Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Kinh tế và Thương mại

Thúc đẩy tăng tưởng thông qua các chính sách phát triển đúng đắn

Tạp chí Điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháng 8/2005

Andrew Natsios, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ

Tháng 9 năm 2000, 189 quốc gia đã nhất trí cùng hợp tác trong cuộc chiến chống đói nghèo, thất học, bất bình đẳng giới, tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ, bệnh tật và xuống cấp về môi trường. Các nước này, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã cam kết thực hiện các quyết định táo bạo để biến phát triển trở thành hiện thực ở tất cả mọi quốc gia. Sau 5 năm kể từ khi diễn ra hội nghị lịch sử đó, ngày 14 tháng 12 năm 2005, nguyên thủ của hơn 170 quốc gia sẽ lại nhóm họp tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York để đánh giá những tiến bộ đạt được đến thời điểm này. Dù còn rất nhiều việc phải làm song những tiến bộ đạt được có ý nghĩa rất quan trọng. 

Mặc dù hội nghị năm 2000 đã tạo đà quan trọng về chính trị để tiến hành đổi mới, nhưng phải đến hai năm sau tại Hội nghị quốc tế về tài chính cho phát triển do Liên Hợp Quốc bảo trợ diễn ra tại Mê-hi-cô năm 2002, các nhà lãnh đạo mới thống nhất được hiệp định khung mang tên Bản đồng thuận Monterrey để có thể phát triển thành công. Tại hội nghị này, cả các quốc gia đang phát triển và các nhà tài trợ - trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp - đã cam kết tăng cường năng lực quản lý nhà nước, khả năng làm chủ các chính sách phát triển, thương mại và đầu tư tư nhân và coi đây là những nhân tố chủ chốt để đạt được tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế. 

Ví dụ, tại châu Phi, nhiều nhà lãnh đạo đang thực hiện chương trình Quan hệ Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi (NEPAD), gắn xóa đói giảm nghèo với những chính sách thúc đẩy thương mại và tăng trưởng bền vững, quản lý nhà nước và bài trừ nạn tham nhũng. 

Về phần mình, Hoa Kỳ đã tăng khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) thậm chí còn nhiều hơn so với cam kết của Tổng thống Bush tại hội nghị Monterrey năm 2002. Kể từ năm 2000, viện trợ của Hoa Kỳ đã tăng gần gấp đôi từ 10 tỉ đô-la lên đến 19 tỉ đô-la năm 2004, chiếm 1/4 tổng số vốn ODA của 30 quốc gia công nghiệp phát triển là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). 

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh số lượng viện trợ phát triển không quan trọng bằng mục đích sử dụng viện trợ cũng như các cơ chế thực hiện để tiến hành các chương trình này. Bởi vậy, điều quan trọng là đảm bảo tăng vốn ODA dẫn tới mức tăng tương ứng về hiệu quả và tính bền vững. 

Các quốc gia đã chứng tỏ cam kết tiến hành thay đổi và cải cách bằng cách nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đầu tư vào con người, duy trì những chính sách và thể chế tạo điều kiện cho tăng trưởng dựa vào sức mạnh thị trường sẽ nhận được hàng tỉ đô-la trong những năm tới thông qua một trong số các sáng kiến khác của Tổng thống Bush - Quỹ Thách thức Thiên niên kỷ. 

Tuy nhiên, các khoản viện trợ phát triển của Hoa Kỳ còn lớn hơn nhiều so với số liệu thống kê về ODA. Ví dụ, các khoản đóng góp của khu vực tư nhân như các tập đoàn, tổ chức tình nguyện của tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ, lại không được tính là ODA. Thế nhưng nguồn vốn từ khu vực tư nhân này lại chiếm tỷ trọng rất lớn trong số những khoản viện trợ mà người dân Hoa Kỳ dành cho phát triển mỗi năm. Theo Viện Hudson, một tổ chức nghiên cứu chính sách phi đảng phái, thì khu vực tư nhân của Hoa Kỳ đã viện trợ cho các quốc gia đang phát triển trên 62 tỉ đô-la trong năm 2003. 

Những năm gần đây, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cố gắng tận dụng các nguồn tài trợ phát triển mới đó, đồng thời cùng hợp tác với các tổ chức tư nhân có trách nhiệm với xã hội trong khuôn khổ Liên minh Phát triển Toàn cầu. Kể từ năm 2002, mặc dù USAID đã dành một tỉ đô-la cho 290 liên minh giữa khu vực công và khu vực tư nhân tại 98 quốc gia, song những đóng góp của khu vực tư nhân Hoa Kỳ đã vượt 3,7 tỉ đô-la trong tổng số vốn. 

Thông thường, viện trợ nhân đạo vẫn được coi là vấn đề tách biệt với phát triển và nỗ lực đạt được các mục tiêu nêu trong Tuyên bố Thiên niên kỷ năm 2000. Thực tế thì không phải như vậy. Nếu không giải quyết tình trạng khẩn cấp về lương thực ở các nước châu Phi và những nơi khác thì tình trạng bất ổn định càng kéo dài và sự phát triển của các quốc gia này càng trở nên khó khăn hơn. 

Để giúp các quốc gia đang lâm vào khủng hoảng và xung đột khôi phục lại sự ổn định và giúp nền kinh tế của họ đạt được tăng trưởng bền vững, mới đây, Tổng thống Bush đã tuyên bố tăng thêm 674 triệu đô-la cho việc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp tại châu Phi trong năm nay. Số tiền này nằm ngoài số tiền 1,4 tỉ đô-la Hoa Kỳ đã cam kết.  

Là người khởi xướng và nhà tài trợ lớn nhất của Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/ADIS, lao, sốt rét, trong năm 2004, Hoa Kỳ đã đóng góp cho quỹ này 459 triệu đô-la. Trong năm tài khóa 2005, Hoa Kỳ đã đóng góp trên 2,8 tỷ đô-la cho tất cả các chương trình phòng chống HIV/AIDS của quỹ này. Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp khoảng 435 triệu đô-la mỗi năm cho chương trình kế hoạch hóa gia đình tự nguyện và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại 60 quốc gia. 

Hoa Kỳ rất quan tâm tới việc thực hiện các muc tiêu nêu trong Tuyên bố Thiên niên kỷ, và đây cũng là sứ mệnh chủ yếu của USAID. Là cơ quan phát triển song phương đầu tiên- và hiện vẫn là cơ quan lớn nhất, USAID đã có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện các mục tiêu nêu trên. Với hơn 40 năm kinh nghiệm, chúng tôi biết rõ những hoạt động nào có hiệu quả hoặc không hiệu quả. Vì lẽ đó, chúng tôi rất chú trọng tới tăng trưởng kinh tế. Nói một cách đơn giản: nếu không có thương mại thì sẽ không thể có tăng trưởng kinh tế bền vững. Nếu không có tăng trưởng kinh tế thì sẽ không thể gia tăng nguồn thu từ thuế để nâng cao chất lượng dịch vụ công. Nếu không có tăng trưởng và các dịch vụ thì sẽ không thể gia tăng của cải và xóa đói giảm nghèo. Nếu không góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì viện trợ nước ngoài không hoàn thành được sứ mệnh ban đầu mà chúng ta đã đặt ra.

 

Để một chương trình tăng trưởng kinh tế thành công cần phải có rất nhiều nhân tố. Chúng ta đã biết nhân tố quan trọng nhất chính là thương mại. Từ lâu Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc tự do hóa thương mại và USAID cũng dành nhiều nguồn lực hỗ trợ các quốc gia thành công trong đàm phán và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nới lỏng các đạo luật thương mại và tham gia tích cực vào kinh tế thế giới không chỉ đem lại lợi ích cho các quốc gia phát triển. Việc hoàn tất vòng đàm phán Doha của WTO có thể sẽ tăng thêm 200 tỷ đô-la thu nhập mỗi năm cho các nước đang phát triển và giúp cho hơn 500 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. 

Nhiều năm nay, Hoa Kỳ đã tiên phong trong việc giảm gánh nặng nợ cho các nước thế giới thứ ba. Hoa Kỳ và các nước thành viên khác trong khối G8 đã kêu gọi xóa hoàn toàn nhiều khoản nợ mà các nước nghèo đang nợ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Phi và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Điều đó sẽ giúp xóa ngay lập tức các khoản nợ trị giá 40 tỷ đô-la và có thể sẽ lên tới trên 56 tỷ đô-la nếu tính thêm tất cả các nước nghèo nợ nần chồng chất khác.  

Một nguồn lực lớn tiềm năng khác dành cho các nước đang phát triển lại chính là nội lực của họ. Báo cáo của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Khu vực Tư nhân và Phát triển mang tên “Giải phóng óc sáng tạo kinh doanh: Để doanh nghiệp giúp ích cho người nghèo” đã ước tính tài sản tài chính của tư nhân ở các nước đang phát triển lên tới 9,4 nghìn tỷ đô-la nhưng lại chưa được huy động triệt để nhằm phục vụ phát triển, chủ yếu là do tham nhũng và không có đủ các biện pháp bảo hộ pháp lý cho tài sản và các hợp đồng. Hơn nữa, theo nhiều công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học người Peru tên là Hernando de Soto thì việc hàng triệu người dân các nước đang phát triển không thể khai thác được tiềm năng từ những ngôi nhà và doanh nghiệp của họ do luật và các quy định sở hữu quá cứng nhắc cho thấy các nước đang phát triển có nguồn tài sản vô cùng lớn lao vẫn đang chờ được khai thác. 

Một thị trường tư nhân mang tính cạnh tranh và được điều tiết tốt là điều không thể thiếu bởi đó chính là thể chế hữu hiệu nhất hiện có đảm bảo phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, thúc đẩy sự sáng tạo và trao đổi thông tin giúp người tiêu dùng và nhà sản xuất ra quyết định. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các nước giàu nhất và phát triển nhất trên thế giới đều là những nước có nền dân chủ thị trường tự do. Những hành lang pháp lý giúp đem lại niềm tin trong các thị trường tư nhân, bảo vệ quyền sở hữu, thực thi các hợp đồng và nhìn chung tôn trọng pháp quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng nếu các nước đang phát triển muốn đạt được các mục tiêu nêu trong Tuyên bố Thiên niên kỷ. 

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới thì ở một quốc gia đang phát triển cần đến 203 ngày mới có thể đăng kí kinh doanh, trong khi ở một quốc gia đang phát triển khác thì việc thực hiện hợp đồng mất 1450 ngày. Do có những trở ngại như vậy đối với việc thành lập doanh nghiệp và óc sáng tạo kinh doanh nên các doanh nghiệp vẫn còn rất nhỏ và nằm trong khu vực kinh tế phi chính thức. Do đó, việc tranh luận liệu mức ODA cần phải là 68 tỉ, 100 tỉ hay 195 tỉ đô-la sẽ là điều vô nghĩa khi chưa có các chính sách phát triển cốt yếu nhất để tạo ra sự thịnh vượng. 

Xóa bỏ đói nghèo thực sự là một thách thức lớn. Việc xây dựng các thể chế kinh tế công bằng và hiệu quả đòi hỏi nhiều thời gian, lòng kiên nhẫn và cải cách. Cần phải thực thi các chính sách để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Điều đáng mừng là nhiều quốc gia đã đi tiên phong và Hoa Kỳ cùng cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ những quốc gia sẵn sàng tự giúp chính bản thân họ. Với những lựa chọn đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu đặt ra tại hội nghị Monterrey và trong Tuyên bố Thiên niên kỷ.