Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Báo chí, truyền thông và công nghệ thông tin

SỰ RA ĐỜI CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 3/2006

Internet2 đang xây dựng mạng Internet tương lai

Heather Boyles

    Một tập hợp các tổ chức quốc tế đang hợp tác trên phạm vi toàn thế giới nhằm phát triển mạng Internet tương lai, cho phép tiến hành công tác nghiên cứu và thiết lập quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy tính sáng tạo, tinh thần hợp tác và nâng cao giáo dục.

    Heather Boyles là Giám đốc phụ trách Quan hệ đối ngoại của Tổ hợp tập đoàn Internet2.


Internet2 là một tổ hợp tập đoàn phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ với các thành viên bao gồm 208 trường đại học nghiên cứu liên kết cùng 70 công ty; gần 50 cơ quan chính phủ, các phòng thí nghiệm và các hiệp hội; và hơn 45 đối tác nước ngoài với mục tiêu phát triển, triển khai và ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhằm thiết lập một mạng Internet cho tương lai. Để tạo điều kiện cho đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học cũng như các sinh viên có thể tham gia tích cực vào chương trình phát triển công nghệ hiện đại này, Internet2 đã xây dựng một hệ thống mạng tốc độ cao trên phạm vi toàn quốc có tên là Anilene, kết nối 240 học viện là thành viên của Internet2 với 34 mạng giáo dục của bang, đồng thời kết nối với các mạng lưới nghiên cứu hàng đầu tương tự ở các nước khác. Abilene được thiết kế với khả năng cho phép người sử dụng truy cập Internet với tốc độ nhanh gấp hàng nghìn lần so với tốc độ truy cập Internet thông thường.

Interet2 cùng các đối tác của mình đang nỗ lực làm thay đổi căn bản cách thức chúng ta sống, học tập, làm việc cũng như giải trí. Tất cả mọi người đều tin rằng mạng Internet tương lai sẽ giúp nâng cao hiệu quả nhiều ứng dụng - giúp tạo ra những môi trường hợp tác rộng mở, sự mô phỏng máy tính hoàn hảo với tốc độ xử lý nhanh, vô tuyến và những thước phim rõ nét với độ phân giải cao theo yêu cầu - những điều mà đối với chúng ta bây giờ vẫn chưa thể tưởng tượng nổi. Sinh viên khắp thế giới hiện nay đã có thể tiếp cận trực tiếp với những hình ảnh rõ nét được xử lý nhanh chóng về cuộc sống dưới đáy đại dương dưới sự hướng dẫn của nhà hải dương học nổi tiếng, Tiến sĩ Bob Ballard, nhờ việc ứng dụng công nghệ quay phim chất lượng ngang bằng DVD hay việc sử dụng các thiết bị “giải phẫu” từ xa để phân tích những mẫu vật từ cách xa hàng nghìn dặm. Nhờ ứng dụng mạng Abilene, các chuyên gia khí tượng thuộc Cục Khí tượng Đại dương Quốc gia đã có thể đưa ra được những dự báo thời tiết kịp thời và chính xác hơn; còn các nhà thiên văn học thì có thể điều khiển kính thiên văn đặt tại những khu cách xa hàng nghìn dặm ở Hawaii và Chi-lê mà không cần phải ra khỏi viện nghiên cứu của họ.

Qua những ví dụ trên có thể thấy rằng công tác nghiên cứu và giáo dục ngày càng gắn bó và phụ thuộc vào khả năng tiếp cận đồng thời với các thiết bị, dữ liệu và con người trên phạm vi toàn thế giới. Việc ứng dụng mạng tập trung chuyên dụng bó hẹp trong phạm vi nước Mỹ không còn đủ để đáp ứng nhu cầu của của các nhà nghiên cứu của Hoa Kỳ. Thay vào đó cần phải thiết lập một mạng lưới chuyên dụng mang tầm quốc tế. Để thực hiện điều đó, Internet2 đã xây dựng một chương trình hợp tác quốc tế nhằm liên kết với tổ chức tương tự trên thế giới để kết nối hệ thống mạng của Internet2 tại Mỹ với các mạng của đối tác ở nước ngoài. Cùng với nhiều chuyên gia nghiên cứu trên khắp thế giới, Internet2 tin rằng hợp tác quốc tế sẽ giải phóng sức sáng tạo trong nhiều lĩnh vực từ khoa học đến y tế và nghệ thuật, đồng thời sẽ thúc đẩy kinh tế của những quốc gia đang phát triển.

Hiện nay, có nhiều nước đã thành lập Hệ thống Mạng Nghiên cứu và Giáo dục Quốc gia (NRENs) tốc độ cao để chuyên phục vụ cho công tác nghiên cứu và học tập. NRENs đã được phát triển tại khu vực Đông, Tây, và Trung Âu, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đang ngày càng phổ biến tại khu vực Nam, Đông Nam châu Á, và ở một vài nước trong khu vực Bắc Phi, và Mỹ La tinh.

Giá trị NRENs mang lại là vô cùng to lớn bởi vì nhiều mạng quốc gia có thể phối hợp hình thành nên mạng nghiên cứu và giáo dục thế giới. Hiện nay, một mạng NREN bình thường chỉ cần kết nối với một hoặc một vài mạng NREN khác là đã có thể tham gia vào mạng lưới nghiên cứu toàn cầu. Ví dụ, hệ thống mạng tốc độ cao này đã tạo điều kiện cho hàng nghìn chuyên gia nghiên cứu trên khắp thế giới có cơ hội tiếp cận với các chương trình thí nghiệm của CERN (Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Mạng Internet thương mại thông thường không có khả năng truyền tải khối lượng dữ liệu lớn cần thiết cho hoạt động nghiên cứu kiểu này giữa các viện nghiên cứu với nhau.

NRENs cũng thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh nghệ thuật, nhân văn và y học. Ví dụ, dự án HAVNet của Đại học Stanford (Mạng lưới Tiếp cận Trực tiếp dành cho Giáo dục và Đào tạo) đã tạo điều kiện cho sinh viên ngành phẫu thuật có cơ hội được đào tạo bằng thực tiễn bởi các chuyên gia phẫu thuật từ xa thông qua hệ thống mạng hiện đại này. Dù là tham gia tiến hành phân tích ảo, thực hành các ca mổ mô phỏng trên máy tính hay quan sát các ca mổ từ xa thì sinh viên đều có thể tiếp cận với các lớp học ở nhiều nơi cùng một lúc. Tương tự như vậy, các chuyên gia trên thế giới cũng có thể kết nối và làm việc với sinh viên trong các quy trình riêng biệt – thậm chí là hướng dẫn từ xa cho các sinh viên thực hiện giải phẫu ảo. Hình thức giảng dạy này giúp trang bị cho sinh viên y khoa những kiến thức chuyên sâu hơn cũng như có kĩ năng thực hành tốt hơn để có thể làm việc trong các phòng phẫu thuật sau này.

Hội thảo gần đây về chủ đề Thư viện Số tại Trung Đông được tổ chức dưới sự tài trợ của Qũy Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã cho thấy rằng các ngành khoa học nhân văn cũng có thể gặt hái được nhiều thành công nếu ứng dụng mạng NREN. Các tác phẩm nghệ thuật qúy giá của Trung Đông đang dần được số hóa, nhiều nơi còn sử dụng công nghệ từ tính MRI để tạo ra những hình ảnh không gian ba chiều. Nhờ mạng nghiên cứu và giáo dục quốc tế tốc độ cao này, các nhà nghiên cứu có thể khảo sát và thao tác từ xa trên các mẫu vật qúy hiếm đó. Hơn nữa, số lượng học giả có điều kiện tiếp cận với chúng sẽ đông hơn rất nhiều so với số lượng học giả được phép thao tác trực tiếp như trước đây.

Tập hợp và chia sẻ các sáng kiến từ khối liên kết các trường đại học trong nước, sau đó cùng chia sẻ với mạng lưới các đại học nước ngoài chính là phương thức chủ yếu đối với việc thúc đẩy nghiên cứu và giáo dục ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. Các quốc gia đang phát triển đang ngày càng coi NRENs là công cụ thúc đẩy sự nghiệp nghiên cứu và giáo dục của nước mình. Ví dụ, kính hiển vi nguyên tử - loại thiết bị sử dụng các hạt nguyên tử thay vì ánh sáng để hội tụ hình ảnh thường có giá quá cao vượt khả năng chi trả của nhiều trường đại học. Tuy nhiên nhờ việc kết nối các thiết bị này thông qua hệ thống mạng tiên tiến, người sử dụng đã có thể điều khiển loại kính này từ xa để khảo sát các mẫu thí nghiệm thông qua những hình ảnh số rõ nét.

Ở những nước phát triển và đang phát triển, việc tăng đầu tư vào các công nghệ viễn thông cơ bản đã chứng minh là có ý nghĩa quyết định sự thành công của NREN. Tại một số quốc gia, NREN đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc phát triển mạng lưới các phương tiện truyền thông mới. Ba Lan là một ví dụ. NREN đã rất thành công khi liên kết với một công ty đường sắt để thiết lập đường dây cáp quang khắp cả nước. Hiện tại, PIONER, mạng nghiên cứu của tập thể các trường đại học tại Ba Lan, đã kết nối với đường cáp quang (đã được lắp đặt nhưng chưa được đưa vào sử dụng) và không còn phải phụ thuộc vào dịch vụ của các nhà cung cấp viễn thông trước đây. Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và nhiều nước Đông Âu khác đều đã học tập mô hình này và có những lúc đã tiến xa hơn NREN của các nước Tây Âu về khả năng truy cập các thiết bị mạng tốc độ cao.

Internet2 cùng các đối tác quốc tế sẽ tiếp tục xây dựng một hệ thống mạng linh hoạt và hiện đại để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập của nhân loại. Theo kinh nghiệm của Internet2 đến nay thì các sáng kiến, kinh nghiệm cũng như niềm đam mê theo đuổi xây dựng một hệ thống mạng hiện đại sẽ là sức mạnh giúp Internet2 tạo ra một mạng Internet tương lai thông minh hơn, tốc độ cao hơn, an toàn hơn và đáng tin cậy hơn. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải tìm ra những phương thức mới để có thể tiến hành các nghiên cứu khoa học, kinh doanh, đào tạo ở mọi lúc mọi nơi cũng như phối hợp mọi tổ chức, cá nhân theo những phương thức mới. Cộng đồng các nhà nghiên cứu và giáo dục tin rằng mạng Internet tương lai đó sẽ được thế giới biết đến và công nhận nhờ những nỗ lực phối hợp của các tổ chức mà điển hình là Internet2 trên khắp trên thế giới.

Các quan điểm trình bày trong bài báo này không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.