Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

CỬ TRI ĐOÀN

Tạp chí điện tử của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 9/2008

Các hệ thống bầu cử trên thế giới

Andrew Ellis

    Hệ thống Cử tri đoàn của Hoa Kỳ có những đặc tính tương tự với những hệ thống bầu cử khác trên thế giới nhưng được phối hợp theo một cách riêng.

    Andrew Ellis là Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ bầu cử (International IDEA) ở Stockholm, Thụy Điển.


Có nhiều tiêu chí có thể sử dụng để đánh giá các hệ thống bầu cử. Ví dụ như cách thức lựa chọn đại biểu Hạ viện, tính bền vững, tính hiệu quả, trách nhiệm giải trình của chính phủ và của các cá nhân được lựa chọn thông qua bầu cử, sự động viên của các đảng chính trị mạnh, và việc thúc đẩy quan điểm đối lập và giám sát về lập pháp. Nhưng không có hệ thống bầu cử nào lại có thể tối đa hóa được tất cả những yếu tố kể trên.

Trong quá trình xây dựng các khuôn khổ thể chế, vấn đề phải đặt ra bởi bất kỳ xã hội nào là việc xác định những tiêu chí nào là quan trọng – và tại sao. Tuỳ vào từng câu trả lời để có những thiết kế thể chế phù hợp. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hệ thống bầu cử lại phụ thuộc vào nhiều đặc tính và vào cách thức mà mỗi chi tiết trong hệ thống ấy tương tác lẫn nhau.

Các hệ thống bầu cử khác nhau có thể tạo ra những ứng viên đắc cử khác nhau từ cùng một cuộc bầu phiếu. Hệ thống bầu cử tổng thống Mỹ có những đặc tính riêng rẽ không phải chỉ có ở nước Mỹ nhưng nó lại tỏ ra độc nhất vô nhị trong cách kết hợp những đặc tính trên.

Những loại hình chủ đạo

Hầu hết các hệ thống bầu cử trên thế giới đều có thể được phân thành ba loại hình chính: các hệ thống bầu cử theo đa số phiếu, các hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện, và các hệ thống hỗn hợp. Tại 199 quốc gia và vùng lãnh thổ được coi là có hệ thống bầu cử có thế nhận biết tính đến thời điểm cuối năm 2004, thì 91 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hệ thống bầu cử theo đa số phiếu trong các cuộc bầu cử lập pháp, 72 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện, và 30 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hệ thống bầu cử hỗn hợp. Hệ thống bầu cử được sử dụng tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại thì không nằm trong ba loại hình hệ thống trên.

Hình thức thắng cử với đa số tuyệt đối được sử dụng nhiều nhất trong loại hình hệ thống bầu cử theo đa số: nó được sử dụng ở 47 trong số 91 trường hợp nói trên. Tại các nước đã có nền dân chủ lâu đời thì hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện là hình thức được sử dụng rộng rãi nhất, nhưng việc sử dụng hệ thống thắng cử theo đa số tuyệt đối ở Ấn Độ và Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người sống tại các quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hệ thống này hơn.

Theo định nghĩa thì việc chọn ra một vị tổng thống có nghĩa là sẽ chỉ có một người thắng cử. Hệ thống bầu cử kiểu này thuộc loại hình bầu cử theo đa số tuyệt đối. Vào cuối năm 2004, có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó người dân bỏ phiếu để lựa chọn tổng thống. Con số này bao gồm cả những quốc gia có hệ thống bầu cử thuộc một trong hai loại: hệ thống bầu cử tổng thống, trong đó tổng thống là người đứng đầu nhà nước và cũng là người đứng đầu chính phủ hành pháp trong một nhiệm kỳ nhất định và không cần phải phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm của cơ quan lập pháp để được đương nhiệm; và hệ thống đại nghị, trong đó tổng thống là người đứng đầu nhà nước với rất ít hoặc không có quyền lực quan trọng, chính phủ hành pháp có người đứng đầu là thủ tướng và người này phải phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm của cơ quan lập pháp.

Trong số 102 quốc gia này, có 78 nước sử dụng hệ thống bầu cử hai vòng. Và trong số 78 quốc gia này thì 22 quốc gia sử dụng hệ thống bầu cử dựa trên đa số phiếu tuyệt đối; một trường hợp sử dụng hệ thống bỏ phiếu thay thế dựa vào số lượng cử tri; một trường hợp sử dụng hệ thống bỏ phiếu bổ sung trong đó cử tri đưa ra lựa chọn thứ nhất và lựa chọn thứ hai của họ. Hệ thống bầu cử dựa trên đa số tuyệt đối là một mô hình phổ biến và được chấp nhận rộng rãi mặc dù không phải là hình thức được sử dụng phổ biến nhất.

Những hệ thống được sử dụng ở 101 trong số 102 quốc gia bầu cử tổng thống thì dựa trên tổng số phiếu bầu cho mỗi ứng viên tính trên toàn bộ lãnh thổ. Tuy nhiên, nước Mỹ là quốc gia duy nhất sử dụng đồng thời cả hệ thống Cử tri đoàn. Số phiếu bầu của mỗi người dân tại mỗi bang và quận Côlômbia được tính riêng rẽ để chọn ra đại cử tri cho mỗi bang, và tổng thống sẽ được lựa chọn bởi những đại cử tri này. Sự khác biệt trên thực tế của hệ thống này là nó dẫn đến trường hợp người thắng cuộc trong cuộc bầu cử toàn quốc có thể không được bầu làm tổng thống. Trên thực tế, điều này đã xảy ra ở 3 trong số 55 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (các năm 1876, 1888 và 2000).

Các cử tri đoàn

Các hệ thống cử tri đoàn cũng thường được sử dụng để bầu cử ở cấp địa phương. Ở Paris, mỗi trong số 20 quận nội thành lựa chọn thành viên hội đồng thành phố bằng cách sử dụng hệ thống bầu cử hai vòng, trong đó đa số ghế được dành cho đảng chính trị đứng đầu hoặc cho danh sách ứng cử viên của đảng này, nhưng hệ thống này cũng thường cho phép có danh sách đại diện đảng thứ hai. Danh sách này nêu tên ứng viên có khả năng trở thành thị trưởng: danh sách ứng cử của thị trưởng đương nhiệm trong cuộc bầu cử năm 2008 có tiêu đề “Paris, đến lúc tiến bước cùng với Bertrand Delanoë”.

Sau khi kết quả được tuyên bố, các thành viên mới của hội đồng thành phố Paris sẽ nhóm họp với nhau và bỏ phiếu để bầu thị trưởng. Cần phải có số phiếu chiếm đa số tuyệt đối để được ngồi vào chiếc ghế thị trưởng trong vòng bỏ phiếu thứ nhất hoặc thứ hai. Nếu phải bỏ phiếu lần thứ ba, thị trưởng sẽ được lựa chọn khi có được đa số phiếu cao nhất.

Như vậy, các thành viên hội đồng thành phố cũng tạo thành một cử tri đoàn. Tuy nhiên, đặc điểm quan trọng của đoàn cử tri này là thành viên hội đồng thành phố cũng là một hình thức cơ quan lập pháp trong suốt thời gian đương chức của thị trưởng. Việc lựa chọn thị trưởng thông qua các nhà lập pháp có mục đích tối đa hóa khả năng thị trưởng ủng hộ cho hầu hết tiến trình lập pháp của thành phố trong thời gian đương nhiệm. Ngược lại, đại cử tri trong bầu cử tổng thống Mỹ không có chức năng nào khác, và không có mối liên kết nào được xây dựng trong hệ thống bầu cử giữa tổng thống và các đại biểu quốc hội.

Trong khi tranh luận về cử tri đoàn, nhiều tác giả đã gộp cả Estonia, Ấn Độ, Surinam, Trinidat và Tobago - những nước mà người đứng đầu nhà nước trong một hệ thống nghị viện được lựa chọn bởi thành viên của cả Thượng và Hạ viện của cơ quan lập pháp, hoặc bởi một tập hợp các đại diện được lựa chọn ở cấp quốc gia và địa phương. Tại những nước này, cử tri lập pháp lựa chọn các đại biểu lập pháp của họ và các ứng viên cho chức tổng thống không xuất hiện trong cuộc bầu cử toàn quốc hay thành phố. Các hệ thống này có thể được mô tả chính xác nhất là những hệ thống bầu cử gián tiếp hơn là những hệ thống bầu cử sử dụng cử tri đoàn.

Những quan điểm bày tỏ trong bài báo này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.