứng đó có thể bao gồm:

  • Gia tăng kích động
  • Gia tăng lẫn lộn
  • Đột nhiên buồn bã
  • Ho
  • Khó thở
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Lặp đi lặp lại sự run rẩy cùng với ớn lạnh
  • Đau cơ
  • Đau đầu
  • Đau họng
  • Mới mất vị giác hoặc khứu giác

Người chăm sóc có thể là người ứng phó đầu tiên chịu căng thẳng: Biết cách chăm sóc bản thân

người chăm sóc,9 quý vị chăm sóc người cần được hỗ trợ trong một chừng mực nhất định trong các công việc hàng ngày hoặc trên cơ sở thường xuyên. Trong khi xảy ra đại dịch này, quý vị cũng có thể là người ứng phó đầu tiên, cung cấp ứng phó và bảo vệ đầu tiên cho người thân mắc bệnh mất trí nhớ. Những người ứng phó đầu tiên thường chịu căng thẳng do khối lượng công việc nhiều, mệt mỏi và các tình huống khác khi khẩn cấp. Có một số bước quan trọng mà quý vị nên thực hiện trong và sau một tình huống khẩn cấp để giúp quản lý và ứng phó với căng thẳng.10 Để chăm sóc người khác, quý vị cần phải cảm thấy khỏe mạnh và suy nghĩ rõ ràng. Dưới đây là một số lời khuyên về cách chăm sóc bản thân:

  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, tránh dùng chất kích thích và rượu, ngủ nhiều và thường xuyền tập thể dục giúp giảm căng thẳng và lo lắng. Các hoạt động đơn giản như tản bộ, thư giãn kéo giãn cơ thể và thở sâu có thể giúp giảm căng thẳng.
  • Thiết lập và duy trì thói quen. Thử ăn vào các giờ giấc thường xuyên cố định và ngủ theo lịch nhằm đảm bảo được nghỉ ngơi đầy đủ. Thêm hoạt động giải trí hoặc tích cực vào lịch trình của mình mà quý vị có thể mong chờ mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Nếu có thể, hãy lên lịch tập thể dục vào sinh hoạt hàng ngày của quý vị.
  • Ngừng xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội. Việc nghe liên tục về đại dịch có thể gây cảm giác khó chịu.  Nếu quý vị muốn liên tục cập nhật về đại dịch, hãy truy cập trang web của CDC để biết các khuyến cáo mới nhất về những điều quý vị có thể làm để bảo vệ bản thân và những người quý vị quan tâm.
  • Dành thời gian thư giãn. Cố gắng làm các hoạt động mà quý vị thích.
  • Kết nối với người khác. Liên lạc với gia đình và bè bạn. Trò chuyện với người quý vị tin tưởng để có thể dốc bầu tâm sự cũng có thể có ích với quý vị.
  • Gọi cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nếu sự căng thẳng gây cản trở các hoạt động hàng ngày của quý vị trong vài ngày liên tiếp.
  • Tìm nhóm hỗ trợ địa phương. Các nhóm hỗ trợ cung cấp một nơi an toàn để quý vị có thể thấy thoải mái hơn khi biết rằng mình không đơn độc.
  • Thu xếp sẵn người chăm sóc dự phòng. Trong trường hợp quý vị mắc bệnh COVID-19, người chăm sóc dự phòng sẽ đảm bảo người thân của quý vị sẽ tiếp tục được chăm sóc. Quý vị có thể tập trung vào việc chăm sóc bản thân.7
biểu tượng hộp khăn giấy

Bảo vệ sức khỏe của quý vị trong mùa cúm này

Tiêm vắc-xin cúm trong thời kỳ 2020-2021 hiện đang quan trọng hơn bao giờ hết vì đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Tiêm vắc-xin phòng cúm đặc biệt quan trọng đối với người từ 65 tuổi trở lên, đây là đối tượng có tỉ lệ nhập viện và tử vong nhiều nhất vì bệnh cúm và COVID-19.

Tham Khảo

  1. Razzaghi, et al. Diễn biến nghiêm trọng ở những bệnh nhân mắc bệnh vi-rút Corona 2019 (COVID-19) - Hoa Kỳ, ngày 12 tháng 2 - ngày 16 tháng 3 năm 2020. Bản MMWR phát hành sớm. 2020; 69
  2. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh. Bệnh vi-rút Corona 2019: Người cao tuổi. 2020.https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/need-extra-precautions/older-adults.html
  3. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh. Bệnh Alzheimer. 2019. https://www.cdc.gov/aging/aginginfo/alzheimers.htm
  4. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh. Bệnh vi-rút Corona 2019: Các triệu chứng của vi-rút Corona. 2020. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/symptoms-testing/symptoms.html
  5. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh. Bệnh vi-rút Corona 2019: Chuẩn bị ứng phó với COVID-19: Các cơ sở chăm sóc dài hạn, Viện Dưỡng Lão. 2020. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/hcp/long-term-care.html
  6. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh. Bệnh vi-rút Corona 2019: Cách bảo vệ bản thân & người khác. 2020. https://www.cdc.gov//coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/prevention.html
  7. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh. Điều cần làm nếu quý vị mắc bệnh 2020. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/if-you-are-sick/steps-when-sick.html
  8. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh. Sử Dụng Khẩu Trang để Giúp Làm Giảm Sự Lây Lan của COVID-19. 2020.  https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/diy-cloth-face-coverings.html
  9. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh. Chăm sóc: Ai là người chăm sóc? 2019. https://www.cdc.gov/aging/caregiving/index.htm
  10. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh. Bệnh vi-rút Corona 2019: Căng thẳng và cách ứng phó. 2020. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/daily-life-coping/managing-stress-anxiety.html
Cập nhật lần cuối ngày 11 tháng 9 năm 2020