Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Điều Trần: Các Vấn Đề Biển Đảo và Tranh Chấp Chủ Quyền ở Đông Á

Điều trần của Phó trợ lý Ngoại trưởng Scot Marciel, Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương

15/7/2009

trước Tiểu ban các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương , Uỷ ban Đối ngoại, Thượng viện Mỹ

Các vấn đề biển đảo và tranh chấp chủ quyền ở Đông Á


Kính thưa Chủ toạ Webb và các thành viên Tiểu ban. Tôi vinh dự được điều trần trước quý vị ngày hôm nay về các vấn đề biển đảo và chủ quyền ở Đông Á. Những tuyến đường hàng hải qua khu vực Đông Á nằm trong số những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới và quan trọng nhất về mặt chiến lược. Đó là những tuyến thương mại huyết mạch tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực và mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế Mỹ. Trao đổi thương mại trị giá nhiều tỉ đô la, phần lớn trong thương mại của châu Á với thế giới, kể cả Mỹ, được trung chuyển qua các vùng biển này mỗi năm Chỉ riêng ở Biển Nam Trung Hoa, mỗi năm có tới hơn một nửa số tàu buôn có trọng tải hàng tấn của thế giới đi qua.

Hoa Kỳ từ lâu có lợi ích sống còn trong việc duy trì ổn định, tự do hàng hải và quyền tiến hành các hoạt động thương mại hợp pháp trên các tuyến đường thuỷ tại Đông Á. Nhiều thập kỷ qua và cho đến tận hôm nay, sự can dự tích cực của Hoa Kỳ ở Đông Á, trong đó có sự hiện diện của các lực lượng quân sự Hoa Kỳ, vẫn là nhân tố chủ chốt duy trì hoà bình và bảo vệ những lợi ích này. Bằng các biện pháp ngoại giao, thương mại và sự hiện diện về quân sự trong khu vực, chúng ta đã bảo vệ được những lợi ích sống còn của nước Mỹ. Mối quan hệ của chúng ta với các đồng minh vẫn rất chặt chẽ, khu vực hiện nay đang có hoà bình và, như quý vị đều biết, Hải quân Mỹ tiếp tục thực hiện đầy đủ mọi sứ mệnh cần thiết để bảo vệ đất nước và duy trì lợi ích của chúng ta.

Sự hiện diện và chính sách của chúng ta còn nhằm hỗ trợ việc tuân thủ luật biển quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Mặc dù Hoa Kỳ chưa phê chuẩn Công ước này, như Ngài Chủ toạ cũng biết, chính quyền Mỹ hiện nay và các chính quyền tiền nhiệm đều ủng hộ việc tuân thủ công ước này, và trên thực tế tàu thuyền của chúng ta đều tuân thủ các quy định về việc sử dụng đại dương theo truyền thống.

Những vấn đề liên quan đến tranh chấp biển đảo và chủ quyền ở Đông Á đa diện và rất phức tạp. Được phép của Ngài Chủ toạ, tôi xin tập trung vào ba chủ đề sau:

    - Thứ nhất, các tranh chấp chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa;
    - Thứ hai, những vụ va chạm gần đây liên quan đến Trung Quốc và các hoạt động của tàu hải quân Mỹ trong vùng biển quốc tế thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc (EEZ);
    - Và cuối cùng là bối cảnh chiến lược của những vấn đề này và phản ứng nước Mỹ nên có.

Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Brunei mỗi bên đều khẳng định chủ quyền đối với các phần thuộc Biển Nam Trung Hoa, kể cả các phần đất phụ thuộc. Phạm vi và mức độ đòi hỏi chủ quyền của từng bên cũng khác nhau. Đòi hỏi về chủ quyền của các bên tập trung vào hơn 200 đảo nhỏ, bãi đá và các đảo chìm thuộc quầndãy đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoại trừ tranh chấp chủ quyền, Biển Nam Trung Hoa nhìn chung là hoà bình. Căng thẳng giữa các bên lúc gia tăng, lúc lắng dịu. Cho đến nay, các tranh chấp chưa đến mức trở thành xung đột quân sự kéo dài. Năm 2002, các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký “Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Nam Trung Hoa.” Mặc dù tuyên bố này không mang tính ràng buộc nhưng nó quy định những nguyên tắc hữu ích, chẳng hạn như tất cả các bên phải “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình” và “tự kiềm chế”, đồng thời các bên “tái khẳng định tôn trọng và cam kết về quyền tự do hàng hải và tự do bay trên vùng trời Biển Nam Trung Hoa, như được quy định trong các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận toàn cầu, trong đó có Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc.”

Quan trọng hơn, văn kiện ký kết năm 2002 này cho thấy các bên sẵn sàng tiếp cận đa phương về vấn đề này. Chúng ta hoan nghênh thoả thuận này, vì nó giúp làm giảm căng thẳng giữa các bên và củng cố ASEAN với tư cách một tổ chức. Mặc dù không loại trừ được căng thẳng và cũng không loại trừ được hành động đơn phương của các bên ở Biển Nam Trung Hoa, nhưng văn kiện này là bước khởi đầu, là một cơ sở tốt để giải quyết xung đột trong khu vực bằng biện pháp ngoại giao.

Mỹ sẽ tiếp tục chính sách không đứng về bên nào trong các tranh chấp pháp lý về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa. Nói cách khác, chúng ta không đứng về bên nào trong những đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo và các phần đất phụ thuộc ở Biển Nam Trung Hoa, hoặc các vùng biển (vùng lãnh hải) xuất phát từ các phần đất đó. Tuy nhiên chúng ta quan ngại về những lời tuyên bố về “hải phận” hoặc bất kỳ vùng biển nào không bắt nguồn từ lãnh thổ. Đòi hỏi chủ quyền đối với những vùng biển này không phù hợp với luật pháp quốc tế, như được ghi nhận trong Công ước Luật biển.

Chúng ta lo ngại về căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, vì hai quốc gia này đều đang tìm kiếm trữ lượng dầu và hơi đốt dưới đáy Biển Nam Trung Hoa. Bắt đầu từ mùa hè năm 2007, Trung Quốc đã yêu cầu một số công ty dầu khí của Mỹ và nước ngoài phải dừng hoạt động thăm dò với các đối tác Việt Nam ở Biển Nam Trung Hoa nếu không sẽ phải chịu hậu quả không báo trước khi họ làm ăn với Trung Quốc.

Chúng ta phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm đe doạ các công ty Mỹ. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2008, cựu Thứ trưởng Ngoại giao John Negroponte đã khẳng định các công ty Mỹ có quyền hoạt động tại vùng Biển Nam Trung Hoa và khẳng định việc chúng ta tin rằng các tranh chấp phải được giải quyết một cách hoà bình, không sử dụng bất cứ biện pháp cưỡng ép nào. Chúng ta đã trực tiếp nêu với phía Trung Quốc những lo ngại này. Tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia không thể giải quyết bằng cách gây áp lực lên các công ty không liên quan gì đến các bên tranh chấp.

Chúng ta cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh có các hành động gây hấn nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền và khẳng định rõ chúng ta phản đối việc đe doạ hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp, cũng như bất kỳ hành động nào khác nhằm cản trở tự do hàng hải. Chúng ta muốn thấy một giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc.

Có rất nhiều tranh chấp biển đảo khác ở Đông Á. Nhật Bản và Trung Quốc cũng có tranh chấp về giới hạn của Vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Hoa Đông, và chủ quyền đối với đảo Senkaku. Những tranh chấp này không được chú ý bằng tranh chấp ở Biển Hoa Nam. Chúng ta tiếp tục theo dõi diễn biến của tất cả các chấp này khi mà những tranh cãi về chủ quyền có thể leo thang rất nhanh ở một khu vực nơi mà tinh thần quốc gia dân tộc được thể hiện rất mạnh mẽ.

Bây giờ tôi xin trình bày về những diễn biến mới xảy ra liên quan đến Trung Quốc và tàu của Hoa Kỳ họat động tại hải phận quốc tế bên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc. Tháng 3/2009, tàu khảo sát của Hải quân Mỹ USNS Impeccable tiến hành hoạt động thường lệ, phù hợp với luật quốc tế tại vùng biển quốc tế trên Biển Hoa Nam. Hành động quấy rối tàu Impeccable của các tàu đánh cá Trung Quốc khiến tàu của cả hai bên bị đặt vào tình thế nguy hiểm, gây cản trở cho tự do hàng hải, và không phù hợp với nghĩa vụ đối với các tàu trên biển đó là đảm bảo an toàn cho các tàu khác. Chúng ta ngay lập tức đã phản đối những hành động này với Chính phủ Trung Quốc, và đòi hỏi rằng những khúc mắc phải được giải quyết thông qua các cơ chế đối thoại đã được thiết lập, chứ không phải bằng sự đối đầu trực tiếp giữa các tàu, khiến các thuỷ thủ và tàu ở trong tình trạng nguy hiểm.

Mối lo ngại của chúng ta xung quanh vụ va chạm đó chủ yếu là lo ngại về nhận thức của Trung Quốc về thẩm quyền pháp lý của nước này đối với tàu thuyền các nước khác hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, và cách Trung Quốc khẳng định cái mà họ coi là các quyền trên biển của mình.

Ở điểm này thì quan điểm của Trung Quốc về các quyền của họ không được luật quốc tế ủng hộ. Chúng ta đã nêu rất rõ vấn đề này trong các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc và nhấn mạnh rằng các tàu của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động hợp pháp tại các vùng biển quốc tế như trước kia.

Tôi muốn lưu ý là kể từ giữa tháng 5 các tàu đánh cá Trung Quốc không tiến hành thêm vụ quấy rối nào nữa.

Để kết thúc, tôi xin đánh giá về cả hai mối lo ngại này, những lo ngại về Vùng đặc quyền Kinh tế với Trung Quốc và những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo ở Biển Nam Trung Hoa trong bối cảnh chiến lược lớn hơn. Cụ thể là, những vấn đề này ảnh hưởng như thế nào tới luật pháp quốc tế và đối với những thay đổi quyền lực đang diễn ra ở Đông Á và Mỹ nên phản ứng như thế nào?

Vụ va chạm của tàu Impeccable và tranh chấp chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa là những vấn đề riêng rẽ đòi hỏi Mỹ phải có những chính sách phản ứng riêng. Trên tầm chiến lược, ở mức độ nào đó cả hai vấn đề này cho thấy rõ quyết tâm ngày càng tăng của Trung Quốc đối với những gì nước này coi là quyền của họ trên biển. Trong một số trường hợp chúng ta không đồng quan điểm hoặc thậm chí không hiểu cách Trung Quốc hiểu luật biển quốc tế.

Tuy nhiên, chúng ta tin rằng có những cách thức mang tính xây dựng để giải quyết những vấn đề khó khăn này. Về việc tôn trọng tự do hàng hải của các tàu hải quân Mỹ ở Vùng đặc quyền kinh tế, chúng ta đã yêu cầu Trung Quốc giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Tháng trước, tại chương trình Hội đàm Tham vấn Quốc phòng tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề Chính sách Michele Flournoy đã nêu vấn đề này, và phía Trung Quốc đã nhất trí tổ chức một kỳ họp đặc biệt theo Thoả thuận Tham vấn Quân sự Trên biển ký năm 1998 để xem xét vấn đề này và tìm cách giải quyết những bất đồng.

Về các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa, chúng ta khuyến khích tất cả các bên tìm kiếm giải pháp phù hợp với Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc và các thoả thuận khác đã đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc.

Sự khẳng định chủ quyền của một số bên trong tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa làm nảy sinh những vấn đề quan trọng và đôi khi rất phức tạp đối với cộng đồng quốc tế liên quan đến việc tiếp cận các tuyến đường hàng hải và các nguồn lợi biển. Tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Hoa Nam rất mập mờ. Trung Quốc không cho thấy rõ đòi hỏi chính xác về biên giới của họ. Cũng không rõ là họ khẳng định chủ quyền lãnh hải đối với toàn bộ vùng biển hay chỉ đối với các phần đất phụ thuộc nằm trong vùng biển đó. Trước đây, sự mơ hồ này không ảnh hưởng nhiều lắm tới lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, giờ đây nó đã trở thành một mối lo ngại vì áp lực đối với các công ty năng lượng của chúng ta khi một số khu vực ngoài khơi cũng nằm trong đòi hỏi của Trung Quốc khi những khu vực này không nằm trong công bố chủ quyền của họ. Có thể sẽ tốt hơn cho tất cả các bên nếu Trung Quốc nêu rõ hơn thực chất những đòi hỏi của họ.

Chúng ta cần cảnh giác để đảm bảo rằng lợi ích của ta được bảo vệ và thúc đẩy. Khi chúng ta lo ngại, chúng ta sẽ nêu ra những lo ngại đó một cách thẳng thắn, như chúng ta đã làm khi các công ty của mình bị gây áp lực.

Chúng ta ghi nhận rằng Trung Quốc đã có cách tiếp cận hoà giải hơn trong việc giải quyết một số tranh chấp về biên giới trên bộ. Ví dụ, năm ngoái Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết hiệp định phân định biên giới trên bộ. Cách tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc đối với Đông Nam Á nhấn mạnh tinh thần hữu nghị và láng giềng tốt. Tương tự, việc Trung Quốc triển khai lực lượng tới Vịnh Aden để chống hải tặc là một đóng góp tích cực nhằm giải quyết mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế. Chúng ta phấn khởi trước những bước tiến này và hy vọng rằng Trung Quốc cũng sẽ áp dụng tiến trình mang tính xây dựng như vậy khi giải quyết vấn đề biên giới và các quyền trên biển của họ.

Thưa Ngài Chủ toạ, chúng ta có mối quan hệ rất rộng với Trung Quốc, mối quan hệ đó bao hàm nhiều vấn đề có tầm quan trọng chiến lược sống còn đối với cả hai nước. Chúng ta nhất trí cao về một số vấn đề; còn đối với những vấn đề khác phải thừa nhận là chúng ta có những khác biệt. Quan hệ song phương của hai bên có thể giúp dàn xếp và tôn trọng những khác biệt này và giải quyết chúng một cách có trách nhiệm thông qua con đường đối thoại.

Xin cảm ơn, và tôi xin vui lòng trả lời các câu hỏi của quý vị.