Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Tóm tắt về lịch sử nước Mỹ

Biến đổi văn hoá: 1950-1980

Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 3/2007


Hầu hết người Mỹ đều tự tin với vai trò của họ trên thế giới trong những năm 1950. Họ chấp nhận nhu cầu phải có một lập trường quyết liệt chống Chủ nghĩa Cộng sản toàn cầu. Người Mỹ ủng hộ những nỗ lực để chia sẻ những lợi ích của nền dân chủ ở mức độ rộng rãi nhất. Ở Mỹ, họ được trải nghiệm những thành tựu kinh tế phi thường và sự chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ. Sự bùng nổ trong dân số đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các các thành phố vệ tinh. Tuy nhiên, không phải tất cả người Mỹ đều tham gia vào cuộc sống tốt đẹp đó, và dần dần, những thách thức bắt đầu nảy sinh.

Những người Mỹ gốc Phi đã phát động một phong trào đòi đảm bảo quyền được đối xử công bằng ở mọi nơi. Họ giành được một chiến thắng quan trọng năm 1954 khi Tòa án Tối cao phán quyết rằng các cơ sở vật chất giáo dục dành cho trẻ em da đen không tương xứng với cơ sở dành cho trẻ em da trắng. Quyết định này mở đầu cho quá trình xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc ở các trường công của đất nước. Trong những năm 1960, dưới sự lãnh đạo của mục sư Martin Luther King Jr. và sự hậu thuẫn của Tổng thống Lyndon Johnson, những người Mỹ gốc Phi đã thắng lợi trong việc đòi thông qua đạo luật về Quyền dân sự và Quyền bỏ phiếu. Một vài nhà lãnh đạo da đen, chẳng hạn như Malcolm X, đã lập luận chống lại sự hợp tác liên chủng tộc và một vài lời kêu gọi mang tính chiến đấu đã dẫn đến bạo lực. Tuy nhiên, rất nhiều người Mỹ gốc Phi đã gia nhập tầng lớp trung lưu một cách vững vàng và thầm lặng, dẫn đến một sự thay đổi nhân khẩu học sâu sắc trong xã hội Hoa Kỳ.

Trong những năm 1960 và 1970, nhiều phụ nữ Mỹ đã bày tỏ sự tức giận vì họ không có được những cơ hội giống như nam giới. Dưới sự lãnh đạo của văn sĩ Betty Friedan và nhà báo Gloria Steinem, họ tổ chức một phong trào nhằm thay đổi luật pháp và truyền thống để trao cho phụ nữ cơ hội được cạnh tranh bình đẳng với nam giới trong kinh doanh và giáo dục. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ nhằm thông qua một sự sửa đổi Hiến pháp đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ đã không thành khi chỉ được 35 trên 38 bang phê chuẩn.

Một thế hệ mới những nhà lãnh đạo người Mỹ bản địa được tổ chức để bảo vệ quyền lợi của Chính phủ đã cam kết trong những hiệp ước khác nhau với các nhóm bộ lạc. Họ sử dụng hệ thống tòa án để tái lập quyền kiểm soát đối với đất đai và nguồn nước của các bộ lạc, đồng thời sử dụng các quá trình lập pháp nhằm giành được sự hỗ trợ cần thiết để cung cấp nơi ở và giáo dục cho nhân dân của họ. Người Mỹ bản địa đầu tiên đắc cử thượng nghị sĩ là Ben Nighthorse Campbell vào năm 1992. Những người Mỹ gốc Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha, đặc biệt là những người có gia đình đến từ Mexico, Trung Mĩ, Puerto Rico và Cuba cũng ngày càng trở nên năng động trong lĩnh vực chính trị. Họ đắc cử vào các cơ quan địa phương, tiểu bang và quốc gia, và họ cũng tổ chức cuộc đấu tranh chống sự phân biệt đối xử. César Chávez chẳng hạn: ông đã lãnh đạo một cuộc tẩy chay việc tiêu thụ nho California trên toàn quốc, khiến những chủ trồng nho phải đàm phán với Công đoàn Liên minh Trang trại của ông về vấn đề tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Rất nhiền sinh viên đã hoạt động chính trị tích cực trong việc phản đối chiến tranh ở Việt Nam - cuộc chiến tranh mà họ tin là vô đạo đức. Họ tổ chức những cuộc biểu tình phản đối lớn - những cuộc biểu tình này cuối cùng đã gây áp lực khiến Tổng thống Johnson phải bắt đầu những cuộc đàm phán hòa bình. Thanh niên cũng bắt đầu chối bỏ những giá trị văn hóa của cha mẹ họ. Những biểu hiện rõ ràng nhất của điều đó là tóc dài, nhạc rock-and-roll và sử dụng ma túy bất hợp pháp.

Những người Mỹ quan tâm đến vấn đề môi trường đã nỗ lực nhằm giảm mức độ ô nhiễm không khí và nước. Năm 1970 chứng kiến buổi lễ “Ngày Trái đất” lần đầu tiên và sự thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Hoạt động lập pháp về môi trường phản ánh nhu cầu cắt giảm các chất gây ô nhiễm mà không gây ra những tổn hại nặng nề cho các ngành công nghiệp.

Những thay đổi xã hội lớn lao trong giai đoạn từ 1950 đến những năm 1980 đã diễn ra trên cơ sở một xã hội mở cửa, uyển chuyển và đa dạng. Sự thỏa hiệp là điều cần thiết. Điều chắc chắn là, cho dù có thời điểm diễn ra chậm chạp, nhưng sự thay đổi của nước Mỹ hướng tới những điều tốt đẹp hơn vẫn phản ánh nền tảng đa văn hóa của nó.