Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Tóm tắt về lịch sử nước Mỹ

Nội chiến và công cuộc tái thiết sau chiến tranh

Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 3/2007


Miền Bắc và miền Nam xảy ra chiến tranh tháng 4/1861. Các bang miền Nam đòi quyền ly khai và thành lập liên bang riêng của họ. Các lực lượng của họ nổ phát súng đầu tiên. Các bang miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Lincoln quyết tâm chấm dứt tình trạng phiến loạn và giữ vững Liên bang.

Số bang và số dân miền Bắc nhiều gấp đôi miền Nam. Miền Bắc có rất nhiều phương tiện để sản xuất các trang thiết bị chiến tranh và có mạng lưới đường sắt hiện đại hơn. Miền Nam có nhiều lãnh tụ quân đội có kinh nghiệm hơn và có lợi thế giao tranh trên phần lớn lãnh thổ của họ.

Trong bốn năm đã diễn ra các trận chiến trên bộ giữa hàng vạn binh lính và ngựa ở Virginia, Maryland, Pennsylvania, Tennessee và Georgia. Các trận hải chiến diễn ra ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương và trên sông Mississippi. Ở đây quân Liên bang liên tiếp thắng trận, nhưng ở Virginia họ liên tiếp thất bại khi cố gắng chiếm giữ Richmond, thủ phủ của miền Nam ly khai.

Ngày đẫm máu nhất trong cuộc chiến tranh là ngày 17/9/1862 khi quân đội hai bên giáp mặt nhau tại lạch Antietam gần Sharpsburg, Maryland. Quân ly khai do Tướng Robert E. Lee dẫn đầu không đẩy lui được quân Liên bang của Tướng George McClellan và Lee đã trốn thoát cùng với quân của ông ta. McClellan bị bãi nhiệm. Mặc dù trận chiến bất phân thắng bại, nhưng hậu quả lại rất lớn. Anh và Pháp đã lên kế hoạch công nhận Hợp bang của các bang ly khai, nhưng họ đã trì hoãn quyết định này và miền Nam không bao giờ nhận được sự hỗ trợ mà họ rất cần.

Vài tháng sau, Tổng thống Lincoln ra Tuyên bố Giải phóng Nô lệ. Tuyên bố này đã phóng thích tất cả nô lệ đang sống ở các bang miền Nam ly khai và cho phép tuyển mộ người Mỹ Phi vào quân đội Liên bang. Giờ đây miền Bắc không chỉ còn đấu tranh giữ vững Liên bang mà còn đấu tranh chấm dứt chế độ nô lệ.

Năm 1863, các lực lượng Liên bang có thêm động lực với những chiến thắng tại Vicksburg ở Mississippi và Gettysburg ở Pennsylvania, và sau đó là chính sách tiêu thổ của Tướng William T. Sherman khi ông hành quân qua Georgia và tiến vào Nam Carolina năm 1864. Tháng 4/1865, lực lượng quân đội hùng hậu của Liên bang dưới sự chỉ huy của Tướng Ulysses S. Grant đã bao vây Robert E. Lee ở Virginia. Lee đầu hàng và cuộc Nội chiến ở Mỹ đã kết thúc.

Những điều kiện đầu hàng rất khoan dung. Grant nhắc nhở quân của ông là “Những kẻ phiến loạn cũng là anh em của chúng ta”. Ở Washington, Tổng thống Lincoln đã sẵn sàng bắt đầu tiến trình hòa giải, nhưng ông không bao giờ còn cơ hội làm điều đó vì chỉ chưa đầy một tuần sau khi miền Nam đầu hàng, ông bị một người miền Nam ám sát chỉ vì cay đắng thất bại. Nhiệm vụ này thuộc về Phó Tổng thống Andrew Johnson, một người miền nam muốn thực hiện “Công cuộc Tái thiết” nhanh chóng và dễ dàng.

Johnson ra lệnh ân xá để khôi phục các quyền chính trị của nhiều người miền Nam. Cuối năm 1865, hầu hết tất cả các bang ly khai cũ đã tổ chức Đại hội Hủy bỏ Đạo luật Ly khai và Xóa bỏ Chế độ Nô lệ, ngoại trừ Tennessee từ chối phê chuẩn sửa đổi Hiến pháp cho phép người Mỹ gốc Phi có quyền công dân đầy đủ. Kết quả là, những người Cộng hòa trong Quốc hội quyết định thực hiện Công cuộc Tái thiết riêng của mình. Họ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với những kẻ phiến loạn cũ và ngăn lãnh đạo các bang ly khai không được nắm giữ các chức vụ. Họ chia miền Nam thành 5 khu quân quản do các tướng lĩnh liên bang điều hành. Những ai từ chối lời thề trung thành với Liên bang bị tước quyền bỏ phiếu. Họ ủng hộ mạnh mẽ quyền của người Mỹ gốc Phi. Tổng thống Johnson cố gắng phá vỡ những chính sách này và ông bị luận tội. Tuy nhiên, do không đủ số phiếu nên ông vẫn tại vị. Nhưng Quốc hội tiếp tục có ảnh hưởng rộng lớn trong suốt 30 năm tiếp theo.

Sự chia rẽ và hận thù - nguyên nhân dẫn tới cuộc Nội chiến - không mất đi sau khi chiến tranh chấm dứt. Khi những người da trắng miền Nam giành lại quyền lực chính trị, thì những người da đen miền Nam chịu hậu quả. Họ có tự do nhưng bị ngăn không cho hưởng các quyền tự do đó bởi các đạo luật của địa phương không cho họ được tiếp cận với các cơ sở công cộng. Họ có quyền bỏ phiếu nhưng lại bị đe dọa trả thù tại các điểm bỏ phiếu. Miền Nam trở nên phân biệt chủng tộc và tình trạng này tồn tại suốt 100 năm liền. Công cuộc Tái thiết sau chiến tranh bắt đầu với những lý tưởng cao xa đã bị sụp đổ xuống hố sâu của tham nhũng và phân biệt chủng tộc. Thất bại của nó đã làm chậm lại cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi mãi cho đến tận thế kỷ XX khi nó trở thành vấn đề quốc gia chứ không phải chỉ của riêng miền Nam.