Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Tinh thần doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ

Luật phá sản của Hoa Kỳ khuyến khích chấp nhận sự rủi ro và tinh thần doanh nhân

Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 1/2006

Nathalie Martin

Không giống như ở nhiều quốc gia khác, thất bại trong kinh doanh ở Hoa Kỳ không bị coi là xấu. Trên thực tế, luật phá sản của Hoa Kỳ được xây dựng để sao cho những người thất bại trong kinh doanh lại được khuyến khích tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh của mình. Tác giả viết rằng “Nếu một doanh nhân ở Hoa Kỳ phá sản thì anh ta có thể tiếp tục sống mà không cảm thấy xấu hổ hay phải sống trong nghèo đói tột cùng”.Khả năng có thể bắt đầu lại công việc kinh doanh chính là động lực khiến cho một số người Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong kinh doanh, và đây là điều có lợi cho toàn bộ nền kinh tế”.

Nathalie Martin, Giáo sư Luật của Trường Đại học New Mexico, hiện đang công tác tại Viện Phá sản Hoa Kỳ với tư cách là học giả thường trú của chương trình Robert M. Zinman.

Hoa Kỳ chủ yếu dựa vào việc sử dụng các nguồn tín dụng của cả tư nhân lẫn doanh nghiệp để bơm vốn cho nền kinh tế. Hoa Kỳ cũng có luật phá sản rất khoan hồng nhằm bảo vệ các cá nhân và doanh nghiệp khi họ lâm vào tình trạng không trả được nợ. Chính vì vậy mà luật phá sản của Hoa Kỳ hỗ trợ cho chủ nghĩa tư bản và sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ thông qua việc khuyến khích doanh nhân chấp nhận rủi ro.

Đối với cá nhân chúng ta có hai loại phá sản chính:

  • Loại thứ nhất được quy định tại chương 7 cho phép cá nhân gặp rắc rối về tài chính có thể “thanh toán” –được xoá nợ- hầu hết các khoản nợ không có thế chấp. Loại phá sản này không giúp cho cá nhân giữ được tài sản của mình trước những khoản nợ có bảo đảm, tức là khi vay người vay phải thế chấp tài sản, chẳng hạn như đất đai, của mình.
  • Loại thứ hai được quy định tại chương 13 cho phép cá nhân gặp rắc rối về tài chính có thể trả dần từng phần khoản nợ trong một khoảng ân hạn từ ba đến năm năm. Đến cuối kỳ thanh toán, nếu người vay nợ đã dùng hết thu nhập của mình để trả nợ theo kế hoạch thì số nợ còn lại sẽ bị xóa. Loại này có thể dùng để thanh toán những khoản nợ có bảo đảm quá hạn mà không bị mất tài sản thế chấp.

Luật phá sản áp dụng cho doanh nghiệp hơi khác một chút. Một số doanh nghiệp có thể tiếp tục kinh doanh theo quy định tại chương 11 khi họ tái cơ cấu lại các khoản nợ. Vì vậy, khác với hầu hết các quy định về phá sản trên thế giới, luật pháp Hoa Kỳ cho phép một công ty phá sản được tiếp tục hoạt động dưới sự lãnh đạo của đội ngũ quản lý cũ khi công ty này cố gắng tái cơ cấu lại các khoản nợ. Nói cách khác là về mặt cơ bản thì không có sự chỉ định người giám sát công ty. Một số người cho rằng hệ thống này, hệ thống có tên là người vay nợ bị khống chế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm bởi nhiều công ty vẫn được tiếp tục kinh doanh và tài sản của các công ty được bảo vệ. Các doanh nghiệp cũng có thể thanh lý tài sản theo quy định tại chương 7 và sử dụng số tiền thu được để trả cho chủ nợ.

TRIẾT LÝ NỀN TẢNG

Nền kinh tế Hoa Kỳ rất mạnh mẽ và năng động. Nền kinh tế sẽ ngày càng vững mạnh hơn khi có nhiều hoạt động kinh tế. Cấu trúc luật pháp của Hoa Kỳ được tạo ra nhằm khuyến khích mọi người thành lập doanh nghiệp với hy vọng rằng họ sẽ thành công, thuê nhiều nhân công, nộp thuế và vì vậy mà họ sẽ thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế. Chúng ta nhận thấy rằng trong quá trình phát triển thì một số doanh nghiệp sẽ thất bại. Nhưng theo như văn hóa của chúng ta, những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro đối với công việc và tiền bạc của mình (và cả tiền mình đi vay mượn) để có thể thành công thì đều được đánh giá cao.

Những ý tưởng này không có gì là mới. Xét về mặt xã hội, người Mỹ luôn khuyến khích hoạt động kinh tế thông qua việc sử dụng vốn ồ ạt. Ngay từ đầu thế kỷ 18, khi nền kinh tế Hoa Kỳ còn đang phải cạnh tranh với những nền kinh tế phát triển hơn rất nhiều ở châu Âu thì nó đã phát triển nhanh đến nỗi không ai có thể tưởng tượng nổi và đã nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Việc sử dụng tín dụng ồ ạt trong thời kỳ sơ khai của nền kinh tế Hoa Kỳ là điều duy nhất có trên thế giới, với việc một số người bán chịu hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào hàng tháng thậm chí là hàng năm. Điều này cho phép các doanh nhân khởi nghiệp khi trong túi học không có nhiều tiền. Nguồn tín dụng dồi dào khiến cho các hoạt động kinh tế phát triển và từ đó chúng ta có một nền kinh tế hùng mạnh dựa trên tín dụng.

Việc vay nợ quá nhiều trong nền kinh tế cũng có những mặt trái của nó. Một số doanh nhiệp đã phá sản. Thậm chí như vậy thì nền kinh tế Hoa Kỳ cũng rất phù hợp với tinh thần doanh nhân của các nhà tư bản vì mục tiêu của nền kinh tế là khuyến khích mọi người chấp nhận rủi ro trong kinh doanh nhằm thúc đẩy nền kinh tế còn non trẻ. Yếu tố pháp lý lượng thứ cho việc không trả được nợ đã khuyến khích mọi người tiếp tục con đường kinh doanh của mình, cho dù là trước đó họ đã thất bại.

Sự tương đối khoan dung của luật phá sản Hoa Kỳ so với luật của Châu Âu lục địa đã khiến một số người kinh ngạc. Trong số những người này có cả triết gia Pháp tên là Alexis de Tocqueville, người đã chỉ trích sự “tha thứ kỳ lạ” đối với các công ty bị phá sản ở Mỹ vào đầu thế kỷ 19. Triết gia này cho rằng theo quan điểm như vậy thì “người Mỹ không chỉ khác những dân tộc ở châu Âu mà còn khác tất cả các dân tộc làm kinh doanh trong thời đại của chúng ta”.

LUẬT PHÁ SẢN HIỆN ĐẠI TRONG THỰC TIỄN

Nếu một doanh nghiệp ở Hoa Kỳ phá sản thì cá nhân chịu trách nhiệm về doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục cuộc sống của mình mà không cảm thấy xấu hổ hoặc phải sống trong nghèo đói tột cùng. Đây quả là một lý thuyết rất hay.

Rất nhiều trong số các doanh nhân Hoa Kỳ thành đạt đã bị phá sản khi họ mới bắt đầu kinh doanh, trong đó bao gồm cả các ông trùm tư bản như John Henry Heizn, Henry Ford của công ty Ford và Phineas Barnum, người thành lập rạp xiếc ở Mỹ. Tất cả những người này đương nhiên đã trở nên rất giàu có và một phần là do họ đã có cơ hội thử kinh doanh, thất bại và sau đó lại có thể bắt đầu lại từ đầu.

Các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ chính là động lực phát triển của nền kinh tế và sử dụng nhiều nhân công hơn các công ty đa quốc gia lớn. Hệ thống tín dụng và các đối tác tham gia hệ thống tín dụng, hệ thống luật phá sản rõ ràng đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và tinh thần kinh doanh của họ. Tuy chỉ có rất ít nguồn tín dụng sẵn có ở Hoa Kỳ không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế với rất nhiều người Mỹ trung lưu có thể vay 50.000 đô-la hoặc hơn từ các khoản vay ngân hàng, thẻ tín dụng và các nguồn khác mà không phải thế chấp. Nhiều doanh nhân khởi nghiệp từ những nguồn vốn này.

Nhiều người nước ngoài thấy luật phá sản Hoa Kỳ rất kỳ quặc, một phần là bởi luật pháp Hoa Kỳ rất khác so với luật của các nước. Ở hầu hết các quốc gia thì xóa nợ không phải là một việc đơn giản và thường thì phá sản là một sự sỉ nhục. Ở nhiều nước châu Âu, bất cứ thất bại nào trong kinh doanh cũng bị coi là một điều xấu hổ, thậm chí kể cả khi bạn làm việc cho một doanh nghiệp và doanh nghiệp đó bị phá sản. Những ai từng làm cho một doanh nghiệp bị phá sản thậm chí gặp khó khăn khi đi tìm một công việc khác. Ở một số quốc gia như Nhật Bản chẳng hạn, nghiên cứu của tôi cho thấy rằng sự sỉ nhục vì bị phá sản lớn đến nỗi người ta có thể tự sát.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác như Nhật Bản, Ý, Pháp, Anh và Đức hiện đang bắt đầu làm luật theo hướng dễ dãi hơn nhằm thúc đẩy giới doanh nhân và hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển năng động hơn. Ở một số nước, các nhà lập pháp cho rằng hệ thống luật phá sản dễ dãi hơn sẽ giữ được tài sản và hỗ trợ cho các nền kinh tế chưa phát triển nhanh. Nước Nhật bị giảm phát là ví dụ về việc một quốc gia cố gắng dùng luật phá sản dễ dãi hơn để kích thích vay mượn và thúc đẩy hoạt động kinh tế. Do hầu hết các luật này đều mới nên chưa rõ là liệu những thay đổi này có giúp thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ hay không. Đôi khi những yếu tố văn hóa cũng khiến người ta không tận dụng được những cơ hội mà luật phá sản mới này đem lại.

Ở Hoa Kỳ thì chẳng có gì là xấu hổ khi chúng ta bị phá sản. Một số ông chủ cấp tiến thậm chí còn coi nhân viên từ những công ty bị phá sản là đáng quý hơn do họ đã có một bài học từ thất bại trước đó. Ngoài ra, nghiên cứu của tôi còn cho thấy rằng nhiều ông chủ Mỹ thành công đã từng thất bại trong những lần kinh doanh trước. Khả năng có thể khởi nghiệp lại chính là điều khiến cho người Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong kinh doanh và điều này đem lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế. Nguồn tín dụng dồi dào cũng rất hữu ích cho các doanh nhân mới bắt tay vào kinh doanh.

VAI TRÒ KINH TẾ CỦA NỢ TIÊU DÙNG

Ngoài khoản nợ mà người Mỹ dùng để bắt tay vào kinh doanh thì họ cũng vay tiền để mua các mặt hàng tiêu dùng như nhà cửa, xe hơi, đồ đạc, quần áo. Người Mỹ thường dùng thẻ tín dụng nhiều hơn so với người dân ở các nước khác. Xét tổng thể thì họ cũng mua nhiều hàng tiêu dùng hơn, thậm chí là nhiều hơn cả người dân sống ở những quốc gia giàu có như Nhật Bản và Canada. Duy trì mức tiêu thụ hàng tiêu dùng cao là điều có lợi cho nền kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt là khi nền kinh tế suy thoái.

Tuy nhiên, luật phá sản của Hoa Kỳ cũng không dễ dãi đối với các doanh nghiệp bán hàng trả góp cho những cá nhân mua hàng tiêu dùng với giá trị lớn. Như biểu đồ trong bài cho thấy, có mối tương quan chặt chẽ giữa nợ tiêu dùng và phá sản và phá sản thường do chi tiêu cho hàng tiêu dùng.

Hơn nữa, những người chi tiêu nhiều quá mức cho hàng tiêu dùng sẽ khó có cơ hội trả nợ. Đây là lý do cho sự thay đổi gần đây trong luật phá sản của Hoa Kỳ nhằm hạn chế chi tiêu cho hàng tiêu dùng.

LỜI KẾT

Thúc đẩy hoạt động kinh tế ở Hoa Kỳ có thể được coi là một nhiệm vụ của mọi công dân. Chấp nhận rủi ro tín dụng để khởi nghiệp có thể đem lại những lợi nhuận tài chính khổng lồ. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt thì doanh nhân sẽ phát đạt. Nếu công việc kinh doanh thất bại thì doanh nhân sẽ có cơ hội làm lại. Vay mượn quá nhiều để chi cho tiêu dùng cũng có những rủi ro tương tự nhưng không đem lại khoản lợi nhuận nào.

Những quan điểm trong bài viết này không nhất thiết thể hiện quan điểm hay chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.