Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Các vấn đề toàn cầu

Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền

tháng 11/2008

Tạp chí Điện tử của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Học thuyết tương đối và Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền

Jack Donnelly

Jack Donnelly là giáo sư của Chương trình Andrew Mellon tại trường Joseph Korbel về Quốc tế học thuộc Đại học Denver. Là tác giả của 3 cuốn sách và hơn 60 bài báo cùng với các chương sách chuyên khảo về lý thuyết và thực tiễn nhân quyền, trong đó có Lý thuyết và thực tiễn nhân quyền toàn cầu (tái bản lần thứ nhất, 2003), Donnelly được biết đến nhiều nhất bởi những nghiên cứu của ông về khái niệm nhân quyền, thuyết tương đối trong văn hóa, phát triển và nhân quyền, các thể chế nhân quyền quốc tế, nhân quyền và chính sách đối ngoại. Ông đã nghiên cứu và giảng dạy nhiều nơi ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Các tác phẩm của ông cũng đã được dịch ra 10 thứ tiếng trên thế giới.


Bài viết này kỷ niệm 60 năm ngày Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền ra đời. Tuyên bố Viên và Chương trình hành động của Hội nghị thế giới về nhân quyền năm 1993 đã có lời tuyên bố cho rằng “tính chất toàn cầu của quyền tự do và nhân quyền đang là vấn đề đương nhiên, không cần phải bàn cãi”. Nhưng đâu là ý nghĩa xác thực nhất khi nói rằng nhân quyền có tính “toàn cầu”?

Sáu hiệp ước quốc tế quan trọng nhất về nhân quyền (về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; các quyền công dân và quyền chính trị; quyền không bị phân biệt đối xử về nguồn gốc; quyền không bị phân biệt đối xử của phụ nữ; quyền không bị tra tấn; và quyền trẻ em) đều đã được thông qua và hiện đang được chấp nhận vô điều kiện bởi một khối liên kết bao gồm hơn 85% các quốc gia trên thế giới. Tuy thực tế thường không được như mong đợi nhưng hầu hết các quốc gia ở khắp nơi trên thế giới đều đã nhận thức được nghĩa vụ phải tôn trọng nhân quyền của các công dân trên đất nước họ – dù đôi khi những nước này vẫn chưa thực hiện được những điều mà họ đã cam kết.

Cũng có một sự nhất trí đan xen khá rõ giữa các nền văn hóa đối với vấn đề nhân quyền. Gandhi đã góp phần đưa các giá trị của đạo Hinđu vào việc bảo vệ nhân quyền, làm đảo ngược truyền thống phân biệt đẳng cấp trong xã hội, vốn là nguồn gốc của thái độ phân biệt đối xử giữa các nhóm người. Các học giả và các nhà hoạt động xã hội theo đạo Hồi thuộc các nhóm quan điểm chính trị khác nhau đã mất nhiều thập kỷ để công nhận nhân quyền là một cách diễn giải đương đại về những giá trị chính trị và xã hội của tôn giáo mà họ theo đuổi. Các học giả ở Trung Quốc và Hàn Quốc đã bắt đầu khai thác những nền tảng của đạo Khổng công nhận quốc tế về nhân quyền. Các triết học gia phương Tây đã từng có lúc tỏ ra thù địch với nhân quyền, ví dụ như những người theo thuyết vị lợi, nay đã bày tỏ quan điểm ủng hộ của họ đối với nhân quyền. Từ những người theo chủ nghĩa xã hội đến những người theo chủ nghĩa tự do, từ những người theo thuyết vô thần đến những người theo đạo Cơ Đốc, từ những người Do Thái đến những tín đồ đạo Phật, và những người từ nhiều, rất nhiều truyền thống văn hóa khác – dù với những xuất phát điểm khác nhau – nhưng đều quy về một điểm là ủng hộ những quyền đã được nêu trong Tuyên ngôn thế giới. Một nhóm ít người bác bỏ tính bình đẳng và tính toàn cầu của nhân quyền – ví dụ như những nhóm cuồng tín theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa tôn giáo chính thống ở khắp nơi trên thế giới – hầu hết đều bị khinh ghét bởi đa số công dân là đồng bào của họ.

Tại sao nhân quyền lại có tính toàn cầu?

Nhân quyền được dựa trên cam kết về tính bình đẳng và quyền tự chủ cho phép thực hiện, thậm chí thúc đẩy nhiều hướng để đạt được các nhân quyền trên toàn thế giới. Nhưng giống như tất cả các con đường trong các nước ở vùng Địa Trung Hải đều từng dẫn đến thành Rome, ngày nay, mọi nền văn hóa lớn trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa của chúng ta đều tự tìm thấy con đường riêng dẫn đến Tuyên ngôn Thế giới. Ngày nay, nhân quyền có tính toàn cầu vì người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có cơ hội tự do lựa chọn, đã lựa chọn và còn tiếp tục lựa chọn nhân quyền.

Những lựa chọn ấy không phải ngẫu nhiên và cũng không phải theo phong trào, về cơ bản cũng không phải là cách để diễn đạt quyền bá chủ. Các nhân quyền được quốc tế công nhận tự nó đã được minh chứng trong thực tế là cơ chế tốt nhất mà con người đặt ra để bảo vệ con người chống lại những chuẩn mực đe dọa nhân phẩm do các nhà nước và thị trường hiện đại đặt ra. Nhân quyền – ý tưởng rằng mỗi cá nhân, chỉ đơn giản vì họ là con người, đều có những quyền như nhau và không thể bị xâm phạm nhằm chống lại nhà nước và xã hội – nảy sinh lần đầu tiên ở các nước phương Tây hiện đại, khi mà cá nhân, gia đình và cộng đồng đã phải chịu nhiều đau khổ dưới quyền lực ngày càng tăng của các nhà nước quan liêu, đồng thời bị mất địa vị và bị xâm phạm phẩm giá bởi những thị trường không được điều tiết. Một danh sách cốt lõi về các nhân quyền đã dần được hình thành thông qua sự đụng độ lịch sử giữa nhà nước và thị trường. Với sự gia tăng của các nhà nước tự chủ trên khắp thế giới, đặc biệt là sau giai đoạn giải phóng thuộc địa, và vì các thị trường toàn cầu đã ngày càng được mở rộng và trở nên tùy thuộc lẫn nhau nên người dân ở các vùng khác nhau trên thế giới đều có nhận thức đầy đủ hơn về những mối đe dọa đối với lợi ích và nhân phẩm của họ. Họ đều đã lựa chọn sự bảo vệ của nhân quyền.

Ở các nước phương Tây, những nguyên tắc khác của chính phủ cũng đã được thử nghiệm, hầu hết các chế độ chuyên chế đều có vẻ như đã cam kết thúc đẩy phát triển đất nước. Tuy nhiên, những nguyên tắc thay thế này dường như đã thất bại ở khắp mọi nơi, để lại những hậu quả bi thảm, thậm chí kinh hoàng đối với sự an toàn, quyền lợi và nhân phẩm của những công dân bình dị. Sự ủng hộ ngày càng lớn trên khắp thế giới đương đại đối với nhân quyền đã phản ánh thất bại của những nguyên tắc thay thế chủ đạo khác nhằm bảo vệ con người chống lại sự đe dọa có tính toàn cầu. Cho đến khi chúng ta tìm ra những cơ chế tốt hơn để điều tiết đời sống chính trị của chúng ta và để phân phối một cách công bằng những thành quả của thị trường mang lại thì toàn thể thế giới vẫn cần đến nhân quyền.

Tuy nhiên, tính toàn cầu của những quyền con người được quốc tế công nhận hiện vẫn chưa được thực thi và cưỡng chế thực thi. Luật quốc tế đã xây dựng một hệ thống thực thi nhân quyền quốc tế của các quốc gia. Các quốc gia có quyền tự chủ về lãnh thổ đã cho phép một hệ thống giám sát quốc tế chính thức và phi chính thức đối với việc thực thi nhân quyền ở nước họ, nhưng vẫn duy trì quyền tự chủ trong việc thực thi nhân quyền ở một mức độ mà họ cho là thích hợp. (Sự can thiệp quân sự về nhân quyền chống lại chế độ diệt chủng được coi là một ngoại lệ mong manh minh chứng cho nguyên tắc này). Chúng ta đã có nhân quyền trên toàn thế giới chỉ đơn giản vì chúng ta là con người. Chúng ta được hưởng nhân quyền với tư cách là công dân hoặc với tư cách là người nước ngoài thường trú tại các quốc gia. Thực tiễn thực thi nhân quyền, vì thế, có liên quan mật thiết đến nơi chốn mà một người may mắn hay không may mắn đang sống.

Thực thi nhân quyền: nguyên tắc chỉ đạo và chi tiết thực hiện

Tuyên ngôn thế giới đã đưa ra các định hướng thực thi nhất định. Ví dụ như điều 3 đã quy định “Mọi người đều có quyền sống, quyền được tự do và quyền không bị xâm hại”. Những định hướng khái quát này đòi hỏi phải được diễn giải và được thực thi, cho phép sự khác biệt tương đối lớn giữa các địa phương, các khu vực và các nền văn hóa. Nhân quyền trên toàn thế giới không phải là một hướng dẫn nấu ăn hay một công thức toán học. Nó tùy thuộc vào nơi chốn, vào các quan điểm chỉ đạo nhưng việc thực thi chi tiết trên thực tế thì lại tùy thuộc vào hoàn cảnh địa phương và các tranh cãi chính trị – mặc dù cũng cần phải nhấn mạnh rằng những cuộc tranh luận trong nội bộ mỗi nước vẫn phải phù hợp với các thoả ước quốc tế đã cam kết trong các bộ luật về nhân quyền.

Vậy cái gì khiến cho “các giá trị châu Á”, “các giá trị châu Phi” hay “các giá trị Hồi giáo” về căn bản trở nên khác biệt? Sau hơn 25 năm nghiên cứu, giảng dạy và thuyết trình, tôi đã tìm thấy những thực tiễn chứng minh cho tính khái quát của Tuyên ngôn thế giới. Khi câu hỏi về văn hóa được đặt ra vào lúc tôi đang giảng dạy hoặc diễn thuyết tại nhiều nơi trên thế giới, tôi hỏi cử tọa về bốn quyền trong Tuyên ngôn thế giới mà nền văn hóa của họ đã bác bỏ. Tôi chưa bao giờ thấy một cử tọa nào thực sự phản đối một cách nghiêm túc nhiều hơn 3 điều nêu trong bản Tuyên ngôn này.

Ví dụ như, nhiều nền văn hóa truyền thống đã phản đối với các mức độ khác nhau những quy định trong điều 16 cho rằng đàn ông và phụ nữ có quyền như nhau khi kết hôn, trong cuộc sống gia đình và khi li dị. Quy định này là khoản thứ hai trong Điều 16, được bắt đầu như sau: “Đàn ông và phụ nữ khi đã đến tuổi trưởng thành đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình”. Không còn quy định nào có tính toàn cầu hơn so với quy định này trong bản Tuyên ngôn thế giới. Và sự phản bác đối với quy định này cũng được coi là ít ỏi.

Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền còn chịu nhiều phản bác hơn đối với các quy định chi tiết của nó. Liệu lời nói khiêu dâm có phải là vi phạm nhân quyền? Hình phạt tử hình có vi phạm quyền được sống? Ngụ ý chính xác của điều 25 là gì, bất kể trình độ phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, trong đó cho rằng “tất cả mọi người và gia đình của họ đều có quyền được sống mạnh khoẻ và sung túc”? Tuy nhiên, về cơ bản, vẫn có một vài quan điểm phản đối tuyên ngôn này. Ai là người thực sự tin rằng nền văn hóa của họ cho phép chính phủ thực hiện các hành vi tra tấn, cưỡng bức tôn giáo hoặc khiến con cái của họ phải chết do thiếu đói hoặc do những dịch vụ chăm sóc y tế quá nghèo nàn? Ít nhất là tôi chưa từng gặp những người này. Chúng ta không được phép nhầm lẫn giữa những gì mà người dân bị cưỡng bức phải chịu đựng với những gì mà họ đánh giá cao và khao khát đạt tới. Mặc dù nhiều người đã và tiếp tục còn bị ép buộc phải chấp nhận hàng loạt những vi phạm nhân quyền đã được quốc tế công nhận, song chỉ rất ít người coi chúng là đúng đắn, chính xác và xứng đáng.

Ngay cả ở những nơi chống lại với ý tốt sự khác biệt căn bản về văn hóa (chứ không phải là những nỗ lực giả tạo nhằm khẳng định tính độc tôn), thì những luận cứ này cũng đã bỏ qua tính mềm dẻo của các nền văn hóa nhân loại – vốn luôn có tính đa sắc, luôn biến đổi và có thể gây tranh cãi. Hãy nhìn vào các nước phương Tây, nơi mà lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã chứng kiến sự ra đời của những ý tưởng lớn về nhân quyền vào giữa và cuối thể kỷ 17. Các nước phương Tây trước đó nhiều thế kỷ đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo có tính hủy diệt diễn ra trong nội bộ mỗi nước và giữa các quốc gia với nhau. Sự khai thác của họ đã tàn phá những dân tộc bản địa ở châu Mỹ và đã dẫn đến việc thành lập các cơ sở khai thác ở châu Á và châu Phi, sau này càng trở nên nhiều hơn dưới sự hung tàn của chủ nghĩa đế quốc vào thế kỷ 19. Tại chính quốc, quyền lực tuyệt đối của nhà vua đã lấy đi của đa số thần dân (chứ không phải công dân) của mình, thậm chí của cả những người thấp kém nhất. Và nhiều thế kỷ sau đó, các nước phương Tây vẫn cấm phụ nữ, các dân tộc ít người, các cộng đồng tôn giáo thiểu số và những người nghèo được hưởng những quyền căn bản nhất. Thế nhưng nếu nhìn vào các nước phương Tây vào giữa thế kỷ 17 thì không ai không công nhận rằng những nền tảng văn hóa của nhân quyền đã bắt đầu được xây dựng. Từ thời điểm đó, các nước phương Tây đã trở thành thế giới của những quốc gia dân chủ, tự do, thịnh vượng và bảo vệ nhân quyền.

Nếu một châu Âu mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, không có lòng khoan dung tôn giáo, chủ nghĩa đế quốc và sự thống trị của tầng lớp quý tộc với những quy tắc tàn bạo về phân biệt giai tầng đã có thể thay đổi đến như vậy thì khó có thể tưởng tượng ra bất kỳ một xã hội nào lại thiếu các nguồn lực văn hóa nội tại để có những thay đổi tương tự. Và sự thay đổi như vậy cũng không cần phải kéo dài qua nhiều thế hệ hoặc qua nhiều thế kỷ. Tại hầu hết mọi nơi ở châu Âu, điều này đã xảy ra ngay trong thế kỷ trước, ở hầu hết các nước, sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai; tại nhiều quốc gia, thậm chí điều này còn xảy ra gần đây hơn. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi tại tất cả các khu vực trên thế giới, chúng ta đã có những bước tiến được chứng thực, ấn tượng và thậm chí gây xúc động sâu sắc về các chính phủ và các xã hội vì con người và bảo vệ nhân quyền. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi những thay đổi này nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của hầu hết các triết lý, các tôn giáo và các truyền thống văn hóa lớn nhất trên thế giới.

Vượt qua sự khác biệt

Các nền văn hóa đều rất linh động và mềm dẻo. Mặc dù những giá trị cốt lõi đều có xu hướng tồn tại mãi theo thời gian, xong những giá trị này, giống như ví dụ minh họa về các nước phương Tây, có thể dễ dàng hợp nhất với nhiều thực tiễn xã hội khác nhau: chủ nghĩa phân biệt với quyền bình đẳng, chủ nghĩa đế quốc với quyền tự trị. Hầu như mọi nền văn hóa đều có những thực tiễn mà ngày nay chúng ta coi là sự vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng và có hệ thống. Nhưng chỉ điều đó sẽ không khiến người châu Âu ngừng thích ứng với những hoàn cảnh mới với những thực tiễn mới về nhân quyền; không thể khiến các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Inđônêxia, các nước châu Phi như Nam Phi, Nigeria, Kenya và hầu hết các nước châu Mỹ La-tinh có những hành động vượt qua thách thức mà họ phải đối mặt trong nhiều thập kỷ gần đây trong việc ủng hộ những quyền đã được nêu trong Tuyên ngôn thế giới.

Không có nhân quyền nào đòi hỏi các quốc gia phải đánh mất nền văn hóa bản địa – không thể nhiều hơn những gì mà các nước phương Tây đã phải từ bỏ trong nền văn hóa của họ trong quá trình tự chuyển đổi từ một thực thể vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trên thế giới thành một tấm gương sáng chói về bảo vệ nhân quyền. Không có dân tộc nào mất đi di sản văn hóa của họ chỉ vì tôn trọng nhân quyền. Người dân Canada ngày nay không ít chất Canada hơn chỉ vì họ thực hiện nhân quyền; người Mêhicô cũng sẽ không ít chất Mêhicô hơn. Trái lại, họ tự coi mình đã gần gũi hơn với các giá trị văn hóa sâu sắc nhất vì họ đã học hỏi và đấu tranh để biết cách diễn đạt những giá trị ấy trong thực tiễn về nhân quyền.

Quả thực có những sự khác biệt lớn trong thế giới đương đại về văn hóa, trình độ phát triển kinh tế, hệ thống chính trị và kinh nghiệm lịch sử. Tuy nhiên, bài học của 60 năm qua cho thấy những khác biệt này, dù chúng có nghĩa là gì đi nữa trong quá khứ, thì ngày nay, chúng không còn gắn liền với sự đối nghịch với những nhân quyền được quốc tế công nhận. Ngược lại, như chúng ta đã thấy ở hết quốc gia này đến quốc gia khác, ở châu Mỹ La-tinh, châu Phi, châu Á và châu Âu, khi người dân, sau khi đã phải chịu đựng nền cai trị áp bức trong nhiều thập kỷ hoặc hàng thế kỷ, đã được trao quyền lựa chọn, và hầu hết đều đã lựa chọn nhân quyền, đồng thời coi sự lựa chọn ấy như một cách biểu đạt những giá trị địa phương sâu sắc nhất của họ.

Các quan điểm được nêu trong bài báo này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.