Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

TỰ DO TÍN NGƯỠNG

Các nhóm tôn giáo thiểu số ở Hoa Kỳ, Tạp chí điện tử, tháng 8 năm 2008

Sự đa dạng về tôn giáo ở nước Mỹ thời kỳ mới lập quốc

Catherine L. Albanese

Thời kỳ thuộc địa trong lịch sử Hoa Kỳ được đánh dấu bằng sự đa dạng về tôn giáo do những người Mỹ bản địa, những nô lệ châu Phi và những người khai hoang đến từ châu Âu đã thực hiện những lễ nghi tôn giáo riêng của họ dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong bài viết này, tác giả chỉ ra nguyên nhân và sự hình thành lòng bao dung tôn giáo trong thời kỳ thuộc địa ấy.

Catherine L. Albanese là tác giả của cuốn Nền Cộng hòa trong suy nghĩ và tinh thần: Lịch sử văn hóa của tôn giáo trừu tượng theo kiểu Mỹ. Bà là Giáo sư danh dự về các truyền thống tôn giáo và là Trưởng Khoa Nghiên cứu tôn giáo tại trường Đại học California ở Santa Barbara.


Có ba huyền thoại được lan truyền phổ biến về nhận thức chung đối với lịch sử tôn giáo Hoa Kỳ:

    - Huyền thoại thứ nhất: câu chuyện tôn giáo chỉ liên quan đến những người châu Âu.
    - Huyền thoại thứ hai: đạo Thiên Chúa Tin Lành của người châu Âu nhập cư và của người châu Âu đến khai hoang chiếm ưu thế và là tôn giáo chính trong những thập kỷ đầu tiên sau khi lập quốc.
    - Huyền thoại thứ ba: tính đa dạng về tôn giáo chỉ xuất hiện sau này, trong những năm của thế kỷ XX.

Có một số vấn đề đối với nhìn nhận này về lịch sử tôn giáo của nước Mỹ. Thứ nhất là nó đã hoàn toàn bỏ quên vai trò của những người dân bản xứ - những người Mỹ bản địa - những người đã sinh sống trên lãnh thổ từ nhiều thế kỷ trước khi người châu Âu đặt chân lên vùng đất này. Thứ hai là nó đã quên mất vai trò của người châu Phi - những người đã tạo nên một cộng đồng lớn trong tổng số cư dân thuộc địa. Thứ ba là, nếu xét về khía cạnh câu chuyện có liên quan đến những người nhập cư châu Âu thì điều quan trọng phải nhấn mạnh là mặc dù ban đầu, phần lớn người dân Mỹ theo đạo Tin Lành, song đạo Cơ Đốc La Mã và đạo Do Thái vốn đã tồn tại ngay trong những người khai hoang này. Cuối cùng, ngay cả trong số những người theo đạo Tin Lành thì tính đa dạng vẫn tồn tại phổ biến trong thời kỳ đầu lập quốc ở Hoa Kỳ và tính đa dạng này đã là một đặc tính quan trọng trong bức tranh tôn giáo ở Hoa Kỳ. Sự phát triển của các môn phái ở Anh trong thời kỳ tồn tại ngay trước thời kỳ thuộc địa đã minh chứng cho quan điểm này, và phần lớn các môn phái nhập cư là có nguồn gốc từ nước Đức. Trong lúc đó, những người khai hoang đến từ hầu hết các nước Bắc Âu cùng với tôn giáo đặc thù của họ lại cũng đã từng có mặt ở nước Mỹ trong thời kỳ này.

Thậm chí chỉ cần với một mô tả ngắn gọn về tính đa dạng tôn giáo tại nước Mỹ trong thời kỳ lập quốc trên thực tế, chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi về việc tại sao quan điểm về vai trò nền tảng thuần nhất của đạo Tin Lành lại có thể được công nhận. Chính các nhà nghiên cứu lịch sử tôn giáo ở Hoa Kỳ là những đại diện cho các giáo phái Tin Lành chính thống. Họ nêu ra những quan điểm lịch sử không xuất phát từ vị trí nghề nghiệp mà xuất phát từ vị trí của một tăng lữ. Như vậy, chỉ các nghiên cứu về lịch sử tôn giáo Hoa Kỳ mới thực sự đáng tin cậy; và cùng với những tín đồ Tin Lành - những người mới đây vẫn chiếm đa số trong tổng số dân cư - thì không có gì phải ngạc nhiên khi người ta đã cố ý lờ đi tính đa dạng tôn giáo tại nước Mỹ thời kỳ mới thành lập.

Các truyền thống tôn giáo của người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Phi

Từ nhiều thế kỷ, trong mỗi bang trên đất Mỹ, những người dân bản địa luôn nuôi dưỡng những nền văn hóa riêng của họ. Mỗi bộ lạc người da đỏ đều có hệ thống tín ngưỡng riêng, những quy tắc ứng xử và những lễ nghi tôn giáo còn tồn tại cho tới ngày nay, hoàn toàn khác biệt với những nghi lễ tôn giáo khác. (Tài liệu ở đây và trong những nội dung dưới đây được tóm tắt từ cuốn Nước Mỹ: Tôn giáo và các tôn giáo, tác giả Catherine L. Albanese, xuất bản lần thứ tư, [Belmont, Calif.: Wadsworth Publishing, 2007].) Cùng với khoảng 550 cộng đồng và ngôn ngữ khác nhau tại nước Mỹ vào thế kỷ XVII, nền văn hóa của người Mỹ bản địa đã được ghi nhận bởi tính đa dạng và phong phú hơn bất kỳ thứ gì mà chúng ta có thể đo đếm được. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những đặc tính chung của các nhóm văn hóa này thì có thể thấy rằng người Mỹ bản địa thường nhấn mạnh tính liên tiếp của đời sống tâm linh, thể hiện trong tín ngưỡng, trong các nghi lễ và trong cách họ sống hài hòa với thiên nhiên. Họ nhìn nhận thế giới vật chất quanh họ là thiêng liêng và họ không tách biệt thế giới đó với những quyền lực siêu nhiên giống như cách mà người châu Âu đã làm. Họ tìm thấy mối liên hệ mật thiết giữa thực tế với những mơ ước thầm kín bên trong và họ cho rằng cuộc sống nội tâm luôn có mối quan hệ khăng khít và có thể hòa làm một với thế giới bên ngoài. Những con vật được tế lễ có thể trở thành người và ngược lại. Trong bối cảnh đó, quy tắc sống của người Mỹ bản địa có thể được mô tả là cách sống vô cùng hài hòa với thế giới tự nhiên. Ngoài ra, họ còn cảm thấy dễ chịu trong những hoàn cảnh đa tôn giáo.

Trong số những người Mỹ bản địa, sự khác biệt về tôn giáo được công nhận, được vinh danh và được chấp nhận. Các bộ lạc khác nhau có đời sống tinh thần khác nhau, các lễ nghi khác nhau và các tập quán tôn giáo khác nhau.

Đối với những người Mỹ gốc Phi, tôn giáo không bị mất đi cùng với chế độ nô lệ. Hầu hết trong số họ đều đến Mỹ từ khu vực Tây Phi và vùng Congo-Angola; nhiều người trong số họ là những người thuộc dân tộc Mandinke, Yoruba, Ibo, Bakongo, Ewe và Fon. Hồi giáo là tôn giáo được một số người lựa chọn, trong khi những người khác đi theo các tôn giáo truyền thống khác nhau của châu Phi. Một lần nữa, cũng giống như những người Mỹ bản địa, một số giáo phái chính cũng chiếm vai trò chủ đạo trong số các hình thức tôn giáo châu Phi bản địa này. Cộng đồng đóng vai trò trung tâm và thế giới tâm linh không bao giờ tách rời quá xa khỏi cộng đồng ấy, những vị thần linh rất gần gũi với dân chúng, thậm chí bao gồm cả tổ tiên đã chết của họ. Người đứng đầu cộng đồng tâm linh là Chúa Tối cao, người có sức mạnh lớn nhất được dân chúng cảm nhận thông qua những vị thần linh trung gian khác. Thuật bói toán, dùng vật tế thần, âm nhạc và điệu nhảy - cùng với nhịp điệu thôi thúc của tiếng trống - tất cả đều để tạo ra và bày tỏ những ý nghĩa tâm linh nhất định. Ở nước Mỹ, các ý tưởng và tập quán tôn giáo này đã bước sang một giai đoạn mới tại các cộng đồng nô lệ, ở đó những người nô lệ da đen đã chấp nhận theo đạo Thiên Chúa Tin Lành và kèm theo đó là những tư tưởng tôn giáo có liên quan đến điều kiện nô lệ bị ép buộc. Do vậy, những người da đen theo đạo Thiên Chúa sẽ không bao giờ có những quan điểm tôn giáo giống như những người da trắng theo đạo này đến từ châu Âu. Bên cạnh đó, các truyền thống ma thuật và chữa bệnh, đôi khi được gọi là thuật cầu hồn, cũng phát triển và được lan truyền nhanh chóng cùng với tín ngưỡng và tập quán của người Mỹ bản địa, thậm chí đôi khi còn thu hút những người da trắng muốn tìm hiểu về ma thuật hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết thông qua phép thuật.

Các truyền thống tôn giáo của những người dân châu Âu đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ

Những người châu Âu đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ là người Tây Ban Nha, những người dưới sự chỉ huy của Juan Ponce de Leon, đã tìm đường đến bán đảo rộng lớn mà chúng ta gọi là Florida vào năm 1513. Chỉ tám năm sau, các mục sư Cơ Đốc giáo La Mã đã đến đây để truyền giáo cho các thổ dân da đỏ, và từ năm 1564, người Tây Ban Nha đã thành lập St. Augustine. Những hoạt động tôn giáo tương tự đã được thực hiện cách đất nước Tây Ban Nha hàng trăm dặm, ở khu vực phía Tây lục địa mới. Trước khi thế kỷ XVI kết thúc, các nhà truyền giáo thuộc dòng thánh Francis đã tới khu vực mà ngày nay là bang New Mexico, các thầy tu dòng Tên đã bắt đầu đến truyền giáo ở khu vực bang Arizona vào đầu thế kỷ XVIII. Trong số những người Anh thì các tín đồ Cơ Đốc đã tới không phải để cải đạo cho người thổ dân da đỏ mà là để định cư. Thực tế là hiến chương thành lập khu kiều dân sau này trở thành bang Maryland đã được trao cho Cơ Đốc giáo La Mã. Nhà vua Anh quốc Charles I đã trao đặc quyền cho tín đồ Cơ Đốc George Calvert, quan chức cao cấp đầu tiên của xứ Baltimore. Con trai của ông - Leonard - đã đến đây vào năm 1634 với cương vị là thống đốc đầu tiên. Dù rằng sau đó Cơ Đốc giáo đã nhanh chóng đánh mất vai trò thống soái của mình tại khu kiều dân Maryland nhưng sự tồn tại của nó là bằng chứng cho thấy sức mạnh của các cộng đồng tôn giáo thiểu số trong thời kỳ thuộc địa. Trong lúc đó, thuộc địa của người Quaker ở Pennsylvania lại tỏ ra hoan hỉ chào đón đạo Cơ Đốc, và khu vực thuộc địa New York, trong một giai đoạn lịch sử của mình, cũng đã chấp nhận tín ngưỡng này. Thậm chí đã có một thống đốc là tín đồ Cơ Đốc tại bang New York từ năm 1682 đến năm 1689 ở Thomas Dongan.

New York cũng là quê hương của những người Do Thái đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ. Ban đầu, họ đến đây khai hoang vào năm 1654 khi nơi này vẫn được gọi là New Amsterdam (khu vực thuộc địa được người Hà Lan chuyển cho người Anh vào năm 1664). Những người Do Thái này - một bộ phận thuộc cộng đồng tị nạn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha được thành lập sau khi người Do Thái bị trục xuất khỏi vùng đất này vào cuối thế kỷ XV - ban đầu đến khai hoang ở vùng đất Hà Lan tự do. Sau đó, họ di cư tới miền đông Brazil trong cuộc viễn chinh của người Hà Lan cho đến khi nơi này rơi vào tay người Bồ Đào Nha và những người Do Thái phải chạy lên phía Bắc, đến New Amsterdam. Tại đây, họ đã hình thành nên một cộng đồng Do Thái Sephardim nhỏ bé, chủ yếu bao gồm các lái buôn và không có giáo sĩ. Hiện tượng kết hôn với những người không theo đạo Do Thái trong thời kỳ này cũng đồng nghĩa với việc nhiều người trong số họ đã hòa nhập hoàn toàn với cư dân địa phương, nhưng từ năm 1692, họ đã tìm cách xây dựng hội đạo Do Thái đầu tiên trên đất Mỹ. Một số tín đồ Do Thái cũng đã đến khai hoang ở Rhode Island, và số khác - cùng với những tín đồ Do Thái từ Bắc Âu đang bắt đầu di cư tới Mỹ - đã chọn các thành phố ở bờ biển phía Đông và các thành phố phía Nam như Charleston ở Nam Carolina để hình thành các cộng đồng nhỏ và các giáo đoàn tôn giáo của họ.

Trong thế giới tôn giáo đa dạng và phong phú của nước Mỹ thời kỳ lập quốc, đạo Tin Lành chiếm vai trò chủ đạo. Hai đại dịch xảy ra vào đầu thế kỷ XVII đã giết hại các nhóm thổ dân da đỏ ở khu vực Bắc Mỹ - những người bị gục ngã bởi các loại vi khuẩn hơn là vì những tay súng đến từ châu Âu. Các nhóm dân tộc khác - người châu Phi, tín đồ Cơ Đốc và những người theo đạo Do Thái luôn là những cộng đồng tôn giáo thiểu số, mặc dù số lượng người Mỹ gốc Phi đã tăng lên đáng kể tại một vài nơi. Tuy vậy, khi nghĩ rằng người định cư theo đạo Tin Lành là một cộng đồng sẽ không phản ánh sự khác biệt về tôn giáo vốn là đặc điểm của người nhập cư châu Âu. Nhiều người trong số họ là tín đồ Thiên Chúa Tin Lành nhưng lại sống cùng với nhiều tín ngưỡng và tôn giáo trừu tượng khác của người da đen và người Mỹ bản địa - theo đuổi tập quán ma thuật của họ, thuật chiêm tinh và các thuật bí truyền khác (xem Jon Butler, Chìm ngập trong đại dương tôn giáo: Cơ ĐốcThiên Chúa hóa người Mỹ [Cambridge: Nhà xuất bản Đai học Harvard, 1990], và Catherine L. Albanese, Nền cộng hòa của suy nghĩ và tư tưởng: Lịch sử văn hóa tôn giáo trừu tượng Mỹ [New Haven: Nhà xuất bản Đại học Yale, 2007]).

Hơn nữa, những người đến khai hoang tại hai khu vực thuộc địa đầu tiên này - những người đóng vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị sau này của nước Mỹ - lại được chia tách thành các nhóm tôn giáo khác nhau. Kiều dân Virginia, cùng với khu kiều dân thường trực đầu tiên của họ ở Jamestown từ năm 1607 đã chính thức trở thành tín đồ của Nhà thờ Anh quốc. Giáo phái Anh quốc với những quy định nghiêm khắc của nó từ năm 1610 và gần một thập kỷ sau đó đã buộc luật pháp Virginia yêu cầu các tín đồ phải tham dự buổi lễ cầu nguyện ngày chủ nhật nếu không muốn bị buộc tội chết (chúng tôi không có ghi chép lịch sử về việc có người nào từng bị hành quyết hay không). Ngược lại, ở New England, những người đến khai hoang ở khu kiều dân Plymouth (1620) và Vịnh Massachusetts (1630) (hai khu kiều dân này sau được sáp nhập làm một) lại là các tín đồ Thanh giáo - thành viên của hai nhóm cải cách khác nhau nhưng đều tìm cách bác bỏ tập quán của Nhà thờ Anh quốc. Ở Plymouth, những người hành hương ly khai - những người đã sớm định cư ở Hà Lan - đã hiểu ra rằng họ đang bị bỏ rơi bên ngoài nhà thờ Anh quốc. Tại khu kiều dân lớn hơn ở Vịnh Massachusetts, những người không ly khai đã tìm cách thay đổi những quy định nghiêm ngặt của nhà thờ giáo phái Anh từ bên trong. Cả hai nhóm này đều nhấn mạnh vai trò của sự thay đổi giáo phái Anh thành giáo phái Thiên Chúa thực thụ và thuần khiết dựa trên kinh nghiệm tôn giáo của cá nhân họ. Hai nhóm này đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thuyết Canvin với những thông điệp về quyền lực tối cao của Chúa, về sự sai trái của con người và sự toàn quyền của Chúa khi quyết định ai đó được hưởng hạnh phúc trên thiên đường hay phải xuống địa ngục mãi mãi. Họ đều ao ước những nhà thờ tự do, hay các hội thánh địa phương, ra đời từ cuộc cách mạng cải cách tôn giáo Anabaptist (cấp tiến) vào thế kỷ XVI ở châu Âu. Cả hai nhóm này cũng đều đánh giá cao vai trò của hội chúng tự trị địa phương với tư cách là người đảm bảo sự hòa hợp giữa dân chúng với Đấng quyền năng.

Tuy nhiên, những nhà cải cách theo đạo Thanh giáo ở Vịnh Massachussetts không đủ thuần nhất đối với một số người khai hoang mới theo đạo Tin Lành. Ví dụ như, Rhode Island trở thành quê hương của những tín đồ Baptist sau khi Roger Williams thành lập khu kiều dân vào năm 1636. Williams đã bị trục xuất khỏi Vịnh Massachusetts khi ông ngày càng thấy rõ rằng những người Thanh giáo tỏ ra thiếu năng lực. Ông đã đến Rhode Island cùng với những người phản đối tôn giáo khác như Anne Hutchison, người đã tuyên bố theo sự chỉ đạo của Đức Thánh Linh. Xa hơn nữa ở miền Nam, những tín đồ Tin Lành ở New York còn bao gồm cả những nhà cải cách đến từ Hà Lan trong ngày đầu lập quốc tại khu kiều dân New Amsterdam. Ngoài ra, các nhóm Tin Lành châu Âu khác - những tín đồ Canvin từ nước Pháp, tín đồ Luti từ nước Đức, tín đồ Hội chúng tự trị từ New England, những người phái Quaker hay Baptist - đều coi đây là quê hương họ, mặc dù khu kiều dân này tự coi mình là theo Anh giáo (xem Richard W. Pointer, Thuyết đa nguyên của đạo Tin Lành và kinh nghiệm của New York: Nghiên cứu tính đa dạng tôn giáo thế kỷ XVIII [Bloomington: Nhà xuất bản Đại học Indiana, 1988]). Người dân New York đã coi tính đa dạng này là một ưu điểm mang lại cho họ nhiều lợi ích về tôn giáo và chính trị.

Về phần mình, ở bang New Jersey, người Hà Lan và những người dân nhập cư Bắc Âu khác đã liên kết với người nhập cư theo người Anh cách tân và những người nhập cư Anh theo pháio giáo hữu. Đặc biệt là ở Pennsylvania, những tín đồ phái giáo hữu đã tìm thấy nơi ẩn náu an toàn và một địa vị thống trị tại nơi này trong một thời gian. Một tư tưởng khoan dung đã thịnh hành khi William Penn biến Pennsylvania thành một khu kiều dân của các tín đồ phái giáo hữu từ năm 1681. Penn, con trai của một đô đốc và là người cải đạo sang phái giáo hữu đã giành được quyền sở hữu khu kiều dân này khi ông được Công tước York dùng đất trả cho món nợ đối với cha ông. Những người theo phái giáo hữu, cùng với niềm tin huyền bí của họ về “ánh sáng thần thánh” đã truyền tải thông điệp tôn giáo của họ vào đời sống chính trị và xã hội. Ở Pennsylvania, người ta có quyền tự do thờ cúng, và những quyền lợi của lương tâm rất được bảo vệ. Quan điểm của Penn đối với các bộ tộc da đỏ trong thỏa thuận điều ước và sáng kiến chính sách của ông trong việc lảng tránh chiến tranh cũng là những đặc điểm nổi bật trong thời kỳ này.

Trên khắp miền Nam nước Mỹ, các nhà truyền giáo người Anh theo phái Baptist hay phái giáo hữu hoạt động thành công, và tính đa dạng tôn giáo đã trở thành một đặc điểm phổ biến trong bức tranh tôn giáo ở Hoa Kỳ. Ngay cả những tín đồ của giáo hội Trưởng lão cũng là một phần quan trọng, cũng như hàng loạt các nhóm bất đồng khác nữa. Trong lúc đó, những người theo các giáo phái của Đức, như ở Menno, Dunker và Moravian Pietists, cũng sống rải rác khắp Pennsylvania và những nơi khác. Tại những nơi có người Đức và người Scandinavi định cư, đều có sự hiện diện mạnh mẽ của giáo phái Luti và giáo phái Canvin cải cách trong cộng đồng người Đức. Những giáo phái mà chúng ta có thể coi là thiểu số ngày nay cũng đã hiện diện trong thời kỳ đó, ví dụ như tín ngưỡng Woman tại cộng đồng Wilderness ở không xa Philadelphia - một giáo phái bí truyền thực hành thứ tôn giáo pha trộn của người theo đạo Cơ Đốc, đạo Do Thái và người ngoại đạo.

Ảnh hưởng của sự phục hưng

Với tính đa dạng này, cùng với sự cạnh tranh của các quan điểm tôn giáo trong số những người đến nước Mỹ với ý đồ truyền đạo, sự phục hưng - thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Tin Lành Phúc âm - đã trở thành hiện tượng phổ biến trong thế kỷ XVIII. Trong các nghi lễ tôn giáo, tình cảm con người được khơi gợi, xung đột được xoa dịu, khiến cho những người bình thường có thể muốn gia nhập một tôn giáo mới hay quay lại với một tôn giáo cũ. Các nhà nghiên cứu lịch sử coi giai đoạn từ cuối những năm 1730 sang những năm 1740 và 1750 là thời kỳ đặc biệt thành công đối với việc khôi phục đức tin cho những người ngoại đạo. (Xem William G. McLoughlin, Khôi phục đức tin, hành vi nhận thức và cải cách: Bình luận về những thay đổi tôn giáo và xã hội ở Hoa Kỳ, 1607-1977 [Chicago: NXB Đại học Chicago, 1978]). Được mệnh danh là Sự thức tỉnh vĩ đại hay Sự thức tỉnh vĩ đại đầu tiên, thời kỳ này do hai nhà thuyết giáo lớn thống trị. Người thứ nhất là nhà thuyết giáo lưu động người Anh George Whitefield, một người theo tư tưởng của John Wesley (người sáng lập ra Hội Giám lý) với những bài giảng đạo theo thuyết Calvin, ông đã đến các khu kiều dân ở Bắc Mỹ để giảng đạo và quyên tiền cho một trại trẻ mồ côi ở khu kiều dân miền nam bang Georgia. Người thứ hai là một tín đồ Thanh giáo, người được mệnh danh là nhà thần học vĩ đại nhất Hoa Kỳ - Jonathan Edwards, đến từ Northampton, bang Massachusetts, ông đã làm sống lại thông điệp của thuyết Calvin về sự kết tội đối với những ai không lựa chọn sự cứu rỗi linh hồn. Tuy nhiên, ở nước Mỹ trong giai đoạn này không chỉ có những nhà truyền giáo nói trên. Ví dụ như, ở các khu kiều dân miền Trung nước Mỹ - đặc biệt là ở Pennsylvania và New Jersey - những người theo thuyết Trưởng lão cũng tìm cách phổ biến tư tưởng của họ về sự thức tỉnh.

Ngôn ngữ của sự phục hưng có vẻ như đã trở thành ngôn ngữ tôn giáo của Hoa Kỳ. Thực vậy, các nhà sử học cũng chỉ ra vai trò của sự thức tỉnh trong việc tạo dựng và nuôi dưỡng những bất đồng tôn giáo, đồng thời chỉ ra vai trò của nó trong việc đưa các kiều dân lại gần nhau. Về mặt này, có một luận điểm xuất chúng giải thích tại sao cuộc Cách mạng Mỹ hoàn toàn có thể xảy ra về mặt tư tưởng vào cuối thế kỷ XVIII, luận điểm này đã khẳng định vai trò của thời kỳ thức tỉnh vĩ đại trong việc tạo ra những tư tưởng đồng nhất cần thiết để bắt đầu cuộc Cách mạng (Xem Alan Heimert, Tôn giáo và suy nghĩ của người Mỹ: Từ thời kỳ thức tỉnh vĩ đại đến cuộc cách mạng [Cambridge: NXB Đại học Harvard, 1966]). Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý với luận điểm này: rõ ràng là vào cuối thế kỷ XVIII, tính đa dạng tôn giáo ở Hoa Kỳ đã rất nổi bật, và đây vẫn là một đặc tính không thể phủ nhận trong bức tranh xã hội của nước Mỹ giai đoạn hiện nay.

Các quan điểm trình bày trong bài viết này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.