Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

NHỮNG SỰ KIỆN QUAN TRỌNG TRONG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI CỦA HOA KỲ (1900-2001)

Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 4/2006

Kinh tế và thương mại: Một động lực trong quan hệ đối ngoại của Mỹ

Maarten L. Pereboom

    "Nổi lên với tư cách là nhà lãnh đạo thế giới trong thế kỷ XX và trong khi chắc chắn tiếp tục theo đuổi những lợi ích kinh tế ở nước ngoài, Mỹ dựa trên những nền tảng thời kỳ Ánh sáng của mình và thúc đẩy những lý tưởng tự do, dân chủ và thị trường mở với niềm tin rằng 'những dân tộc tự do buôn bán tự do' sẽ đem lại sự cải thiện điều kiện của con người trên toàn thế giới”.

    Maarten L. Pereboom là Giáo sư Sử học và là Trưởng khoa Lịch sử tại trường Đại học Salisbury ở Maryland. Ông chuyên về lịch sử quan hệ đối ngoại Mỹ, Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Cuộc tàn sát người Do Thái và Chiến tranh Lạnh.


Trong số tất cả những nhân tố định hình quan hệ đối ngoại của Mỹ kể từ khi độc lập, tìm kiếm cơ hội kinh tế được cho là nhân tố quan trọng nhất. Lịch sử có xu hướng tập trung vào các sự kiện quân sự nổi bật, nền chính trị và ngoại giao xung quanh những sự kiện đó, thế nhưng, ngay từ những ngày đầu của nền cộng hòa "ngọn cờ luôn đi theo thương mại" khi người Mỹ tìm cách tiếp cận thị trường thế giới.

Nổi lên với tư cách là nhà lãnh đạo thế giới trong thế kỷ XX và trong khi chắc chắn tiếp tục theo đuổi những lợi ích kinh tế ở nước ngoài, Mỹ dựa trên những nền tảng thời kỳ Ánh sáng của mình và thúc đẩy những lý tưởng tự do, dân chủ và thị trường mở với niềm tin rằng 'những dân tộc tự do buôn bán tự do' sẽ đem lại sự cải thiện điều kiện của con người trên toàn thế giới.

Mỹ đã giúp cứu thế giới thoát khỏi cái bóng phân biệt chủng tộc của nước Đức quốc xã và những thảm họa của cộng sản Xô Viết, thế nhưng những yêu cầu phức tạp đối với vai trò lãnh đạo thế giới cũng thách thức vai trò của kinh tế với tư cách là nhân tố chính định hình nên chính sách đối ngoại của Mỹ.

Nhà sử học Bradford Perkins đã mô tả cuộc đấu tranh giành độc lập của nước Mỹ là ước muốn khôi phục lại quyền tự do, cả về chính trị lẫn kinh tế, mà người Anh ở Bắc Mỹ đã được hưởng nhờ sự "bỏ qua tốt bụng" dưới chế độ cai trị đế quốc trước năm 1750. Cuộc chiến giữa người Pháp và người da đỏ làm quyền lực của Pháp ở Bắc Mỹ bị xóa bỏ cũng khiến cho Quốc hội Anh phải dựa vào các thuộc địa nhờ trả giúp các khoản nợ. Việc đóng thuế của một Quốc hội mà trong đó các thuộc địa không hề có đại diện đã dẫn đến cuộc Chiến tranh giành Độc lập mà trong suốt cuộc chiến tranh đó người Mỹ luôn để ý tới những lợi ích kinh tế của mình.

Niềm tin vào thương mại tự do

Năm 1776, khi các thuộc địa nổi dậy cần phải có một đồng minh chính trị và quân sự để chống lại Anh, thì Hiệp ước Model của John Adams lại chỉ đề xuất phát triển quan hệ thương mại với Pháp, trong đó quốc tịch của các thương gia không quan trọng và quyền buôn bán tự do của mỗi nước sẽ được tôn trọng đầy đủ, ngay cả khi một trong hai nước muốn buôn bán với một nước đang có chiến sự với nước kia. Mặc dù hiệp ước đó chưa bao giờ có hiệu lực, những nó gìn giữ niềm tin xuất phát từ thời kỳ Ánh sáng rằng quan hệ thương mại tự do giữa các dân tộc tự do sẽ tạo ra một thế giới hòa bình và thịnh vượng.

Là một quốc gia độc lập, Hoa Kỳ theo đuổi cơ hội kinh tế trong một thế giới vẫn bị chi phối bởi những kẻ thù đế quốc châu Âu hung bạo. Việc Na-pô-lê-ôn rao bán lãnh thổ Louisiana rộng lớn với giá 15 triệu đô-la, để cung cấp tài chính cho những cuộc chiến tranh của chính nước Pháp, quả là sự may mắn chưa từng có. Thế nhưng chỉ vài năm sau, Hoa Kỳ đã cố gắng tác động tới cuộc xung đột đang diễn ra giữa Anh và Pháp bằng Đạo luật Cấm vận, tước bỏ lợi ích của các cường quốc đang tham chiến trong thương mại với Mỹ, nhưng đồng thời cũng tước bỏ của người Mỹ những lợi ích tương tự. Đó vẫn là một trong những sai lầm lớn trong lịch sử quan hệ đối ngoại của Mỹ, góp phần dẫn đến một cuộc chiến tranh hầu như không có kết quả năm 1812 và kết thúc trong bế tắc năm 1815.

Mỹ đã tự tin hơn trong thế giới của những năm 1820 khi châu Âu sau Na-pô-lê-ôn bước vào thời kỳ hòa bình tương đối và phần lớn Trung và Nam Mỹ đã độc lập. Với Học thuyết Monroe năm 1823, Mỹ đã tuyên bố đóng cửa Tây bán cầu, không cho châu Âu mở rộng quá trình thuộc địa hóa hơn nữa.

Tuy nhiên, người châu Âu tiếp tục đầu tư vào châu Mỹ và những nguồn lực của Trung và Nam Mỹ cũng có sức hút mãnh liệt đối với Mỹ. Khi các công ty Mỹ phát triển các công ty khai thác mỏ và nông nghiệp, thì chính sách đối ngoại và lực lượng vũ trang Mỹ giúp đảm bảo rằng chính phủ địa phương sẽ thân thiện với sự hiện diện về kinh tế của họ ở đó.

Trong khi đó, bản thân nền cộng hòa đã được mở rộng đáng kể khi người Mỹ tiến về phía tây do được thôi thúc bởi những giấc mơ về cơ hội kinh tế và những lý tưởng về một "miền đất hứa". Để việc mở rộng trở nên khả thi, Chính phủ Mỹ đã xua đuổi người da đỏ, phát động chiến tranh với Mêhicô và đàm phán với Anh về việc mở rộng đường biên giới của Mỹ tới tận bờ biển Thái Bình Dương.

Thương mại bên kia Thái Bình Dương

Tuy nhiên, cuộc xung đột về chế độ nô lệ đã hạn chế việc mở rộng hơn nữa về phía Bắc hoặc Nam, và vào thời điểm khi Nội chiến kết thúc năm 1865, William Seward, Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Abraham Lincoln, đã đưa ra tầm nhìn về việc mở rộng hơn nữa nhưng bớt tập trung vào vấn đề lãnh thổ thay vào đó là mở rộng về thương mại. Bên kia Thái Bình Dương là một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng ở châu Á. Mặc dù Alaska, được mua từ Nga năm 1867, bị coi là sự ngu xuẩn của Seward, nhưng việc giành được vùng đất này lại là một phần trong nỗ lực mang tính chiến lược và khôn ngoan nhằm thiết lập những tuyến đường buôn bán bảo đảm với vùng Viễn Đông. Vào cuối thế kỷ, các cường quốc đế quốc từ Anh tới Nhật Bản đều chú ý đến việc mở rộng thuộc địa ở Trung Quốc, thế nhưng Mỹ, với hy vọng ngăn chặn việc chia cắt Trung Quốc ra từng mảnh giống như "cuộc tranh cướp châu Phi" trong những năm 1880, đã thúc đẩy chính sách Mở cửa để duy trì sự tiếp cận đối với thị trường tiềm năng rộng lớn đó. Chính sách Mở cửa là sự duy trì ở một lãnh thổ nhất định các quyền thương mại và công nghiệp bình đẳng đối với công dân của tất cả các nước.

Trong khi chính sách đối ngoại tiếp tục thúc đẩy tiếp cận các thị trường thế giới thì tăng trưởng kinh tế có tính hiện tượng của Mỹ sau Nội chiến lại diễn ra trong phạm vi biên giới của mình. Những người như John D. Rockerfeller và Andrew Carnegie đã nắm được những vận may lớn về dầu và thép, họ nắm quyền điều hành việc củng cố và mở rộng những ngành công nghiệp này thành những công ty độc quyền hoặc gần như độc quyền. Tập đoàn, một phát minh của Mỹ, cho phép các công ty nắm những thị phần rất lớn và chuẩn bị cho quá trình toàn cầu hóa sức mạnh kinh tế Mỹ trong thế kỷ XX.

Theo nhà sử học Paul Kennedy, vào thời điểm nổ ra chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914, Mỹ là một siêu cường kinh tế, sản xuất 1/3 lượng hàng hóa của thế giới, so với 15% của Đức và 14% của Anh. Khi các cường quốc trung tâm Đức và Áo chuẩn bị chiến tranh với các cường quốc Đồng minh Anh, Pháp và Nga thì bên kia Đại Tây Dương, Mỹ tuyên bố chính sách trung lập "về tư duy và hành động”. Định nghĩa trung lập lặp lại Hiệp ước Model của Adams, đó là thương mại tự do không bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chính trị. Thương mại với Đức giảm tới mức con số không do sự bao vây của Anh, nhưng Mỹ không gây hấn vì thương mại bùng nổ với các cường quốc Đồng minh đã bù đắp phần thương mại mất mát với Đức. Năm 1916, trợ giúp kinh tế của Mỹ cho các cường quốc Đồng minh về hàng hóa công nghiệp và dịch vụ tài chính đe dọa sự thất bại của Đức ở Mặt trận phía Tây, dù đã thắng Nga ở Mặt trận phía Đông. Thách thức định nghĩa trung lập của Mỹ, Đức đã ra lệnh cho tàu ngầm tấn công tàu bè của Mỹ. Tháng 4/1917 Mỹ tuyên bố chiến tranh, cùng với các cường quốc Đồng minh đánh bại Đức vào năm sau.

Đế chế không nước mắt

Chiến tranh Thế giới Thứ nhất đã tàn phá châu Âu, nhưng New York đã thay thế Luân Đôn trở thành trung tâm tài chính thế giới và nền kinh tế Mỹ bùng nổ khi các địch thủ xuyên Đại Tây Dương đang đánh lẫn nhau. Viễn cảnh của Tổng thống Woodrow Wilson về một thế giới hòa bình, dân chủ, thương mại tự do, thách thức trật tự cũ của các đế chế châu Âu cạnh tranh lẫn nhau, đã không thành hiện thực trong nền chính trị của thế giới sau chiến tranh, cả ở Mỹ lẫn ở nước ngoài. Nhà sử học Warren Cohen đã cho rằng, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Hoa Kỳ đã lựa chọn chính sách đối ngoại “đế chế không nước mắt”, tức là: thống trị các thị trường thế giới bằng việc hạn chế tối thiểu những cam kết chính trị và quân sự. Vào những năm 1930, các chính trị gia theo trường phái biệt lập đã coi việc can thiệp vào chiến tranh là một sai lầm được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất vũ khí hám lợi từ việc buôn bán vũ khí, và Quốc hội Mỹ đã thông qua hàng loạt đạo luật trung lập nhằm đảm bảo rằng thương mại sẽ không kéo đất nước vào chiến tranh một lần nữa.

"Đế chế không nước mắt" gợi nhớ lại những tháng ngày thịnh vượng vô tư, vô lo thời thực dân dưới sự quản lý không quá sát sao của Anh. Thế nhưng sự phớt lờ tốt bụng ấy chẳng có ý nghĩa gì trong một thế giới mà ở đó những kẻ cực đoan sẵn sàng chiến đấu ở Đức và Nhật muốn thống trị. Vào cuối thế kỷ XVIII, Tổng thống George Washington đã cảnh báo nền cộng hòa non trẻ hãy tránh dính líu đến các đế chế châu Âu đang có chiến tranh, nhưng giờ đây khi Mỹ đã có sức mạnh, bắt nguồn từ sức mạnh kinh tế, để đảm bảo rằng những đế chế tham vọng đó sẽ không thể thách thức những lợi ích toàn cầu của mình. Bất chấp chủ nghĩa biệt lập kéo dài ở trong nước, tháng 1/1939 Tổng thống Franklin Roosevelt vẫn thông báo về một ngân sách quốc phòng lớn nhất trong thời bình. Tháng 3/1941, vài tháng trước khi quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng, Mỹ cam kết dùng sức mạnh kinh tế để đập tan các cường quốc phe Trục với Đạo Luật Lend-Lease. Vào mùa hè, tàu ngầm của Đức lại một lần nữa thách thức những lợi ích của Mỹ trong một cuộc chiến tranh không được tuyên bố trên Đại Tây Dương.

Các siêu cường nổi lên

Liên minh kỳ lạ giữa Mỹ, Anh và Liên Xô đã đánh bại các cường quốc phe Trục năm 1945. Những người Xô Viết có nhân lực và quyết tâm cần thiết để đẩy lui cuộc xâm lược lớn nhất trong lịch sử và đè bẹp quân Đức; Mỹ đã huy động hiệu quả nguồn nhân lực và kinh tế lớn lao để chiến thắng một cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử trên hai lục địa: Khi châu Âu suy yếu, hai nước này đã trở thành hai siêu cường của thế giới. Thế nhưng hai siêu cường lại đại diện cho các hệ thống kinh tế chính trị đối lập nhau, và việc phát triển vũ khí hạt nhân mang tính hủy diệt lớn của cả hai bên đã làm cho cuộc tranh giành trong Chiến tranh Lạnh kéo theo sau đó trở thành cuộc chiến một mất một còn.

Mối đe dọa Liên Xô đảm bảo rằng Mỹ sẽ không rút lui khỏi vai trò chính trị và quân sự toàn cầu. Kinh tế vẫn rất quan trọng. Trong một trong những sáng kiến cực kỳ sáng suốt trong lịch sử quan hệ đối ngoại Mỹ, trong giai đoạn 1948-1951 Mỹ đã cung cấp 12 tỉ đô-la viện trợ cho các nền kinh tế châu Âu thông qua Kế hoạch Marshall. Mỹ đã viện trợ cho các quốc gia rất cần sự giúp đỡ và giúp họ chống Chủ nghĩa Cộng sản. Thế nhưng tăng trưởng kinh tế mang tính hiện tượng đạt được ở Tây Âu cũng lại thúc đẩy thương mại thế giới, khiến cho hành động hào phóng này trở thành một sự đầu tư cực kỳ khôn ngoan. Với tư cách là người bảo vệ thị trường toàn cầu, nhìn chung Mỹ thúc đẩy các chính sách thương mại tự do để hỗ trợ thị trường đó, mặc dù điều đó không có nghĩa là người Mỹ và chính phủ của họ không phải chịu bất cứ rào cản nào của chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, nói chung thì nền chính trị Chiến tranh Lạnh có cuộc sống riêng của nó: Mặc dù mục tiêu của cuộc tranh giành này là nhằm duy trì hệ thống kinh tế toàn cầu, nhưng nó lại tạo ra sự hiện diện quân sự của Mỹ trên toàn thế giới và cái mà Tổng thống Eisenhower gọi là sự kết hợp quân sự-công nghiệp để hỗ trợ hệ thống kinh tế. Chẳng hạn như chính sách kiềm chế xác định Việt Nam là một con bài đô-mi-nô, việc Việt Nam ngả theo phe cộng sản sẽ gây ra phản ứng dây chuyền ở Đông Nam Á. Với chi phí khổng lồ cả về kinh tế lẫn nhân lực, nhưng nỗ lực xây dựng một nước Việt Nam phi cộng sản của Mỹ đã không thành công.

Những thách thức của Chiến tranh Lạnh cũng tạo ra áp lực kinh tế rất lớn đối với Liên Xô và các nước đồng minh của họ, và cuối cùng thì hệ thống cộng sản không thể tạo ra của cải cần thiết để duy trì sự cạnh tranh, nói gì đến việc bảo đảm những quyền cơ bản của người dân, đảm bảo môi trường an toàn và một mức sống hợp lý. Với sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản vào cuối những năm 1980, Mỹ nổi lên thành siêu cường duy nhất và hệ thống tư bản chủ nghĩa đã chiến thắng, mặc dù đã được điều chỉnh quy củ hơn so với thời của những ông “vua” bóc lột, nhưng vẫn còn nhiều bất cập và nạn nhân. Theo tư tưởng gia có đầu óc chiến lược Francis Fukuyama, sự kết thúc cuộc đấu tranh đó không dẫn tới “sự cáo chung của lịch sử”, nhưng thế giới đương đại với bao phức tạp khó khăn lại một lần nữa thách thức người Mỹ, buộc họ phải xác định những lợi ích kinh tế và chính trị của dân tộc trong một bối cảnh toàn cầu, và rút kinh nghiệm từ quá khứ để xử lý hiện tại một cách hợp lý và đưa ra một viễn cảnh tương lai.

Những quan điểm trình bày trong bài viết này không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chính sách của Chính phủ Mỹ.