Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Báo chí, truyền thông và công nghệ thông tin

SỰ RA ĐỜI CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 3/2006

Các thư viện công cộng trong thời đại Internet

Maurice J. (Mitch) Freedman

    Các thư viện công cộng và những nhân viên làm việc tại những thư viện này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công chúng tìm kiếm và khai thác “biển cả thông tin” giờ đây đã có thể đến với độc giả dễ dàng qua mạng Internet.

    Maurice J. (Mitch) Freedman, nguyên chủ tịch Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ và là Giám đốc đã nghỉ hưu của hệ thống thư viện hạt Westchester, New York.


Các nhà tư tưởng vị lai, các nhà văn chuyên viết xã luận, và rất nhiều người khác từ nhiều năm nay đã cho rằng vai trò của các thư viện công cộng sẽ không còn, vì họ lập luận rằng mạng Internet đã khiến công chúng không còn cần đến thư viện, thậm chí không còn cần đến những quyển sách. Nhưng nếu đến thăm các thư viện công cộng ở Hoa Kỳ, bạn sẽ thấy rằng chúng đang được sử dụng nhiều hơn mỗi năm. Bằng nhiều cách, Internet đã khiến sự lưu chuyển thông tin tăng lên rất nhanh trong tất cả các dịch vụ và phương tiện thông tin thư viện, khiến các dịch vụ này có phạm vi phục vụ rộng hơn, vượt ra ngoài giới hạn của các bức tường của tòa nhà thư viện xây bằng gạch và vôi vữa này.

Các thư viện công cộng đã tiếp thu, sử dụng, hoặc khuyến khích việc sử dụng các công nghệ và phương tiện truyền thông hiện đại khi chúng xuất hiện cách đây hơn 150 năm. Internet và việc tiếp cận với thế giới thông tin mà nó mang lại ngày nay đã đem đến cho các thư viện công một công nghệ và phương tiện khác hẳn về chất so với những công nghệ và các phương tiện truyền thông đã có trước đây. Số lượng thông tin có thể truy cập qua mạng Internet lớn đến nỗi nó dẫn tới sự thay đổi về chất của các dịch vụ thông tin mà các thư viện công cộng cung cấp.

Thứ nhất, Internet giúp thư viện công cộng cung cấp các dịch vụ thông tin và truy cập trực tuyến các tài liệu trong suốt 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần (24/7). Thông qua Internet tại nhà hoặc tại bất kỳ nơi nào khác, mọi người có thể kiểm tra trực tuyến các danh mục tại các thư viện, đăng ký các tài liệu mà họ muốn mượn, và gia hạn các tài liệu đến hạn hoặc quá hạn trả - mọi chức năng của các hệ thống thư viện tổng hợp đều có thể đến được với công chúng thông qua mạng Internet 24/7.

Khả năng đặt mượn sách trực tuyến đặc biệt có sức hấp dẫn đối với những người sử dụng mạng trực tuyến. Phần lớn các thư viện đều thấy rằng số lượng sách được đặt mượn trực tuyến tăng gấp hai hoặc gấp ba lần so với hệ thống đặt mượn sách thủ công trước kia khi người mượn sách phải điền vào một tờ mẫu đăng ký. Quận Westchester ở New York, một hệ thống thư viện công cộng phục vụ độc giả vùng ngoại ô thành phố New York, đã chứng kiến một sự gia tăng ngoạn mục từ 4.000 lượt đặt mượn hàng tháng vào năm 1999 bằng cách điền vào tờ mẫu đăng ký lên tới hơn 93.000 lượt đăng ký mượn sách qua mạng hàng tháng vào năm 2005. Sở dĩ có sự tăng lên nhanh chóng như vậy là do mọi người dân trong vùng có máy tính tại nhà đều có thể dễ dàng truy cập hệ thống danh mục trực tuyến vào bất kỳ lúc nào.

Danh mục trực tuyến ngày nay đã hỗ trợ rất nhiều cho chức năng tìm kiếm và truy cập thông tin, giúp cho công chúng có thể truy cập dễ dàng hơn đối với các bộ sưu tập sách có ở thư viện. Mặc dù người ta đã dự đoán là trong tương lai sẽ không còn sách và các tài liệu in khác, nhưng quận Westchester lại thấy rằng có tới 30% số sách được đặt mượn là các sách xuất bản trước năm 1990. Các thủ thư đã nói rằng những cuốn sách đã từng không được động đến trong nhiều năm, thậm chí trong nhiều thập kỷ, nay đã được rời giá sách để đến với độc giả thông qua danh mục trực tuyến, vì bạn đọc đã phát hiện ra nhiều tác phẩm văn học qúy giá trong quá khứ mà nếu không tìm kiếm qua mạng thì họ có lẽ đã bỏ qua không chú ý tới. Đó là cách mà công nghệ tiên tiến đã hỗ trợ đáng kể cho các dịch vụ thư viện công cộng truyền thống và làm tăng sự cần thiết của chúng trong thời đại công nghệ mới.

Hàng loạt ứng dụng công nghệ và truyền thông hiện đại đã cải tiến những dịch vụ truyền thống và giới thiệu các dịch vụ khác mà chỉ riêng phương tiện điện tử mới có được.

Dịch vụ đầu tiên là truy cập mạng Internet. Hơn 90% các thư viện ở Hoa Kỳ cung cấp dịch vụ này cho độc giả. Bất chấp việc sử dụng Internet rộng rãi tại gia đình và tại nơi làm việc, mọi người vẫn có nhiều lý do để đến truy cập Internet, gửi hoặc trả lời email, thậm chí để chat với người khác tại các thư viện công cộng.

Điều này lập tức dẫn đến một dịch vụ vô cùng quan trọng để thư viện công cộng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của công chúng. Do có nhiều mối quan ngại, đặc biệt là vấn đề liên quan đến an ninh Internet đối với trẻ em, nên các thư viện công đã mở các khóa học hướng dẫn các bậc phụ huynh, trẻ em và những người khác cách sử dụng Internet một cách “an toàn”. Và nhiều thư viện công đã sử dụng trang web của mình để hướng các bậc phụ huynh và trẻ em đến các địa chỉ truy cập đặc biệt phù hợp với trẻ em. Phương pháp tiếp cận mà các thư viện công cộng ưa dùng là chủ động giáo dục cho các bậc phụ huynh và trẻ em, hơn là khuyến khích sử dụng những cơ chế sàng lọc thông tin, hay các hình thức hạn chế hoặc kiểm duyệt thông tin khác.

Thông qua khai thác công nghệ và truy cập mạng Internet 24/7, nhiều thư viện công cũng cung cấp dịch vụ gửi tài liệu tham khảo thông qua email hoặc chat. Nhiều độc giả thích thực hiện một yêu cầu tra cứu thông qua email hơn là qua điện thoại để tránh phải chờ đợi lâu trên đường dây.

Các thư viện công cũng cung cấp “danh sách các trang web hay”, một dịch vụ vô cùng thú vị và có ảnh hưởng lớn. Các thư viện cũng cung cấp những danh sách kèm theo những lời chú giải quý báu về các địa chỉ web có thể truy cập và được tổ chức theo chủ đề, dành cho độc giả ở mọi lứa tuổi với các nhu cầu khác nhau. Các thủ thư chuyên nghiệp sưu tập và sắp xếp các danh sách này, đảm bảo tính phù hợp, chính xác và đúng thời điểm. Đây là những tính chất mà các công cụ tìm kiếm thương mại không thể nào đảm bảo được.

Thư viện công cộng Thành phố New York (NYPL), phục vụ độc giả ở Bronx, Manhattan, và Staten Island, là người tiên phong trong hơn một thế kỷ trong các dịch vụ dành cho trẻ em. NYPL cho phép truy cập trang chủ của NYPL dành cho trẻ em, từ địa chỉ On-Lion cho trẻ em [http://kids.nypl.org/], đến Bộ tranh truyện mọi người cần biết (mới được sửa đổi) và 100 Cuốn sách mà trẻ em yêu thích. Danh sách trực tuyến này đã thu hút nhiều độc giả hơn so với danh mục dưới dạng bản in của thư viện trước đó.

Nguồn thông tin chuyên nghiệp hướng dẫn các bậc phụ huynh và trẻ em tìm kiếm các cuốn sách phù hợp trên trang Web. Trên trang chủ dành cho trẻ em còn có các nguồn thông tin khác về khoa học, công nghệ, nghệ thuật, trò chơi, hoạt động của các thư viện chi nhánh, đọc sách và sách, dân cư và các miền đất, thể thao, kỳ nghỉ, lễ hội và các thông tin khác.

Độc giả của các thư viện công cộng cũng có thể tra cứu các cơ sở dữ liệu và trả phí cho các thông tin này. Bằng công cụ này, NYPL đã cung cấp cho độc giả ngay tại nhà họ hàng nghìn chuyên san và hàng triệu bài báo [http://www.nypl.org/databases/]. Trong các thư viện lớn nhỏ, cơ sở dữ liệu cho phép truy cập các tập san phát hành định kỳ và các ấn phẩm khác mà thư viện đặt mua để phục vụ độc giả.

Nhiều bang đã mua giấy phép sử dụng cơ sở dữ liệu, khiến tất cả công dân đều có thể tra cứu trên các địa chỉ mạng tương ứng. Có nghĩa là một cơ sở dữ liệu bao gồm 3.000 chuyên san định kỳ sẽ được cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người, trong khi thư viện của họ chỉ có thể cung cấp 50 bản tài liệu giấy mà thôi. Hiện nay, tất cả các thư viện công ở New York và ở nhiều bang khác đều khuyến khích độc giả truy cập các bản điện tử của những hàng nghìn chuyên san này, điều đó đã làm tăng đáng kể lượng thông tin mà các thư viện công cung cấp miễn phí 24/7 cho độc giả của mình.

Tất cả các dịch vụ đã được đề cập trên đây đã chỉ ra phương cách mà mạng Internet đã thực hiện để tăng công năng của các thư viện công lên một cách đáng kể, từ đó khiến số người sử dụng thư viện công cũng tăng lên.

Các thư viện công đã gặt hái nhiều thành công và đã đáp ứng được nhu cầu về thông tin của độc giả chính là nhờ mạng Internet.

Tiếp cận: Trái với dự đoán rằng ai cũng có máy tính và truy cập internet tại nhà, mọi người kéo đến các thư viện công và ngồi kín các máy tính nối mạng Internet của thư viện. Gần như không bao giờ có đủ máy tính vào lúc cao điểm và thậm chí vào những khoảng thời gian khác.

Người lớn tuổi: Người lớn tuổi là đối tượng sử dụng internet nhiều nhất tại thư viện. Định kiến cho rằng người già không có khả năng tiếp thu những tiến bộ công nghệ và sợ sử dụng máy tính không thể áp dụng được cho những độc giả lớn tuổi ở đây, những người thường xuyên đến thư viện công cộng ở địa phương họ để trao đổi email với con cháu, người thân và bạn bè; tìm kiếm thông tin về y tế, các chương trình phúc lợi, và những thông tin khác mà họ quan tâm.

Bài tập ở nhà: Nhiều thư viện công, các tập đoàn thư viện công, và thậm chí các bang đã ký hợp đồng với Tutor.com [http://www.tutor.com] để cung cấp cho sinh viên dịch vụ trợ giúp bài tập ở nhà trực tuyến và giúp đỡ họ tiến hành các dự án tại trường học. Một lý do khiến dịch vụ này rất có giá trị là do các trợ giáo trực tuyến đều là giáo viên.

Máy tính xách tay: Trung tâm thư viện Bronx là một trong nhiều thư viện cho độc giả mượn máy tính xách tay để sử dụng tại thư viện. Các máy tính này được nối mạng nội bộ của thư viện, cho phép người sử dụng có thể truy cập các trang Web với bất kỳ nội dụng nào; các máy tính này cũng có các chương trình vi tính khác.

Lựa chọn trên mạng: Các danh mục thư viện trực tuyến cung cấp cho độc giả bản tóm tắt, mục lục, nội dung chương đầu tiên hoặc một chương mẫu, và bình luận về hàng nghìn đầu sách. Giờ đây, người đọc có thể tìm thấy hàng loạt thông tin về những ấn phẩm mà họ muốn mượn mà không cần phải đi đến thư viện hoặc phải sờ vào những cuốn sách đó.

Bình luận sách trực tuyến: một vài thư viện đã bắt đầu sử dụng một dịch vụ đặc biệt, đó là bình luận sách trực tuyến. Ví dụ, thư viện công Ossining, New York vừa mới bổ sung mục Ossining Review of Books [http://www.ossininglibrary.org/bob/default.aspx] vào trang Web của mình. Đây là một dịch vụ chỉ dẫn trực tuyến giới thiệu về nền văn học hiện đại cùng với các nhà báo, các nhà văn ưu tú của địa phương. Trang web này đưa ra những lời khuyên bổ ích của các nhà văn về việc chọn lựa các cuốn sách mới tại Ossining. Nó cũng tạo cơ hội cho dân chúng ở Ossining được bình luận trực tuyến và đưa ra nhận xét của họ về những cuốn sách.

Ngày nay, các thư viện công cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích nhất cho những độc giả may mắn có đầy đủ các phương tiện truyền thông và các thiết bị công nghệ cao tại nhà. Đối với những người không có những phương tiện này tại gia đình thì máy tính và nhiều dịch vụ tiện ích khác đang sẵn sàng phục vụ họ ở thư viện. Thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông của thế kỷ mới, các thư viện công đã phát huy được vai trò truyền thống của mình là trung tâm của các cộng đồng, một nơi để tụ tập, hay chỉ đơn giản là một nơi thư giãn lý tưởng để chia sẻ kiến thức và thông tin.

(1)   Dân số của hạt Westchester County là 923.000 người và có 38 thư viện công hoạt động độc lập trong hệ thống này. Westchester là một trong những khu vực ngoại ô lớn nhất trong số các vùng ngoại ô của các thành phố lớn tại Hoa Kỳ.
(2)   Các ấn phẩm được lưu trữ dưới dạng tệp dữ liệu tại Westchester bao gồm mọi hình thức như sách ghi trên đĩa, DVD, CD và các hình thức khác.

Các quan điểm được trình bày trong bài báo này không phản ánh quan điểm hay các chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.

Kết nối các nền văn hóa trên InternetNghệ thuật và văn học trực tuyến trên thư viện toàn cầu

Thư viện Quốc hội Mỹ vừa đưa ra sáng kiến xây dựng Thư viện Kỹ thuật số Toàn cầu về các tư liệu lịch sử, nghệ thuật và văn học trên toàn thế giới. Mục đích của dự án này là đưa lên mạng trực tuyến những danh mục tài liệu qúy hiếm và thống nhất mà Mỹ và các quốc gia phương Tây có được về các nền văn hóa vĩ đại khác tại Đông Á và Nam Á, văn hóa của các quốc gia đạo Hồi từ Inđônêxia xuyên qua vùng Trung và Đông Á đến châu Phi. Ngài James H. Billington, giám đốc Thư viên Quốc hội Mỹ đã nói “Thư viện Kỹ thuật số Toàn cầu cho phép độc giả truy cập miễn phí các tư liệu này thông qua mạng Internet. Nó sẽ mang tới những cơ hội lớn để mọi người đều có thể cùng tận hưởng sự sâu sắc và độc đáo của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới”.

Ngài Billington đề cập đến khái niệm Thư viện Kỹ thuật số Toàn cầu lần đầu tiên trong bài phát biểu của mình tại cuộc họp của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc vào tháng 6/2005. Ông đã công bố triển khai dự án vào tháng 11 với số tiền tài trợ 3 triệu đôla của Công ty tìm kiếm địa chỉ mạng Google. Thư viện Quốc hội sẽ sử dụng số tiền này để xây dựng các bộ phận kỹ thuật và tổ chức, đồng thời thuyết phục các quốc gia và các thể chế trên thế giới tham gia vào dự án toàn cầu này. Một số đối tác tư nhân khác sẽ được chỉ định để cấp vốn và kiến thức chuyên môn cho dự án.

Thư viện Kỹ thuật số Toàn cầu được xây dựng dựa trên các dự án tư liệu số lớn của Thư viện Quốc hội. Trong thập kỷ qua, Thư viện Quốc hội đã số hóa được hơn 100 triệu đầu sách phục vụ cho Dự án Ký ức về nước Mỹ, đây là một bộ sưu tập lớn các bản thảo, bản đồ, băng nghe nhìn, ảnh, âm nhạc và các tư liệu khác. Dự án thứ hai bắt đầu năm 2000, dự án Cổng thế giới, là một nỗ lực hợp tác giữa Thư viện Quốc hội với các thư viện quốc gia của Braxin, Pháp, Hà Lan, Nga và Tây Ban Nha. Các hình thức truyền thông song ngữ này là một sự kết nối lịch sử giữa Hoa Kỳ và các nước tham gia dự án. Ngược lại, Thư viện Kỹ thuật số Toàn cầu là nhằm lưu trữ các ấn phẩm lịch sử và văn hóa của tất cả các quốc gia trên thế giới. Thư viện này sẽ chỉ lưu trữ các ấn phẩm trong lĩnh vực công hoặc các ấn phẩm có giấy phép đặc biệt.

Ông Billington nói: “Tôi tin rằng chúng ta vừa có cơ hội vừa có nghĩa vụ trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng các đối tác tư nhân và công nghệ mới trên Internet để tôn vinh các giá trị văn hóa đa dạng và đầy chất sáng tạo trên thế giới. Giấc mơ của tôi là Thư viện này có thể giúp tất cả mọi người, đặc biệt là thanh niên, đến với nhau trong kỷ nguyên đa truyền thông”.

Để có thêm thông tin về Thư viện Kỹ thuật số Toàn cầu, hãy truy cập trang http://www.loc.gov.