Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Mục tiêu phát triển quốc tế: Tiến lên phía trước (tháng 8/2005)

Cuộc chiến chống lại dịch bệnh AIDS

Tạp chí Điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháng 8/2005

Matthew Hanley

    Trong số hơn 40 triệu người phải sống chung với căn bệnh HIV/AIDS thì gần ba phần tư hiện đang sống ở châu Phi. Trạm xá và bệnh viện điều trị các bệnh nhân HIV/AIDS thường ở xa các làng mạc nông thôn và do vậy mà bệnh nhân không thể đến chữa bệnh được. Chi phí chữa bệnh như bệnh AIDS thường làm khánh kiệt khả năng tài chính của bệnh nhân. Phạm vi của dịch bệnh AIDS đã khiến cho các bệnh viện và cơ sở y tế phải làm việc quá sức. Vì vậy, Tổ chức Dịch vụ Cứu nạn Cơ đốc giáo đã đưa ra những chương trình cho phép gia đình và cộng đồng có thể chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS ở ngay tại gia đình.

    Matthew Hanley là chuyên gia tư vấn về HIV/AIDS của Tổ chức Dịch vụ Cứu nạn Cơ đốc giáo, một cơ quan phát triển và cứu trợ của cộng đồng Cơ đốc giáo Hoa Kỳ.

Bị kiệt sức do bệnh lao và AIDS, Linson Gipton nằm trên một chiếc chiếu sậy và chống khuỷu tay lên. Anh ở trong một ngôi nhà có tường đắp bằng bùn và sắp tới đây ngôi nhà này sẽ nằm trong địa giới thị trấn Sandu của quốc gia Malawi thuộc vùng Nam Phi. Nóc nhà được làm bằng giàn tre và phủ sậy lên trên.

Cùng với Gipton là hai người đàn ông và một phụ nữ mặc những bộ quần áo màu sắc sặc sỡ giúp ta có thể nhận ra họ là những tình nguyện viên của dự án chăm sóc tại gia của giáo phận Cơ đốc giáo La mã vùng Dedza của Malawi, một đối tác của Tổ chức Dịch vụ Cứu nạn Cơ đốc giáo (CRS). Họ chăm sóc Gipton, người hàng xóm 29 tuổi, và giúp đỡ để anh không cần phải tới bệnh viện ở rất xa nhà.

Nhưng ba tình nguyện viên này đã chăm sóc bệnh nhân thật đặc biệt. Họ đang xây cho Gipton một ngôi nhà để anh ta có thể sống cùng vợ và ba con.

Khi được hỏi những tình nguyện viên này đã giúp đỡ như thế nào thì Gipton có vẻ tươi tỉnh hẳn lên. Một nụ cười rạng rỡ hiện lên trên khuôn mặt của anh. Gipton nói “Họ đã xây cho gia đình tôi ngôi nhà này. Nếu tôi khỏi bệnh, tôi sẽ làm tình nguyện viên và dành thời gian của tôi giúp đỡ những người khác.”

SÁNG KIẾN VÀ DỊCH VỤ CỦA CRS

Ngày nay hơn 40 triệu người đang phải chung sống với căn bệnh HIV/AIDS và gần ba phần tư trong số họ hiện đang sống ở châu Phi. Tổ chức Dịch vụ Cứu nạn Cơ đốc giáo bắt đầu chương trình HIV/AIDS đầu tiên của mình vào năm 1989 ở Masaka, Uganda. Hiện nay CRS có chương trình HIV/AIDS ở gần 50 quốc gia thuộc vùng cận Sahara ở châu Phi và ở những khu vực nhiều bệnh nhân nhất ở châu Á, châu Âu và Mỹ La-tinh.

CRS phát triển những chương trình tại cộng đồng đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người bệnh, chỉ rõ những nguyên nhân gây ra bệnh AIDS và làm giảm tốc độ lây lan của bệnh. CRS hợp tác với hệ thống các giáo khu Cơ đốc giáo rộng khắp của mình, các cơ sở y tế và các tổ chức tín ngưỡng khác nhằm cung cấp các loại dịch vụ vừa phòng vừa chữa bệnh. Những dịch vụ này bao gồm giáo dục, kiểm tra sơ bộ, chăm sóc tại gia và giảm đau, cung cấp lương thực và viện trợ cho trẻ mồ côi và trẻ có nguy cơ lây nhiễm.

Một tia hy vọng nữa trong cuộc chiến chống lại bệnh dịch này là việc sử dụng thuốc chống lại sự phát triển của virus HIV (anti-retroviral) trong cơ thể. Vào năm 2004, theo tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ trong Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống đối với việc Cứu trợ AIDS (PEPFAR), CRS đã trở thành cơ quan chỉ đạo của một nhóm gồm năm tổ chức có nhiệm vụ phân phát rộng rãi thuốc antiretroviral để cứu chữa cho những bệnh nhân bị nhiễm HIV ở châu Phi, vùng Ca-ri-bê và Nam Mỹ. Những thành viên khác trong nhóm là Viện Đại học Maryland về siêu vi khuẩn, Ban Phái bộ Y tế Cơ đốc giáo, Tổ chức Hỗ trợ Y tế liên nhà thờ và Tập đoàn Futures. Nhóm này có tên là AIDSRelief và hiện đang cung cấp liệu pháp antiretoviral cho hơn 15.000 người ở chín quốc gia châu Phi và Mỹ La-tinh. Số tiền cứu trợ dành cho AIDSRelief dự kiến lên tới 335 triệu đô-la Mỹ trong vòng năm năm.

Thông qua tài trợ của PEPFAR, CRS hiện đang quản lý những khoản viện trợ trị giá nhiều triệu đô-la trong nhiều năm nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm AIDS và hỗ trợ cho trẻ em mồ côi và trẻ em dễ bị lây nhiễm. Chương trình phòng chống AIDS mang tên Khẳng định Cuộc sống, Tránh xa Nguy cơ kéo dài 5 năm của CRS sẽ giúp cho 1,35 triệu người (gồm thanh niên, các bậc cha mẹ, giới tăng lữ) với những thông điệp về tránh quan hệ tình dục và tin tưởng lẫn nhau ở Ethiopia, Uganda và Rwanda. Một khoản viện trợ khác trong 5 năm cung cấp những hỗ trợ hết sức quý báu, chủ yếu là viện trợ giáo dục, lương thực, hỗ trợ tâm lý xã hội cho hơn 56.000 trẻ em mồ côi và dễ bị lây nhiễm ở Tanzania, Kenya, Zambia, Rwanda và Haiti.

Nhờ những khoản tiền từ USAID mà CRS cũng phân phát được khẩu phần lương thực tới các gia đình bị nhiễm HIV/AIDS. Do bệnh nhân HIV/AIDS cần nhiều dinh dưỡng hơn nên tăng khẩu phần lương thực của họ sẽ tăng được chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho họ - đặc biệt là khi chúng ta kết hợp với phương pháp điều trị bằng thuốc kháng retrovirus.

Nhiều sáng kiến khác của CRS được các cá nhân tài trợ, chẳng hạn như các chương trình điều trị tại gia và điều trị tại cộng đồng. Ở Malawi, nơi 16% số người lớn nhiễm HIV và hơn một phần ba trẻ em Malawi bị mồ côi cha hoặc mẹ do bệnh dịch này, CRS hỗ trợ các chương trình chăm sóc tại gia tại ba giáo xứ: Dedza, Mzuzu và Zomba.

CHIA SẺ HY VỌNG SỐNG

Triết lý của việc chăm sóc tại cộng đồng bắt nguồn từ một thực tế giản đơn của các nước đang phát triển: Bệnh xá và bệnh viện thường cách làng nhiều cây số khiến cho bệnh nhân không thể đi đến bệnh viện được vì họ không có phương tiện đi lại nào khác ngoài đôi chân. Ngoài ra, chi phí điều trị đối với loại bệnh kinh niên như bệnh AIDS sẽ nhanh chóng làm bệnh nhân khánh kiệt hết tiền bạc. Phạm vi dịch bệnh AIDS cũng khiến cho các bệnh xá và cơ sở chăm sóc y tế trở nên quá tải.

Vì vậy CRS và các đối tác đã bù đắp khoảng trống trong việc chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS bằng cách tạo điều kiện cho gia đình và cộng đồng chăm sóc bệnh nhân ngay tại nhà. Các chương trình của CRS cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo y tế và cung cấp thực phẩm, quần áo, chăn màn, thuốc men-và đôi khi cả nhà ở nữa. Bằng cách hỗ trợ các tình nguyện viên tại cộng đồng như vậy, CRS không chỉ giúp làm giảm dấu hiệu của bệnh mà còn khiến cho gia đình họ được đoàn tụ và nâng cao được khả năng chăm sóc lẫn nhau giữa những người trong cùng cộng đồng.

Những tình nguyện viên chăm sóc tại gia có thể hình thành những mối quan hệ chặt chẽ với bệnh nhân, làm bầu bạn và là người bày tỏ lòng thương tiếc khi bệnh nhân qua đời. Tiwonge James, 20 tuổi, cách đây ba năm đã chứng kiến cha mẹ cô qua đời vì AIDS. Giờ đây cô đã bị nhiễm HIV. Cô đang vật lộn để chống chọi lại căn bệnh và chăm lo cho ba đứa em - một em gái 11 tuổi, một em gái 9 tuổi và một em trai 3 tuổi. Trước khi đổ bệnh, James có một cửa hàng làm bánh ngọt những giờ đây cô quá yếu không đủ sức làm việc nữa và phải sống dựa vào chồng. Mặc dù sống cùng chồng nhưng James vẫn phải có trách nhiệm chăm sóc ba đứa em.

Mỗi tuần một lần, Mercy Kamtambe, một tình nguyện viên lâu năm của giáo xứ Dedza thuộc chương trình CRS lại đến thăm James, mang theo thực phẩm và hướng dẫn dinh dưỡng, chăm sóc giúp đỡ ba đứa em nhỏ. James nói rằng “Mercy giúp tôi chăm sóc ba đứa em bởi tôi chỉ có một mình. Đôi khi tôi thấy rất cô đơn. Mercy là bạn tốt của tôi.”

Kamtamba nói rằng cô cố gắng nâng cao tinh thần của bệnh nhân và dạy học cách chăm sóc bản thân và gia đình. Kamtamba nói “Tôi đang dạy Tiwonge cách nấu nướng sao cho cô ấy có thể ăn ngon miệng. Bị nhiễm HIV/AIDS không có nghĩa là chấm hết. Bệnh nhân HIV/AIDS phải có hy vọng là mình sẽ khỏi bệnh”.

Tất cả những hoạt động này nằm trong khuôn khổ chiến lược toàn diện mà CRS đang áp dụng trong việc đối phó với dịch bệnh AIDS. Những nguyên tắc hướng dẫn và báo cáo nhiệm vụ của CRS nhấn mạnh cam kết của tổ chức này trong việc loại bỏ nỗi đau khổ của con người, sự phát triển con người và sự thúc đẩy lòng từ thiện và công lý trên thế giới. Nhiệm vụ của chúng ta là phải chăm sóc và giúp đỡ những bệnh nhân HIV/AIDS, ngăn chặn sự lây lan của HIV và làm giảm nhẹ ảnh hưởng của bệnh dịch này đối với trẻ em, gia đình và cộng đồng.
 

Quan điểm trong bài báo này không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.