Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

CỬ TRI ĐOÀN

Tạp chí điện tử của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 9/2008

Giành đa số phiếu của cử tri đoàn

David Mark

    Hệ thống cử tri đoàn khiến việc bầu chọn tổng thống ở Hoa Kỳ phức tạp hơn nhiều so với việc đơn giản kiểm tất cả các lá phiếu phổ thông. Các đảng phái chính trị lớn buộc phải xây dựng các chiến lược để giành chiến thắng một số “bang còn do dự” mang tính quyết định với cuộc bầu cử.

    David Mark là biên tập viên cao cấp tại Politico và politico.com, hai ấn phẩm in và trực tuyến về chính trị Hoa Kỳ.


Cứ bốn năm một lần, người dân Mỹ lại đi bỏ phiếu bầu tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có một điều hơi lạ là không có các cuộc tổng tuyển cử. Trái lại, người dân Mỹ sẽ bỏ phiếu ở 51 cuộc bỏ phiếu riêng biệt tại 50 tiểu bang và Quận Columbia (thủ đô, Washington). Tổng hợp tất cả, kết quả của các cuộc bầu cử này sẽ tạo nên cử tri đoàn và quyết định cuộc tranh cử tổng thống.

Giành được đa số phiếu của cử tri đoàn là một nhiệm vụ đầy phức tạp. Các cuộc vận động tranh cử tổng thống thường phải dành rất nhiều thời gian để xây dựng các chiến lược nhằm giành được con số thần kỳ 270 lá phiếu đại cử tri – đa số phiếu trong tổng số 538 phiếu. Giành được đa số phiếu của cử tri đoàn chắc chắn có nghĩa là dành thời gian và nguồn lực quý giá ở bang này thì buộc phải hy sinh bang khác. Trong những tuần cuối cùng trước ngày bầu cử, các chiến dịch hàng ngày phải đưa ra những quyết định đầy khó khăn về việc lựa chọn những tiểu bang ưu tiên và những tiểu bang cần phải hy sinh. Việc lựa chọn sai lầm các tiểu bang có nghĩa là hoặc sẽ giành được Nhà Trắng hoặc là đứng ngoài cuộc trong bầu không khí chính trị của Ngày Nhậm chức Tổng thống vào 20/1.

Tuy vậy, thực tế chính trị cho thấy phần lớn các tiểu bang, tối đa khoảng 30, có thể hoàn toàn đứng về phía Đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa và không đua tranh quyết liệt. Dồn thời gian và tiền bạc vào những tiểu bang này có thể sẽ là một sự lãng phí nghiêm trọng đối với bất kỳ bên tham gia tranh cử nào.

Sân chơi tĩnh

Mười năm đầu của thế kỷ 21 đã chứng kiến ngày càng ít các mục tiêu rõ ràng trong các cuộc bầu cử tổng thống trước đây. Gần như không có sự thay đổi nào trên bản đồ bầu cử trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 và 2004. Trên thực tế, chỉ có ba tiểu bang hoán đổi vị trí: Iowa và New Mexico, chuyển từ ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ Al Gore năm 2000 sang Tổng thống Đảng Cộng hòa George W. Bush năm 2004, và New Hampshire, vốn ủng hộ Tổng thống Bush năm 2000 nhưng bốn năm sau lại chuyển sang ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ John Kerry. Chính điều đó khiến cho đó là thời kỳ tĩnh lặng nhất trên bản đồ bầu cử tổng thống trong thời gian gần đây.

Tuy vậy, vào năm 2004, 13 tiểu bang đã bị quyết định với chênh lệch số phiếu chỉ bảy phần trăm hoặc thấp hơn: Colorado, Florida, Iowa, Michigan, Minnesota, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, Ohio, Oregon, Pennsylvania và Wisconsin. Do đó vào năm 2008, các chiến lược gia vận động tranh cử cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa John McCain và ứng cử viên sáng giá của Đảng Dân chủ Barack Obama đang tìm cách mở rộng sân chơi và giành thêm nhiều lá phiếu của cử tri đoàn.

Chẳng hạn, kế hoạch của Obama đã kêu gọi mở rộng bản đồ bầu cử bằng cách tấn công McCain ở những tiểu bang vốn truyền thống ủng hộ Đảng Cộng hòa, bao gồm Bắc Carolina, Missouri, và Montana. Trong khi đó chiến lược của McCain lại nhằm mục tiêu tranh giành các tiểu bang vốn bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ trong thời gian gần đây như Pennsylvania – nơi Obama đã bị Thượng Nghị sỹ Hillary Clinton đánh bại trong cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên Đảng Dân chủ -- và Michigan, nơi Obama đã không cạnh tranh trong cuộc bầu cử sơ bộ. Giới chức ở cả hai cuộc tranh cử đều tự tin dự đoán họ sẽ giành những tiểu bang vốn đã ủng hộ đối thủ của họ trong các cuộc bầu cử gần đây.

Các chiến lược cử tri đoàn

Con đường để Obama giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết bắt đầu từ việc gìn giữ tất cả các tiểu bang mà John Kerry đã chiến thắng năm 2004, đồng thời tập trung vào một số tiểu bang mà các cố vấn của Obama cho rằng thời gian đã chín muồi để giành về phía họ. Kerry đã giành được 252 phiếu đại cử tri. Để có thêm 18 phiếu đại cử tri nữa, Obama sẽ phải tập trung vào Iowa, Virginia, Bắc Carolina, New Mexico, Nevada và Colorado, v.v… Danh sách các tiểu bang cần hướng tới của ông còn có Ohio, nơi ông đã thất bại trong vòng bầu cử sơ bộ trước Thượng Nghị sỹ Hillary Clinton nhưng lại là tiểu bang đã chuyển sang ủng hộ mạnh mẽ Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006. Về phần mình, McCain hy vọng cử tri sẽ giúp ông giữ vững được Ohio, một tiểu bang có ý nghĩa cốt tử đối với sự thành công của Đảng Cộng hòa trong hai cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, đồng thời lôi kéo Michigan, Pennsylvania và Wisconsin về phía Đảng Cộng hòa.

Nhưng, đôi khi các chiến lược lựa chọn tiểu bang trong cử tri đoàn của các chiến dịch bầu cử lại không phải là tất cả. Các chiến dịch tranh cử thường dùng tiểu xảo một cách tinh vi
như thể họ đang dồn biết bao tiền bạc để giành một tiểu bang nào đó, nhưng trên thực tế họ lại không có ý đồ như vậy. Ý đồ của họ là buộc đối thủ phải dành thời gian và tiền bạc quý giá của họ vào những tiểu bang mà họ thường cho là chắc chắn – nhằm giữ vững sân nhà.

Một ví dụ kinh điển về trò “trận giả” này đã xuất hiện trong những ngày nóng bỏng cuối cùng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000 khi Phó Tổng thống Đảng Dân chủ Al Gore ra tranh cử để kế vị Tổng thống Bill Clinton, trong khi đó ứng cử viên Đảng Cộng hòa là Thống đốc bang Texas George W. Bush. Tháng 10/2000, chỉ một vài tuần trước khi diễn ra bầu cử, chiến dịch của ông Bush đã đưa ra một quyết định khiến nhiều người đặt câu hỏi nhằm tổ chức các quảng cáo đầy tốn kém trên đài phát thanh và truyền hình ở California nơi có 54 phiếu đại cử tri (hiện nay là 55 phiếu) và là trung tâm trong vấn đề chính trị về bầu cử tổng thống. Nhóm vận động tranh cử của ông Bush đã bỏ ra hơn 1 triệu đô-la để quảng cáo trên thị trường truyền thông đầy đắt đỏ ở California – Los Angeles, San Francisco và San Diego – còn ứng viên phó tổng thống Đảng Cộng hòa Dick Cheney lại dành một ngày quý báu để đi vận động chính trị ở tiểu bang trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, chiến dịch của ông Gore lại không mắc bẫy. Tự tin về sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Đảng Dân chủ ở California, nhóm vận động tranh cử của Đảng Dân chủ tập trung nguồn lực có hạn của họ vào những nơi khác. Điều đó hóa ra lại là một chiến lược sáng suốt vì Gore giành thuận lợi vẻ vang ở California với 53% số phiếu, trong khi ông Bush chỉ đạt 42%.

Nhưng ở Ohio, nhóm vận động tranh cử của Gore lại rút lui quá sớm và tự mình làm mất đi cơ hội giành 21 phiếu đại cử tri đoàn ở tiểu bang này. Mặc dù nhóm vận động tranh cử của Gore đã dự đoán Đảng Cộng hòa sẽ thắng lớn ở Ohio nhưng thực tế ông Bush lại chỉ giành chiến thắng với chênh lệch 3,5% số phiếu. Nếu tập trung nhiều hơn, kết quả toàn bang lẽ ra có thể đã rất khác, và ông Gore lẽ ra đã chắc chắn thắng lợi tại tiểu bang để cầm chắc chức tổng thống.

Tương tự như vậy, các ứng viên năm 2008 đã nêu một số tiểu bang có khả năng rất mang tính cạnh tranh. Thực tế có thể sẽ không phải như vậy. Các cố vấn của Obama đã nói một số tiểu bang nơi họ chủ ý vận động mạnh mẽ như Georgia, Missouri, Montana và Bắc Carolina cuối cùng có thể sẽ không chuyển từ ủng hộ Đảng Cộng hòa sang Dân chủ. Nhưng kết quả của nỗ lực đó có thể buộc McCain phải dành tiền bạc hoặc buộc ông phải đến vận động ở những nơi được coi là thành trì vững chắc, chứ không phải tập trung nguồn lực cho những tiểu bang quan trọng còn do dự như Ohio.

Người thắng được tất cả

Đối với các chiến lược gia tranh cử tổng thống, một trong những khía cạnh phức tạp nhất của cử tri đoàn là quy định ở gần như tất cả mọi tiểu bang người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tại tiểu bang sẽ được tất cả các lá phiếu đại cử tri của bang, bất kể khoảng cách có sít sao đến đâu. George W. Bush trong năm 2000 đã giành chiến thắng tại Florida – và chức tổng thống – với 537 phiếu chênh lệch trong tổng số hơn 6 triệu phiếu bầu tại tiểu bang này. Tuy vậy, ngay cả khoảng cách sít sao nhất như vậy cũng chỉ ngã ngũ sau 36 ngày đấu tranh về pháp lý và Tòa án Tối cao ra phán quyết chấm dứt việc kiểm lại phiếu trên toàn bang, và khoảng cách mong manh đó cũng đủ giúp cho Đảng Cộng hòa giành được tất cả lá phiếu đại cử tri của tiểu bang.

Năm 1988, ứng cử viên Đảng Cộng hòa George H.W. Bush đã giành được 426 phiếu đại cử tri đoàn so với 112 lá phiếu của Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis, ứng cử viên Đảng Dân chủ, khiến cho chiến thắng này dường như là hiển nhiên. Nhưng khoảng cách chiến thắng của ông Bush ở nhiều tiểu bang tương đối hẹp, cho phép ông chiến thắng trên diện rộng nhưng không cách biệt nhiều (California, 51% so với 48%; Connecticut, 52% so với 47%; Illinois, 51% so với 49%; Maryland, 51% so với 48%; Missouri, 52% so với 48%; New Mexico, 52% so với 47%; Pennsylvania 51% so với 48%; Vermont, 51% so với 48%). Khoảng cách về lá phiếu ở các tiểu bang có nhiều phiếu đại cử tri khác cũng không lớn. Nếu cuộc vận động tranh cử của họ phản công mạnh mẽ hơn những cuộc tấn công nhằm vào họ và mạnh mẽ hơn trước khi đưa ra chương trình nghị sự thì Đảng Dân chủ lẽ ra đã chiến thắng.

Cũng trong năm 2000, Gore đã thua ở New Hampshire với tỷ lệ 48,1% so với 46,8%. Điều đó chứng tỏ là một điểm cách biệt quan trọng vì bốn lá phiếu cử tri của New Hampshire lẽ ra đã giúp Gore giành được 271 phiếu cử tri đoàn – khiến kết quả còn gây tranh cãi ở Florida trở nên vô nghĩa. Tương tự, Gore lẽ ra đã giành chiến thắng ở quê nhà – tiểu bangTennessee năm 2000 – và giải quyết ổn thỏa cuộc bầu cử. Trái lại, 11 lá phiếu cử tri của Tennessee đã rơi vào tay ông Bush, với cách biệt khoảng 4%, khiến ông Gore trở thành ứng cử viên tổng thống đầu tiên bị thua tại quê nhà kể từ khi ứng viên Đảng Dân chủ McGovern bị thua như vậy năm 1972, và chính điều đó khiến ông mất cơ hội trở thành tổng thống.

Khả năng được bầu trong cuộc tổng tuyển cử

Khi cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa bỏ phiếu lựa chọn ứng viên của đảng họ thì họ thường xem xét không chỉ ứng viên nào mà họ ủng hộ căn cứ trên những vấn đề và phẩm chất cá nhân mà còn xem ứng viên nào có khả năng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử nhiều nhất vào tháng 11.

Đó là lý do chính tại sao John Kerry đã được bầu chọn là ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2004 trước đối thủ là cựu Thống đốc bang Vermont Howard Dean. Lúc đầu trong cuộc bầu cử, những chỉ trích nặng nề của Dean về cuộc chiến Iraq và các chính sách của chính quyền Bush nhìn chung đã giúp ông nổi lên vị trí hàng đầu trong cuộc đua sơ bộ lựa chọn ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Những lời lẽ hùng biện mạnh mẽ của ông đã chiếm được niềm tin của các cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ vì họ cảm thấy thất vọng do nhiều lãnh đạo của đảng họ trong Quốc hội đã không sẵn sàng phản bác ông Bush một cách mạnh mẽ.

Nhưng những kết quả không đồng đều trên chặng đường vận động tranh cử của Dean và việc ông thiếu kinh nghiệm trong chính trị quốc gia đã khiến các cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ cuối cùng đã lựa chọn Kerry, một thượng nghị sỹ đã có gần 20 năm kinh nghiệm. Kerry là một diễn giả rất giỏi đưa ra các con số và cử tri coi ông là một đối trọng mạnh mẽ hơn so với ông Bush. Nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ, người ta đã có một câu trào phúng rằng nhiều người của Đảng Dân chủ đã “hẹn hò với Dean, nhưng lại kết hôn với Kerry”.

Bản đồ cử tri đoàn đã trở thành một vấn đề lớn trong trận chiến bầu chọn ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2008. Trong cuộc đua kéo dài gần sáu tháng và chỉ ngã ngũ khi tất cả các tiểu bang bầu sơ bộ và hội ý, Hillary Clinton lập luận rằng bà xứng đáng là ứng cử viên của Đảng Dân chủ hơn vì bà có nhiều cơ hội đánh bại ứng cử viên Đảng Cộng hòa John McCain trong cuộc tổng tuyển cử hơn đối thủ là Barack Obama.

Clinton đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở những tiểu bang còn do dự như Ohio, Pennsylvania và Tây Virginia. Lập luận đó dường như chưa đủ để thuyết phục những người ủng hộ Đảng Dân chủ - những người đã lựa chọn Obama là ứng viên của đảng để ganh đua với McCain.

Những người theo Đảng Dân chủ sẽ biết được vào ngày 4/11 liệu toàn bộ cử tri có đảm bảo sự lựa chọn ứng viên của đảng hay không. Suy cho cùng, giành được đa số lá phiếu cử tri đoàn là một mục tiêu liên tục thay đổi của các chiến dịch tranh cử tổng thống. Có lẽ điều đáng ngại nhất đó là đặc trưng trong bộ máy chính quyền ở Mỹ trong đó người giành được nhiều lá phiếu nhất trong một cuộc bầu cử không nhất thiết tự nhiên sẽ trở thành người chiến thắng. Trong khi các chiến dịch của Obama và McCain ra sức cố gắng trong những tuần cuối cùng của cuộc bầu cử để giành ít nhất 270 phiếu, song dường như việc kết hợp các kết quả chiến thắng trong ngày có thể được giải quyết bằng cách đếm cụ thể - từng bang đếm phiếu vào ngày bầu cử.

Các quan điểm được trình bày trong bài viết này không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.