Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

TỰ DO TÍN NGƯỠNG

Các nhóm tôn giáo thiểu số ở Hoa Kỳ, Tạp chí điện tử, tháng 8 năm 2008

Nguyên tắc về tự do tôn giáo là một quyền lợi quý báu được tôn trọng từ rất lâu tại Hoa Kỳ, và nguyên tắc này có gốc rễ lịch sử lâu hơn cả lịch sử hình thành nên nước Mỹ. Trong thế kỷ XXI, nước Mỹ vẫn tiếp tục chuyển mình trong một môi trường văn hóa độc nhất vô nhị được tạo ra bởi làn sóng nhập cư, tạo điều kiện cho nhiều loại hình tín ngưỡng tôn giáo sinh sôi nảy nở trong nhiều cộng đồng khác nhau. Loạt bài xã luận này của Tạp chí Điện tử Hoa Kỳ phân tích xem nước Mỹ đã thích nghi với những thay đổi nhân khẩu này như thế nào trong khi vẫn bảo vệ được các nguyên tắc về tự do tôn giáo.

Về số báo này

“Quốc hội không được ban hành những bộ luật ủng hộ hoặc ngăn cấm quyền tự do thực hiện các hành vi tôn giáo”.

Năm 1791, Quốc hội khóa một của Hoa Kỳ đã thêm Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất vào Hiến pháp Hoa Kỳ như một phần của Tuyên ngôn Nhân quyền, khi mà những ký ức về cuộc Chiến tranh giành độc lập vẫn còn tươi mới. Nhưng thực ra khái niệm về tự do tôn giáo thậm chí đã tồn tại từ trước khi nước Mỹ ra đời.

Hơn một thế kỷ trước, vào năm 1657, công dân ở vùng Flushing, New York - một thuộc địa của Hà Lan - đã đấu tranh phản đối sự ngược đãi của thống đốc bang đối với người Quaker thuộc phái hữu, vị thống đốc này đã ban lệnh cấm mọi tín ngưỡng tôn giáo trừ chính tôn giáo của ông ta. Những người phản đối đã viết tất cả nỗi bất bình của họ vào một tờ giấy trong tài liệu có tên là Bản Phản đối của người vùng Flushing. Một số người đã bị bỏ tù vì thái độ phản kháng của họ, và phải mất nhiều năm trước khi quyền tự do tôn giáo đến được thị trấn này.

Ngày nay, ở Flushing, bang New York, hơn 200 địa điểm tôn giáo đã được xây dựng và hoạt động chỉ trong phạm vi vài kilômét vuông. Những công dân dũng cảm vào thế kỷ XVII trên vùng đất thuộc địa này đã được người ta nhớ đến như những người Mỹ đầu tiên đứng lên đòi quyền tự do tôn giáo dành cho hơn 300 triệu người Mỹ ở thế kỷ XXI.

Các tín đồ của nhà thờ, đền đài, thánh đường Do Thái, nhà thờ Hồi giáo và hàng nghìn địa điểm khác để cầu nguyện trên khắp đất nước, dù đó là của những giáo phái lớn hay nhỏ, đều có quyền được thực hiện những nghi lễ tôn giáo mà họ được phép lựa chọn và được bảo vệ bởi Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp. Quyền tự do tôn giáo này lâu nay đã được công nhận rộng rãi và trở thành nền tảng của xã hội Hoa Kỳ. Những thành viên khác của xã hội này - những thành viên không lựa chọn đi theo bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào - cũng được bảo vệ tương tự như vậy.

Nhưng đôi khi, ở một quốc gia đa dạng như nước Mỹ thì các cá nhân và các thể chế vẫn có lúc xung đột nhau, và phạm vi của quyền tự do tôn giáo cần phải được định nghĩa lại. Khi điều này xảy ra, người dân Mỹ thường trông chờ vào hệ thống tòa án và tìm cách điều chỉnh nó. Khi đó, tòa án, thậm chí cả Tòa án Tối cao cũng sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ hợp hiến của mình để quyết định xem những nguyên tắc căn bản như quyền tự do tôn giáo được thực hiện như thế nào là tốt nhất khi mà dân số Hoa Kỳ đã tăng lên gấp 100 lần so với thời điểm Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp được viết.

Những phán quyết này của tòa án đã ảnh hưởng tới các hoạt động thường ngày ở trường học, bệnh viện, công sở và những nơi chốn công cộng khác. Sự tôn trọng và lòng bao dung đối với nhiều tín ngưỡng đang được kiểm chứng vì những cá nhân không hoàn hảo cần phải cố gắng tuân theo điều thường được coi là một nguyên tắc không thể xâm phạm ở Hoa Kỳ.

Ngày nay, nước Mỹ ngày một lớn mạnh hơn với sức sống của làn sóng người nhập cư mới và môi trường văn hóa độc nhất. Trong giai đoạn này, nguyên tắc tự do tôn giáo sẽ phải đối mặt với những kiểm chứng mới, nhưng các chuyên gia nổi tiếng tham gia thảo luận trong số báo này lại luôn tin tưởng rằng các cộng đồng tôn giáo thiểu số trong thế kỷ XXI và trong tương lai vẫn sẽ được bảo vệ như trong cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ vào thế kỷ XVIII đối với quyền tự do tín ngưỡng.

Ban biên tập