Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam
 
Cập nhật 30/11/2010

Thông tin dưới đây trích từ Báo cáo Quốc gia về Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được cập nhật ngày 30/11/2010. Bản Báo cáo Quốc gia về Việt Nam đầy đủ bằng tiếng Anh xem tại đây.

Ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp sau tuyên bố bình thường hóa của Tổng thống Clinton, tháng 8/1995, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tuyên bố nâng cấp Phòng liên lạc được thiết lập vào tháng 1/1995 của hai nước thành Đại sứ quán. Cùng với sự phát triển của quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Hoa Kỳ đã mở Tổng lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam mở Tổng lãnh sự quán tại San Francisco. Năm 2009, Hoa Kỳ được cấp phép mở Tổng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng. Năm 2010, Việt Nam chính thức khai trương Tổng Lãnh sự quán tại Houston.

Sau khi bình thường hóa quan hệ chính trị, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng mang tính hợp tác và rộng mở hơn. Một loạt các cuộc gặp thượng đỉnh song phương đã giúp đẩy mạnh quan hệ song phương giữa hai nước, trong đó kể đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bush vào tháng 11/2006, chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 6/2007, chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 6/2008 và tháng 4/2010. Năm 2006, hai nước cũng nối lại đối thoại thường niên về quyền con người sau hai năm gián đoạn. Tháng 7/2000, Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết Hiệp định Thương mại Song phương, đến tháng 12/2001, Hiệp định này chính thức có hiệu lực. Năm 2003, hai nước ký Thỏa thuận về Hợp tác Chống buôn bán Ma túy (sửa đổi năm 2006), Hiệp định Hàng không Dân dụng và thỏa thuận dệt may. Tháng 1/2007, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn cho Việt Nam. Tháng 10/2008, hai nước bắt đầu tiến hành đối thoại thường niên về các vấn đề chính trị - quân sự và đối thoại thường niên về hoạch định chính sách để tham khảo ý kiến của nhau về các vấn đề chiến lược và an ninh trong khu vực. Tháng 8/2010, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiến hành vòng đối thoại quốc phòng cấp cao thường niên đầu tiên, có tên gọi là Đối thoại Chính sách Quốc phòng. Các cuộc tiếp xúc ngoại giao song phương và khu vực cũng được mở rộng trong khuôn khổ ASEAN mà Việt Nam là Chủ tịch năm 2010 và tiếp tục mở rộng trong khuôn khổ APEC.

Việc Việt Nam đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến tiếp tục là vấn đề gây căng thẳng chính trong quan hệ với Hoa Kỳ và thường bị Chính phủ Hoa Kỳ cũng như các thành viên Quốc hội và công luận chỉ trích. Từ tháng 9/2009, Chính phủ Việt Nam đã kết án hơn 24 nhân vật bất đồng chính kiến và bắt giữ 15 người khác. Chính phủ tiếp tục tăng cường kiểm soát Internet, báo chí và tự do ngôn luận. Năm 2009, chính quyền đã bắt giữ và kết án hai nhà báo vì có các bài viết liên quan đến vấn đề tham nhũng của các cán bộ cấp cao; một số nhà báo và biên tập viên của các báo lớn đã bị sa thải. Một số blogger cũng bị bắt giữ, bị tù và kết án sau khi viết bài về tham nhũng và các cuộc biểu tình phản đối hoạt động của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp và việc khai thác bô-xít của Trung Quốc ở Tây Nguyên.

Việt Nam tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc mở rộng tự do tôn giáo, tuy nhiên nhiều vấn đề lớn vẫn còn tồn tại. Năm 2005, Việt Nam đã thông qua văn bản pháp luật tổng thể về tự do tôn giáo, trong đó quy định việc cưỡng chế bỏ đạo là vi phạm pháp luật, và chính thức công nhận các hệ phái mới. Kể từ đó, Chính phủ đã công nhận hoặc cho đăng ký nhiều tôn giáo và tổ chức tôn giáo mới trên toàn quốc bao gồm 8 hệ phái Tin Lành. Chính phủ cũng cho đăng ký hàng trăm hội đoàn tôn giáo ở địa phương, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên. Với những kết quả đã đạt được, tháng 11/2006, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “nước đặc biệt quan tâm” trên cơ sở nhận định là Việt Nam không còn là một nước vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo theo định nghĩa của Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế. Quyết định này được Bộ Ngoại giao tái khẳng định vào các năm 2007, 2008 và 2009. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể đạt được nhiều tiến triển hơn nữa. Tốc độ đăng ký các nhà thờ mới còn chậm, đặc biệt tại khu vực Tây Bắc và việc quấy rối một số nhà lãnh đạo tôn giáo vì hoạt động chính trị, bao gồm cả các lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chưa được công nhận và đạo Hòa Hảo, đây tiếp tục là các vấn đề được Hoa Kỳ quan tâm. Các hành động bạo lực của cảnh sát và các nhóm côn đồ có tổ chức chống lại Phật tử Làng Mai tại Chùa Bát Nhã - Lâm Đồng và tín đồ Thiên Chúa giáo tại giáo xứ Cồn Dầu ngoại thành Đà Nẵng và giáo xứ Đồng Chiêm ngoại thành Hà Nội là đặc biệt đáng lo ngại.

Tính đến 12/11/2010, vẫn còn 1.711 người Mỹ mất tích ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có 1.310 người bị mất tích tại Việt Nam. Từ năm 1973 đến nay đã tìm được 935 người Mỹ, trong đó có 661 người được tìm thấy tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng đã khẳng định là có 196 người “còn sống khi nhìn thấy lần cuối” (LKA) tại Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ đã xác định được hầu hết các trường hợp này, chỉ còn lại 25 trường hợp. Ủy ban hỗn hợp về tìm kiếm tù nhân/người mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), Bộ chỉ huy Hỗn hợp Tìm kiếm Tù binh và Quân nhân Mất tích của Mỹ (JPAC) đã tiến hành bốn giai đoạn tìm kiếm và điều tra chính thức tại Việt Nam. Trong quá trình đó, các nhân viên quân sự và dân sự của Hoa Kỳ đã được đào tạo đặc biệt để điều tra và đã tiến hành hàng trăm vụ khai quật để đảm bảo xác định một cách đầy đủ nhất các trường hợp này. Một động thái nổi bật cho thấy sự hợp tác của Việt Nam là việc cho phép các nhân viên JPAC tiếp cận không hạn chế vào các khu vực không được tiếp cận trước kia. Và lần đầu tiên, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trả lại các di vật liên quan đến POW/MIA Hoa Kỳ để đáp lại hành động tương tự từ phía Hoa Kỳ. Tháng 6/2009, tàu khảo sát đại dương USNS Heezen đã tiến hành hoạt đồng tìm kiếm tại bờ biển, tạo cơ sở cho việc khảo sát hàng trăm địa điểm máy bay rơi dưới nước. Chính phủ Hoa Kỳ cũng mong muốn tiếp cận các tài liệu lưu trữ liên quan đến thiệt hại của phía Hoa Kỳ trên Đường Hồ Chí Minh trong thời gian chiến tranh cũng như mở rộng tiếp cận đối với các tư liệu chiến tranh nói chung. Hoa Kỳ coi việc kiểm tra đầy đủ người Mỹ mất tích và chưa được xác định tại Đông Dương là một trong những ưu tiên hàng đầu với Việt Nam.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Song phương có hiệu lực vào ngày 10/12/2001, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã không ngừng phát triển, nguồn đầu tư lớn từ Hoa Kỳ vào Việt Nam là bằng chứng cho thấy quan hệ kinh tế ngày càng phát triển giữa hai nước. Năm 2009, Hoa Kỳ đã xuất khẩu 3,1 tỷ đô-la hàng hóa sang Việt Nam và nhập khẩu 12,3 tỷ đô-la hàng hóa từ Việt Nam. Tương tự, các công ty của Hoa Kỳ cũng tiếp tục đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, chỉ riêng trong năm 2009, các doanh nghiệp tư nhân của Hoa Kỳ đã cam kết đầu tư trực tiếp 9,8 tỷ đô-la vào Việt Nam. Một dấu hiệu nữa của việc mở rộng quan hệ song phương là việc ký kết Hiệp định Vận tải Hàng không song phương tháng 12/2003. Một số hãng hàng không Hoa Kỳ đã có thỏa thuận liên danh bên thứ 3 với Vietnam Airlines. Từ tháng 12/2004 đã có các chuyến bay trực tiếp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và San Francisco. Tháng 10/2008, Hiệp định Vận tải Hàng không Song phương được sửa đổi, qua đó mở cửa hoàn toàn thị trường cho vận tải hàng hóa bằng đường hàng không. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã ký Hiệp định Hàng hải Song phương vào tháng 3/2007, mở cửa ngành dịch vụ và vận tải hàng hải cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, chủ yếu dưới hình thức vật liệu chưa nổ (UXO), trong đó còn nhiều diện tích có bom bi sót lại. Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho các hoạt động rà phá mìn/vật liệu chưa nổ ở Việt Nam. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát hiện và tháo gỡ vật liệu nổ, tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của vật liệu chưa nổ và hỗ trợ cho các nạn nhân của vật liệu chưa nổ. Từ năm 1993 đến nay, Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 50 triệu đô-la vào các hoạt động tháo gỡ, tuyên truyền và các chương trình hỗ trợ nạn nhân.

Trong khi các vấn đề do lịch sử để lại như vật liệu chưa nổ/tháo gỡ bom mìn, kiểm điểm người Mỹ mất tích và chất độc da cam tạo nền tảng cho quan hệ quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ, thì các mối quan tâm chung trong việc giải quyết các thách thức về hỗ trợ nhân đạo/giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, tìm kiếm và cứu hộ, an ninh hàng hải cũng góp phần đẩy mạnh quan hệ quốc phòng giữa hai nước trong suốt 3 năm vừa qua, thể hiện qua việc Việt Nam tham gia vào các chương trình đào tạo về xây dựng năng lực do Hoa Kỳ tổ chức. Những chủ đề này đã được thảo luận trong các cuộc đối thoại quốc phòng song phương thường niên. Tháng 4/2009, một phái đoàn gồm các quan chức không quân và hải quân cấp cao của Việt Nam đã tham gia chuyến bay ra thăm tàu USS John Stennis đang đỗ trong vùng biển quốc tế ngoài khơi Việt Nam. Tháng 8/2010, một phái đoàn khác gồm các quan chức Chính phủ và quân đội cũng đã tham gia chuyến bay ra tham quan tàu USS George Washington ngay trước chuyến thăm Đà Nẵng của tàu USS John McCain.

Tháng 6/2008, tàu y tế hải quân USNS Mercy đã thăm Nha Trang và tiến hành điều trị cho hơn 11.000 bệnh nhân Việt Nam. Hai năm sau chuyến thăm đầu tiên, vào tháng 6/2010, tàu USNS Mercy lại cập cảng Quy Nhơn và đã điều trị y tế và nha khoa cho hàng ngàn người dân. Năm 2010, tàu USNS Richard Byrd của hải quân Hoa Kỳ cũng được sửa chữa và bảo dưỡng tại Việt Nam Việt Nam tiếp tục là quan sát viên trong các cuộc tập trận đa quốc gia như Hợp tác đào tạo và duy trì chiến đấu của hải quân (CARAT) do Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tổ chức và cuộc tập trận GPOI CAPSTONE hàng năm của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương. Là một đối tác tích cực trong cơ chế không phổ biến vũ khí, Việt Nam cũng đã tận dụng được các kỹ năng, trang thiết bị và các hoạt động đào tạo trong khuôn khổ chương trình An ninh liên quan đến biên giới và kiểm soát xuất khẩu (EXBS). Việt Nam đã ký bản ghi nhớ với Hoa Kỳ để thực hiện chương trình Megaports trong đó Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam phát hiện và xác định vũ khí hủy diệt hàng loạt và các bộ phận của vũ khí hủy diệt hàng loạt tại các hải cảng thương mại. Việt Nam gần đây cũng đồng ý tham gia Sáng kiến Toàn cầu về Đấu tranh chống Khủng bố Hạt nhân. Tháng 4/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham gia tích cực vào Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân do Tổng thống Obama tổ chức tại Washington.