Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Tư liệu dịch: Các vấn đề toàn cầu

BÁO CÁO TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ 2008

Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động , Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, công bố ngày 19/9/2008

LỜI TỰA

Vì sao các báo cáo được soạn thảo

Báo cáo này được Bộ Ngoại giao đệ trình lên Quốc hội, theo quy định tại mục 102(b) của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) ban hành năm 1998. Theo quy định của luật này, Ngoại trưởng Mỹ, với sự hỗ trợ của Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế, sẽ trình lên Quốc hội “Báo cáo Thường niên về Tự do Tôn giáo Quốc tế, bổ sung cho các báo cáo mới nhất về Nhân quyền với những thông tin chi tiết về các vấn đề liên quan tới tự do tôn giáo quốc tế”.

Báo cáo được soạn thảo như thế nào?

Để chuẩn bị các dự thảo báo cáo đầu tiên, các đại sứ quán Mỹ thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm thông tin từ các quan chức chính phủ và các chức sắc tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ, các nhà báo, các nhà hoạt động nhân quyền, các nhóm tôn giáo và giới học thuật. Quá trình thu thập thông tin có thể rất mạo hiểm. Cán bộ ngoại giao Hoa Kỳ thường phải nỗ lực hết mình, đôi khi ở trong những hoàn cảnh rất nguy hiểm để tiến hành điều tra báo cáo về vi phạm nhân quyền, giám sát các cuộc bầu cử, và hỗ trợ những người gặp nguy hiểm vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế phối hợp thu thập và phân tích thông tin cho báo cáo về tình hình từng nước, dựa trên nguồn tin của các văn phòng khác trong Bộ Ngoại giao, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ khác, nguồn tin từ các quan chức chính phủ nước ngoài, đại diện Liên Hợp Quốc, các tổ chức và các thể chế quốc tế và khu vực khác, giới học giả và truyền thông. Khi soạn thảo và biên tập báo cáo tình hình các nước, Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế cũng tham khảo ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề phân biệt và ngược đãi tôn giáo, tham khảo các chức sắc tôn giáo thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau và các chuyên gia về luật pháp. Nguyên tắc chỉ đạo của Văn phòng là đảm bảo mọi thông tin liên quan được đánh giá khách quan, toàn diện và công bằng nhất có thể.

Bản báo cáo sẽ được các bộ, ngành, cơ quan trong Chính phủ Mỹ sử dụng để xây dựng chính sách, triển khai công tác ngoại giao, hỗ trợ, đào tạo và phân bổ các nguồn lực khác, đồng thời giúp xác định những nước vi phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc dung túng “các vụ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” quyền tự do tôn giáo, để đưa những nước này vào danh sách cần quan tâm đặc biệt.

Về việc sử dụng từ ngữ

Khi báo cáo này khẳng định một chính phủ “nhìn chung là tôn trọng” quyền tự do tôn giáo trong giai đoạn báo cáo tường trình, có nghĩa là chính phủ đó đã cố gắng bảo vệ quyền tự do tôn giáo một cách đầy đủ nhất. Do vậy, cụm từ “nhìn chung là tôn trọng” thể hiện mức tôn trọng cao nhất đối với quyền tự do tôn giáo nêu tại báo cáo này. Cụm từ “nhìn chung là tôn trọng” được sử dụng vì việc bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo là một nỗ lực liên tục, không thể nói một cách chính xác chính phủ nào tôn trọng đầy đủ quyền này trong cả năm thực hiện báo cáo, ngay cả trong những hoàn cảnh tốt nhất.
Lời cảm ơn

Báo cáo năm 2008 được thực hiện từ 1/7/2007 đến 30/6/2008, phản ánh một năm đầy nỗ lực của hàng trăm cán bộ và nhân viên ngoại giao tại Bộ Ngoại giao và các sứ quán Hoa Kỳ ở nước ngoài. Chúng tôi xin cảm ơn các viên chức ngoại giao tại các sứ quán và lãnh sự quán của Hoa Kỳ ở nước ngoài vì đã giám sát và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, và theo dõi chi tiết tình hình tự do tôn giáo. Bên cạnh nỗ lực của họ, chúng tôi ghi nhận sự lao động miệt mài và đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự do tôn giáo của các nhân viên Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế, những người đã giúp hoàn thành bản báo cáo này, trong đó có Clarissa Adamson, Judson Birdsall, Mary Anne Borst, Randy Brandt, Natalia Buniewicz, Barbara Cates, Keeley Chorn, Warren Cofsky, A. Jack Croddy, Doug Dearborn, Daniel DeVougas, Lauren Diekman, Lauren Doll, Augustine Fahey, Carrie Flinchbaugh, Albert Gombis, Hakim Hasan, Nancy Hewett, Victor Huser, Emilie Kao, Justin Kern, Gwendolyn Mack, Safia Mohamoud, Joannella Morales, Fatema Munis, Aaron Pina, David Rodearmel, Abigail Skeans, Lauren Smith, H. Knox Thames, Alexandra Tovar, Gregory Trunz, Raizza Ty, and Jessica Vu. Công việc của những cá nhân này thúc đẩy sự nghiệp tự do, đảm bảo độ chính xác của báo cáo và mang đến hy vọng cho những con người bị đàn áp trên toàn thế giới.  

BÁO CÁO TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ 2008

Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động , Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, công bố ngày 19/9/2008

GIỚI THIỆU

    Mọi người đều có quyền tự do tư duy, lương tri và tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng và tự mình hoặc cùng với những người khác công khai tôn giáo, tín ngưỡng thông qua giảng đạo, hành đạo, thờ cúng hoặc hành lễ ở nơi công cộng hoặc riêng tư.
    --Điều 18, Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu


    Quyền tự do tôn giáo hiện đang bị vi phạm, trong một số trường hợp bị vi phạm ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới. Hơn một nửa dân số thế giới đang sống dưới những chế độ hạn chế ngặt nghèo hoặc thậm chí cấm công dân học tập, tin theo tín ngưỡng, hành lễ và tự do hành đạo theo sự lựa chọn của họ. Các quyền tự do tôn giáo của các tín đồ và các cộng đồng tôn giáo đang bị vi phạm do có sự bảo trợ và dung túng của chính phủ.
    --Đạo luật Tự do Tôn giáo 1998


Năm nay là năm kỷ niệm ngày ra đời của hai văn kiện có ý nghĩa quan trọng về tự do tôn giáo, đó là Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu năm 1948 và Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998. Trong sáu thập kỷ qua, Điều 18 của Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu là một chuẩn mực để chúng ta đánh giá mức độ tôn trọng quyền tự do tôn giáo thực sự của các chính phủ, đồng thời là biểu tượng hy vọng cho những ai bị sách nhiễu và ngược đãi. Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế được thông qua mười năm trước thể hiện sự quan tâm và định hướng mới đối với ưu tiên lâu đời của Mỹ là thúc đẩy tự do tôn giáo. Nỗ lực tăng cường này đã cho chúng ta những kết quả tốt. Rất nhiều tín đồ đã được hưởng những quyền tự do mới tìm thấy và ở một số nước chính sách tôn giáo của các chính phủ đã có những cải thiện. Tuy nhiên, dù đã có những tiến bộ, nhưng thực tiễn được ghi nhận trong Đạo luật và được trích dẫn ở trên vẫn là sự thể hiện chính xác nhất tình hình tự do tôn giáo ở nhiều nước trên thế giới.

Vì quyền tự do tôn giáo tiếp tục bị xâm phạm và liên tục xảy ra các vụ đàn áp thẳng tay, nên Chính phủ Hoa Kỳ kiên trì thúc đẩy tôn trọng quyền con người phổ quát này. Đạo luật Tự do Tôn giáo củng cố vị trí ưu tiên của mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng này thông qua bổ nhiệm vị trí Đại sứ Lưu động phụ trách Tự do Tôn giáo Quốc tế và thành lập Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế tại Bộ Ngoại giao và yêu cầu ra phúc trình thường niên này. Với những công cụ này và các công cụ khác có mục đích cổ xúy và bảo vệ tự do tôn giáo, Hoa Kỳ khuyến khích việc tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ quốc tế, lên án các vụ vi phạm tự do tôn giáo, và thúc đẩy tôn trọng tự do tôn giáo với tư cách một quyền cơ bản của mọi người.

Báo cáo thường niên về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2008 là một trong những sản phẩm rõ nhất về nỗ lực này và là bằng chứng về sự hợp tác của rất nhiều nhân viên Bộ Ngoại giao tại các sứ quán và các lãnh sự quán trên toàn thế giới, tại các vụ khu vực và chức năng và tại Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế. Tất cả họ đã phấn đấu không mệt mỏi để hoàn thành báo cáo toàn diện này. Với độ dài hơn 800 trang và đề cập tình hình của 198 nước và vùng lãnh thổ, Báo cáo thường niên lần này là một bản tường trình đầy đủ nhất. Tuy nhiên, báo cáo không thể thực hiện được nếu không có sự đóng góp quan trọng của các nhóm tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ, và các cá nhân những người đã cống hiến cả cuộc đời để bảo vệ phẩm giá con người. Chúng ta cũng đánh giá cao sự ủng hộ liên tục của Quốc hội Mỹ. Tóm lại, chúng ta coi Báo cáo thường niên này là sự mở rộng hơn nữa sự ủng hộ của nhân dân Mỹ đối với những người đang âm thầm đấu tranh cho các quyền tự do tôn giáo của họ trên toàn thế giới.

Sự trùng hợp ngày kỷ niệm ra đời Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế và Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu nhắc nhở chúng ta về tính phổ quát của các quyền con người mà những văn kiện này bảo vệ. Trọng tâm về vấn đề tự do tôn giáo là Điều 18 của Tuyên ngôn Nhân quyền, theo đó quy định việc bảo vệ quyền bên trong tức là quyền được tin theo một tôn giáo, tín ngưỡng nào đó, và quyền bên ngoài tức là quyền hành đạo và quyền được chia sẻ, quyền cá nhân được lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng và quyền được làm điều đó mà không sợ bị chính phủ can thiệp hay làm tổn hại. Đáng chú ý là năm 1948, chính Charles Malik, một nhà ngoại giao Ả rập người Li-băng và Eleanor Roosevelt đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng điều khoản này. Malik đã nói rằng Tuyên ngôn Toàn cầu nhắc nhở mọi người rằng:

    …con người được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền; tạo hóa ban cho họ lý trí và lương tri, họ không thể bị giam cầm làm nô lệ, không bị bắt giữ tùy tiện, được coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội; con người không thể bị xâm phạm, con người có quyền tự nhiên là được tự do tư duy, tự do lương tri, tự do tôn giáo và tự do bày tỏ.

Nhận thức được sự đồng thuận toàn cầu về tầm quan trọng của quyền tự do tôn giáo, Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các chính phủ thực hiện các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình mà không nhất thiết phải theo quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề này. Bên cạnh Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu, quyền tự do tôn giáo còn được bảo vệ theo nhiều văn kiện quốc tế khác, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, Tuyên bố về Xóa bỏ mọi hình thức không khoan dung và Phân biệt đối xử về lý do tôn giáo, tín ngưỡng, Thỏa ước Helsinki, Công ước châu Âu về bảo vệ Nhân quyền và các quyền Tự do cơ bản, Hiến chương châu Phi về quyền con người, và Công ước châu Mỹ về Nhân quyền. Các mục liên quan đến quyền tự do tôn giáo trong các văn kiện này có thể tìm thấy trong phần phụ lục của Báo cáo Thường niên này. Mặc dù năm nay là năm kỷ niệm một thập kỷ phấn đấu không mệt mỏi thực hiện Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế và 60 năm thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền, chúng ta kỷ niệm những ngày này với nhận thức sâu sắc rằng vẫn còn rất nhiều việc chưa được giải quyết.

Tổng thống Bush gần đây đã phát biểu tại Nhà Trắng nhân kỷ niệm lần thứ 10 ngày ban hành Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế như sau:

    Đạo luật này mà hôm nay chúng ta kỷ niệm được xây dựng dựa trên truyền thống vốn đã định hình nên dân tộc chúng ta. Khi các nhà lập quốc đưa ra Tuyên ngôn Nhân quyền, thì quyền tự do đầu tiên mà họ đề cao chính là quyền tự do tôn giáo. Họ nhận thức được rằng quyền tự do cơ bản nhất của con người là quyền tự do hành đạo…Họ được cầu nguyện để được sống ở một đất nước mà quyền tự do được tôn trọng. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, quyền bày tỏ tự do lại bị kiểm duyệt bởi sự đàn áp, độc tài và không khoan dung.

Lẽ dĩ nhiên, thúc đẩy tự do tôn giáo không chỉ là mục tiêu của Chính phủ Hoa Kỳ, mà đó là một mục tiêu chung của nhiều chính phủ khác, của các tổ chức tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ, và đặc biệt là của những người đang bị hại chỉ vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo của họ.

Hôm nay với vinh dự được trình bản Báo cáo Thường niên lần thứ bảy này, tôi cảm thấy ngỡ ngàng trước sự dũng cảm của nhiều cá nhân trên toàn thế giới, những người đã đứng lên đấu tranh cho tín ngưỡng của họ, ủng hộ quyền tự do tôn giáo và không chịu lùi bước trước bạo lực và trả thù. Đó chính những con người mà chúng ta phải hỗ trợ và là những người mà báo cáo này hướng tới. Tôi cũng rất vinh dự trong hơn sáu năm qua được làm việc với đội ngũ những người tận tâm, cổ xúy cho tự do tôn giáo của Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế. Những thành công mà chúng ta chứng kiến trong suốt thời kỳ này là minh chứng cho sự tận tụy của họ.

Vẫn còn nhiều việc phải làm và vì chúng ta nhận thức được rằng còn hàng triệu người khác đang bị chính phủ của họ tước bỏ quyền được tự do theo đạo và hành đạo, nên Hoa Kỳ sẽ tiếp tục kiên trì theo đuổi việc xây dựng và bảo vệ các quyền tôn giáo cho người dân ở mọi nơi. Chúng ta thực sự mong muốn rằng nỗ lực của chúng ta và của những người khác đấu tranh cho sự nghiệp này, sẽ mang lại cho họ niềm hy vọng mới đồng thời đóng góp vào việc phổ biến quyền tự do quý báu này mọi nơi trên trái đất.

John V. Hanford,
Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế