Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Các vấn đề toàn cầu

Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền

tháng 11/2008

Tạp chí Điện tử của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền: Khởi xướng và duy trì một cuộc cách mạng

Paul Gordon Lauren

Paul Gordon Lauren, một tác giả nổi tiếng toàn cầu về lịch sử nhân quyền, là Giáo sư thành viên hội đồng quản trị của trường Đại học Montana. Ông đã xuất bản nhiều bài báo và 11 cuốn sách, một số tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, bao gồm các tác phẩm: Quá trình tiến triển của nhân quyền quốc tế: Tầm nhìn chứng kiến, được đề cử giải Pulitzer, và Quyền lực và định kiến. Lauren đã soạn ra những khóa học tầm cỡ cho các nhà sư phạm về chủ đề “Các quyền của con người”, và ông đã đi giảng ở nhiều nơi trên thế giới cho những tổ chức như Viện Smithsonian, Viện Nô-ben Hòa bình và Liên Hợp Quốc.


Sáu mươi năm trước, khi mới được thông qua, Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền, theo lời của những người không ủng hộ nó, chỉ là “trên giấy tờ”, là “lời công bố” và chỉ là “một khuyến nghị không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý”. Họ tin rằng nó sẽ ít có hoặc không có tác động nào cả. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, tầm nhìn của nó đã tác động mạnh vào tâm lý mọi người và nhanh chóng đi vào hiện thực đời sống. Tuyên ngôn bắt đầu có sức mạnh về chính trị, đạo đức và thậm chí là cả về luật pháp, và nó đẩy vấn đề nhân quyền từ một vị trí không hề quan trọng trở thành một trong những vấn đề trọng tâm trong quan hệ quốc tế. Trong toàn bộ tiến trình, nó khởi xướng và duy trì một cuộc cách mạng về nhân quyền mà Đài Phát thanh Anh quốc đã ghi nhận là “một thành tựu vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta”.

Những thách thức cho sự ra đời của Tuyên ngôn

Khi các thành viên của Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc mới được thành lập bầu Eleanor Roosevelt, cựu đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ, là chủ tịch ủy ban dự thảo văn kiện sau này được biết đến với tên gọi Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, họ không hề nghĩ rằng những nỗ lực của mình lại có tác động to lớn đến như vậy. Thành công dường như là quá xa, và có lúc họ tưởng như đã thất bại. Liên Hợp Quốc đã giao cho Ủy ban Nhân quyền những nhiệm vụ dường như bất khả thi là xác định rõ ý nghĩa của từ “nhân quyền” và dự thảo văn kiện được gọi là “luật quốc tế về các quyền” cho toàn nhân loại. Mỗi nhiệm vụ được giao đều đặt ra những thách thức lớn về chính trị và triết lý.

Những người phải đương đầu với những nhiệm vụ này nhanh chóng nhận ra rằng, có lẽ không có vấn đề chính sách công nào lại làm nảy sinh nhiều vấn đề triết lý khó khăn đến như vậy. Các học giả nam và nữ với các quan điểm triết lý truyền thống và tôn giáo khác nhau đã phải trăn trở với những vấn đề này qua nhiều thế kỷ. Vậy từ “nhân quyền” chính xác có nghĩa là gì và có nguồn gốc từ đâu ? Phải chăng chúng có nguồn gốc từ “thượng đế”, từ “tự nhiên”, từ “nguyên do” hay là từ các chính phủ? Những từ này áp dụng cho những ai? Có thể áp dụng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới hay chỉ áp dụng cho một giới, chủng tộc, tầng lớp, địa vị, quốc gia, văn hóa hoặc một giai đoạn phát triển nhất định? Mối liên hệ giữa nhân quyền và “hòa bình”, “an ninh” và “công lý” là gì? Quan hệ giữa trách nhiệm và quyền là gì? Liệu một số quyền (như là quyền dân sự và chính trị) là quan trọng hơn so với các quyền khác (như là quyền kinh tế và xã hội), hay tất cả các quyền đều phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời và có giá trị như nhau? Liệu có thể thiết lập các chuẩn mực chung để thực thi trên toàn thế giới đồng thời tôn trọng những giá trị khác biệt về văn hóa, luật pháp, tôn giáo và triết lý? Những vấn đề nêu trên cứ lần lượt xuất hiện, hết vấn đề này đến vấn đề khác.

Các đảng phái chính trị cũng gây nhiều khó khăn cho các nhiệm vụ nêu trên. Trạng thái hưng phấn sau chiến thắng của Liên quân trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai nhanh chóng tan biến. Vào đúng thời điểm Ủy ban Nhân quyền đang dự thảo ngôn từ của Tuyên ngôn Nhân quyền, sự luân chuyển giữa phát triển và khủng hoảng quốc tế ngày càng trở nên trầm trọng:

    • Liên bang Xô-viết áp đặt chính sách Tấm màn sắt đối với Đông Âu.
    • Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô-viết ngày càng lan rộng.
    • Cuộc chạy đua vũ trang – các loại vũ khí nguyên tử hủy diệt hàng loạt – ngày càng gia tăng.
    • Bức tường Berlin được dựng lên
    • Bạo lực bùng nổ tại các nước thuộc địa nhằm vào những người kiên quyết đứng lên đòi quyền tự quyết.
    • Lực lượng quân đội của Mao Trạch Đông đang thắng lợi ở Trung Quốc.
    • Xung đột vũ trang tại Palestine xoay quanh vấn đề thành lập một nhà nước Ixaren độc lập bùng nổ.
    • Các cuộc bạo loạn vì vấn đề chủng tộc bùng nổ ở một số nước (bao gồm cả Hoa Kỳ).
    • Ấn Độ công khai phản đối Nam Phi vì các chính sách phân biệt chủng tộc tại nước này.
    • Mọi người dân bắt đầu thách thức các chính phủ bằng cách công bố những vụ vi phạm về nhân quyền ra trước thế giới.

Ngoài ra, hiệp định dường như khó đạt được vì chính phủ của các nước thành viên Liên Hợp Quốc trong giai đoạn đầu thường bao gồm nhiều hệ thống chính trị có quan điểm trái ngược nhau.

Những thách thức về mặt chính trị nêu trên trở nên tồi tệ hơn bởi những mâu thuẫn của Hiến chương Liên Hợp Quốc, được thông qua tại Hội nghị San Francisco năm 1945. Lời mở đầu và Điều 1, và một số điều khoản khác, đã hùng hồn khẳng định tất cả mọi người đều có các quyền và tự do như nhau, không phân biệt đối xử trong việc mưu cầu hòa bình, an ninh và công lý. Nhưng đồng thời, Điều 2(7) nhằm củng cố quyền tự chủ của một nước lại nói rằng không có điều gì được ghi trong hiến chương có thể cho phép một tổ chức mới được can thiệp vào những vấn đề “cơ bản trong khuôn khổ tư pháp” của bất kỳ một nước thành viên nào. Vì vậy, nếu tôn trọng các điều khoản về nhân quyền, thì quyền tự chủ quốc gia sẽ không còn nữa. Mặt khác, nếu bảo vệ quyền tự chủ quốc gia và tư pháp, thì nhân quyền sẽ bị hủy hoại. Vấn đề là ở chỗ các nước mà nhân quyền của người dân hay bị xâm phạm bởi các chính phủ thì chính phủ lại cần phải được bảo vệ. Điều này chứng tỏ cần phải có một bước tiến rất xa so với những biện pháp truyền thống hiện có. Vì vậy, chính phủ của một số nước đã chỉ thị cho các đại diện của họ tại ủy ban tránh mọi biện pháp ràng buộc hoặc các biện pháp thực thi mà chỉ chú trọng vào tuyên ngôn bằng lời mà thôi.

Những thách thức này làm nảy sinh những gì mà các nước thành viên và các nhà quan sát đều mô tả như nhau: đó là các cuộc tranh cãi “nảy lửa”, những vấn đề “cực kỳ tế nhị”, “những màn bắn pháo hoa” và “các trận chiến” căng thẳng. Với những thách thức và quyền lợi khư khư nêu trên, việc ra đời của tuyên ngôn chung tưởng chừng như không thể thành công. Khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên ngôn thế giới vào tháng 12 năm 1948, những người đã đổ bao công sức vất vả để phác thảo bản tuyên ngôn đã mô tả thành quả này chỉ bó gọn trong mấy từ “một phép màu”.

Tầm nhìn của Tuyên ngôn

Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã làm được một điều chưa từng có từ trước tới nay: Tuyên bố một tầm nhìn thế giới về các giá trị cơ bản và các nguyên tắc chính thống, hay là cái được gọi là “một thước đo chung cho hành động của tất cả các nước và mọi người dân trên toàn thế giới”. Bằng ngôn từ thể hiện sự quan tâm và mang tính tư duy, điều khoản đầu tiên đã tuyên bố: “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền”. Chỉ riêng câu này đã khẳng định chắc chắn rằng nhân quyền là hết sức tự nhiên (không phải do chính phủ nào ban tặng, mà là do tạo hóa ban cho ngay từ khi sinh ra), và bình đẳng (cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành cho một bộ phận trong xã hội, và toàn cầu (mọi nơi trên thế giới, không giới hạn cho một vài nơi hoặc một vài thể chế chính trị).

Điều 2 khẳng định rằng các quyền này được áp dụng, không hề có bất kỳ một hình thức phân biệt hoặc đối xử nào về chủng tộc, màu da, hay giới tính; không phụ thuộc vào ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác; nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị xã hội. Nhằm để nhấn mạnh quan điểm này xuyên suốt toàn bộ văn kiện, và để khẳng định chính xác ai được quyền hưởng những quyền này, hầu hết tất cả các điều khoản trong Tuyên ngôn đều bắt đầu bằng từ: “Mọi người”.

Sau khi đã thiết lập những nguyên tắc chung nêu trên, phần tiếp theo của Tuyên ngôn là liệt kê và mô tả một loạt các quyền của con người. Nó tuyên bố rằng mọi người đều có các quyền dân sự nhất định sau: quyền được sống, được tự do và an toàn cá nhân; không ai phải làm nô lệ hay bị cưỡng bức làm việc như nô lệ; không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm; tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau; không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác một cách độc đoán; có quyền được một tòa án độc lập và vô tư phân xử công bằng và công khai; mọi người đều có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tư duy; quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia; quyền tìm kiếm và được lánh nạn ở những nước khác khi bị ngược đãi.

Được mô tả như là “một cuộc cách mạng trong cuộc đại cách mạng”, Tuyên ngôn Nhân quyền tuyên bố một cách chắc chắn và công khai rằng mọi người đều có các quyền chính trị: quyền tham gia vào chính quyền của nước mình, một cách trực tiếp hay thông qua những đại diện được lựa chọn một cách tự do, quyền được sống dưới một chế độ chính phủ nơi mà quyền lực của chính phủ được tạo nên dựa trên ý nguyện của người dân thông qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, theo nguyên tắc bỏ phiếu phổ thông và bình đẳng. Tuyên ngôn còn tuyên bố thêm rằng mọi người đều có các quyền nhất định về kinh tế và xã hội: quyền hôn nhân và xây dựng gia đình, quyền sở hữu tài sản của riêng mình hay chung với những người khác, quyền được hưởng bảo hiểm xã hội và mức sống như nhau, quyền được đi làm, quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và thuận lợi, quyền được học hành, và quyền được tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, và các quyền khác. Cuối cùng, tuyên ngôn cũng tuyên bố rằng mọi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng và những người khác.

Tuyên ngôn thực chất là một tuyên bố bằng ngôn từ, không phải là một hiệp ước có hiệu lực. Nó là một văn kiện mang tính thương thuyết và là kết quả của một tiến trình chính trị hóa, chưa được hoàn thiện hẳn. Về một mặt nào đó, nó làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn so với đưa ra các câu trả lời. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là tại thời điểm nó được thông qua, chưa có một nước nào – không kể về vị trí địa lý, hệ thống chính phủ, hoặc mức độ phát triển văn hóa và kinh tế, có thể đáp ứng hoàn toàn các chuẩn mực đề ra trong Tuyên ngôn Nhân quyền.

Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề và hạn chế, Tuyên ngôn này vẫn có hai đóng góp hết sức quan trọng. Thứ nhất là nó tạo ra một tầm nhìn có sức thuyết phục cho những ai có ý chí đấu tranh vì các quyền của bản thân và của những người khác. Các nguyên tắc chung nêu trong Tuyên ngôn không được thể hiện trong khuôn khổ các điều khoản mang tính chất pháp lý (hoặc cái mà các nhà quan sát mô tả là “một văn kiện dành cho các luật sư”), mà được thể hiện bằng ngôn ngữ dễ hiểu đối với mọi người dân trong cuộc sống đời thường, từ thành thị tới nông thôn như là chính khát vọng và cảm hứng của họ. Thứ hai là, nhận thức đầy đủ về Tuyên ngôn thế giới này, các nước thành viên đã cam kết, cùng với tổ chức Liên Hợp Quốc, phấn đấu thúc đẩy mọi người tôn trọng và thực hiện các quyền cũng như những tự do cơ bản của con người. Họ hiểu rằng cần phải cam kết bảo vệ nhân quyền cho người dân nước họ. Đồng thời hai đóng góp nêu trên cũng góp phần quan trọng trong việc khởi xướng và duy trì cuộc cách mạng về nhân quyền trên toàn thế giới: hy vọng cho tương lai.

Tác động của Tuyên ngôn

Hơn sáu mươi năm sau đó, Tuyên ngôn đã tiếp tục phát triển và trở thành một trong những văn kiện quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Nó đã thôi thúc và tác động tới sự phát triển nhân quyền ở vô số các địa phương, các quốc gia, khu vực và quốc gia.

Quá trình được thực thi ngay lập tức. Một số nước, bao gồm Costa Rica, El Salvador, Haiti, Indonesia, Jordan, Libya, Puerto Rico và Syria, đã thể chế hóa và đưa vào luật của nước họ một số nguyên tắc và chuẩn mực của Tuyên ngôn. Các phán xét của tòa án và các vụ xét xử, từ tòa án địa phương cho tới Tòa án quốc tế, đều được tham chiếu trong Tuyên ngôn. Mọi người dân ở các nước thuộc địa khao khát được khẳng định nhân phẩm của mình thông qua quyền tự quyết được thể hiện trong tầm nhìn của tuyên ngôn. Hiệp ước Hòa bình năm 1951 với Nhật Bản, đặc biệt tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ “cố gắng hiện thực hóa các mục tiêu của Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc”. Một số các hiệp ước song phương sau chiến tranh cũng đặc biệt tham chiếu tới Tuyên ngôn thế giới, đặc biệt là những khiếu nại chính thức của một nước đối với nước khác về những vụ vi phạm nhân quyền. Tiến trình này ngày càng phát triển cùng với thời gian.

Tuyên ngôn Nhân quyền cũng thúc đẩy một loạt các tuyên bố khác tập trung vào các khía cạnh cụ thể hơn về vấn đề nhân quyền. Trong những năm sau đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ủy ban văn hóa, khoa học và kinh tế Liên Hợp Quốc và tổ chức lao động thế giới đều dựa vào tầm nhìn và sứ mạng của Tuyên ngôn thế giới để ra các tuyên bố về các quyền và bằng tên cụ thể. Tính theo khu vực, bao gồm cả các công ước và tuyên bố được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu, Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia độc lập châu Phi thành lập ra Tổ chức thống nhất Phi châu, Tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi, Liên minh châu Âu, và Tổ chức các nước châu Mỹ. Trên thế giới, có những công ước và tuyên bố sau:

    • Công ước quốc tế về quyền trẻ em (1959);
    • Công ước về Trao quyền độc lập cho các nước thuộc địa và nhân dân các nước thuộc địa (1960);
    • Công ước về loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc (1963);
    • Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1967);
    • Công ước về chống tra tấn, nhục hình, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục con người (1975);
    • Công ước về xóa bỏ mọi hình thức không khoan nhượng và phân biệt đối xử về tôn giáo hay tín ngưỡng (1981);
    • Công ước về quyền phát triển (1986);
    • Công ước về các quyền và nhân phẩm con người (2007).

Dựa trên nền tảng của Tuyên ngôn thế giới, hầu hết các công ước nêu trên tiếp tục là cơ sở cho tính cấp thiết của các hiệp ước quốc tế dựa trên thước đo chung này. Các hiệp ước này thiết lập ra các công cụ theo dõi và các công ước khu vực để từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc ra đời luật nhân quyền quốc tế, được thiết lập ra nhằm để bảo vệ những nạn nhân bị xâm phạm về nhân quyền. Những công ước, được dựa trên Tuyên ngôn Nhân quyền, này bao gồm:

    • Công ước châu Âu về Nhân quyền (1950);
    • Công ước liên quan đến tình trạng của người tị nạn (1950);
    • Công ước về quyền chính trị của phụ nữ (1952);
    • Công ước về loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc (1965);
    • Công ước về các quyền dân sự và chính trị (1966);
    • Công ước về các quyền văn hóa, xã hội và kinh tế (1966);
    • Công ước về nghiêm cấm và hình phạt tội phạm phân biệt chủng tộc (1973);
    • Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1967);
    • Công ước về chống tra tấn, nhục hình, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục con người (1984);
    • Công ước quốc tế về quyền trẻ em (1989);
    • Công ước về bảo vệ quyền của tất cả các công nhân nhập cư và các thành viên gia đình họ năm (1990).

Khi Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc quyết định soạn ra các điều khoản để tiếp nhận các đơn khiếu nại cá nhân của mọi người và thiết lập các dịch vụ tư vấn về lĩnh vực này và cái gọi là “thủ tục đặc biệt” của các nhóm làm việc và các báo cáo viên tiến hành điều tra những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng chưa được nêu trong nghĩa vụ của công ước, sẽ cần tham chiếu Tuyên ngôn thế giới để làm cơ sở cho các hành động của họ.

Tuyên ngôn thế giới đã khuyến khích và thúc đẩy các hành động bảo vệ nhân quyền khác. Một trong số đó là công ước mở rộng về luật nhân đạo quốc tế được thông qua để bảo vệ các quyền của thường dân và binh lính trong chiến tranh và các cuộc xung đột vũ trang, như được chứng minh trong các điều khoản bổ sung năm 1977 và 2005 cho Công ước Geneva năm 1949. Thêm vào đó là sự phát triển hết sức có ý nghĩa của luật tội phạm quốc tế nhằm ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia thành viên về tội phạm chiến tranh, tội phạm chống nhân loại, diệt chủng. Tòa án quốc tế đối với Nam Tư cũ, Tòa án quốc tế đối với Ru-an-đa, và đặc biệt là Tòa án tội phạm quốc tế đều phản ánh xu thế phát triển quan trọng này.

Ngoài tất cả những đóng góp nêu trên, Tuyên ngôn đã trở thành một văn kiện tiên phong về nhân quyền cho cái mà bà Eleanor Roosevelt gọi là “những con người bình thường” trên toàn thế giới. Mặc dù đã trở thành một văn kiện của các quốc gia, tuyên ngôn hiện là một văn kiện được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trong lịch sử, và do đó trở thành văn kiện của mọi người. Kể từ các phong trào vì nhân quyền tại các địa phương nhỏ bé như là phong trào Các bà mẹ của Plaza de Mayo ở Argentina, cho đến các tổ chức phi chính phủ lớn hoạt động trên phạm vi toàn cầu đều sử dụng “một thứ ngôn ngữ chung của nhân loại” để nói về nhân quyền dựa trên nền tảng là Tuyên ngôn thế giới. Vì vậy, chúng ta có thể tìm thấy những tài liệu tham khảo xác thực của Tuyên ngôn Nhân quyền về những nhà đi đầu về nhân quyền gần đây như là Tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi, Aung San Suu Kyi của Miến Điện, Dalai Lama của Tây Tạng, Harry Wu của Trung Quốc, và Shirin Ebadi của Iran. Ngày nay, Tuyên ngôn được đăng tải nổi bật trên các trang web của Liên Hợp Quốc, của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Ủy ban theo dõi về nhân quyền, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế, và rất nhiều các tổ chức và cá nhân khác đang hoạt động vì nhân quyền.

Tiếp tục tầm nhìn

Những người tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc khó có thể tưởng tượng được tác động sâu rộng của nó đối với thế giới trong suốt 60 năm qua. Họ sẽ lấy làm kinh ngạc khi thấy rằng tầm nhìn của họ, cho dù có những bất cập trong giai đoạn ban đầu và những quan điểm trái ngược ngày càng nhiều kể từ đó, phần lớn đã được thực hiện. Lần đầu tiên trong lịch sử, thành tựu trong lĩnh vực thúc đẩy, mở rộng, củng cố và bảo vệ nhân quyền lại đạt được kết quả nhiều đến như vậy trên thực tế.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ tầm nhìn của Tuyên ngôn Nhân quyền đã trở thành hiện thực. Những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng vẫn còn tồn tại. Đó là lý do chính đáng cho thấy rằng cuộc cách mạng do Tuyên ngôn thế giới khởi xướng và duy trì cần phải được tiếp tục.

Những quan điểm được nêu trong bài báo này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.