Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Các vấn đề toàn cầu

Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền

tháng 11/2008

Tạp chí Điện tử của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Eleanor Roosevelt: Tiểu sử sơ lược

Trong suốt cuộc đời mình, bà Eleanor Roosevelt đóng nhiều vai trò quan trọng, nhưng bà cho rằng thời gian bà làm việc cho Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc là công việc quan trọng nhất trong đời.

Là một người dân gốc ở New York, Roosevelt sinh năm 1884 trong một đình có truyền thống giữ vị trí quan trọng trong chính phủ. Cả hai bố mẹ bà đều qua đời khi bà chưa lên 10, và bà được họ hàng nuôi nấng.

Nhận thấy cuộc sống xã hội quá ngột ngạt, bà đã dạy “khiêu vũ thể thao và thể dục mềm dẻo” trong một khu định cư Manhattan ở Thành phố New York. Khu định cư này là một hình thức cải cách xã hội mới cho những người cung cấp các dịch vụ cho người nghèo ở các khu đô thị có thể sống và làm việc trực tiếp với họ ngay tại đây. Bà đã cưới một người anh họ xa, Franklin Delano Roosevelt, một ngôi sao chính trị đang lên, vào năm 1905. Hai ông bà có 6 người con.

Quay trở lại làm công tác tình nguyện sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ nhất nổ ra, Eleanor Roosevelt đã tới thăm các thương binh và làm việc tại một căng-tin của hội Chữ Thập Đỏ. Sau này bà nói “Cảm giác khi mình là người có ích có lẽ là niềm vui sướng nhất mà tôi từng có”.

Năm 1920, Franklin bị liệt do đột quỵ, tai nạn này khiến ông phải ngồi trên xe lăn và trong một thời gian ngắn, nó dường như đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông. Eleanor bị giằng xé giữa việc tiếp tục theo đuổi đam mê làm công tác tình nguyện và ở lại giúp chồng duy trì vị thế chính trị của ông. Bà là phát ngôn viên và làm việc cho Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hiệp hội Người tiêu dùng quốc gia. Làm việc cho văn phòng luật pháp của Hiệp hội Cử tri nữ, bà thường xuyên đọc Biên bản họp quốc hội. Đồng thời bà vẫn chăm sóc chồng khỏe mạnh trở lại. Franklin Roosevelt tiếp tục quay lại với sự nghiệp chính trị của ông và thắng cử, trở thành Thống đốc bang New York năm 1928, hồi đó là bang quan trọng nhất về chính trị và dân sự của Hoa Kỳ. Sau đó, năm 1932 - đúng vào đỉnh điểm của cuộc Đại suy thoái - Franklin Roosevelt đắc cử và trở thành Tổng thống của Hoa Kỳ.

Hiến pháp của Hoa Kỳ không thiết lập bất kỳ một vai trò gì cho "đệ nhất phu nhân" của nước này. Nhiều phu nhân tổng thống chỉ có vai trò về mặt nghi thức mà thôi. Nhưng bà Eleanor Roosevelt đã tự khắc họa bản thân bà với vai trò của một cố vấn chính trị đầy uy tín. Bà là một nhà hoạt động tích cực cho các quyền của phụ nữ, người nghèo và các dân tộc thiểu số. Bà trở thành tai, mắt của Tổng thống Franklin, đi khắp đất nước và báo cáo lại cho chồng những phát hiện, đặc biệt là sự phân biệt chủng tộc ở miền Nam. Bà thường tích cực vận động Tổng thống thay đổi chính sách dựa trên những gì bà quan sát được. Nhà sử học chuyên nghiên cứu về các nhiệm kỳ tổng thống Doris Kearns Goodwin viết về bà Eleanor như sau: “Viện dẫn các con số thống kê để làm bằng chứng cho câu chuyện của mình, bà sẵn sàng xen ngang vào việc của chồng vào bất cứ lúc nào, xen vào chuyện công việc giữa lúc ông đang nhâm nhi ly cốc-tai và chỉ muốn nghỉ ngơi thư giãn, kiểm tra chéo thông tin với ông khi ăn tối, đưa những thông tin cần lưu ý để ông đọc lúc đã khuya”. Và việc bà làm rất có hiệu quả. Tổng thống Franklin Roosevelt đã ký một loạt các sắc lệnh nghiêm cấm phân biệt đối xử trong việc quản lý hành chính các dự án giải ngân kinh tế của chính phủ.

Trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, bà Eleanor Roosevelt đã đến thăm Anh và Nam Thái Bình Dương để khích lệ các quân nhân Hoa Kỳ và duy trì quan hệ khăng khít với các nước đồng minh. Khi chồng bà mất vào tháng 4 năm 1945, bà rời khỏi Nhà Trắng nhưng vấn tiếp tục các hoạt động của mình. Cuối năm 1945, Tổng thống mới của Hoa Kỳ, Harry S. Truman, đã gọi bà Eleanor là “Đệ nhất phu nhân của thế giới”, và cử bà làm đại diện của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc.

Bà Roosevelt giữ cương vị chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm đệ trình các đề án, khuyến nghị và báo cáo về các tuyên ngôn về quyền tự do dân sự, địa vị của phụ nữ, tự do thông tin, ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, chương trình nghị sự đầu tiên và trước nhất là việc soạn thảo ra một bộ luật quốc tế về các quyền.

Đảm bảo được điều này là một chiến công chẳng dễ dàng chút nào. Quá trình phức tạp giữa chính trị và các cuộc tranh cãi triết lý thật sự rất gay go trong bối cảnh quốc tế - tất cả mọi người đều muốn tôn trọng tính trung lập của văn kiện trong khi nói ra những mong muốn của mình về nhân quyền. Nhưng bà Roosevelt không hề bối rối. Bà nói: “Chúng ta phải tạo nên lịch sử của chính chúng ta. Người thông minh là người phải có hy vọng, và phải thử thực hiện hy vọng đó. Nếu chúng ta nói rằng điều đó không thể thực hiện được thì chúng ta sẽ không bao giờ thành công”.
Mọi người trên toàn thế giới bắt đầu tới tấp gửi thư khiếu nại cụ thể về những vụ xâm phạm nhân quyền tới ủy ban, đặc biệt là cho bà Roosevelt đề nghị được giúp đỡ. Điều đó tạo thêm sức ép về mặt công việc cho ủy ban. Bà Roosevelt yêu cầu nhóm làm việc thật khẩn trương, đôi khi làm việc tới tận khuya. Các đại biểu hiểu rằng bà làm việc rất chăm chỉ và mong rằng mọi người khác cũng làm như vậy.

Tháng 12/1947, Ủy ban Nhân quyền hoàn tất bản dự thảo tuyên ngôn về nhân quyền. Nhưng để Ủy ban thứ ba của Liên Hợp Quốc (phụ trách về văn hóa, nhân đạo và xã hội) thông qua bản dự thảo này là một việc khó. Hồi ký của bà Roosevelt có đoạn viết: “Chúng tôi đã làm việc liên tục trong suốt hai tháng trời, thường là đến tận khuya, tranh luận rất kỹ về từng từ trong bản dự thảo Tuyên ngôn để Ủy ban thứ 3 có thể thông qua và chuyển tiếp lên cho Đại hội đồng”.

Tháng 12/1948, chỉ còn vỏn vẹn một tuần trước khi bế mạc hội nghị thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, các đại biểu vẫn còn tranh luận kịch liệt và sửa đi sửa lại bản dự thảo. Cuối cùng, vào ngày 9 tháng 12 bà Eleanor Roosevelt đã đứng ra trước Đại hội đồng, nói rằng “chúng ta có mặt ở đây ngày hôm nay ngay trước ngưỡng cửa bước sang một trang mới, vĩ đại trong lịch sử của Liên Hợp Quốc và trong lịch sử của nhân loại”. Và chỉ còn ít phút trước nửa đêm ngày 10 tháng 12, Chủ tịch Đại hội đồng người Úc Herb Evatt đã kêu gọi bỏ phiếu thông qua. 48 nước thành viên bỏ phiếu thuận, 8 nước bỏ phiếu trắng (2 nước vắng mặt và không bỏ phiếu và cũng không phản đối). Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền đã được thông qua. Bà Eleanor Roosevelt nhận được sự hoan hô của Đại hội đồng.

Bà Eleanor Roosevelt rời khỏi Liên Hợp Quốc năm 1951, nhưng bà vẫn tiếp tục viết sách và giảng bài và luôn ủng hộ các nhà chính trị của Đảng Dân chủ cho đến khi bà qua đời năm 1962.

 -- Meghan Loftus