Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

TỰ DO TÍN NGƯỠNG

Các nhóm tôn giáo thiểu số ở Hoa Kỳ, Tạp chí điện tử, tháng 8 năm 2008

Phong trào liên tôn giáo

Gustav Niebuhr

Hơn một thế kỷ qua, một số nhóm người Mỹ đã cố gắng tiếp cận với các nhóm tôn giáo khác với hy vọng có thể tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tinh thần hợp tác trong cộng đồng của họ.

Gustav Niebuhr là tác giả cuốn sách Vượt trên tinh thần khoan dung: Tìm đến sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tín ngưỡng ở Hoa Kỳ. Ông cũng là Phó Giáo sư về tôn giáo tại Đại học Syracuse, New York.


Năm 1991, giáo sĩ Do Thái trong một giáo đoàn ở ngoại ô New York tại Long Island đã đã nêu một câu hỏi với một trong các nhà lãnh đạo ngoài giáo hội: Liệu có nhóm người Hồi giáo nào ở gần đây muốn làm quen với các thành viên trong giáo đoàn để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo hay không? Đối với Rabbi Jerome Davidson, một lãnh tụ tinh thần ở giáo đường Beth-El ở quận Nassau, New York, đó không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Trong nhiều năm qua, ông đã thực hiện nhiệm vụ mời các nhân vật nổi tiếng không thuộc đạo Do Thái - Tin Lành, Cơ Đốc giáo và đôi khi có cả tín đồ đạo Hồi người Mỹ - tới để diễn thuyết tại giáo đoàn toàn quốc của ông. Nhưng ông cho rằng chưa có những sáng kiến như vậy tại địa phương. “Điều quan trọng là phải thử nghiệm các sáng kiến như vậy”.

Việc làm đó đòi hỏi phải có thời gian, nhưng chỉ trong một năm, một số thành viên chủ chốt của giáo đường Beth-El đã đồng ý trao đổi với các đồng nghiệp thuộc Hiệp hội Hồi giáo Long Island, một nhà thờ Hồi giáo cách đó vài dặm. Họ đã bắt đầu với những bước khiêm tốn, chia sẻ thông tin về những ảnh hưởng to lớn của các tín ngưỡng của họ với những thời khắc quan trọng trong cuộc đời (Bạn làm gì khi một đứa trẻ chào đời? Bạn tổ chức đám cưới như thế nào?), sau đó tiếp tục thảo luận về giáo lý trong kinh thánh của họ. Khi họ đã thực sự hiểu nhau, các tín đồ Do Thái giáo và Hồi giáo đã so sánh sự khác biệt của họ về Trung Đông - “vấn đề phức tạp”, như Davidson đã mô tả các cuộc trao đổi. Khi tôi phỏng vấn ông để nghiên cứu viết một cuốn sách nói về quan hệ giữa các tôn giáo, thì các cuộc đối thoại như vậy đã diễn ra được 15 năm. Faroque Khan, một nhà vật lý hiện là người đứng đầu nhà thờ, đặt câu hỏi: “Liệu cuốn sách đó có tạo ra sự đổi thay hay không? Ở cấp độ toàn cầu, câu trả lời là không; nhưng ông nói thêm rằng: “nếu tôi có thể giúp hai cộng đồng hiểu nhau tốt hơn thì đối với tôi, như thế cũng đã là một thành tựu lớn rồi”.

Nếu đây là chuyện bất thường thì đó là vì những chuyện như vậy hiếm khi được báo chí chú ý đưa lên trang nhất. Trái lại, những vị trí như vậy dường như lại thường được dành cho các bản tin về xung đột, chứ không phải về tinh thần hợp tác, giữa các nhóm tôn giáo. Nhưng các cuộc gặp gỡ tại Long Island lại phù hợp với một xu thế đang nổi lên ở Hoa Kỳ hiện nay. Ngay cả khi sự khác biệt về tôn giáo thường gắn với bạo lực và căng thẳng được nêu trong các bản tin thì tinh thần hợp tác giữa những người Mỹ có truyền thống khác nhau vẫn ngày càng phát triển. Tinh thần đó thường được thể hiện dưới hình thức các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa thành viên của các giáo đoàn khác nhau để trao đổi chính thức hoặc chia sẻ kinh nghiệm về những dự án cộng đồng, ví dụ điều hành một nhà ăn cung cấp món cháo từ thiện hoặc chương trình xóa mù chữ cho trẻ em. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo Hartford tại Connecticut cho biết trong số các giáo đoàn được khảo sát - Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác - các nỗ lực hợp tác vì cộng đồng đã tăng hơn bốn lần trong giai đoạn 2000 và 2005.

Một quốc gia giàu tín ngưỡng

Hai thực tế có thể giúp lý giải xu hướng này. Trước hết, Hoa Kỳ là một quốc gia tôn giáo, được xác định thông qua cuộc điều tra dư luận trên toàn quốc. Người Mỹ đề cao các tín ngưỡng và nghi lễ tôn giáo cơ bản - một nét đặc thù trong đời sống dân tộc - trước đây cũng như ngày nay. Tháng 6/2008, Diễn đàn Pew về Tôn giáo và Đời sống cộng đồng phi lợi nhuận đã công bố kết quả một cuộc điều tra trên quy mô lớn, khảo sát trên 35.000 người, theo đó 92% người Mỹ cho rằng họ tin vào Chúa; 75% cho biết họ cầu nguyện ít nhất mỗi tuần một lần, nhiều người trong số họ cầu nguyện hàng ngày. Các kết quả đó cũng phù hợp với các cuộc điều tra đã công bố trước đây, theo đó cứ 10 người thì có trên 7 người tuyên bố tôn giáo có ý nghĩa “quan trọng” hoặc “hết sức quan trọng” trong cuộc sống của họ. Niềm tin cho rằng tín ngưỡng bản thân nó đã có giá trị to lớn đã có từ lâu trong lịch sử Hoa Kỳ. Tổng thống George Washington tuyên bố trong diễn văn kết thúc nhiệm kỳ của ông vào năm 1796 rằng người dân trong một chính thể cộng hòa có thể sẽ không thể tự làm chủ được đất nước và đầy đủ quyền tự do của họ nếu họ không có đức hạnh. Washington cho rằng, đức hạnh đó dựa trên tôn giáo và đạo lý. (Lẽ dĩ nhiên, ông không nêu cụ thể tôn giáo nào).

Thứ hai, xu thế hợp tác giữa các tôn giáo gắn liền với bước chuyển đổi dân số học tại Hoa Kỳ trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Tháng 10/1965, sau nhiều tuần tranh luận tại quốc hội, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã ký ban hành đạo luật cho phép đổi mới một cách nhanh chóng các văn bản quy phạm pháp luật về người nhập cư. Đạo luật mới đã mở rộng cánh cửa cho những người mới nhập cư từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh - dòng người nhập cư ồ ạt đã mở đường cho sự đa dạng tôn giáo tại Hoa Kỳ. Những công dân mới của Hoa Kỳ không chỉ bao gồm những người theo đạo Thiên Chúa và Do Thái - hai tôn giáo đã xuất hiện trên đất Mỹ ít nhất từ thế kỷ XVII - mà còn bao gồm cả cộng đồng Phật giáo, Hồi giáo, Jana, Hindu, Sikhs, Bái Hỏa và nhiều tôn giáo khác.

Trên thực tế, việc nhập cư như vậy có nghĩa là ở các thành phố lớn và khu vực ngoại ô, những người theo đạo Thiên Chúa, Do Thái, Hồi giáo, Hindu và Phật giáo đã kề vai sát cánh bên nhau ở công sở, các trường đại học và các khu dân cư. Ngày càng có nhiều người muốn những nhóm tôn giáo đó xích lại gần nhau hơn. Eboo Patel, một tín đồ Hồi giáo sinh ra tại Ấn Độ, di cư cùng gia đình đến miền Trung Tây trong thập niên 1970, sẵn sàng giúp phá vỡ những định kiến cũ trong các cuộc trao đổi và hoạt động mà các nhóm tôn giáo này có thể cùng tham gia. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Illinois và cao học tại Oxford, Patel đã thành lập lực lượng thanh niên liên tôn giáo, có trụ sở tại Chicago. Tổ chức này chủ yếu hoạt động tại các trường đại học, tập hợp sinh viên thuộc các tôn giáo khác nhau để gặp gỡ và thảo luận về tín ngưỡng của họ, đồng thời làm tình nguyện trong các dự án như sửa chữa nhà cho người nghèo và dọn dẹp vệ sinh cho các công viên của thành phố. Patel, hiện là giám đốc điều hành, cho rằng mục đích không phải là chuyển đổi tôn giáo của người này sang tôn giáo khác, mà là đề cao bản sắc tôn giáo của sinh viên, đồng thời cho phép họ tìm hiểu nguyên tắc xử thế truyền thống cùng có trong các tín ngưỡng của họ.

Lịch sử phong trào liên tôn giáo

Ý tưởng cơ bản về cuộc đối thoại đầy ý nghĩa giữa các cộng đồng tôn giáo thiểu số tại Chicago có lẽ bắt nguồn từ sự kiện lịch sử độc nhất vô nhị diễn ra ngày 11/9/1893. Một hội nghị đặc biệt đã được tổ chức vào ngày đó khi Chicago đăng cai Đại hội Tôn giáo Thế giới. Trên danh nghĩa Đại hội, các tín đồ Tin Lành tại địa phương đã tổ chức hội nghị tại Chicago với sự tham gia của đại diện đến từ 10 nhóm tín ngưỡng khác nhau để trình bày cụ thể về tín ngưỡng và việc hành đạo của họ. Hội nghị kéo dài hai tuần lễ đã làm xúc động trái tim của cả nước trước những so sánh công khai về tôn giáo. Hàng ngàn người đã tham dự, trong đó có các phóng viên đưa tin chi tiết từng phiên họp đến mọi miền của cả nước. Điều đặc biệt quan trọng là mối quan tâm dành cho các diễn giả không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo - một giáo viên Hindu mang tên Swami Vivekananda và một nhà sư mang tên Anagarika Dharmapala. Mỗi người đại diện cho một tôn giáo mà người Mỹ hầu như chưa biết hoặc chưa hiểu. Cả hai diễn giả đã gây xúc động cho đông đảo cử tọa tham dự hội nghị và cả các độc giả theo dõi tin tức trên báo về các phiên họp. Cả hai đại diện cho các tôn giáo từ Nam Á đều kêu gọi đối thoại và tôn trọng lẫn nhau giữa các tín ngưỡng trên thế giới.Phát biểu trong ngày đầu tiên của đại hội, Vivekananda đã gióng lên hồi chuông trong phiên khai mạc “tiễn đưa tất cả mọi tư tưởng cuồng tín cực đoan”. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta đều biết những hy vọng của ông vẫn chưa trở thành hiện thực suốt hơn một thế kỷ sau đó, nhưng những lời nói của ông vẫn còn nguyên giá trị.

Đại hội đã kết thúc mà không có thêm sự kiện nào sau đó để triển khai những ý tưởng đã được nêu ra. Mãi đến tận giữa thập niên 1990, mối quan tâm thúc đẩy cuộc đối thoại như vậy vẫn chưa thực sự nảy nở ở cả Hoa Kỳ và Anh Quốc. Lễ kỷ niệm 100 năm tổ chức Đại hội đó đã thu hút hàng ngàn người tới Chicago vào năm 1993, một lực lượng đông đảo đủ để thành lập một tổ chức chính thức để tiếp tục những sự kiện quốc tế như vậy. Hội đồng Đại hội các tôn giáo quốc tế (CPWR) đã tổ chức các cuộc họp vào năm 1999 tại Cape Town, Nam Phi; vào năm 2004 tại Barcelona, Tây Ban Nha; và dự kiến tại Australia vào năm 2009.

Đối với nhiều người Mỹ, bước đi quan trọng trong mối quan hệ giữa các tín ngưỡng đã diễn ra tại địa phương, như trong trường hợp Long Island. Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York và Washington. Mặc dù vụ tấn công nổ ra vào ngày đó đã làm gia tăng căng thẳng giữa những người không theo đạo Hồi và tín đồ đạo Hồi ở một số nơi, song sự căng thẳng như vậy không phải là phổ biến. Ở một số thành phố ngay sau vụ tấn công - ví dụ Seattle, Denver và Washington - tín đồ Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo đã tập hợp để bảo vệ các nhà thờ Hồi giáo trước hành vi cố ý phá hoại và đảm bảo chắc chắn cho những người láng giềng và đồng nghiệp Hồi giáo. Trong tương lai xa hơn, các cuộc tấn công chỉ khiến các giáo đoàn tham gia đối thoại với nhau nhiều hơn. Nhiều tín đồ Hồi giáo người Mỹ đã tự họ tổ chức một loạt những sự kiện để tự giới thiệu - “ngày mở cửa nhà thờ Hồi giáo” - để giới thiệu những nét cơ bản về đạo Hồi tới những người láng giềng hiếu kỳ.

Chắc chắn, xu thế nêu trên không phải là phổ biến. Nhiều người Mỹ theo tôn giáo, dù đã được thuyết phục thế nào, cũng chưa tham gia các sự kiện như vậy. Một số còn hết sức nghi ngờ, thậm chí thù địch với những cuộc đối thoại như vậy, vì họ tin rằng chỉ riêng đức tin của họ mới thể hiện sự thật tuyệt đối. Các cuộc trao đổi thẳng thắn về tôn giáo với những người khác, theo họ, chỉ là tốn thời gian hoặc càng làm tình hình xấu hơn. Theo Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ vốn bảo vệ quyền tự do tôn giáo của tất cả mọi công dân, những người như vậy hoàn toàn được bảo vệ những đức tin và thế giới quan của họ.

Nhưng báo cáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo & Đời sống Tôn giáo Pew nêu trên đã phát hiện thấy rằng đa số người Mỹ không giáo điều đến mức như vậy về vấn đề tín ngưỡng. Theo những phát hiện của tôi trong nghiên cứu, có rất nhiều người thực sự muốn tìm hiểu nhiều hơn về đức tin và hành đạo của những người láng giềng của họ và sẵn sàng dành thời gian để tìm hiểu. Nhiều người đã tìm được nguồn cảm hứng trong quá trình tìm hiểu. Nhưng có lẽ, nền tảng vững chắc nhất lại thể hiện trong bài phát biểu cách đây 41 năm của mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King. Người ta sẽ nhớ mãi về vai trò lãnh đạo của ông trong phong trào đòi quyền công dân tại Hoa Kỳ. Nhưng đến gần cuối đời, ông đã kết bạn với một nhà sư người Việt đang sống lưu vong, Thích Nhật Hạnh, lúc đó đang viếng thăm Hoa Kỳ trong một sứ mệnh hòa bình. Lời kêu gọi hòa bình và hòa giải của Thích Nhật Hạnh tại Việt Nam đã thôi thúc Martin Luther King - người sau này đã đề cử Thích Nhật Hạnh về giải Nobel Hòa bình. Lúc đó, King đã viết bài kêu gọi độc giả tưởng tượng về một thế giới trong đó nhân loại được thừa hưởng một “’ngôi nhà thế giới’ khổng lồ’ trong đó chúng ta cùng nhau sinh sống”. King đã liệt kê những người con sống dưới mái nhà chung đó như người theo đạo Do Thái, Thiên Chúa giáo và Tin Lành, Hồi giáo và Hindu, gọi họ là một gia đình dù đa dạng về ý tưởng và văn hóa, nhưng vì “chúng ta không bao giờ có thể sống rời nhau, phải tìm cách sống cùng nhau trong yên bình.”

Các quan điểm được trình bày trong bài viết này không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.