Main Content

Vụ Nổ Hạt Nhân

Vụ nổ hạt nhân với đám mây hình nấm.

Nổ hạt nhân là vụ nổ có ánh sáng và nhiệt cực kỳ mạnh, sóng áp gây thiệt hại và vật liệu phóng xạ lan rộng có thể làm ô nhiễm không khí, nước và các bề mặt mặt đất ở nhiều dặm xung quanh. Thiết bị hạt nhân có thể từ vũ khí được mang trên một tên lửa liên lục địa do quốc gia thù địch hoặc tổ chức khủng bố phóng, đến thiết bị hạt nhân di động nhỏ do cá nhân vận chuyển. Tất cả các thiết bị hạt nhân đều gây ra hậu quả chết người khi phát nổ, bao gồm ánh sáng gây mù mắt, sức nóng cực kỳ mạnh (phóng xạ nhiệt), phóng xạ hạt nhân ban đầu, vụ nổ, lửa bắt đầu cháy do xung nhiệt và các đám cháy thứ phát gây ra do sự phá hủy.

Mối đe dọa hạt nhân hiện hữu trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh đã khép lại; tuy nhiên, vẫn còn khả năng đó là khủng bố có thể tiếp cận được với vũ khí hạt nhân. Được gọi là thiết bị hạt nhân tự chế (IND), các thiết bị này thường là những vũ khí nhỏ hơn, có sức mạnh kém hơn so với những gì chúng ta vẫn hình dung. Mặc dù các chuyên gia có thể tiên đoán rằng tấn công hạt nhân ít có khả năng xảy ra hơn so với các loại tấn công khác, điều vẫn rất quan trọng cần biết đó là các bước đơn giản có thể bảo vệ mạng sống của quý vị và gia đình mình.

Các Mối Nguy Hiểm của Thiết Bị Hạt Nhân

Cận cảnh về bom hoặc thiết bị giống bom.

Hãy chuẩn bị cho bản thân, gia đình và tài sản của quý vị để đối phó với các mối nguy hiểm của thiết bị hạt nhân.

Theo dự đoán của các chuyên gia, hiện nay mối nguy hiểm của vụ tấn công hạt nhân ồ ạt có chiến lược đối với Hoa Kỳ ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, về mặt bản chất, khủng bố là điều không thể đoán trước được.

Nếu có mối đe dọa tấn công, những người sống gần các mục tiêu tiềm ẩn có thể được thông báo sơ tán hoặc họ có thể tự quyết định sơ tán đến khu vực không được xem là mục tiêu có thể. Việc bảo vệ khỏi bụi phóng xạ sẽ yêu cầu phải trú ẩn ở khu vực dưới mặt đất hoặc ở giữa tòa nhà lớn.

Nhìn chung, các mục tiêu tiềm ẩn bao gồm:

  • Các khu trận địa tên lửa và căn cứ quân sự chiến lược.
  • Các trung tâm chính quyền chẳng hạn như Washington, DC và thủ phủ của tiểu bang.
  • Các trung tâm giao thông vận tải và thông tin liên lạc.
  • Các trung tâm sản xuất, công nghiệp, công nghệ và tài chính.
  • Các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện và nhà máy hóa chất.
  • Các cảng và sân bay lớn.

Ba yếu tố để bảo vệ bản thân khỏi phóng xạ và bụi phóng xạ đó là khoảng cách, sự che chắn và thời gian.

  • Khoảng cách - quý vị càng cách xa khỏi các hạt bụi phóng xạ càng tốt. Khu vực dưới mặt đất chẳng hạn như tầng hầm của ngôi nhà hoặc tòa nhà văn phòng mang lại sự bảo vệ tốt hơn tầng một của tòa nhà. Tầng gần trung tâm của tòa nhà cao tầng có thể tốt hơn, tùy thuộc vào các vật xung quanh nằm ở tầng đó, nơi nhiều hạt bụi phóng xạ có thể tập hợp. Các mái bằng là nơi các hạt bụi phóng xạ tập hợp lại nên tầng trên cùng không phải là lựa chọn tốt, cũng như các tầng liền kề mái bằng của nhà bên cạnh.
  • Che chắn - vật liệu càng nặng và đặc – tường dày, bê tông, gạch, sách và đất -  giữa quý vị và các hạt bụi phóng xạ thì càng tốt.
  • Thời gian - bụi phóng xạ mất đi sức mạnh khá nhanh. Sớm hay muộn, quý vị cũng sẽ có thể rời khỏi nơi trú ẩn khỏi bụi phóng xạ. Bụi phóng xạ gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với con người trong hai tuần đầu tiên, sau đó bụi phóng xạ giảm xuống còn khoảng 1 phần trăm so với mức phóng xạ ban đầu.

Xin nhớ rằng bất kỳ sự bảo vệ nào, dù là tạm thời, đều tốt hơn là hoàn toàn không bảo vệ và quý vị càng tận dụng được sự che chắn, khoảng cách và thời gian thì càng tốt.

Các Nguy Cơ về Thiết Bị Hạt Nhân

Phạm vi, bản chất và thời gian xảy ra các mối nguy hiểm này rất khó tiên đoán. Sự phân tán về mặt địa lý của các tác động nguy hiểm sẽ được xác định dựa theo các yếu tố sau:

  • Kích cỡ của thiết bị. Bom càng mạnh thì tạo ra các tác động càng xa.
  • Độ cao trên mặt đất thiết bị đã phát nổ. Điều này sẽ quyết định phạm vi tác động của vụ nổ.
  • Bản chất của bề mặt bên dưới vị trí nổ. Một số vật liệu có nhiều khả năng trở thành phóng xạ và bay trong không khí hơn các vật liệu khác. Các khu vực bằng phẳng dễ chịu ảnh hưởng của các tác động của vụ nổ hơn.
  • Các điều kiện khí tượng học hiện có. Tốc độ và hướng gió sẽ ảnh hưởng đến thời gian bắt đầu có bụi phóng xạ; lượng mưa có thể rửa sạch bụi phóng xạ khỏi bầu khí quyển.

Bom Xung Điện Từ

Ngoài các ảnh hưởng khác, vũ khí hạt nhân phát nổ trong hoặc trên bầu khí quyển trái đất có thể tạo ra bom xung điện từ (EMP), trường điện có cường độ cao. EMP hoạt động giống như sét đánh nhưng mạnh hơn, nhanh hơn và ngắn hơn. EMP có thể gây hư hại nghiêm trọng các thiết bị điện kết nối với các nguồn điện hoặc ăng ten. Điều này bao gồm các hệ thống thông tin liên lạc, máy tính, thiết bị điện và các hệ thống đánh lửa ở ô tô hoặc máy bay. Hư hại có thể từ việc gián đoạn nhỏ cho đến cháy hỏng thực sự các linh kiện. Hầu hết thiết bị điện trong vòng 1.000 dặm kể từ nơi xảy ra vụ nổ hạt nhân tầm cao đều có thể bị ảnh hưởng. Các đài chạy bằng pin có ăng ten ngắn thường sẽ không bị ảnh hưởng. Mặc dù EMP không có khả năng gây tổn hại đến hầu hết mọi người nhưng có thể gây tổn hại đến những người dùng máy trợ tim hoặc được cấy ghép thiết bị điện tử.

Bụi Phóng Xạ

Ngay cả khi các cá nhân không đủ gần để chịu ảnh  hưởng trực tiếp của vụ nổ hạt nhân, họ vẫn có thể phải chịu ảnh hưởng của bụi phóng xạ. Bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào đều gây ra một lượng bụi phóng xạ. Các vụ nổ xảy ra gần bề mặt trái đất tạo ra lượng bụi phóng xạ lớn hơn các vụ nổ xảy ra ở tầm cao. Điều này là do lượng nhiệt rất lớn sản sinh ra từ vụ nổ hạt nhân làm cho không khí kéo lên trên, hình thành nên đám mây hình nấm quen thuộc. Khi vụ nổ xảy ra gần bề mặt trái đất, hàng triệu hạt bẩn bốc hơi lên cũng bị hút vào đám mây đó. Khi nhiệt giảm, vật liệu phóng xạ đã bị bốc hơi ngưng lại trên các hạt và rơi trở lại xuống Trái Đất. Hiện tượng này được gọi là bụi phóng xạ. Vật liệu bụi phóng xạ phân rã trong một thời gian dài và là nguồn phóng xạ hạt nhân chính còn sót lại.

Bụi phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân có thể theo luồng gió bay đi hàng trăm dặm nếu gặp các điều kiện phù hợp. Các hậu quả của thiết bị di động thậm chí là nhỏ phát nổ ở tầm mặt đất cũng có thể có khả năng gây chết người.

Không thể nhìn thấy, ngửi hoặc mặt khác, phát hiện ra phóng xạ hạt nhân bằng giác quan bình thường. Chỉ có thể phát hiện ra phóng xạ bằng các thiết bị theo dõi phóng xạ. Vì điều này mà các trường hợp khẩn cấp về phóng xạ khác biệt với các loại trường hợp khẩn cấp khác, chẳng hạn như lũ lụt hay cuồng phong. Việc theo dõi có thể dự đoán được thời gian bắt đầu xảy ra bụi phóng xạ, điều này sẽ được thông báo thông qua các kênh cảnh báo chính thức. Tuy nhiên, bất kỳ sự gia tăng bụi và chất bẩn nào được tạo ra trên bề mặt đều là dấu hiệu cảnh báo để thực hiện các biện pháp bảo vệ.

Trước Khi Xảy Ra Vụ Nổ Hạt Nhân

Cận Cảnh về Biển Báo Nơi Trú Ẩn khỏi Bụi Phóng Xạ.Quý vị có thể thực hiện các điều sau để tự bảo vệ mình, gia đình và tài sản của quý vị trong trường hợp xảy ra vụ nổ hạt nhân.

  • Tạo một Bộ Đồ Tiếp Liệu Trong Trường Hợp Khẩn Cấp, bao gồm các vật dụng như thức ăn không bị hỏng, nước, đài chạy bằng pin hay quay tay, đèn pin và pin dự phòng. Quý vị có thể cần phải chuẩn bị bộ dụng cụ cho nơi làm việc và bộ dụng cụ di động để trong xe phòng khi nhận được thông báo sơ tán.
  • Lập Kế Hoạch cho Trường Hợp Khẩn Cấp cho Gia Đình. Gia đình quý vị có thể không ở cạnh nhau khi thảm họa tấn công, do đó điều quan trọng là biết cách liên hệ với nhau, cách để gặp lại nhau và điều quý vị sẽ làm trong trường hợp khẩn cấp.
    • Lập kế hoạch về các địa điểm gia đình quý vị sẽ gặp mặt nhau, cả bên trong và bên ngoài khu dân cư nơi quý vị cư trú.
    • Biết các hệ thống cảnh báo và các kế hoạch ứng phó thảm họa của cộng đồng quý vị, bao gồm tuyến đường sơ tán.
  • Tìm hiểu từ các viên chức xem có bất kỳ tòa nhà công cộng nào tại cộng đồng của quý vị được chỉ định làm nơi trú ẩn khỏi bụi phóng xạ. Nếu chưa có tòa nhà nào được chỉ định, hãy tự lập cho mình danh sách các nơi trú ẩn tiềm năng gần nhà, nơi làm việc và trường học của quý vị. Các địa điểm này sẽ bao gồm tầng hầm hay khu vực trung tâm không có cửa sổ của các tầng ở giữa trong các tòa nhà cao tầng, cũng như các đường tàu điện ngầm và đường hầm.
  • Nếu quý vị sống trong tòa nhà chung cư hoặc cao tầng, hãy trao đổi với người quản lý về nơi an toàn nhất trong tòa nhà để trú ẩn và về việc cung cấp nơi trú ẩn cho những người sống trong tòa nhà đó cho đến khi có thể ra ngoài an toàn.
  • Trong các giai đoạn mối đe dọa gia tăng, hãy tăng cường các nguồn tiếp liệu dùng trong thảm họa của quý vị để có thể dùng đủ trong tối đa hai tuần.

Trú ẩn trong khi xảy ra vụ nổ hạt nhân là điều tuyệt đối cần thiết. Có hai loại nơi trú ẩn – trú ẩn khỏi vụ nổ và trú ẩn khỏi bụi phóng xạ. Sau đây là thông tin mô tả hai loại nơi trú ẩn đó:

  • Nơi trú ẩn khỏi vụ nổ được thiết kế đặc biệt nhằm cung cấp mức độ bảo vệ nào đó trước áp lực của vụ nổ, phóng xạ ban đầu, hơi nóng và lửa. Tuy nhiên ngay cả nơi trú ẩn khỏi vụ nổ cũng không thể chống chịu lại được sức công phá trực tiếp từ vụ nổ hạt nhân.
  • Nơi trú ẩn khỏi bụi phóng xạ không cần phải được thiết kế đặc biệt để bảo vệ khỏi bụi phóng xạ. Đó có thể là bất kỳ nơi được bảo vệ nào, với điều kiện là tường và mái dày và đặc đủ để chịu được phóng xạ do các hạt bụi phóng xạ phóng ra.

Trong Khi Xảy Ra Vụ Nổ Hạt Nhân

Sau đây là hướng dẫn về các việc cần làm trong trường hợp xảy ra vụ nổ hạt nhân.

  • Nghe thông tin chính thức và thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Dựa trên thông tin đã biết về mối đe dọa, quý vị có thể được yêu cầu trú ẩn, tới địa điểm cụ thể hoặc sơ tán khỏi khu vực.
  • Nếu cảnh báo về vụ tấn công đã được đưa ra, hãy tìm nơi trú ẩn càng nhanh càng tốt, dưới mặt đất nếu có thể và ở yên cho đến khi có hướng dẫn khác.
  • Tìm tòa nhà gần nhất, ưu tiên tòa nhà xây bằng gạch hoặc bê tông và đi vào bên trong để tránh bất kỳ vật liệu phóng xạ nào bên ngoài.
  • Nếu có thể đến được nơi trú ẩn tốt hơn, chẳng hạn như tòa nhà nhiều tầng hoặc tầng hầm trong vài phút, hãy đi đến đó ngay lập tức.
  • Đi xuống dưới mặt đất càng sâu càng tốt hoặc vào trung tâm của tòa nhà cao tầng. Mục tiêu là có càng nhiều tường và bê tông, gạch và đất giữa quý vị và vật liệu phóng xạ bên ngoài càng tốt.
  • Ở yên tại nơi quý vị đang ở, ngay cả khi quý vị đang ly tán khỏi gia đình. Ở bên trong là nơi an toàn nhất dành cho tất cả mọi người ở khi vực bị ảnh hưởng. Điều đó có thể bảo vệ mạng sống của quý vị.
  • Trong thời gian có mức phóng xạ cao nhất, ở bên trong là an toàn nhất, được che chắn khỏi vật liệu phóng xạ bên ngoài.
  • Các mức phóng xạ cực kỳ nguy hiểm sau vụ nổ hạt nhân nhưng sẽ giảm nhanh chóng.
  • Cần ở bên trong ít nhất 24 giờ trừ khi các cơ quan có thẩm quyền có thông báo khác.
  • Nếu sơ tán là điều tốt nhất nên làm, quý vị sẽ được hướng dẫn để làm điều đó. Tất cả các phương thức liên lạc sẵn có sẽ được sử dụng để cung cấp tin tức và / hoặc hướng dẫn.
  • Những người ở trong đường đi của vật liệu phóng xạ – xuôi chiều gió từ nơi phát nổ – cũng có thể được yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ.

Nếu quý vị vị mắc kẹt ở bên ngoài hoặc không thể đi vào bên trong ngay lập tức:

  • Không nhìn vào ánh sáng lóe lên hoặc quả cầu lửa – điều đó có thể làm cho quý vị bị mù.
  • Hãy ẩn nấp sau bất kỳ vật nào có thể bảo vệ.
  • Nằm bẹp xuống đất và che kín đầu. Nếu vụ nổ cách xa một chút, có thể mất 30 giây trở lên để sóng nổ có thể công phá.
  • Hãy ẩn nấp càng sớm càng tốt, ngay cả khi quý vị cách xa nhiều dặm từ điểm nối đất nơi vụ tấn công xảy ra - bụi phóng xạ có thể theo luồng gió bay đi hàng trăm dặm . Xin nhớ ba yếu tố bảo vệ: Khoảng cách, sự che chắn và thời gian.
  • Nếu quý vị đang ở ngoài trong khi hoặc sau khi xảy ra vụ nổ, hãy làm sạch càng nhanh càng tốt, để loại bỏ vật liệu phóng xạ có thể đã lưu lại trên cơ thể quý vị.
  • Cởi bỏ quần áo để ngăn không cho vật liệu phóng xạ lan ra. Việc cởi bỏ lớp quần áo bên ngoài có thể loại bỏ tối đa 90% vật liệu phóng xạ.
  • Nếu có thể, hãy để quần áo bị nhiễm bẩn vào túi nhựa và hàn kín hoặc buộc kín túi. Đặt túi càng xa khỏi người và động vật càng tốt để phóng xạ phát ra từ túi không ảnh hưởng đến người khác.
  • Nếu có thể, hãy tắm vòi hoa sen bằng thật nhiều xà phòng và nước để giúp loại bỏ chất bẩn phóng xạ. Không kỳ cọ hoặc chà xát da.
  • Gội đầu bằng dầu gội hoặc xà phòng và nước. Không dùng máy sấy tóc vì máy đó sẽ làm vật liệu phóng xạ kết vào tóc của quý vị, gây khó khăn cho việc rửa sạch tóc.
  • Nhẹ nhàng hỉ mũi và lau sạch mí mắt và lông mi bằng khăn ướt sạch. Nhẹ nhàng lau sạch tai.
  • Nếu không thể tắm vòi sen, hãy dùng khăn lau hoặc khăn sạch ướt để lau sạch phần da không có quần áo che chắn.

Tòa Nhà là Tấm Chắn

Sơ đồ về mức độ trú ẩn các tòa nhà khác nhau có thể cung cấp trong vụ nổ hạt nhân

Xây dựng như Version Tiêu đề Shelter TXT 1Kb

Các số trong đồ họa này tượng trưng cho 'yếu tố giảm định lượng.' Yếu tố giảm định lượng 10 có nghĩa là một người ở khu vực đó sẽ nhiễm phải định lượng bằng 1/10 so với người ở bên ngoài. Yếu tố giảm định lượng 200 có nghĩa là một người ở khu vực đó sẽ nhiễm phải định lượng bằng 1/200 so với người ở bên ngoài.

Để biết thêm thông tin, hãy đọc Hướng Dẫn Lập Kế Hoạch Ứng Phó trong Vụ Nổ Hạt Nhân từ ủy ban liên cơ quan của Liên Bang do Văn Phòng Điều Hành của Phủ Tổng Thống chỉ đạo.

Sau Khi Xảy Ra Vụ Nổ Hạt Nhân

Tốc độ phân rã của bụi phóng xạ của thiết bị hạt nhân ở mọi kích cỡ đều như nhau. Tuy nhiên, lượng bụi phóng xạ sẽ khác nhau dựa theo kích cỡ của thiết bị và khoảng cách gần so với mặt đất. Do đó, những người ở các khu vực có mức phóng xạ cao nhất có thể cần phải trú ẩn tối đa một tháng.

Mức bụi phóng xạ dày đặc nhất sẽ được giới hạn ở khu vực tại hoặc xuôi chiều gió từ địa điểm phát nổ và 80 phần trăm bụi phóng xạ sẽ thường trực trong suốt 24 giờ.

Những người ở hầu hết các khu vực sẽ bị ảnh hưởng có thể được phép ra khỏi nơi trú ẩn sau vài ngày và sơ tán tới các khu vực không bị ảnh hưởng nếu cần thiết.

Trở về Nhà

Xin nhớ những điều sau đây khi trở về nhà:

  • Liên tục nghe đài và ti vi để biết tin tức về những việc cần làm, nơi cần đến và các nơi cần tránh.
  • Tránh xa các khu vực bị hư hại. Tránh xa khỏi các khu vực được đánh dấu là “mối nguy hiểm phóng xạ” hay “VẬT LIỆU NGUY HIỂM.” Xin nhớ rằng không thể nhìn thấy, ngửi hoặc mặt khác, phát hiện ra phóng xạ bằng giác quan của người.

Hướng dẫn bổ sung về phục hồi từ thảm họa.

Ấn Phẩm

Các mức phóng xạ đang được đo trên Máy Đếm Ghai-gheNếu quý vị cần thêm thông tin về bất kỳ chủ đề nào trong số này, các nguồn lực sau có thể hữu ích.

Các Trang Web Liên Quan

Tìm thêm thông tin về cách lập kế hoạch và chuẩn bị cho vụ nổ hạt nhân và tìm hiểu các nguồn lực sẵn có bằng cách truy cập vào các trang web sau đây:

Hãy Nghe Các Viên Chức Địa Phương

Tìm hiểu về các kế hoạch cho trường hợp khẩn cấp được chính quyền tiểu bang và địa phươngcủa quý vị thiết lập trong khu vực của mình. Trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào, luôn phải nghe những hướng dẫn mà các viên chức quản lý trường hợp khẩn cấp địa phương đưa ra.