Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Các vấn đề toàn cầu

Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền

tháng 11/2008

Tạp chí Điện tử của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Giới thiệu

Sáu mươi năm trước, do hậu quả của cuộc xung đột vũ trang khủng khiếp nhất mà nhân loại đã từng chứng kiến, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ngay trong lúc mọi người dân tiếp tục thu dọn các chiến trường, đếm con số tử vong, và xây dựng lại các thành phố, đại diện của họ đã nhóm họp tại Liên Hợp Quốc tại New York để tạo ra một công trình của sự lạc quan và hy vọng, công trình mà một vài người đã gọi là thành tựu vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Bản tuyên ngôn mở đầu: “Chúng ta, các quốc gia thuộc Liên Hợp Quốc đã quyết tâm khẳng định niềm tin của mình vào những quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm,và giá trị của mỗi người, vào quyền bình đẳng nam nữ và quyền bình đẳng của các quốc gia dù lớn hay nhỏ…”.

Số báo này kỷ niệm lần thứ 60 Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền bằng việc giải thích sự ra đời của Bản tuyên ngôn này, vì sao Bản tuyên ngôn này lại trở thành di sản tri thức vượt qua mọi ranh giới chính trị – luôn luôn được hoàn thiện – và làm cho cuộc sống của con người trên toàn thế giới được tốt hơn.

Sáu bài viết cùng khai thác chủ đề này. Trong một bài nghiên cứu sâu, Claude Welch tìm hiểu lý do tại sao Tuyên ngôn thế giới này quan trọng, nội dung của nó là gì và những kết quả nó mang lại. Paul Gordon Lauren lại giải thích về những rào cản lớn về mặt chính trị trong việc kêu gọi cam kết thực thi Tuyên ngôn này trên thực tế. Susan Waltz tìm hiểu cách thức sử dụng ngôn ngữ trong Tuyên ngôn. Kiến thức sâu rộng của bà chứng minh rằng văn kiện này không hề bị áp đặt bởi một cường quốc nào mà là kết quả đóng góp của nhiều quốc gia.

Hai bài viết tiếp theo đánh giá Tuyên ngôn này là một tác phẩm giàu truyền thống tri thức và lịch sử. Lynn Hunt tìm hiểu về sự ra đời của các quyền con người và quá trình hoàn thiện các văn kiện nhằm nâng cao hiểu biết mới về nhân quyền cho mỗi người. Jack Donnelly đề cập đến những cáo buộc rằng nhân quyền chỉ là một sự áp đặt của các đế quốc, các nước giàu hoặc các nước phương Tây. Ông cho là mặc dù có những sự khác biệt về chi tiết nhưng có sự nhất trí rộng rãi của nhiều nền văn hóa chấp nhận tính toàn cầu của các quan niệm về nhân quyền chủ yếu.

Số báo này cũng giới thiệu tiểu sử sơ lược của những nhân vật chính tham gia dự thảo bản Tuyên ngôn này. Sự đa dạng của họ đã phản ánh thành tựu có ý nghĩa nhất của bản Tuyên ngôn: Các nguyên tắc thực sự mang tính toàn cầu, là di sản chung của mọi người dân trên toàn thế giới.

— Ban biên tập

Một nhóm phụ nữ Nhật Bản cùng đọc Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc