Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Các vấn đề toàn cầu

Nền Nông nghiệp của Thế kỷ 21

tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 3/2010

Tất cả các mắt xích trong chuỗi lương thực

Cuộc phỏng vấn ông Vijaya Gupta và Philip E.Nelson

Sản xuất đủ lương thực để nuôi sống dân cư toàn thế giới trong tương lai là một trong những vấn đề nổi cộm và cấp thiết nhất mà nhân loại đang phải đối mặt hiện nay. Giải thưởng Lương thực thế giới được trao tặng hàng năm cho cá nhân nào “góp phần phát triển và hỗ trợ cuộc sống của con người thông qua việc tăng cường chất lượng, số lượng và khả năng tiếp cận lương thực trên thế giới”. Bắt đầu được hình thành từ năm 1986, giải thưởng này đã vinh danh nghiên cứu của nhiều cá nhân mà thành tựu nghiên cứu của họ tập trung vào các lĩnh vực khác nhau của nông nghiệp, ví dụ như việc phát triển các giống cây trồng khỏe hơn hay những kỹ thuật giúp cho đất hoang hóa trở nên có thể trồng trọt được. Những người được trao Giải thưởng Lương thực thế giới là một trong những người giỏi nhất trong việc tìm ra cách thức để đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong tương lai. Hai trong số những nhà khoa học này đã trao đổi quan điểm của họ trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi.

Tiến sĩ Vijaya Gupta đến từ Ấn Độ, là người giành Giải thưởng Lương thực Thế giới năm 2005 với tư cách là thủ lĩnh của “cuộc cách mạng xanh”, một phong trào nhằm thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản. Các phương thức nuôi cá của ông đã giúp tăng hàm lượng đạm và khoáng chất trong bữa ăn hàng ngày của hơn một triệu gia đình. Tiến sĩ Philip E.Nelson là người Mỹ và giành Giải thưởng Lương thực Thế giới năm 2007 do những phát kiến về công nghệ mang tính cách mạng đối với ngành công nghiệp thực phẩm trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm, cất trữ và vận chuyển quy mô lớn rau quả tươi.

Câu hỏi: Theo ông, biện pháp nào là hiệu quả nhất trong tương lai gần nhằm tăng sản lượng lương thực thế giới với điều kiện công nghệ như hiện nay?

Gupta: Tôi cho rằng hành động hiệu quả nhất cần phải thực hiện là chuyển giao công nghệ và tài chính từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Tôi cho rằng đây là hành động quan trọng nhất nếu bạn muốn đạt được những thành tựu ngắn hạn trong việc gia tăng sản lượng. Chúng ta cần phải chuyển giao công nghệ cùng với sự hỗ trợ về tài chính nhằm triển khai những công nghệ này tại các nước đang phát triển.

Hiện nay sản lượng nông nghiệp đang ở mức thấp tại hầu hết các nước đang phát triển nếu so sánh với các nước phát triển do thiếu công nghệ phù hợp – từ khâu sản xuất cho đến khâu marketing – và thiếu các nguồn lực tài chính cần thiết để Chính phủ triển khai các dự án phát triển. Các nước đang phát triển cẩn có công nghệ sản xuất tốt hơn – đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học và gien, đồng thời tăng chất lượng giống mà không phải trả tiền bản quyền đắt đỏ – nhằm làm tăng sản lượng lương thực trong tương lai gần.

Nelson: Tôi hoàn toàn đồng ý với việc phải chuyển giao công nghệ. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng mà chúng ta phải tập trung giải quyết là toàn bộ chuỗi lương thực. Sản xuất là rất quan trọng, nhưng việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và trước khi phân phối tới người tiêu dùng cũng quan trọng không kém. Tôi cho rằng chúng ta phải ngay lập tức chú trọng tới toàn bộ hệ thống phân phối trong chuỗi lương thực.

Câu hỏi: Ước tính một tỷ người trên thế giới hiện không đủ ăn. Tôi nghe nói là số lượng lương thực được sản xuất ra thì đủ, nhưng lại không được phân phối cho tất cả những người cần nó. Đó có phải là điều mà hai ông đang muốn nói đến không – nếu quy trình phân phối và cất trữ được cải thiện tốt hơn, thì vấn đề về nạn đói có thể được giải quyết?

Gupta: Vâng, có thể việc cất trữ là một trong những vấn đề quan trọng vì một lượng lương thực đã bị thất thoát trong quá trình vận chuyển và cất trữ. Nhưng bên cạnh đó bạn cần phải có quy trình sản xuất lương thực phù hợp, và việc tiếp cận với lương thực cũng là một mối quan ngại khác do nạn đói nghèo. Ở Ấn Độ, trong một vài năm chúng tôi đã sản xuất thừa lương thực, nhưng Chính phủ không có đủ kho chứa thích hợp để cất trữ lượng lương thực dôi dư này trong mùa mưa. Một mặt chúng tôi sản xuất dư thừa, nhưng mặt khác người dân vẫn bị đói và thậm chí chết đói do họ không có khả năng mua lương thực.

Nelson: Tôi đồng ý với các ý kiến trên. Điều quan trọng nhất mà chúng ta đã đánh giá chưa đúng là hiện tượng dinh dưỡng kém có thể là hệ quả của nghèo đói. Vì vậy nếu chúng ta có thể tạo thu nhập cho người nghèo và xây dựng qui trình phân phối hoàn chỉnh thì chúng ta đã đi được một bước tiến dài trên con đường giảm nạn đói và chết đói.

Gupta: Hiện nay, tại các nước đang phát triển, nạn đói và chết đói vẫn đang diễn ra. Trợ cấp lương thực hiện vẫn đang được cung cấp cho những quốc gia có nhu cầu, nhưng chúng ta phải xây dựng và phát triển sản xuất lương thực tại chính những quốc gia này hoặc tại chính những khu vực này, vì điều đó có thể tạo ra sinh kế và cơ hội việc làm cho người dân, đồng thời giúp sản xuất được lương thực với mức giá phải chăng. Chúng ta cần phải xem xét đến khả năng này, thay vì việc sản xuất lương thực tại các nước phát triển sau đó vận chuyển lương thực trên một quãng đường dài tới các nước đang phát triển với một mức chi phí rất cao.

Nelson: Tôi hoàn toàn đồng ý. Rõ ràng là chúng ta luôn cần phải có các tổ chức như Chương trình Lương thực Thế giới và những tổ chức viện trợ khác nhằm khắc phục hậu quả của thiên tai – như chúng ta đã thấy vào đầu năm nay tại Haiti – hậu quả của những biến động chính trị và những biến động không lường trước khác. Chúng ta vẫn sẽ cần phải có nguồn hỗ trợ khẩn cấp dưới hình thức này, nhưng chúng ta cũng phải phát triển nông nghiệp tại các cộng đồng địa phương, đồng thời phải phát triển thị trường để trao đổi hàng hóa tại địa phương.

Câu hỏi: Bây giờ chúng ta hãy đề cập đến những tiến bộ trong lĩnh vực chuyên môn của hai ông, Tiến sĩ Gupta, ông có cho rằng hoạt động nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai không?

Gupta: Chắc chắn như vậy. Mặc dù ban đầu nghiên cứu của tôi tập trung chủ yếu ở châu Á nhưng hiện nay những công nghệ và phương thức tương tự đã được chuyển giao tới các nước châu Phi. Nếu quan sát bạn sẽ thấy 90% sản lượng nuôi trồng thủy sản của thế giới đến từ châu Á. Trước đây đã có rất nhiều nỗ lực tại các nước châu Phi nhằm học hỏi những công nghệ này từ châu Á và chuyển giao chúng sang châu Phi, nhưng lại không chú trọng tới các khía cạnh văn hóa kinh tế xã hội của dân chúng tại các quốc gia này. Và nỗ lực đó đã thất bại. Hàng triệu đô-la đã được các nước tài trợ đổ vào khu vực này. Đó chính là sai lầm trong quá khứ.
Nghiên cứu của tôi tập trung vào việc bắt đầu xây dựng và phát triển công nghệ thông qua phối hợp chặt chẽ với các cộng đồng, đầu tiên là phải hiểu rõ nền tảng xã hội, tình trạng kinh tế, và khía cạnh văn hóa của họ, sau đó mới phát triển công nghệ phù hợp với những cộng đồng này. Nội dung nghiên cứu thứ hai mà chúng tôi thực hiện là sản xuất cá tại các trang trại quy mô nhỏ nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua việc tiêu thụ cá được nuôi tại ao nhà. Giả thiết ban đầu của chúng tôi là người dân có thể ăn nhiều cá hơn do họ tự nuôi được, từ đó có sức khỏe tốt hơn. Nhưng giả định này đã tỏ ra sai lầm ngay từ những giai đoạn đầu của nghiên cứu vì người dân mong chờ có thêm thu nhập bằng tiền mặt. Họ muốn có tiền vì họ còn có nhiều nhu cầu khác ngoài việc ăn cá. Vì vậy điều mà chúng tôi phát hiện ra qua nghiên cứu là: trên thực tế, từ 80% đến 90% cá được nuôi từ các trang trại quy mô nhỏ thậm chí từ ao nhà đã được bán ra thị trường với giá cao. Sau đó người dân mua cá khô với giá rẻ hơn để phục vụ cho tiêu dùng và các nhu cầu thường ngày khác của họ. Như vậy, tình trạng dinh dưỡng vẫn được cải thiện nhưng không phải do họ ăn cá được nuôi tại ao nhà mà là do họ có thêm thu nhập bằng tiền mặt thông qua việc nuôi cá tại ao của họ.

Như vậy đây là điều mà chúng tôi tính đến trong nghiên cứu của mình, phải hiểu rõ nhu cầu của họ và nhu cầu thị trường, sau đó mới phát triển các công nghệ mang lại thu nhập tiền mặt cho những hộ gia đình nghèo này.
Câu hỏi: Tiến sĩ Nelson, ông có cho rằng công nghệ cất trữ và bảo quản – lĩnh vực ông nghiên cứu – có thể được áp dụng đối với những người nuôi trồng thủy sản để mang lại kết quả tốt hơn hay không?

Nelson: Tôi thực sự bị thuyết phục bởi nghiên cứu của Tiến sĩ Gupta vì tôi nghĩ rằng nghiên cứu này có đóng góp thật sự quan trọng tới an ninh lương thực toàn cầu. Tôi đã sử dụng một câu ngạn ngữ Trung Quốc trong phần giới thiệu về nghiên cứu của mình: Tặng một con cá cho một người, bạn nuôi sống anh ta một ngày; dạy một người cách câu cá, bạn nuôi sống anh ta cả đời. Tôi đã thêm vào câu ngạn ngữ này một ý nữa:    Nếu bạn dạy anh ta cách bảo quản cá, anh ta có thể sống mãi, nuôi sống cộng đồng và có thêm thu nhập.

Đó chính là tâm điểm hoạt động nghiên cứu của tôi – một khâu quan trọng trong toàn bộ chuỗi lương thực – tìm cách giúp nông dân tại các nước đang phát triển bảo quản cá, ngũ cốc, rau quả và sau đó giúp họ phát triển các thị trường tại địa phương. Ở nhiều nước đang phát triển, tại những thành phố lớn, nhu cầu đã gia tăng đối với nhiều loại sản phẩm. Ở các trang trại quy mô nhỏ tại những nước đang phát triển, nông dân có thể học cách sản xuất và vận chuyển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đó, tôi nghĩ rằng hiện chúng ta có nhiều cơ hội để tác động nhiều tới nghèo đói.

Câu hỏi: Những người nông dân quy mô nhỏ tại các nước đang phát triển hiện đang thiếu phương tiện phù hợp để đưa sản phẩm của họ tới thị trường, đồng thời các nước này cũng đang thiếu đường xá để kết nối các thị trường. Các quốc gia tài trợ có thể làm gì để giúp giải quyết vấn đề này?

Nelson: Điều này đòi hỏi phải có nỗ lực chung. Nếu chỉ giải quyết một phương diện thì sẽ không giải quyết được cả vấn đề. Cần phải xây dựng thị trường đồng thời với nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Tất nhiên điều này phức tạp hơn nhiều so với việc chuyển giao công nghệ. Chúng ta đã có một số ví dụ minh chứng cho việc đảm bảo thực hiện tốt những hoạt động này. Ở Malawi, một dự án có tên là Những Ngôi làng Thiên niên kỉ đã có những tiến bộ đáng kể cho các làng xóm bao gồm lĩnh vực nông nghiệp, dự trữ nước, tăng cường sức khỏe, cải thiện chất lượng giáo dục. Nhưng châu Phi vẫn tụt hậu so với các quốc gia khác trên thế giới trong tất cả các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.

Việc thúc đẩy nuôi trồng thủy sản của Tiến sĩ Gupta đã góp phần tăng sản lượng cá ở Bangladesh lên gấp 10 lần. Chúng tôi muốn thực hiện những mô hình thí điểm này và nhân rộng chúng. Tôi hy vọng sẽ làm được điều này bằng việc thành lập một trung tâm quốc tế tập trung vào hoạt động phát triển công nghệ thực phẩm và mở rộng thị trường. Tôi cũng hy vọng có một động lực lớn với nhiều hỗ trợ từ hàng loạt các tổ chức để có thể tập trung vào lĩnh vực này.

Câu hỏi: Hãy cho chúng tôi biết một trong những ví dụ mà ông đang nói đến.

Nelson: Khi làm việc cùng với người nông dân, các nhà công nghệ thực phẩm đã phát hiện ra một giống kê có thể cho rất nhiều hạt. Hàm lượng đạm trong hạt kê cao như hàm lượng đạm trong lúa mì. Ở một đất nước như Senegan, nơi mà người dân rất là thích ăn bánh mì dài, họ phải nhập khẩu tất cả lúa mì để làm bánh đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Ý tưởng nghiên cứu của chúng tôi hiện nay là thử xem cây kê được trồng tại địa phương có thể sản xuất ra hạt nhằm thay thế 50% lượng lúa mì nhập khẩu hay không. Chúng tôi hy vọng rằng từ hạt kê có thể sản xuất ra bánh mì được dân chúng chấp nhận. Bạn có thể hình dung ra mức độ cải thiện các cơ hội thị trường cho người nông dân địa phương, đồng thời làm giảm nhu cầu về lúa mì nhập khẩu của Senegan.

Giá lương thực cũng là một nhân tố khác gây ra nạn đói trên thế giới. Khi bạn phải nhập khẩu một số lượng lương thực lớn thì điều này có thể gây khó khăn và làm cạn kiệt dần các nguồn lực của họ.

Ở Malawi, chúng tôi đang làm việc với phụ nữ và đang xây dựng các nhóm doanh nghiệp nhỏ có khả năng đưa ra thị trường những sản phẩm của họ một cách tốt hơn. Hiện nay chúng tôi chỉ đang làm việc với khoảng 10 nhóm nhỏ trong khi chúng tôi cần phải nhân rộng mô hình này lên mười nghìn lần.

Câu hỏi: Tiến sĩ Gupta, ông có thể chia sẻ một ví dụ về ngôi làng đã áp dụng các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản của ông nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân tại ngôi làng đó chứ?

Gupta: Ví dụ như nghiên cứu của tôi ở Bangladesh vào năm 1986. Như bạn đã biết, hai phần ba đất nước này luôn ngập nước trong khoảng từ 4 đến 6 tháng mỗi năm, vì vậy các hộ gia đình ở nông thôn xây lều và nhà của họ trên những vùng đất cao. Để có một mảnh đất cao xây nhà, họ phải đào đất ở gần nơi đó và trong quá trình đó họ đã tạo ra những cái mương và ao nhỏ. Có hàng trăm nghìn những cái ao và mương như vậy ở khu vực nông thôn Bangladesh. Khi tôi đến đó, những cái ao này bị bỏ không và phủ đầy cây lan nước – một loài cỏ thủy sinh đáng ghét – và là nơi sinh sống lý tưởng của muỗi. Vì vậy tôi nghĩ làm cách nào để ta có thể sử dụng những cái ao nhỏ này nhằm cung cấp dinh dưỡng cho các hộ gia đình ở nông thôn.

Tôi nhà một nhà sinh học nên vào thời điểm đó tôi không biết gì về cuộc sống ở nông thôn – khía cạnh văn hóa và kinh tế của người dân. Tôi bắt tay với một vài tổ chức phi chính phủ tại quốc gia này – những tổ chức làm việc trực tiếp ở các cơ sở – để họ có thể giúp tôi triển khai nhanh hơn hoạt động nuôi trồng thủy sản, giúp tăng thu nhập của các hộ gia đình và cải thiện điều kiện dinh dưỡng của các thành viên trong hộ. Khi những tổ chức phi chính phủ này đã tin tưởng vào tính khả thi kinh tế của các công nghệ này, chúng tôi đi đến những ngôi làng, thực hiện nỗ lực thường xuyên là tìm hiểu dân chúng, văn hóa và tình trạng kinh tế của họ. Sau đó chúng tôi bắt đầu với các công nghệ quy mô nhỏ, chi phí thấp, không có rủi ro trong đầu tư, áp dụng công nghệ này vào những cái ao của họ, tiếp đó, trình diễn cách sử dụng công nghệ cho người dân. Chúng tôi đã đi đến nhiều ngôi làng, và hiện nay chúng tôi có hơn mười nghìn nông dân đang làm việc với tư cách là cộng tác viên của chúng tôi trong các nghiên cứu thực địa tại trang trại và phổ biến công nghệ. Như vậy, một khi chúng tôi có thể chỉ ra rằng những cái ao tưởng chừng vô tích sự và những cái mương nhỏ ven đường tại bất cứ đâu có thể cho từ hai đến ba tấn cá mỗi hécta trong vòng từ 4 đến 6 tháng thì ngay lập tức đã có một làn sóng người dân áp dụng công nghệ của chúng tôi.

Tôi có thể nói rằng nghiên cứu của chúng tôi là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại nông thôn và nó làm tăng sinh kế cũng như cải thiện đáng kể tình trạng dinh dưỡng của dân cư nông thôn. Đó là bước đi đầu tiên mà chúng tôi đã thực hiện.

Thứ hai, chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết phụ nữ nông thôn đang làm việc tại nhà và không có công việc gì khác. Chúng tôi đã nghĩ rằng nếu có thể lôi kéo phụ nữ vào việc áp dụng những công nghệ đơn giản chi phí thấp này thì phụ nữ sẽ đóng góp thêm vào thu nhập của gia đình bên cạnh thu nhập của người chồng – người đang thực hiện các công việc đồng áng và một số các công việc khác. Vì thế chúng tôi khuyến khích phụ nữ, đào tạo họ, các tổ chức phi chính phủ cho họ vay các khoản tiền nhỏ mà không cần bất kì tài sản kí quỹ nào. Phương thức này tỏ ra rất hiệu quả. Hiện nay khoảng 60% người nuôi cá ở nông thôn Bangladesh là phụ nữ.

Như vậy nghiên cứu của chúng tôi đã thành công trong việc tăng thu nhập hộ gia đình, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Trước khi có nghiên cứu này người phụ nữ chỉ là người lao động không mang lại thu nhập cho gia đình.

Tôi đã nhìn thấy một bức tranh do một tổ chức phi chính phủ tại Bangladesh quảng bá, bức tranh minh họa một người phụ nữ có mười hai bàn tay. Một bàn tay đang bế con, bàn tay khác đang lau nhà, bàn tay đang nấu bếp, một bàn tay nữa đang bổ củi, và cứ như vậy. Chủ đề của bức tranh này là “vợ của tôi không làm việc”. Thực ra người phụ nữ ấy phải làm tất cả mọi việc! Nhưng một khi cô ấy không mang lại thu nhập bằng tiền mặt thì cô ấy vẫn bị coi là không làm gì. Đó chính là lí do tại sao chúng tôi muốn lôi kéo phụ nữ vào những công việc đòi hỏi sử dụng công việc công nghệ thấp. Như vậy, một khi họ đã được đào tạo, đã tự tin vào khả năng của mình, thì họ sẽ muốn tham gia vào công nghệ sản xuất ở trình độ cao hơn và mang lại thu nhập cao hơn. Hiện nay nhiều người trong số họ đã tham gia vào quy trình sản xuất cá giống (được thực hiện tại các trại ươm cá) – là hoạt động sinh lãi hơn nhiều so với nuôi cá đơn thuần.

Khi tôi mới đến Bangladesh, sản lượng nuôi trồng thủy sản chưa đầy một trăm nghìn tấn. Hiện nay sản lượng này lên tới gần một triệu tấn. Nghiên cứu của chúng tôi không chỉ làm tăng sản lượng mà còn tạo ra sinh kế cho các cộng đồng nông thôn nơi vốn có rất ít cơ hội có thu nhập.

Câu hỏi: Các nhân tố chính trị cũng có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Chính sách có thể khuyến khích gia tăng sản lượng hoặc làm sản lượng bị giảm đi. Trên thế giới cũng có những chế độ chính trị không mấy quan tâm đến chất lượng dinh dưỡng và sức khỏe của dân chúng. Ông đánh giá thế nào về tác động của các vấn đề chính trị tới nạn đói hiện nay trên thế giới?

Nelson: Tôi là một nhà khoa học, một nhà công nghệ, nên câu hỏi này tốt hơn cả là hãy dành cho người khác. Nhưng chắc chắn các vấn đề chính trị là rào cản lớn tại nhiều khu vực trên thế giới hiện nay, đặc biệt ở châu Phi. Chúng ta đã chứng kiến những gì xảy ra tại các nước có chế độ chính trị thay đổi. Malawi là một ví dụ điển hình. Đất nước Ấn Độ cũng đã đổi thay rất nhiều từ khi Chính phủ bắt đầu quan tâm tới việc phát triển hơn nữa các công nghệ chế biến để bảo quản và phân phối sản phẩm của họ. Chính phủ thực sự có thể làm nên những khác biệt lớn.

Gupta: Chúng ta không nên chỉ nhìn vào công nghệ mà còn cần quan tâm đến cả giá thu mua sản phẩm của người nông dân. Khi có một vụ mùa bội thu, giá thị trường sẽ giảm xuống và người nông dân không có lợi nhuận. Một mặt, giá đầu vào – phân bón, thuốc trừ sâu - tăng lên, trong khi mặt khác, Chính phủ không duy trì một mức giá tối thiểu hoặc một mức giá bảo đảm cho hàng hóa của họ. Điều này đã xảy ra ở đất nước tôi – khi được mùa, giá cả trên trị trường giảm xuống và người nông dân không có khả năng trang trải chi phí của họ trong quá trình sản xuất.

Vì lí do đó, hiện nay người nông dân tham gia vào quá trình sản xuất lương thực có xu hướng từ bỏ việc trồng trọt các loại cây lương thực để tham gia vào quá trình sản xuất các loại cây trồng mang tính thương mại – bông, thuốc lá, mía và những loại cây khác. Như vậy, Chính phủ cần phải đảm bảo một mức giá tối thiểu cho người nông dân để họ có thể an tâm về sinh kế của mình.

Câu hỏi: Một thách thức lớn chưa được đánh giá đầy đủ đối với nông nghiệp hiện nay là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai. Chúng ta hãy nói về đánh giá của ông đối với vấn đề này. Tiến sĩ Gupta, xin hãy trở lại với trường hợp của Bangladesh, một quốc gia có địa hình thấp, đặc biệt dễ bị tổn thương khi mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

Gupta: Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của thời tiết đối với cây trồng, nhưng không có nhiều thông tin cho biết ảnh hưởng của nó đối với nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát những gì đang diễn ra trên các đại dương thì có thể đánh giá rằng chắc chắn biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn đối với nghề cá. Sự ấm lên của trái đất sẽ làm thay đổi tính đa dạng, sự phân bố, và mức độ dồi dào của nguồn lợi từ cá. Biến đổi khí hậu và sự ấm lên của trái đất sẽ làm thay đổi hàm độ axit trong nước biển, gây tác động tới các loài động vật giáp xác như tôm, hàu và trai... Từ đó gây tác động tới nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, hiện chúng tôi đang tìm cách phát triển các giống cá có thể chấp nhận được độ mặn khác nhau của nước. Ngoài ra, còn rất nhiều việc phải làm nữa để giảm thiểu tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu gây ra.

Câu hỏi: Tiến sĩ Nelson, theo ông, khâu chế biến và bảo quản trong chuỗi lương thực phải thay đổi như thế nào để thích ứng được với những biến đổi khí hậu?

Nelson: Biến đổi khí hậu đang gây áp lực đối với các nhà nghiên cứu gien và cây trồng trong việc phát triển các giống cây trồng mới có thể chống chọi được với hạn hán và với các điều kiện nhiệt độ thay đổi. Khâu này trong chuỗi sản xuất là rất quan trọng, nếu không có hoạt động này thì tôi cho rằng chúng ta sẽ còn phải chứng kiến nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác. Mặt khác, do khí hậu biến đổi nên sẽ có sự khác biệt giữa các khu vực sản xuất. Cần phải củng cố hơn nữa khâu phân phối để chúng ta chuyển sản phẩm từ khu vực này đến khu vực khác, do nhiệt độ và khí hậu sẽ là những yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

Ở trên tôi đã lưu ý rằng chúng tôi đang bắt đầu xây dựng một trung tâm quốc tế ở Trường Purdue. Chúng tôi đã nhận được một số nguồn vốn tài trợ và mục tiêu của chúng tôi là tập trung vào phát triển công nghệ, xây dựng thị trường và giảm thiểu sự thất thoát sản phẩm tại những nơi trên thế giới mà nạn đói đang đe dọa dân chúng. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải có sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động này trong chuỗi lương thực, đồng thời hy vọng rằng các nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp làm giảm nạn đói và tăng cường an ninh lương tực.

Gupta: Tôi nghĩ rằng việc cải thiện sinh kế của người nông dân phải là một phần trong giải pháp. Bản thân sản xuất lương thực không giúp giải quyết vấn đề này trừ phi chúng ta có thể giảm nghèo đói. Vì vậy, hiện chúng tôi đang nghiên cứu để tạo ra sinh kế và nâng cao chất lượng sống của người dân trong các cộng đồng nông thôn.

Các quan điểm trình bày trong cuộc phỏng vấn này không nhất thiết phản ánh quan điểm và chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.