Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Các vấn đề toàn cầu

Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền

tháng 11/2008

Tạp chí Điện tử của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Zhang Pengjun: Tiểu sử sơ lược

Zhang Pengjun là một bậc thầy về thỏa hiệp. Với kiến thức uyên bác theo triết lý Khổng tử, nhà ngoại giao người Trung Quốc này đã dẫn dắt các cuộc thương thảo vào những lúc cao trào nhất trong quá trình dự thảo Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền. Nhiều lần, sự cố vấn của ông đã duy trì được sự tồn tại của văn kiện này.

Sinh năm 1892 tại Trung Quốc, Zhang được hưởng cả hai nền giáo dục của Trung Quốc và phương Tây. Ông học trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Trung Quốc, sau đó năm 1910 sang Hoa Kỳ học tại trường đại học Clark tại thành phố Worcester, bang Massachusetts. Ông tiếp tục theo học tại Đại học Columbia, Thành phố New York, và nhận được hai bằng Thạc sĩ vào năm 1915 – một bằng sau đại học và một bằng trong lĩnh vực giáo dục. Trở về Trung Quốc, ông giảng dạy tại trường Trung học Nankai và là Quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị tại đó. Zhang cũng hỗ trợ anh trai thành lập trường Đại học Nankai, một trường tư.

Một thời gian ngắn sau đó, Zhang quay lại Hoa Kỳ để hoàn tất bằng Tiến sĩ tại Đại học Columbia, sau đó quay về Trung Quốc để tiếp tục công tác giảng dạy và quản trị. Ông là Giáo sư Triết học, Quyền Chủ tịch trường Đại học Nankai và là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Chicago, Học viện mỹ thuật Chicago, Đại học Hawaii, Cambridge, và Columbia.

Zhang còn là một tác giả và một nhà viết kịch. Hai trong số các vở kịch của ông đã được trình diễn trên sân khấu của Thành phố New York, và trong suốt cuộc đời mình, ông đã biên dịch nhiều vở kịch của phương Tây ra tiếng Trung Quốc và đạo diễn các tác phẩm này ở Trung Quốc và ở nước ngoài.

Là một nhà giáo dục tâm huyết, Zhang bắt đầu tham gia vào lĩnh vực ngoại giao. Sự nghiệp ngoại giao đưa ông tới Thổ Nhĩ Kỳ, Chi-lê và Anh Quốc, trước khi chuyển tới làm việc tại Liên Hợp Quốc. Tại đó, ông được bổ nhiệm là trưởng đoàn đại biểu của Trung Quốc tại Ủy ban Văn hóa, xã hội và kinh tế của Liên Hợp Quốc năm 1946.

Sau đó Zhang trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Bất chấp những khác biệt, ông cho rằng tất cả các nước đều có thể đoàn kết vì một mục tiêu chung cho các quyền của con người. Trong bài phát biểu trước Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc, ông nói: “Thực tế của việc các quyền con người được đưa vào trong 35 hay 40 văn kiện của thế giới cho thấy rằng chúng ta vẫn có thể đạt được một sự đồng thuận chung, bất chấp những khác biệt trong quan điểm triết học hay tư tưởng”.

Zhang luôn luôn dàn xếp thành công những tranh luận trong quá trình dự thảo Tuyên ngôn thế giới. Ông đã nhiều lần giúp ủy ban thoát ra khỏi tình huống bế tắc. Ông John Humphrey, trưởng tiểu ban nhân quyền đầu tiên của Liên Hợp Quốc nhận xét: “Ông là một bậc thầy về nghệ thuật thỏa hiệp và, với một câu trích dẫn của đạo Khổng, có thể hé mở ra một lối thoát cho ủy ban trong một tình huống hoàn toàn bế tắc”.

Một ví dụ cụ thể là về tính hiệu lực của Tuyên ngôn Nhân quyền. Liệu tuyên ngôn này có sửa đổi hoặc bác bỏ hoàn toàn Hiến chương của Liên Hợp Quốc? Hay liệu tất cả các nước thành viên đều phải phê chuẩn Tuyên ngôn Nhân quyền, thành một văn kiện mang tính ràng buộc về luật quốc tế? Zhang đã đưa ra một đề nghị thỏa hiệp là: từng nước thành viên sẽ thông qua tuyên ngôn theo cách riêng của nước họ, như là một công ước mang tính ràng buộc về pháp lý (sau này được gọi là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị), và là một phương pháp thực thi (Nghị định bổ sung cho Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị). Giải pháp này của ông vừa bảo vệ được tính toàn vẹn của Tuyên ngôn thế giới, vừa tôn trọng chủ quyền của các nước thành viên.

Ông nói: “Trong lĩnh vực nhân quyền, không được bỏ qua đa số”. Ông muốn Tuyên ngôn thế giới phản ánh được sự đa dạng và phong phú của các nền văn hóa khác nhau thuộc về bản chất của văn kiện này. Ông cũng tin tưởng rằng tất cả mọi người trên thế giới đều biết tới Tuyên ngôn Nhân quyền. Ông nói: “Văn kiện này là dành cho tất cả mọi người trên toàn thế giới, chứ không chỉ dành riêng cho giới trí thức và luật sư”.

Với những quan điểm nêu trên, Zhang rất có sức thuyết phục trong các cuộc tranh luận về bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Trong nhật ký của John Humphrey có đoạn viết: “Ông [Zhang] là người có tầm cỡ tri thức cao hơn tất cả các thành viên khác trong ủy ban”. Zhang chủ yếu dựa vào kiến thức về đạo Khổng. Ông đề xuất đưa ren, “tư tưởng vị nhân” hay lòng trắc ẩn vào trong văn kiện. Zhang nói: “Cần phải nhấn mạnh vào khía cạnh nhân đạo của nhân quyền. Đã là con người thì phải luôn nhận thức được giá trị của những người khác trong cùng một xã hội mình đang sống”.
Dựa trên sự phê chuẩn Tuyên ngôn Nhân quyền, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngay lập tức bỏ phiếu thông qua việc quảng bá tuyên ngôn tới cho mọi người dân trên toàn thế giới, dưới mọi hình thức hiện có. Các bản sao liên tục được bán ra. Tuyên ngôn thế giới cuối cùng trở thành một văn kiện được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trong lịch sử. Mong muốn của Zhang về việc văn kiện được tất cả mọi người biết đến đã trở thành hiện thực.

Zhang mất năm 1957. Ông không có cơ hội được chứng kiến việc thông qua các Công ước quốc tế về Nhân quyền được ra đời sau đó, biến Tuyên ngôn Nhân quyền trở thành một văn kiện mang tính ràng buộc và là một phần trong giải pháp mà ông đưa ra nhằm để thực thi các quyền của con người trên toàn thế giới.

 -- Meghan Loftus