Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation

Tổng quan hiệp định thương mại song phương Hoa Kỳ-Việt Nam

Mark E. Manyin, nhà phân tích các vấn đề châu Á

Trích từ báo cáo của Ban Nghiên cứu Phục vụ Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 20/6/2001


Hiệp định thương mại gồm 4 phần: tiếp cận thị trường, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư.

1. Tiếp cận Thị trường

Việt Nam đồng ý tiến hành những bước sau nhằm mở cửa thị trường:

  • Dành quy chế đối xử tối huệ quốc cho các hàng hoá của Mỹ;
  • Ðối xử với các hàng hoá nhập khẩu giống như hàng hoá sản xuất trong nước (còn được gọi là “đối xử quốc gia”);
  • Loại bỏ hạn ngạch đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu trong thời hạn từ 3 đến 7 năm;
  • Minh bạch hơn quy trình mua sắm của chính phủ;
  • Lần đầu tiên cho phép tất cả các doanh nghiệp Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu mọi hàng hoá;
  • Lần đầu tiên cho phép các công ty Mỹ và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ được phép xuất nhập khẩu hầu hết các sản phẩm (với lộ trình từ 3-6 năm).
  • (Hiện tại, các công ty nước ngoài phải phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu Việt Nam được cấp giấy phép, hầu hết là doanh nghiệp nhà nước.)
  • Ðảm bảo doanh nghiệp nhà nước sẽ tuân thủ các quy định của WTO;

Tuân thủ các quy định của WTO về hải quan, giấy phép nhập khẩu, tiêu chuẩn kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực vật

Ưu đãi Thuế quan. Hiệp định Thương mại Song phương Hoa Kỳ – Việt Nam là hiệp định đáng chú ý ở chỗ, khác với các hiệp định thương mại song phương đã từng đàm phán trước đây giữa Mỹ và các nước thuộc diện điều chỉnh của tu chính án Jackson-Vanik, hiệp định này chứa đựng các cam kết cụ thể của Việt Nam về việc giảm thuế quan cho khoảng 250 sản phẩm, khoảng 4/5 trong số đó là nông sản. Ðáng chú ý, mức cắt giảm sẽ từ 33% đến 50% và được thực hiện trong giai đoạn 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Mức thuế quan của Việt Nam không quá cao đối với một nước đang phát triển (Phòng Thương vụ ước tính mức thuế suất thuế quan trung bình của Việt Nam là 15%-20%).

Chính quyền Clinton đánh giá bước tiến của Việt Nam trong việc áp dụng thuế quan theo quy chế Tối huệ quốc là rất đáng kể, khi Việt nam từ tháng 1 năm 1999 đã áp dụng phụ thu thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu từ những nước mà Việt Nam không có quan hệ đối xử tối huệ quốc có đi có lại. Trong thời gian Hà Nội và Washington đàm phán Hiệp định Thương mại Song phương này, Việt Nam đã không áp dụng khoản phụ thu này đối với hàng hoá nhập khẩu của Mỹ.

Bên cạnh đó, trong vấn đề tiếp cận thị trường, hiệp định còn có quy định vềbảo vệ, theo đó cho phép một trong hai bên có quyền tạm thời áp đặt thuế quan nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu hàng hoá tăng lên nhanh chóng.

2. Quyền Sở hữu Trí tuệ

Việt Nam cam kết thực hiện Hiệp định về Quyền Sở hữu Trí tuệ Liên quan đến Thương mại (TRIPs) của Tổ chức Thương mại Thế giới sau 18 tháng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định song phương về TRIPs này còn có những quy định cao hơn so với hiệp định TRIPs của WTO do còn có những cam kết của Việt Nam về bảo hộ tín hiệu vệ tinh trong vòng 30 tháng.

3. Thương mại Dịch vụ

Trong lĩnh vực dịch vụ, Việt nam cam kết tuân thủ các quy định của WTO về Tối huệ quốc, đối xử quốc gia và các nguyên tắc trong pháp luật quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam đồng ý cho phép các công ty và các cá nhân Mỹ đầu tư vào các thị trường của một loạt các lĩnh vực dịch vụ, bao gồm kế toán, quảng cáo, ngân hàng, máy tính, phân phối, giáo dục, bảo hiểm, luật và viễn thông. Hầu hết các cam kết về các lĩnh vực đó có lộ trình thực hiện sau 3 đến 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Cam kết của Việt Nam trong 3 lĩnh vực dịch vụ lớn nhất của Mỹ – ngân hàng, bảo hiểm và viễn thông - được nêu rõ dưới đây.

Dịch vụ Ngân hàng. Việt Nam đồng ý thực hiện các biện pháp tự do hoá sau: Trong vòng 9 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, các ngân hàng của Mỹ được phép thành lập liên doanh với các đối tác Việt nam, trong đó phần vốn góp của Hoa Kỳ từ 30% đến 49% vốn pháp định của liên doanh. Sau 9 năm, được phép thành lập ngân hàng 100% vốn đầu tư của Hoa Kỳ.

Bảo hiểm. Theo Hiệp định Thương mại Song phương, đối với các lĩnh vực bảo hiểm “bắt buộc” (bảo hiểm phương tiện và xây dựng), sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt nam sẽ cho phép các công ty Mỹ thành lập liên doanh, không hạn chế phần vốn góp của Hoa Kỳ. Sau 6 năm, cho phép thành lập các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Hoa Kỳ. Ðối với bảo hiểm nhân thọ và các lĩnh vực bảo hiểm “không bắt buộc” khác, sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, cho phép thành lập các liên doanh có mức vốn góp tối đa của Mỹ là 50% vốn pháp định của liên doanh. Sau 5 năm, cho phép thành các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hoa Kỳ.

Viễn thông. Theo Hiệp định Thương mại Song phương, đối với các dịch vụ viễn thông cao cấp (như Internet, thư điện tử và voice mail), Việt Nam sẽ cho phép thành lập các liên doanh sau 2 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, với mức vốn góp tối đa của Mỹ là 50% vốn pháp định của liên doanh. Dịch vụ Internet có lộ trình thực hiện là 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Ðối với các dịch vụ viễn thông cơ bản (như fax, điện thoại di động và các dịch vụ vệ tinh), cho phép thành lập các liên doanh sau 4 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với mức vốn góp của các công ty Mỹ khống chế ở mức 49% vốn pháp định của liên doanh. Ðối với các dịch vụ điện thoại nội hạt, đường dài và quốc tế, cho phép thành lập liên doanh sau 6 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với mức vốn góp của Hoa Kỳ không quá 49% vốn pháp định của liên doanh. Việt Nam đồng ý sẽ xem xét việc nâng các mức hạn chế vốn góp của Hoa Kỳ khi tiến hành đánh giá Hiệp định trong 3 năm tới.

4. Ðầu tư

Liên quan đến đầu tư,Hiệp định Thương mại Hoa Kỳ - Việt Namcó các bảo đảm về đối xử Tối huệ quốc, đối xử quốc gia, minh bạch và bảo vệ trong trường hợp tước quyền sở hữu. Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết tiến hành những thay đổi sau trong cơ chế đầu tư của mình:

  • Thẩm định đầu tư: Hiện tại, các công ty nước phải được Chính phủ đồng ý cho phép đầu tư tại Việt Nam. Theo Hiệp định Thương mại Song phương này, việc thẩm định dự án sẽ được xoá bỏ đối với hầu hết các lĩnh vực trong vòng 2, 6 hoặc 9 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tùy thuộc vào lĩnh vực có liên quan.
  • Chuyển đổi lợi nhuận ra ngoại tệ: Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam được tự do hơn so với các công ty nước ngoài đa quốc gia trong việc chuyển lợi nhuận thu được tại Việt Nam ra ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyền thông qua việc chuyển đổi ra ngoại tệ thay mặt các công ty nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi ngoại tệ (2). Theo Hiệp định Thương mại Song phương, các công ty đa quốc gia của nước ngoài sẽ có quyền chuyển lợi nhuận ra ngoại tệ giống như các công ty Việt Nam; tuy nhiên, đồng tiền Việt Nam vẫn chưa phải đồng tiền tự do chuyển đổi.
  • Ngưỡng vốn góp: Hiện tại, phần vốn góp của Hoa Kỳ trong liên doanh ít nhất phải chiếm 30% vốn pháp định của liên doanh. Yêu cầu này sẽ được loại bỏ trong sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
  • Các yêu cầu về nhân sự đối với liên doanh: Hiện tại, Việt Nam yêu cầu một số thành viên hội đồng quản trị nhất định phải là người Việt Nam và yêu cầu một số loại quyết định nhất định phải nhận được sự đồng thuận (theo đó dành quyền phủ quyết cho các thành viên Việt Nam trong hội đồng quản trị).
  • Theo Hiệp định Thương mại Song phương, trong vòng 3 năm Việt nam sẽ cho phép các công ty đa quốc gia của Mỹ có quyền lựa chọn các chức vụ lãnh đạo cao cấp mà không có hạn chế về quốc tịch.
  • Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs): Việt Nam đồng ý trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực sẽ xoá bỏ tất cả các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) không phù hợp với quy định của WTO, ví dụ như các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá.


5. Tính minh bạch

Việt Nam đồng ý thực hiện một cơ chế thương mại hoàn toàn minh bạch bằng cách cho phép góp ý kiến vào các dự thảo luật và quy định, đảm bảo sẽ công khai trước tất cả các luật và các quy định đó; bằng cách công bố tất cả các văn bản đó; và cho phép công dân và các công ty Mỹ có quyền khiếu nại các quy định đó.

(1) Ngoài việc tham khảo nội dung của Hiệp định thương mại Song phương Hoa Kỳ - Việt Nam, phần này còn lấy thông tin từ "Hiệp định Thương mại Việt Nam: Tổng hợp các quy định quan trọng," theo báo Reuters, ngày 13/7/2000.

(2) Phòng Thương vụ, "Thông tin Thương mại tại Việt Nam," ngày 15/7/1999.