Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Kinh tế và thương mại

CHUYỂN ĐỔI VĂN HÓA THAM NHŨNG

Tạp chí Điện tử của Bộ Ngoại giao Mỹ, tháng 12/2006

Các cách tiếp cận hiệu quả trong việc bài trừ nạn tham nhũng

Một giải pháp hiệu quả đối với nạn tham nhũng phải được bắt đầu từ hai nhận thức không thể thiếu: thứ nhất là không có một hệ thống hay một xã hội nào là không có nạn tham nhũng, và thứ hai là chúng ta cần phải bắt đầu nỗ lực ngay từ những bước đi căn bản nhất trong việc xây dựng sự hiểu biết chung về điều chúng ta muốn ám chỉ khi nói đến tham nhũng.

Các cách tiếp cận đa phương diện là quan trọng nhất. Ngay cả khi nguồn lực của chúng ta rất nhỏ, các cán bộ của USAID vẫn giải quyết tốt mọi việc trong thời gian hợp tác với chính phủ của nước chủ nhà đối tác và với các nhà tài trợ, để bảo đảm triển khai một cách tiếp cận chung trong việc thực hiện những cải cách chống tham nhũng, và để bảo đảm rằng các nguồn lực ngoại giao cũng như các nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ phải được sử dụng một cách có hiệu quả. Kinh nghiệm của USAID tại Kenya là một ví dụ tiêu biểu chứng minh cho những gì có thể đạt được thông qua hỗ trợ các nhà cải cách và các thể chế trên nhiều mặt trận. Trong khi các sự kiện tại đất nước này khiến nước Mỹ quyết định giảm bớt sự trợ giúp của mình đối với một số cơ quan chính phủ (ví dụ như Ban Đạo đức của Chính phủ) thì một chương trình hỗ trợ trước đó của Hoa Kỳ và của các nhà tài trợ khác đã giúp cơ quan này thu thập những thông tin quan trọng hiện vẫn đang được Ủy ban Tài chính Công của Nghị viện Kenya sử dụng; đồng thời, USAID cũng đã trao một khoản viện trợ xây dựng năng lực cho chính phủ và tiếp tục có ảnh hưởng lớn tới cuộc tranh luận chính trị và các cuộc điều tra tại đất nước này. Và tất nhiên sẽ không một tiến bộ nào trong số này có thể đi xa đến như vậy nếu không có vai trò tiên quyết của xã hội dân sự Kenya – là đối tác của USAID và là những người luôn đi tiên phong trên mặt trận chống tham nhũng từ nhiều năm nay.

Xã hội dân sự luôn luôn là một đối tác không thể thiếu. Các chính phủ thường không tự cải cách, ngay cả khi đội ngũ lãnh đạo ủng hộ mạnh mẽ những cải cách này. Chúng ta thường thu được những thành quả tốt đẹp nhất khi các cộng đồng địa phương tham gia vào việc giám sát triển khai các dự án phát triển và ngân sách. Tại Côlômbia, cộng đồng veedur (các ủy ban giám sát của công dân) đã thay đổi những tập quán về tuyển dụng tại các trường học địa phương và cấm công nhân xây dựng làm đường sử dụng nguyên vật liệu kém phẩm chất. Ở Mali, người dân đóng thuế tại một huyện ở Bamako đã phát hiện ra những điều không nhất quán trong ngân sách địa phương, và điều này đã khiến cho một số quan chức địa phương bị kết tội và cách chức. Các chương trình của USAID tại Rwanda, Tanzania và nhiều nơi khác cũng đã có những thành quả tương tự.

Các cách tiếp cận về xây dựng thể chế tỏ ra thích hợp ở những nơi chính quyền cơ sở được thành lập và ở những nơi có cam kết chính trị mạnh mẽ đối với việc thay đổi cách tiến hành các công việc chung. Các chương trình hỗ trợ của USAID đã giúp Ủy ban Chống tham nhũng của Inđônêxia và Tòa án Thương mại Nam Phi đạt được những thành quả quan trọng, nhưng trong những môi trường ít thuận lợi hơn, các thể chế chuyên biệt như vậy hoạt động không được tốt lắm. Tài liệu của các ủy ban chống tham nhũng trên khắp thế giới đều xác nhận điều này là đúng.

Huy động các nguồn lực, cam kết chính trị, các thành quả phát triển thông qua việc lồng ghép các mục tiêu và nguyên tắc chống tham nhũng có thể là một chiến lược mang lại thành công. USAID theo đuổi cách tiếp cận này một phần là để đối phó với hiện tượng thiếu nguồn lực dành cho công việc quản trị nhà nước có tính truyền thống hơn và một phần là vì chúng ta đã thấy rằng nạn tham nhũng rất khó bị đẩy lùi nếu chỉ tiếp cận từ phía quản trị nhà nước. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta đã chứng kiến nhiều ví dụ về các cộng đồng và chính phủ đang phấn khích xung quanh những cải cách liên quan đến phân phối dịch vụ và nâng cao vị thế kinh tế của họ trên trường quốc tế. Những ví dụ này chỉ ra rằng đây là một vùng đất hứa cho các nỗ lực cao hơn. Mặt khác, chúng ta cũng ý thức được nguy cơ của việc tự tin rằng những cải cách mà chúng ta đang thúc đẩy đã có tác động chống tham nhũng, nhưng chúng ta lại chưa khớp được các cải cách này trong các bản kế hoạch, trong đàm phán, hoặc chưa dự báo được kết quả của một hoạt động cải cách.

Trong khi thấy được cách tiếp cận nào là có hiệu quả cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng thì chúng ta cũng phát hiện ra một số cách tiếp cận không mang lại hiệu quả:

    * Các chương trình nâng cao nhận thức dân chúng không bị ràng buộc với cải cách
    * Các cải cách không có các chương trình nâng cao nhận thức dân chúng
    * Không có cách tiếp cận dài hạn
    * Các khuyến nghị không dựa trên nghiên cứu và thu thập số liệu
    * Các chương trình do các nhà tài trợ cấp vốn và được coi là chương trình của các nhà tài trợ (sự thiếu tinh thần làm chủ).

USAID sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, các tổ chức đa phương và cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nhằm đảm bảo một sự phối hợp chiến lược và hiệu quả giữa các hoạt động ngoại giao và các chương trình hợp tác của Chính phủ Hoa Kỳ. Quản trị nhà nước tốt và trách nhiệm giải trình sẽ tạo điều kiện đưa dân chúng thoát khỏi đói nghèo, nâng cao chất lượng y tế và giáo dục, tăng cường an ninh biên giới, mở rộng phạm vi tự do cá nhân, thực hiện các chiến lược kinh tế và phát triển bền vững, và tạo ra các nền dân chủ vững mạnh hơn.