Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

NHỮNG SỰ KIỆN QUAN TRỌNG TRONG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI CỦA HOA KỲ (1900-2001)

Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 4/2006

Chiến tranh lạnh: Một cuộc kiểm tra đối với sức mạnh và sự thử thách đối với các ý tưởng của Hoa Kỳ

Michael J. Friedman

    Chiến tranh Lạnh trước hết là cuộc chiến tranh của các tư tưởng, một cuộc đấu tranh về các nguyên tắc tổ chức xã hội loài người, một cuộc đua tranh giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tập thể cưỡng ép. Đối với Hoa Kỳ, Chiến tranh Lạnh là cam kết thực sự bền vững đầu tiên của đất nước trong Nền Chính trị Cường quốc, và nó đòi hỏi người dân Mỹ phải để cho những xung lực trái ngược nhau của họ đối mặt với thế giới bên ngoài: mong muốn tồn tại biệt lập và mong muốn bảo vệ tự do cho những dân tộc khác – vì sự thúc đẩy của cả chủ nghĩa vị tha lẫn tư tưởng tư lợi.

    Michael Jay Friedman viết bài cho bản tin Washington File của Bộ Ngoại giao Mỹ và là nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao.


Chiến tranh Lạnh được cho là bắt đầu năm 1917 với sự nổi lên của nước Nga như là một thể chế Bôn-sê-vích cách mạng, mong muốn mở rộng Chủ nghĩa Cộng sản sang khắp thế giới các nước công nghiệp. Đối với Lê-nin, lãnh tụ của cuộc cách mạng đó, việc đạt được mục tiêu đó là rất cần thiết. Trong Thư Ngỏ tháng 8/1918 gửi những người lao động Mỹ, ông viết: “Cũng như trước kia, giờ đây, chúng ta đang ở trong một pháo đài bị bao vây, đang chờ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới đến giải thoát chúng ta”.

Các chính phủ phương Tây thường hiểu Chủ nghĩa Cộng sản như một phong trào quốc tế bao gồm những đảng viên nguyện đem tất cả lòng trung thành với tổ quốc để ủng hộ Chủ nghĩa Cộng sản xuyên quốc gia, song thực tế là nhận lệnh từ Mát-xcơ-va và trung thành với Mát-xcơ-va.

Năm 1918, Hoa Kỳ đã tham gia một cách không mấy hăng hái vào một nỗ lực không thành của phe Đồng minh nhằm lật đổ đế chế Xô-viết cách mạng. Do đó mà từ lâu sự hoài nghi và thù địch đã là nét đặc trưng trong quan hệ giữa những người Xô-viết và phương Tây, trước khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai buộc họ trở thành những đồng minh bất đắc dĩ trong cuộc chiến chống lại Đức Quốc Xã.

Với sự thất bại của nước Đức năm 1945 và sự hủy diệt rộng khắp mà chiến tranh gây ra trên toàn châu Âu, Hoa Kỳ và Liên Xô đã đại diện cho những tư tưởng triết học, những mục tiêu, những kế hoạch xây dựng và tổ chức lại lục địa này mang tính đối kháng không thể dung hòa. Những người Xô-viết hành động trên cơ sở sự kết hợp giữa cam kết mang tính ý thức hệ với chủ nghĩa hiện thực địa chính trị. Công bằng mà nói, Quân đội Xô-viết đã đảm nhiệm phần chính yếu của cuộc chiến và hy sinh nhiều trên mặt trận châu Âu; họ đã giải phóng Đông và Trung Âu khỏi bàn tay của Adolf Hitler. Và điều nhanh chóng sáng tỏ là giờ đây Mát-xcơ-va sẽ đòi thiết lập các thể chế cộng sản không chỉ ở các vùng đất đó mà cả ở những nơi chính phủ đã chịu sự điều khiển trực tiếp của người Xô-viết, cho dù nguyện vọng của những người Ba Lan và người Séc như thế nào, hay mong muốn của những người Rumani, Bulgary và những người Đông Âu khác.

Viễn cảnh mà Washington nhìn nhận thì lại rất khác. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tin rằng sự biệt lập về chính trị của Mỹ khỏi châu Âu sau Chiến tranh Thế giới Thứ nhất đã là một sai lầm lớn, sai lầm mà có lẽ đã góp phần vào sự nổi lên của Hitler và gần như gây ra kết quả là sự thống trị lục địa này bởi một quốc gia duy nhất và thù địch với Mỹ, có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ. Giờ đây, khi các lực lượng Xô-viết đã hiện diện trên một nửa lục địa; và khi những người cộng sản đang mạnh lên ở Pháp, Italia và quan trọng nhất là ở Đức thì những nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ lại có lý do để lo ngại.

Sự tương phản giữa một nước Mỹ tự do, theo chủ nghĩa cá nhân và khá thảnh thơi với một Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết kế hoạch hóa tập trung và hà khắc về mặt chính trị là không thể rõ ràng hơn, khi mà hai quốc gia này cạnh tranh với nhau để có được sự trung thành của châu Âu cũng như của những dân tộc mới dành được độc lập từ chế độ thuộc địa.

Chiến tranh Lạnh ở châu Âu

Nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm “ngăn chặn” sức mạnh Xô-viết trong phạm vi những đường biên giới sau chiến tranh của nó bao gồm hai giai đoạn rõ ràng: nỗ lực tức thì tái thiết châu Âu về mặt kinh tế và chính trị, và do đó tăng cường khả năng và sự hăng hái của châu Âu chống lại những thành tựu tiếp theo của Liên Xô. Sau đó là duy trì kỷ nguyên hạt nhân và sự tin cậy của những lời hứa bảo vệ các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ.

Hai sáng kiến gần đây đã chứng tỏ quyết tâm của Mỹ trong việc tái thiết và bảo vệ phần châu Âu phi cộng sản. Năm 1947, khi nước Anh thông báo cho Washington rằng họ không còn có thể hỗ trợ tài chính cho các chính phủ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ chống lại những người cộng sản nổi dậy, Tổng thống Harry S. Truman (1945-1953) đã bảo trợ 400 triệu đô-la cho mục đích đó. Quan trọng hơn, Học thuyết Truman còn hứa hẹn cam kết không hạn chế “giúp đỡ những dân tộc tự do đang chống lại những âm mưu nô dịch của những nhóm thiểu số vũ trang hoặc của áp lực đến từ bên ngoài”. Trong năm sau đó, Kế hoạch Marshall đã dành 13 tỉ đô-la trợ giúp kinh tế cho các nền kinh tế Tây Âu. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được thành lập năm 1949, chính thức ràng buộc nước Mỹ vào việc bảo vệ Tây Âu thông qua “liên minh ràng buộc” - một tình thế mà Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington (1789-1797) đã cảnh báo.

NATO là sự phản ứng lại ưu thế quân sự truyền thống của Liên Xô ở châu Âu. Vào thời điểm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Hoa Kỳ đã tiến hành cho giải ngũ một cách nhanh chóng nhất trong lịch sử, thu nhỏ số lượng lục quân từ khoảng 8,3 triệu năm 1945 xuống chỉ còn 500.000 vào năm 1948. Hồng Quân lại duy trì sự có mặt nhiều hơn ở trung tâm châu Âu mà nhiều người tin rằng họ có thể nhanh chóng tràn vào Tây Âu nếu như Stalin hay những người kế nhiệm ông quyết định làm như vậy. Trong trường hợp đó, kế hoạch của Hoa Kỳ là sẽ đề nghị việc trả đũa bằng vũ khí nguyên tử, và sau này là vũ khí hạt nhân, song người ta có thể hiểu được việc các đồng minh châu Âu của Mỹ - những nước có lãnh thổ mà những quả bom này chắc chắn sẽ rơi xuống - lại tỏ ra nghi ngại.

Khi mà Liên Xô có được vũ khí nguyên tử (năm 1949) và vũ khí hạt nhân (năm 1953), nhiều người châu Âu đã tự hỏi rằng liệu Hoa Kỳ sẽ bảo vệ họ trước những cuộc tấn công của Liên Xô không nếu như, để đáp trả, Mát-xcơ-va có thể tiến hành một cuộc tàn phá hạt nhân vào các thành phố của Mỹ. Liệu Washington có hy sinh New York để bảo vệ Pa-ri, Luân Đôn hay Bon không?

Phần lớn cuộc Chiến tranh Lạnh ở châu Âu đã xoay quanh câu hỏi này. Áp lực của Liên Xô đối với Tây Đức - một vùng đất phương Tây trong lòng Đông Đức cộng sản và do đó không thể bảo vệ được bằng quân sự - là nhằm mục đích gây ấn tượng cho những người Tây Âu về tính mong manh của chính tình trạng của họ. Câu trả lời của Mỹ đối với áp lực đó – bao gồm Cầu hàng không Berlin năm 1948, trong đó Không quân Mỹ đã phân phát thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác cho thành phố bị những người Xô-viết bao vây này; lời hứa hẹn năm 1963 của Tổng thống John F. Kennedy: “Tất cả những con người tự do, cho dù họ ở bất cứ đâu... đều là những công dân của Berlin... Ich bin ein Berliner”; và câu nói đầy thách thức năm 1997 của Tổng thống Ronald Reagan: “Thưa ông Gorbachev, hãy phá đổ bức tường đó đi” - tất cả đều để chứng minh việc Hoa Kỳ công nhận Berlin như là một biểu tượng quan trọng của mối liên kết xuyên Đại Tây Dương và quyết tâm của Hoa Kỳ bảo vệ các đồng minh châu Âu của mình.

Cuộc khủng hoảng Chiến tranh Lạnh lớn cuối cùng ở châu Âu phản ánh một nỗ lực của Liên Xô nhằm chia cắt các đồng minh châu Âu (của Mỹ). Năm 1975, Mát-xcơ-va giới thiệu loại tên lửa SS-20, loại vũ khí tầm trung chính xác có khả năng bắn phá các mục tiêu ở Tây Âu nhưng không tới được đất Mỹ. Những người Tây Âu lại đặt câu hỏi liệu Mỹ có trả đũa cho một cuộc tấn công vào châu Âu và do đó khởi đầu cho một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt lẫn nhau giữa Liên Xô và Mỹ hay không. Liên minh NATO đã quyết tâm lấy lại sự cân bằng thông qua việc đàm phán với Liên Xô để hủy bỏ tất cả các vũ khí tầm trung, nhưng đồng thời cũng hứa giới thiệu với châu Âu loại tên lửa Pershing II của Mỹ và các tên lửa đất đối không nếu Mát-xcơ-va không chịu hủy bỏ SS-20.

Nhiều người Tây Âu phản đối những biện pháp đối trọng này. Họ hành động dựa trên nhiều động cơ và niềm tin, song phong trào cộng sản quốc tế cũng giúp tổ chức và khuyến khích phát triển những yếu tố trong phạm vi “phong trào hòa bình” này, với hy vọng buộc Tây Âu có những điều chỉnh về chính trị do ưu thế quân sự của Liên Xô. Sau một cuộc bỏ phiếu căng thẳng tại Nghị viện Tây Đức tháng 11/1983, những tên lửa mới của Mỹ đã được triển khai.

Tháng 12/1987, Tổng thống Ronald Reagan (1981-1989) và Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev (1985-1991) đã ký Hiệp ước Loại trừ Tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Việc Liên Xô không thể chia cắt Mỹ và các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng là một yếu tố mang tính quyết định đối với cách thức mà Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.

Chiến tranh Lạnh ở “vùng ngoại vi”

Năm 1947, nhà ngoại giao Mỹ George Kennan đã phát biểu về chiến lược Chiến tranh Lạnh cơ bản của Mỹ: “một chính sách ngăn chặn nhằm làm cho người Nga phải đương đầu với những lực lượng đối trọng không thể thay thế, ở bất cứ thời điểm nào khi họ có dấu hiệu xâm phạm đến lợi ích của một thế giới hòa bình và ổn định”. Trong rất nhiều trường hợp, chính sách này đã xung đột, và theo thời gian, thường giành thắng lợi, với mong muốn thực sự của Washington ủng hộ việc giải phóng thuộc địa và liên kết với những quốc gia mới giành được độc lập đang nổi lên tại châu Phi, châu Á và Trung Đông, là khu vực mà đôi khi các nhà chiến lược gọi là “vùng ngoại vi”, trong khi châu Âu vẫn là vũ đài trung tâm của Chiến tranh Lạnh.

Khi kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã thấy trước sự sụp đổ của các đế chế thuộc địa của châu Âu và hy vọng thiết lập được quan hệ hữu nghị với những quốc gia mới này. Do đó mà Hoa Kỳ đã rất nỗ lực để ngăn chặn việc khẳng định lại quyền lực của Hà Lan tại Indonesia, thậm chí vào năm 1949 còn đe dọa rút lại sự trợ giúp theo Kế hoạch Marshall, cho đến khi Hà Lan thừa nhận nền độc lập của Indonesia. Cũng với lý do tương tự, năm 1956, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã yêu cầu Anh, Pháp và Israel chấm dứt sự chiếm đóng Kênh đào Suez và Bán đảo Sinai.

Tuy nhiên, chính sách của Mỹ đối với khu vực ngoại vi không phải là một hình mẫu nhất quán. Trong một số trường hợp, như tại Philippines năm 1986, Washington đã đứng về phía những lực lượng nhân dân, thậm chí là chống lại những thể chế thân Mỹ. Trong những trường hợp khác, các nhà lãnh đạo Mỹ đã vội vã khi nhìn nhận ảnh hưởng của cộng sản đằng sau những phong trào theo chủ nghĩa quốc gia và xem các quốc gia như những quân bài đô-mi-nô: sẽ “đổ” do ảnh hưởng của Liên Xô, và đến lượt mình những quân (quốc gia) láng giềng của nó chuẩn bị đổ theo.

“Học thuyết đô-mi-nô” này đã là cơ sở của sự can thiệp đầy thảm họa của Hoa Kỳ vào vùng ngoại vi - Việt Nam. Sau sự đầu hàng của quân Nhật năm 1945, những nỗ lực của Pháp hòng khẳng định lại sự thống trị đối với thuộc địa Việt Nam đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Những nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã thúc ép Pa-ri từ bỏ Đông Dương, giống như họ đã làm để kéo người Hà Lan ra khỏi Indonesia. Song những nhà lãnh đạo Pháp đã cảnh báo rằng đế chế của họ mất đi sẽ dẫn đến việc nước Pháp mất vào tay cộng sản. Washington không muốn chấp nhận rủi ro đó. Dần dần, bắt đầu với việc hỗ trợ cho người Pháp, sau đó là dần dần đưa cố vấn và cuối cùng là lính Mỹ vào đây – khoảng 550.000 quân ở thời điểm giữa năm 1969. Hoa Kỳ đã tiêu phí sức người và sức của vào một nỗ lực mà cuối cùng là bất thành nhằm ngăn chặn chế độ cộng sản miền Bắc chiếm nốt phần còn lại của quốc gia này.

Trong khi thành tích của Mỹ tại khu vực ngoại vi của Chiến tranh Lạnh không tránh khỏi bị chỉ trích, thì đối thủ Liên Xô cũng tích cực tương tự trong những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Thế giới thứ ba, thông qua việc hỗ trợ cho những kẻ độc tài và can thiệp vào những vấn đề mang tính địa phương.

Một cuộc đua tranh dài hạn

Chiến lược ngăn chặn cũng kéo theo một cuộc đua tranh dài hạn, mà Tổng thống Kennedy (1961-1963) gọi là một “cuộc chiến đấu lâu dài lúc tranh tối tranh sáng”. Đây là một điều gì đó mới mẻ đối với một quốc gia mà những cam kết quốc tế trước đây của nó chỉ là nhằm vượt qua những thách thức cụ thể, trước mắt.

Phản ứng của Hoa Kỳ trước ba cuộc khủng hoảng sớm đó đã khẳng định rằng Chiến tranh Lạnh sẽ khó có thể kết thúc bằng một chiến thắng quân sự áp đảo. Quyết định cách chức Tướng Douglas MacArthur của Tổng thống Truman năm 1951 đã dẫn tới quyết định tiến hành cuộc Chiến tranh Triều Tiên để bảo vệ Nam Triều Tiên, và không phải để giải phóng miền Bắc như mong muốn của vị tướng này. Năm năm sau, Tổng thống Eisenhower (1953-1961) đã quyết định không dành sự hỗ trợ vật chất nào cho những người Hungary nổi dậy chống chính quyền do Liên Xô áp đặt cho họ và chống lại những lực lượng Hồng Quân đã đàn áp cuộc cách mạng này.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 đã khẳng định thậm chí còn rõ ràng hơn những hạn chế đối với một cuộc xung đột trực tiếp trong thời đại hạt nhân. Những người Xô-viết đã cố gắng đưa tên lửa tầm trung vào Cuba, gây nên mối đe dọa rõ ràng đối với nước Mỹ. Cho dù là ở thời điểm này, Hoa Kỳ vẫn có ưu thế áp đảo về vũ khí hạt nhân, song một cuộc chiến tranh công khai gây ra nguy cơ về những tổn thất không thể chấp nhận được. Do vậy, Tổng thống Kennedy đã thực hiện một thương vụ bí mật, mà phải nhiều năm sau này những điều khoản của nó mới được tiết lộ. Để đổi lấy việc Liên Xô rút tên lửa hạt nhân ra khỏi Cuba, Hoa Kỳ đồng ý sẽ không hành động chống lại chế độ cộng sản của Fidel Castro ở Cuba và đồng thời, sau một khoảng thời gian hợp lý, sẽ rút những tên lửa “đã quá hạn” của Mỹ đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Có vẻ như là hai “siêu cường” đã rút ra những bài học khác nhau từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Khi mà vào năm 1980 Hoa Kỳ đã gần như tạm ngừng việc gia tăng lượng vũ khí hạt nhân, thì Liên Xô lại tiến hành một cuộc chế tạo lớn, và không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào rằng họ sẽ giảm nhịp độ. Trong khi đó, việc lần đầu tiên lực lượng vũ trang Cuba được đưa tới những cuộc xung đột tại châu Phi những năm 1970 cũng như sự xâm lược Afghanistan của Liên Xô năm 1979 - việc lần đầu tiên sử dụng trực tiếp Hồng Quân bên ngoài Đông Âu - đã làm cho nhiều người Mỹ tin rằng Chiến tranh Lạnh vẫn chưa kết thúc.

Chiến tranh Lạnh kết thúc

Những lý do về sự sụp đổ của Liên Xô đến ngày nay vẫn còn được bàn luận sôi nổi. Tuy nhiên, có thể là do một vài nguyên nhân. Một trong số chúng là việc tăng cường mạnh mẽ khả năng quân sự theo lệnh của Tổng thống Reagan đã làm tăng chi phí duy trì sức mạnh quân sự tương đối của Liên Xô. Một lý do nữa là, đề xuất xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa “Chiến tranh giữa các vì sao” của Reagan đã đe dọa làm chuyển dịch cuộc đua tranh sang việc làm chủ những công nghệ mới, một lãnh vực mà Liên Xô - một xã hội đóng kín - không phù hợp để có thể cạnh tranh.

Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô đã lung lay. Cho dù khả năng mô hình cộng sản có thể công nghiệp hóa thành công, thì thế giới công nghệ thông tin mới đang bắt đầu phát triển đã đặt ra những thách thức không thể vượt qua đối với một xã hội theo dõi chặt chẽ những công dân của mình và thậm chí giám sát cả việc sử dụng máy photocopy của họ. Những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa như Tổng Bí thư Gorbachev đã hiểu được điều đó. Những cải tổ mà ông tiến hành, nhưng cuối cùng không thể kiểm soát được, đã dẫn tới sự tan vỡ của Liên Xô và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh.

Theo cách nhìn của một người Mỹ, cuộc xung đột kéo dài 40 năm là một cho thắng lợi về tư tưởng. Hoa Kỳ đã phải trả giá, mà thực tế là nhiều cái giá rất đắt cho thắng lợi của mình. Rõ ràng nhất là chi phí khổng lồ của việc nhiều người chết trên các chiến trường cũng như số tiền chi vào các loại vũ khí có sức mạnh ngoài sức tưởng tượng hơn là được dành cho những sự nghiệp cao cả và cũng bức thiết không kém ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Cũng có cả những cái giá về mặt chính trị nữa. Có những lúc, Chiến tranh Lạnh đã buộc người Mỹ phải gắn kết đất nước mình với những chế độ xấu xa dưới danh nghĩa mục đích địa chính trị.

Tuy nhiên, nước Mỹ thời Chiến tranh Lạnh đã thu được những thành tựu rõ rệt. Rõ ràng nhất là Tây Âu, và không có gì phải nghi ngờ, phần lớn thế giới này đã được cứu thoát khỏi gót giày của Joseph Stalin, một nhà độc tài sát nhân khó mà phân biệt được với kẻ bại trận Adolf Hitler. Và điều không kém ý nghĩa trong thời đại của vũ khí nhiệt hạch là những quốc gia bị Liên Xô kìm kẹp đã được giải phóng mà không cần nhờ tới một cuộc chiến tranh tổng lực mang tính hủy diệt chưa từng có. Và những thể chế dân chủ của Hoa Kỳ vẫn còn nguyên vẹn - thực tế là còn phát triển thịnh vượng – và mô hình tổ chức xã hội kiểu Mỹ - hình mẫu mang đến cho các cá nhân sự tự do chính trị, tôn giáo và kinh tế để họ theo đuổi những ước mơ của mình, vẫn giữ được sức sống của nó khi quốc gia này bước vào một thiên niên kỷ mới.

Những ý kiến trình bày trong bài viết này không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.