Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Các vấn đề toàn cầu

Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền

tháng 11/2008

Tạp chí Điện tử của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Phát minh ra nhân quyền: Một hiểu biết đồng cảm

Lynn Hunt

Lynn Hunt là giáo sư của Chương trình Eugen Weber, chuyên ngành Lịch sử châu Âu hiện đại, thuộc trường Đại học California tại Los Angeles. Bà đã từng là giáo sư thỉnh giảng ở trường Nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội thuộc Đại học Bắc Kinh, Đại học Utrecht, Đại học Amsterdam, và đại học Ulster, Coleraine. Hunt đã từng là Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ trong năm 2002 và là thành viên của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ về Nghệ thuật và Khoa học, đồng thời cũng là thành viên của Hội Triết học Mỹ. Các cuốn sách của bà bao gồm Lịch sử Văn hóa mới (1989); Cuộc cách mạng Pháp và nhân quyền: Lược sử (1996); Phát minh về nhân quyền (2007); và Đo lường thời gian, làm nên lịch sử (2008).


Trước khi các xã hội, các quốc gia và các dân tộc công nhận và đấu tranh bảo vệ những quyền lợi căn bản của con người thì chính các cá nhân cần phải có được sự nhận thức sâu sắc từ bên trong về cá tính và thậm chí là sự không thể bị xâm hại về thân thể của những người khác. Những thành tựu nghệ thuật có được vào thế kỷ 18 tại nước Pháp và ở một vài nơi khác trên lục địa châu Âu đã góp phần khuấy động sự đồng cảm và cam kết chính trị đối với nhân quyền như chúng ta biết đến ngày nay.

Định nghĩa về nhân quyền

Nhân quyền đòi hỏi ba nhân tố tương tác lẫn nhau: các quyền này phải hoàn toàn tự nhiên (liên quan mật thiết đến con người), phải bình đẳng (như nhau đối với tất cả mọi người) và phải mang tính toàn cầu (được áp dụng ở khắp mọi nơi). Tất cả loài người ở mọi nơi trên trái đất đều có quyền lợi như nhau, không phân biệt địa vị xã hội. Tuy nhiên, nhân quyền trở nên có nhiều ý nghĩa hơn chỉ khi chúng có được những nội dung chính trị. Nhân quyền không chỉ là quyền lợi của mỗi người trong tự nhiên mà còn bao hàm quyền lợi của họ trong xã hội. Chúng được bảo vệ bởi luật pháp và hiến pháp (thậm chí chúng ta còn coi nhân quyền là bất khả xâm phạm), chúng đòi hỏi có sự tham gia chủ động và tích cực của chính cá nhân được hưởng những quyền lợi ấy. Nhân quyền không tự nhiên mà có, con người cần phải biết đòi hỏi nó.

Tính bình đẳng, tính toàn cầu và tính tự nhiên của nhân quyền lần đầu tiên được nhắc đến trực tiếp với ý nghĩa chính trị trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và trong Tuyên ngôn về Nhân quyền và quyền công dân của nước Pháp năm 1789. Mặc dù Đạo luật về Nhân quyền của nước Anh năm 1689 đã nhắc đến “những quyền lợi và tự do xưa”, song bộ luật này đã không tuyên bố rằng nhân quyền phải có tính toàn cầu, tính tự nhiên và tính bình đẳng. Trái lại, Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ đã nêu rõ “tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng” và tất cả mọi người đều có những “quyền lợi không thể lay chuyển”. Tương tự, Tuyên ngôn về Nhân quyền và quyền công dân của nước Pháp cũng nêu rõ “con người được sinh ra, được tự do và có quyền bình đẳng”. Không chỉ người dân nước Pháp, không chỉ những người da trắng, không chỉ những tín đồ Cơ đốc giáo, không chỉ là đàn ông mà danh từ “người” ở đây muốn ám chỉ mọi thành viên trong cộng đồng loài người. Nói cách khác, vào thời kỳ từ năm 1689 đến năm 1776, những quyền vốn được coi là chỉ thuộc về một dân tộc nào đó – ví dụ như những người Anh quốc tự do – nay đã được chuyển hóa thành nhân quyền – quyền tự nhiên của cả nhân loại mà người Pháp gọi là “quyền con người”.

Tuyên ngôn của Hoa Kỳ và Pháp đều đã đòi hỏi xác định những quyền lợi mật thiết của mỗi con người. Như Thomas Jefferson, tác giả chính của Tuyên ngôn Độc lập đã viết: “Chúng ta coi những sự thật này là hiển nhiên, không cần phải chứng minh”. Bản Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền có giọng điệu ôn hòa hơn nhưng cũng thể hiện tư tưởng tương tự: “Nếu khắp nơi đều công nhận phẩm giá của con người, quyền bình đẳng và không thể xâm phạm của mọi thành viên trong cộng đồng người thì đó chính là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới…”. Trong tuyên bố này, cụm từ “nếu” có nghĩa là “trên thực tế” và từ “quyền” có nghĩa là những quyền được trao cho mỗi cá nhân, hay theo cách nói của Jefferson thì đó chính là “những quyền lợi hiển nhiên”.

Tuyên bố này có thể dẫn tới một nghịch lý nếu như nhân quyền thực sự có tính toàn cầu: nếu tính bình đẳng về nhân quyền là một điều hiển nhiên thì tại sao lại phải đòi hỏi những quyền hiển nhiên ấy và tại sao quyền này chỉ được xác lập trong những thời điểm và tại những nơi chốn cụ thể? Nhân quyền liệu có phải là “hiển nhiên” hay không trong khi các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tranh luận hơn 200 năm nay về ý nghĩa chính xác của cụm từ “hiển nhiên” mà Jefferson đã dùng? Cuộc tranh luận này sẽ còn tiếp diễn mãi vì Jefferson đã không bao giờ giải thích lý lẽ của ông – và nếu có, thì lập luận này vẫn sẽ bị phản đối: một khi vẫn phải đòi hỏi được công nhận thì những quyền lợi ấy không thể được coi là hiển nhiên.

Nhân quyền rất khó có thể bị bắt buộc vì chúng liên quan đến những tình cảm sâu kín của con người – chúng chỉ có hiệu lực khi đánh đúng vào tâm tư tình cảm của mỗi người. Chúng ta đã biết rằng vấn đề nhân quyền chỉ được đưa ra khi chúng ta cảm thấy khiếp sợ hoặc ghê tởm trước hành vi vi phạm nhân quyền ấy. Trong năm 1775, nhà văn nổi tiếng thuộc Thời đại Khai sáng người Pháp Denis Diderot đã cho rằng quyền tự nhiên của con người là một thuật ngữ quá quen thuộc đến nỗi hầu như không ai lại không tin chắc rằng đó là một điều mà hiển nhiên là anh ta đã biết. Cảm xúc bên trong này dường như phổ biến đối với cả những triết học gia lẫn những người vô danh. Diderot đã đề cập đến một trong những tính chất quan trọng nhất của nhân quyền: “sự chia sẻ rộng rãi những cảm xúc bên trong”. Nhân quyền không chỉ là một học thuyết giáo điều được xây dựng trong các đống tài liệu. Chúng còn dựa trên khuynh hướng của người khác và trên rất nhiều luận cứ về con người.

Quan điểm mới về cá nhân

Nhân quyền được nuôi dưỡng dựa trên những giả định mới về quyền tự chủ của mỗi cá nhân. Trước khi có nhân quyền, mỗi dân tộc cần phải hiểu được rằng mỗi cá nhân riêng lẻ hoàn toàn có thể tự đưa ra những nguyên tắc đạo đức độc lập. Trở thành thành viên của một cộng đồng chính trị được xây dựng dựa trên nguyên tắc mỗi cá nhân là một thực thể đạo đức độc lập đòi hỏi mỗi cá nhân phải có khả năng đồng cảm với người khác. Tất cả mọi người chỉ có được quyền của họ khi tất cả mọi người được nhìn nhận theo một cách cơ bản là như nhau. Quyền bình đẳng không chỉ là một khái niệm trừu tượng hay một khẩu hiệu chính trị. Nó phải được bản chất hóa dưới một hình thức nào đó.

Mặc dù ngày nay chúng ta đã công nhận những ý tưởng về quyền tự chủ, quyền bình đẳng và nhân quyền, song những quyền này chỉ thực sự bắt đầu có ảnh hưởng vào thế kỷ 18. Trước thời điểm này, mọi dân tộc đều không tưởng tượng được ra rằng họ có quyền tự chủ về tinh thần và đạo đức: một trạng thái đòi hỏi cả khả năng lập luận lẫn khả năng tự mình ra quyết định một cách hoàn toàn độc lập. Trẻ em và những bệnh nhân tâm thần được coi là không có khả năng tự quyết định mặc dù có khả năng suy nghĩ và lập luận. Giống như trẻ em, nô lệ, người không có tài sản và phụ nữ cũng đều không có quyền tự quyết. Một ngày nào đó, trẻ em, người giúp việc, người không có tài sản và có thể cả nô lệ sẽ có quyền tự chủ: sau khi đã lớn, sau khi không còn là người giúp việc nữa, sau khi có tài sản hoặc sau khi giành được tự do. Dường như chỉ có phụ nữ là không có bất kỳ sự lựa chọn nào vì họ đã được coi là luôn phụ thuộc hoàn toàn vào người cha hoặc người chồng của họ. Nếu những người đề xuất về tính toàn cầu, tính bình đẳng và tính tự nhiên của nhân quyền tự động loại trừ ra một nhóm người nào đó thì lý do đầu tiên là họ coi nhóm người này là không có đầy đủ khả năng tự chủ về mặt tinh thần bằng những nhóm người khác.

Thế nhưng một sức mạnh mới của sự đồng cảm đã đứng lên chống lại cả những định kiến lâu đời nhất. Vào năm 1791, chính quyền cách mạng Pháp đã công nhận quyền bình đẳng của những người Do thái; năm 1792, những người không có tài sản được trao quyền bỏ phiếu; và năm 1794, chính quyền Pháp chính thức xóa bỏ chế độ nô lệ. Do vậy, có thể thấy rằng sự thấu hiểu và thái độ chấp nhận quyền tự chủ của mỗi cá nhân là những kỹ năng có thể học hỏi được, và những hạn chế lâu đời đối với việc công nhận nhân quyền có thể, và đã bị thách thức.

Quyền tự chủ và sự đồng cảm là những thực tiễn văn hóa chứ không phải chỉ là những ý tưởng. Chúng thể hiện cảm xúc và vì vậy chúng có phạm vi vật chất lẫn tinh thần. Quyền tự chủ cá nhân dựa vào một ý thức ngày càng rõ rệt về sự phân tách và thiêng liêng của thân thể: Thân thể bạn là của bạn và thân thể tôi là của tôi, chúng ta phải cùng nhau tôn trọng những ranh giới ngăn cách giữa thân thể người này với thân thể của người khác. Sự đồng cảm phụ thuộc vào việc công nhận cảm xúc của người khác và suy ngẫm như chính chúng ta có những cảm xúc ấy, như những xúc cảm bên trong chúng ta cũng đang diễn ra giống như vậy dưới hình thức nào đó. Để được tự chủ, một người cần phải được công nhận là có tính tách biệt hợp pháp và được bảo vệ trong sự tách biệt đó, nhưng để có nhân quyền, thì tính ích kỷ của người đó cần phải được thấu cảm theo một cách xúc động hơn. Nhân quyền phụ thuộc vào ý thức tự sở hữu và vào nhận thức rằng những người khác cũng có quyền tự sở hữu của họ. Chính sự thiếu công nhận quyền tự sở hữu của người khác đã làm gia tăng tính bất bình đẳng và mở ra cánh cửa dẫn tới tình trạng lạm dụng nhân quyền.

Quyền tự chủ và sự đồng cảm đã từng bước được hiện thực hóa vào thế kỷ 18 và những khái niệm này đã bắt rễ chính từ thời điểm đó. Qua nhiều thế kỷ, các dân tộc châu Âu từng bước tách khỏi mạng lưới các cộng đồng truyền thống và dần lớn mạnh trong nền độc lập hợp pháp và nhiều thành tựu của họ. Một trong những kết quả thu được là sự bất khả xâm phạm thân thể con người được tôn trọng hơn, đường ranh giới giữa các cá nhân trở nên rõ ràng hơn và ý thức về sự tôn trọng nhân phẩm trở nên sâu sắc hơn. Theo thời gian, người ta bắt đầu ngủ một mình hoặc chỉ ngủ với vợ hoặc chồng của họ. Họ sử dụng dao dĩa để ăn và bắt đầu có thái độ ghê tởm đối với những hành vi đã từng được chấp nhận trước đây, ví dụ như ném thức ăn ra sàn hoặc lau chùi những chất thải từ thân thể ra quần áo. Uy quyền tuyệt đối của người cha đối với con cái của họ cũng bắt đầu bị lung lay.

Hệ tâm lý mới

Sự phát triển lâu dài nhằm khẳng định “bản ngã” đã có nhiều tiến triển nhanh chóng trong nửa sau của thế kỷ 18. Bước tiến này được phản ánh trong nhiều mặt của cuộc sống, từ nghệ thuật đến pháp luật. Khán giả bắt đầu xem kịch hoặc nghe nhạc trong bầu không khí yên lặng. Nghệ thuật vẽ chân dung và hội họa mô tả cảnh đời thường đã thách thức vị trí độc tôn của hội họa theo trường phái phi thực và nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu theo phong cách hàn lâm. Trong khi hội họa châu Âu thường mô tả hình thể của các thống lĩnh và gương mặt của các nhân vật tôn giáo thì những bức chân dung của người dân bình thường tại Paris và Luân-đôn ngày càng có địa vị nổi bật. Từ nửa cuối của thế kỷ 18, những bức chân dung này thường mô tả những biểu tượng của đức hạnh và thịnh vượng hoặc chú trọng vào việc làm nổi bật trạng thái tâm lý và sắc mặt cá nhân. Sự nở rộ của hội hóa chân dung đã mở ra một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ – coi mỗi người là một thực thể đơn độc, tách biệt, đặc biệt và nguyên bản – vì thế những bức chân dung cũng phải toát lên được tất cả những điều ấy.

Tương tự, văn học Pháp thế kỷ 18 cũng đã gợi cho người đọc một hình thái mới về sự đồng cảm. Sự gia tăng của các cuốn tiểu thuyết được viết dưới dạng thư tín (bao gồm các bức thư được trao đổi giữa các nhân vật) đã gắn cho mỗi nhân vật một cá tính riêng, khiến cho người đọc dễ dàng đồng cảm với nhân vật, không kể tầng lớp, giới tính và dân tộc. Báo chí cũng phát triển mạnh trong thời kỳ này khiến cho những câu chuyện đời thường đến được với đông đảo độc giả.

Những bước tiến này đã giúp cho việc tuyên truyền và thấm nhuần một hệ tâm lý mới và theo thời gian, đã dẫn đến việc thành lập một trật tự chính trị xã hội mới, trong đó tính bất khả xâm phạm về thân thể và cảm thông về cá tính được công nhận là có liên quan mật thiết tới sự chấp nhận và phát triển các quyền con người. Trong cả hai lĩnh vực này, những thay đổi trong nhân sinh quan đã từng được chấp nhận trước đây dường như xảy ra cùng một lúc vào giữa thế kỷ 18.

Chúng ta hãy thử xem xét cụm từ “tra tấn”. Trong giai đoạn từ năm 1700 đến 1750, cụm từ “tra tấn” trong tiếng Pháp được dùng để ám chỉ những giằng xé, trăn trở mà một nhà văn phải trải qua để tìm kiếm những cách biểu đạt hay hơn trong tác phẩm của mình. Sau đó, cụm từ này được hiểu là hành vi gây đau đớn nghiêm trọng về thân thể, được pháp luật cho phép và là công cụ để tìm ra tội phạm hoặc những kẻ đồng lõa. Đây cũng là một vấn đề quan trọng được bàn cãi sau khi nhà triết học chính trị Montesquieu công kích thực tiễn này trong tác phẩm Linh hồn của các điều luật năm 1748 của ông. Trong những trang sách gây ảnh hưởng nhất của mình, Montesquieu đã viết: “có quá nhiều học giả anh minh và những thiên tài đã bày tỏ quan điểm chống lại thực tiễn này (tra tấn tư pháp) khiến tôi không cần phải nói giống như họ”. Sau đó ông viết thêm rằng: “Tôi muốn nói rằng thực tiễn này có thể phù hợp với một chính phủ chuyên chế, tại đó, tất cả mọi thứ đều làm lan truyền nỗi sợ hãi đối với chính phủ; tôi muốn nói rằng những người nô lệ thuộc về đế chế La Mã và Hy Lạp… Nhưng tôi đã nghe thấy một tiếng nói tự nhiên gào lên chống lại tôi”. Ở đây, một lần nữa, quyền tự chủ – tiếng gọi tự nhiên thét gào – lại được đề cập đến như một luận cứ vững chắc. Sau Montesquieu, Voltaire và nhiều người khác, đặc biệt là thủ lĩnh người Ý Cesare Beccaria đã gia nhập phong trào này. Từ những năm 1780, việc xóa bỏ hành vi tra tấn và các hình thức tra khảo man rợ khác đã trở thành chủ đề trọng tâm trong học thuyết mới về nhân quyền.

Mặc dù khuynh hướng hiện đại đã tiến xa hơn trong việc mở rộng phạm vi nhân quyền – một khuynh hướng được thúc đẩy bởi Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền và bởi các công cụ khác của luật quốc tế – nhưng nhận thức của chúng ta về việc ai là người có quyền và quyền ở đây là những quyền gì lại được xây dựng trên chính sự thấu hiểu của chúng ta đối với người khác. Cuộc cách mạng nhân quyền vẫn đang diễn ra. Nếu hiểu được cuộc cách mạng này đã bắt đầu như thế nào thì chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng ấy và đạt được những điều mà nó từng kỳ vọng.

Các quan điểm được nêu trong bài báo này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.