Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

TỰ DO TÍN NGƯỠNG

Các nhóm tôn giáo thiểu số ở Hoa Kỳ, Tạp chí điện tử, tháng 8 năm 2008

Khía cạnh nhân khẩu học của tôn giáo

Brian J. Grim và David Masci

Rất nhiều nhóm tôn giáo khác nhau cùng tồn tại trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tất cả đều có quyền theo đuổi tín ngưỡng của họ và được bảo vệ một cách hợp pháp bởi Hiến pháp Hoa Kỳ.

Brian J. Grim, chuyên viên nghiên cứu về tôn giáo và ngoại giao, và David Masci, chuyên viên nghiên cứu về tôn giáo và luật pháp đã cùng nhau xây dựng diễn đàn Pew về tôn giáo và đời sống cộng đồng. Diễn đàn này là một dự án của Trung tâm nghiên cứu Pew - một tổ chức phi đảng phái ở Washington D.C. – nơi cung cấp thông tin về các vấn đề, thái độ và xu hướng có ảnh hưởng tại Hoa Kỳ và trên thế giới.


Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có nhiều loại tôn giáo nhất thế giới. Ngoài việc có tất cả các giáo phái tôn giáo lớn trên thế giới, Hoa Kỳ thực sự còn là đất nước của những nhóm tôn giáo thiểu số. Mặc dù đạo Tin Lành vẫn là giáo phái chủ đạo của Thiên Chúa giáo ở Hoa Kỳ, song đạo Tin Lành cũng được chia thành hàng chục giáo phái với những đặc trưng riêng về tín ngưỡng, cách hành đạo và lịch sử. Tuy nhiên, vị trí chủ đạo của Thiên Chúa giáo Tin Lành ở Hoa Kỳ đã bị suy yếu đi trong những năm gần đây. Trên thực tế, một cuộc điều tra dư luận được Diễn đàn Pew về Tôn giáo và Đời sống cộng đồng thực hiện đã cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Hoa Kỳ hiện đang trở thành một quốc gia trong đó đạo Tin Lành chỉ chiếm vị trí thiểu số. Số người Mỹ cho biết họ là thành viên của các giáo phái Tin Lành hiện chỉ còn 51%, giảm đi từ hơn 60% vào những năm 1970 và 1980.

Khoảng một phần tư tổng số người trưởng thành tại Hoa Kỳ là tín đồ của Đạo Cơ Đốc La Mã; khoảng 3,3% nữa là thành viên của các giáo phái Thiên Chúa khác. Xét trên tổng số thì gần 8 trong số 10 người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết họ theo một trong các giáo phái khác nhau của Thiên Chúa giáo. Các giáo phái khác trên thế giới, trong đó có đạo Do Thái, Hồi giáo, đạo Hinđu và đạo Phật - hiện đang chiếm khoảng 5% dân số trưởng thành ở Hoa Kỳ. Gần như cứ sáu người Mỹ trưởng thành thì có một người không theo bất kỳ giáo phái cụ thể nào và số lượng những người này có xu hướng tăng lên trong những thập niên gần đây.

Sự đa dạng về tôn giáo tại Hoa Kỳ có nhiều nguyên do khác nhau, trong đó có vấn đề di cư. Sự đa dạng về tôn giáo ở Hoa Kỳ cũng phản ánh sự bảo vệ đặc biệt của Hiến pháp Hoa Kỳ đối với việc tự do theo đuổi một tín ngưỡng nào đó. Không chỉ những người di cư mới cảm thấy họ được tự do biểu thị tín ngưỡng, niềm tin, các thói quen tôn giáo; mà nhiều người Mỹ cũng đã quyết định đổi tôn giáo của họ ít nhất một lần trong đời. Thực vậy, theo cuộc điều tra đã được tiến hành vào giữa năm 2007, hơn một phần tư người Mỹ trưởng thành đã từng từ bỏ tín ngưỡng này để chuyển sang theo đuổi một tín ngưỡng khác - hoặc không theo đuổi một tín ngưỡng nào cả - kết quả này là chưa tính đến những trường hợp thay đổi từ giáo phái Tin Lành này sang một giáo phái Tin Lành khác.

Các quyền lợi và hạn chế về tôn giáo tại Hoa Kỳ

Hiến pháp Hoa Kỳ có các điều khoản bảo vệ cho các nhóm tôn giáo thiểu số và cho các thói quen tôn giáo nói chung. Các đảm bảo này nằm trong các điều khoản về tự do tôn giáo và tổ chức tôn giáo nằm trong Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp. Điều bổ sung này được ban hành năm 1791 nhằm bảo đảm cho quyền tự do hội họp và tự do ngôn luận. Nó cùng với chín điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp khác tạo nên Tuyên ngôn Nhân quyền.

Những người phác thảo nên Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp, mà nổi bật nhất là James Madison (cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ và là tổng thống thứ tư của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ) cũng đã nhận thức được rằng những khác biệt về tôn giáo ở châu Âu đã đẩy châu lục này đến những cuộc xung đột trong nhiều thế kỷ. Họ cũng phản đối những chính sách mà một số bang đã đưa ra nhằm cấm đoán một số giáo phái tôn giáo để ủng hộ các nhà thờ đã được nhà nước phê chuẩn hoặc chính thức hóa. Đặc biệt, Madison cũng tin rằng việc hạn chế quyền tự do tín ngưỡng cùng với nỗ lực của chính phủ nhằm tạo ra sự thống nhất về tôn giáo là một việc làm vi phạm quyền tự do căn bản của mỗi cá nhân. Ông cũng lập luận rằng tự do tôn giáo phải được thực thi trong một môi trường trong đó chính phủ bảo vệ tự do tín ngưỡng của mỗi cá nhân nhưng không ủng hộ các thể chế tôn giáo. Hai mục đích này chính là cơ sở nền tảng của các điều khoản về tôn giáo trong Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp.

Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ Madison, vẫn có nhiều quan điểm bất đồng về ý nghĩa chính xác của các điều khoản tôn giáo. Điều luật này quy định rằng “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo”. Kết quả là tòa án có thể rộng tay quyết định ý nghĩa chính xác của các điều khoản về tổ chức tôn giáo và tự do tôn giáo.

Mặc dù tất cả mọi người đều nhất trí rằng Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp đã cấm việc thành lập những nhà thờ được chính phủ hỗ trợ, song sự nhất trí cũng chỉ dừng lại ở đó. Ví dụ, một số người cho rằng Điều khoản Tổ chức Tôn giáo này nhằm ngăn chặn sự liên kết giữa chính quyền với các tổ chức tôn giáo. Họ tin rằng, như Thomas Jefferson - nhà lập quốc - đã từng viết: “phải có bức tường ngăn cách” giữa nhà thờ và nhà nước. Những người khác thì biện luận rằng nhà nước có thể hỗ trợ cho các hoạt động tôn giáo và các thể chế tôn giáo nếu nhà nước tỏ ra không thiên vị một tổ chức hay hoạt động nào đó. Khi những tranh luận về việc hành đạo đã bắt đầu ảnh hưởng tới hệ thống tư pháp thì tòa án đã đi theo đường ranh giới giữa hai quan điểm này. Nhìn chung, họ cho rằng Chính phủ có thể rộng rãi thừa nhận tôn giáo - ví dụ như thông qua lời cam kết, lễ tuyên thệ hay thể hiện trên tiền tệ - song không được phép ban hành những bộ luật khích lệ tôn giáo - ví dụ như việc dạy Kinh thánh trong các trường công lập.

Điều khoản Tự do Tôn giáo cũng là đề tài của nhiều cuộc tranh luận và bất đồng. Mặc dù tòa án đã quyết định rằng điều khoản luật này là nhằm bảo vệ tất cả mọi tín ngưỡng tôn giáo, song họ lại đối xử với việc hành đạo và các hoạt động tôn giáo một cách khác nhau. Nhìn chung, tòa án cho rằng Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp không cho dân chúng quyền được theo đuổi những tín ngưỡng không được luật pháp cho phép. Tuy nhiên, một số quyết định của tòa án đã tỏ ra ưu ái ngoại lệ cho các nhóm tôn giáo, trong đó có cả những nhóm tôn giáo thiểu số. Ví dụ như năm 1943, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã bảo vệ quyền của nhóm Những nhân chứng Jehovah từ chối tham gia vào buổi lễ chào cờ dựa trên tín ngưỡng tôn giáo của họ.

Bức tranh tôn giáo ở Hoa Kỳ

Trong bối cảnh luật pháp như vậy, tại Hoa Kỳ, các cách thức bày tỏ tín ngưỡng tôn giáo cũng tỏ ra vô cùng phong phú. Không có ước tính chính thức nào cho biết chính xác số lượng các nhóm tôn giáo ở Hoa Kỳ vì từ cuối những năm 1950, Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ đã không tiến hành điều tra công dân về tín ngưỡng tôn giáo và vị thế thành viên trong các nhóm tôn giáo của họ. Một nguồn thông tin đáng tin cậy về tôn giáo tại Hoa Kỳ hiện nay là từ cuộc điều tra về bức tranh tôn giáo ở Hoa Kỳ do Diễn đàn Pew về tôn giáo và đời sống cộng đồng tiến hành. Dựa trên các cuộc phỏng vấn được tiến hành với hơn 35.000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ, cuộc điều tra này đã đưa ra những thông tin chi tiết về tính đa dạng của các nhóm tôn giáo tại Hoa Kỳ trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI.

Những nhóm tôn giáo lớn ở Hoa Kỳ

Cuộc điều tra đã chỉ ra rằng có gần 8 trong số 10 người Mỹ trưởng thành theo đạo Cơ Đốc hoặc các giáo phái của đạo Cơ đốc. Thành viên của các nhà thờ Tin Lành nay chỉ còn chiếm đa số không đáng kể (51,3%) trong tổng số dân cư trưởng thành. Nhưng đạo Tin Lành ở Hoa Kỳ không hoàn toàn đồng nhất mà được phân chia thành ba giáo phái riêng biệt - giáo phái Tin Lành Phúc âm (26,3% tổng số dân cư trưởng thành và chiếm gần một nửa tổng số tín đồ của đạo Tin Lành); nhà thờ Tin Lành chính thống (18,1% tổng số dân cư trưởng thành và chiếm hơn một phần ba tổng số tín đồ theo đạo Tin Lành); và nhà thờ Tin Lành Mỹ-Phi (6,9% tổng số dân cư trưởng thành và chiếm gần một phần bảy tổng số tín đồ theo đạo Tin Lành). Đạo Tin Lành cũng bao gồm nhiều nhóm giáo phái khác nhau (ví dụ như Tin Lành Baptist, Hội Giám lý và Pentecostal) thuộc một hoặc nhiều giáo phái lớn đã kể trên.

Đạo Cơ Đốc La Mã chiếm gần một phần tư (23,9%) tổng số dân cư trưởng thành của Hoa Kỳ và chiếm khoảng 3 trong số 10 giáo phái Cơ Đốc ở nước Mỹ. Trong số dân cư trưởng thành sinh ra ở Mỹ, số tín đồ Tin Lành tỏ ra áp đảo số tín đồ Cơ Đốc (55% tín đồ Tin Lành so với 21% tín đồ Cơ Đốc). Nhưng trong số những người trưởng thành được sinh ra ở nước ngoài thì số tín đồ Cơ Đốc lại chiếm ưu thế hơn với tỷ lệ là xấp xỉ hai trên một (46% tín đồ Cơ Đốc so với 24% tín đồ Tin Lành).

Các nhóm tôn giáo thiểu số

Theo cuộc điều tra quốc gia về đạo Hồi ở Mỹ do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành bằng các thứ tiếng Ảrập, Hindu, Iran và tiếng Anh vào năm 2007 thì tỷ lệ người theo đạo Hồi ở Hoa Kỳ trong tổng số dân cư trưởng thành được ước tính là khoảng 0,6%. Khoảng hai phần ba tổng số tín đồ đạo Hồi ở Hoa Kỳ là dân nhập cư. Tuy nhiên, cuộc điều tra này cũng chỉ ra rằng họ chính là những người có ảnh hưởng lớn đối với những quan điểm, các giá trị và hành vi tôn giáo. Nhìn chung, những tín đồ đạo Hồi ở Hoa Kỳ đều tin rằng làm việc chăm chỉ thì sẽ được trả công - một niềm tin phản ánh thực tế rằng những tín đồ đạo Hồi ở Hoa Kỳ thường có mức thu nhập và trình độ giáo dục thấp hơn so với dân chúng Mỹ nói chung. Đạo Hồi cũng là nhóm tôn giáo có tính chủng tộc phong phú nhất ở Hoa Kỳ. Hơn một phần ba số người theo đạo Hồi là người da trắng, gần một phần tư là người da đen và một phần năm là người châu Á, gần một phần năm còn lại là thuộc một trong số các chủng tộc khác.

Theo cuộc điều tra về bức tranh tôn giáo ở Mỹ của diễn đàn Pew, đạo Hinđu chiếm gần 0,4% tổng số dân cư trưởng thành ở Hoa Kỳ. Hơn tám phần mười tổng số người Mỹ theo đạo Hinđu được sinh ra ở nước ngoài, chủ yếu là từ Nam Trung Á. Gần một nửa tổng số tín đồ Hinđu tại Mỹ đã hoàn thành giáo dục sau đại học, so với chỉ khoảng một phần mười tổng số dân cư nói chung. Những tín đồ theo đạo Hinđu thường có mức thu nhập cao hơn so với các nhóm tôn giáo khác, với hơn bốn phần mười trong số họ có thu nhập nhiều hơn 100.000 đô-la Mỹ mỗi năm.

Đạo Phật chiếm 0,7% tổng số dân cư trưởng thành ở Hoa Kỳ. Ngược với đạo Hồi và đạo Hinđu, Đạo Phật ở Hoa Kỳ chủ yếu gồm các tín đồ sinh ra tại Mỹ, những tín đồ da trắng hoặc những người cải đạo. Chỉ một phần ba tổng số tín đồ theo đạo Phật ở Hoa Kỳ có nguồn gốc từ châu Á và gần ba phần tư tổng số tín đồ đạo Phật nói rằng họ đã cải đạo để theo đạo Phật. Một phần tư tổng số tín đồ đạo Phật có trình độ giáo dục sau đại học, một tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ trung bình trong tổng số dân cư.

Cuộc điều tra cho thấy hầu hết người Do Thái ở Hoa Kỳ đều thuộc một trong ba giáo phái Do Thái lớn: Do Thái Cải cách (43%), Do Thái Bảo thủ (31%) và Do Thái Chính thống (10%). Hơn tám phần mười tổng số tín đồ Do Thái là người Do Thái và khoảng bảy phần mười đã kết hôn với người cùng theo đạo Do Thái với họ. Hơn một phần ba tổng số tín đồ Do Thái có trình độ giáo dục sau đại học, và cũng giống như đạo Hinđu, người Do Thái có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình trong dân cư.

Một số lượng lớn người Mỹ theo đạo Thiên Chúa chính thống - tôn giáo lớn thứ ba trên thế giới - chiếm khoảng 0,6% tổng số dân cư trưởng thành ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, trong số các tín đồ Thiên Chúa ở Hoa Kỳ, còn có một số lượng lớn các tín đồ Mormons và Nhân chứng Jehovah. Người theo đạo Mormons chiếm 1,7% tổng số dân cư trưởng thành. Gần sáu phần mười số người theo đạo Mormons đã tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, so với mức 50% của dân cư Mỹ nói chung. Tín đồ đạo Mormons cũng có mức thu nhập cao hơn đôi chút so với mức thu nhập trung bình, với đa số (58%) có thu nhập hơn 50.000 đô-la Mỹ mỗi năm. Những người theo đạo Nhân chứng Jehovah chiếm khoảng 0,7% tổng số dân cư trưởng thành. Hơn hai phần ba số người theo đạo Nhân chứng Jehovah là tín đồ cải đạo từ một loại hình tín ngưỡng khác hoặc chưa từng theo một tín ngưỡng nào khi còn nhỏ.

Cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng 16,1% tổng số dân cư trưởng thành cho biết họ không thuộc một nhóm tôn giáo cụ thể nào, tạo nên trường phái tôn giáo lớn thứ tư ở Hoa Kỳ. Nhưng cuộc điều tra này cũng chỉ ra rằng số dân cư không theo đạo này cũng tương đối phức tạp và sẽ là không chính xác nếu mô tả nhóm người này là nhóm phi tôn giáo. Trên thực tế, mặc dù họ không theo một trường phái tôn giáo cụ thể nào, song phần lớn trong số họ vẫn nói rằng tôn giáo là một điều quan trọng hoặc rất quan trọng trong đời sống của họ.

Chỉ 1,6% tổng số dân cư trưởng thành ở Hoa Kỳ nói rằng họ theo chủ nghĩa vô thần, trong đó, số lượng nam giới theo chủ nghĩa vô thần nhiều gấp ba lần so với nữ giới. Thanh niên (dưới 30 tuổi) thường theo chủ nghĩa vô thần nhiều hơn so với những người lớn tuổi.

Phân bố địa lý của các nhóm tôn giáo

Cuộc điều tra cho biết mỗi vùng trên lãnh thổ Hoa Kỳ lại có cách thức phân bố tôn giáo khác nhau. Khu vực Trung Tây hay vùng trung tâm của đất nước là nơi có nhiều nhóm tôn giáo tập trung nhất trong tổng số dân cư. Khoảng một phần tư (26%) cư dân của khu vực Trung Tây là thành viên của nhà thờ Tin Lành chính thống, gần một phần tư (24%) là tín đồ Cơ Đốc và 16% là không theo tôn giáo nào cả. Các tỷ lệ này gần như giống hệt với kết quả điều tra trong tổng số dân cư nói chung.

Khu vực Đông Bắc là nơi chiếm ưu thế của các tín đồ Cơ Đốc hơn so với những vùng khác (37%). Khu vực này cũng có ít người theo đạo Tin Lành Phúc âm (13%). Có nhiều người trong số dân cư khu vực Đông Bắc theo đạo Do Thái (4%) so với số người theo đạo này ở các vùng khác. Ngược lại, một nửa số tín đồ của các nhà thờ Tin Lành Phúc âm sống ở miền Nam, so với chỉ 10% sống ở Đông Bắc và 17% sống ở miền Tây. Đa số người theo đạo Mormons (76%) sống ở miền Tây, với mật độ lớn ở bang Utah. Miền Tây cũng là nơi có tỷ lệ người không theo tôn giáo nào lớn nhất so với tất cả những vùng khác (21%) với số lượng đông đảo nhất những người theo chủ nghĩa vô thần và theo thuyết bất khả tri.

Tôn giáo ở Hoa Kỳ: Đa dạng và không giáo điều

Phản ánh mức độ đa dạng tôn giáo ở Hoa Kỳ, đa số người Mỹ đồng ý với quan điểm cho rằng nhiều tôn giáo - chứ không chỉ tôn giáo mà họ đang theo đuổi - có thể dẫn đến một cuộc sống bất tử. Cuộc điều tra chỉ ra rằng hầu hết người dân Mỹ cũng có cách tiếp cận không giáo điều khi họ diễn đạt về giáo lý của họ. Hơn hai phần ba người Mỹ trưởng thành là thành viên của một giáo phái nào đó đồng ý với quan điểm cho rằng có nhiều cách đúng đắn để hiểu hay diễn giải giáo lý tín ngưỡng của họ. Sự khuyết thiếu tính giáo điều trong tôn giáo ở Hoa Kỳ cùng với sự bảo vệ hợp pháp của pháp luật dành cho tất cả các nhóm tôn giáo cũng đồng nghĩa với việc các nhóm tôn giáo thiểu số vẫn có thể tìm đường tới nước Mỹ và tiếp tục được chào đón ở Hoa Kỳ.

Quan điểm bày tỏ trong bài báo này không phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.