Skip Global Navigation to Main Content
Skip Breadcrumb Navigation
Quan hệ Thương mại Mỹ-Việt

KỶ NIỆM MỘT NĂM NGÀY HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG CÓ HIỆU LỰC

Ngày 6/12/2002

Họp báo của Ðại sứ quán Hoa Kỳ với các cơ quan thông tin đại chúng của Việt Nam và quốc tế

(Bắt đầu biên bản)

PAO Tom Carmichael: Tôi là Tham tán Thông tin - Văn hóa (PAO) của Ðại sứ quán Hoa Kỳ. Chúng tôi đang tiến hành một cuộc họp báo nhân dịp kỉ niệm việc ký kết Hiệp định Thương mại Song phương, và khách mời của chúng tôi là Ngài Ðại sứ Raymond Burghardt. Ngài Ðại sứ sẽ phát biểu ít phút và sau đó sẽ trả lời các câu hỏi.

Ðại sứ Burghardt: Xin chào tất cả mọi người. Tôi rất vui mừng được có mặt tại đây hôm nay. Dĩ nhiên việc này đánh dấu việc kỉ niệm một năm ngày Hiệp định Thương mại Song phương Hoa Kỳ - Việt Nam có hiệu lực. Song đối với tôi, điều đặc biệt có ý nghĩa là hiệp định bắt đầu có hiệu lực đúng năm ngày trước khi tôi trở lại Việt Nam trên cương vị Ðại sứ. Do đó, đối với tôi, đây cũng là dịp kỉ niệm một năm công tác.

Bản hiệp định thương mại lịch sử này giờ đây đã trở thành hòn đá tảng trong quan hệ giữa hai nước. Nó đã dỡ bỏ nhiều rào cản kinh tế đã tồn tại trong một thời gian khá dài.

Trong năm qua, hiệp định đã mang lại những lợi ích rõ ràng cho cả hai nước. Thực tế đã có sự tăng vọt trong thương mại hai chiều, và tôi cho rằng, cả sự lạc quan ngày càng tăng về quan hệ kinh tế giữa hai nước tại thời điểm này và trong tương lai.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm 2002 đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, và đạt khoảng 1,5 tỷ đô-la.

Và xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam cũng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng 343 triệu đô-la.

Ðiều chắc chắn là những sự gia tăng kể trên diễn ra trong thời kỳ thương mại thế giới rất tĩnh lặng, và xét toàn diện, thương mại của Việt Nam với các nước khác hầu như đều không tăng hoặc, trên thực tế, giảm đi.

Cả hai phía đã có nhiều biên pháp tích cực nhằm thực hiện tất cả các điều khoản của Hiệp định điều chỉnh về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, và cả lĩnh vực đầu tư nữa.

Tất nhiên là Hoa Kỳ đã ngay lập tức bắt đầu áp dụng việc đối xử theo mức thuế WTO đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào ngày 10/12/2001. Chúng tôi đã ngay lập tức mở rộng cửa thị trường Hoa Kỳ cho hàng hóa của Việt Nam. Ngày hôm đó, mức thuế quan trung bình đối với hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đã giảm từ 40% xuống còn 3%.

Như các bạn đã biết, trong khi các nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo hiệp định được thực thi ngay lập tức, thì các nghĩa vụ của Việt Nam được thực hiện dần từng bước trong một số năm.

Trong năm qua, chúng ta đã thấy Việt Nam giảm thuế quan đối với một số hàng hóa của Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam, và bắt đầu có những hành động về mặt pháp lý để thực hiện một số nghĩa vụ then chốt theo Hiệp định.

Hiệp định cũng bao gồm vấn đề tiếp cận thị trường cho các ngành dịch vụ, bao gồm những lĩnh vực như viễn thông và dịch vụ tài chính, song những nghĩa vụ này được thực hiện từng bước theo thời gian.

Và Hiệp định còn bao gồm một phần về bảo hộ đầu tư, dành quy chế đối xử quốc gia và tối huệ quốc cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ và bảo hộ pháp lý cho các nhà đầu tư và các khoản đầu tư của họ.

Thành thực mà nói, trong lĩnh vực bảo hộ đầu tư này, sự tiến triển còn chậm. Và có một số lĩnh vực đáng lưu tâm.

Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ tất cả các nghĩa vụ đã cam kết liên quan đến tính minh bạch, đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm một số nghĩa vụ cần được thực hiện ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.

Ví dụ, trong vấn đề minh bạch hoá, chúng ta đang nói về những việc như ấn hành toàn bộ các luật lệ và quy định; công khai những luật lệ đó trong một thời gian hợp lý trước khi chúng có hiệu lực; không hồi tố các luật lệ liên quan đến đầu tư; và để cho công chúng có cơ hội bình luận về nội dung các luật lệ đang trong giai đoạn dự thảo.

Ðây là những sự thay đổi đặc biệt cấp thiết nhằm thu hút đầu tư có chất lượng -- không phải là đầu tư ở mức độ thấp và sử dụng nhiều lao động, mà là đầu tư có chất lượng cao.

Việc thực hiện thành công Hiệp định Thương mại Song phương cũng rất bức thiết đối với các nỗ lực gia nhập WTO của Việt Nam.

Hoa Kỳ đã cam kết giúp đỡ Việt Nam thực hiện các cam kết của mình theo Hiệp định. ở đây chúng tôi đang làm một điều thực ra là khá khác thường, đó là hỗ trợ kĩ thuật đáng kể để giúp chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết của mình.

Một số cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ, như Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, USAID, và Cục Sáng chế và Thương hiệu của chúng tôi đang cùng nhau cung cấp hàng triệu đô-la hỗ trợ kĩ thuật hàng năm cho Việt Nam.

Và đó là hỗ trợ trong các lĩnh vực như cải cách pháp luật, hải quan, quyền sở hữu trí tuệ, và tăng cường tính minh bạch. Và chúng tôi đang dành sự hỗ trợ này cho các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề, các trường đại học, và công chúng.

Chỉ xin lấy một ví dụ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ hiện đang tài trợ cho một chương trình có tên là Dự án STAR, kéo dài trong 3 năm và trị giá 8 triệu đô-la, nhằm cung cấp cho Chính phủ Việt Nam kiến thức chuyên môn kĩ thuật về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp định trên khắp Việt Nam.

Vì vậy, tôi cho rằng năm đầu tiên thực hiện Hiệp định là một sự khởi đầu tốt đẹp, và nó đánh dấu một kỉ nguyên mới quan trọng trong quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam.

Tại Ðại sứ quán, chúng tôi nhận thấy rằng các công ty Hoa Kỳ quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn so với 3 năm trước.

Như các bạn đã biết, đầu những năm 1990 rất nhiều công ty Hoa Kỳ quan tâm đến Việt Nam, và rồi đến cuối những năm 1990, sự quan tâm đó giảm đi. Ðiều mà mọi người đang nói với chúng tôi là họ sẵn sàng quay trở lại Việt Nam.

Và số lượng các doanh nghiệp Hoa Kỳ tới thăm Phòng Thương vụ của chúng tôi, bộ phận đại diện cho Bộ Thương mại trong Ðại sứ quán hoặc trong Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã đạt con số cao kỷ lục.

Họ đang quan tâm đến những vấn đề như các cơ hội nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam của các công ty Hoa Kỳ, ngành du lịch và dầu khí.

Và có rất nhiều cơ hội cho các công ty Hoa Kỳ tại đây, và cũng là cho các công ty Việt Nam để trở thành đại lí hoặc nhà phân phối các loại hàng hóa của Hoa Kỳ.

Như vậy, đây mới chỉ là năm đầu tiên. Chúng tôi mong muốn phối hợp cùng với các công ty Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Việt Nam để phát huy những việc chúng ta đã làm được trong năm đầu tiên và tiếp tục phát triển một mối quan hệ kinh tế thật vững mạnh, đem lại lợi ích cho cả hai phía.

Bây giờ tôi sẵn sàng trả lời các câu hỏi của quý vị.

PAO: Có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu với các nhà báo Việt Nam trước và sau đó cứ luân phiên nhau. Xin mời phóng viên báo "Tuổi trẻ".

Tuổi trẻ: Tôi có hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất: Hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra một tuyên bố chính thức, cho rằng việc thực hiện Hiệp định sẽ tốt đẹp hơn nếu không có tranh chấp liên quan đến các vấn đề cá Tra và Basa, và phía Việt Nam đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ công bằng hơn trong vấn đề này. Liệu tôi có thể được biết bình luận của Ngài về vấn đề này được không?

Và câu hỏi thứ hai: Ðây cũng là dịp kỉ niệm một năm Ngài tới Việt Nam làm việc với tư cách Ðại sứ. Vậy, ngoài Hiệp định ra, trên cương vị Ðại sứ, Ngài có thấy sự tiến triển nào khác trong quan hệ giữa hai nước hay không? Xin cảm ơn Ngài rất nhiều.

Ðại sứ Burghardt: Trước hết, tôi hy vọng mọi người hiểu rằng tranh chấp liên quan tới các loại cá da trơn Tra và Basa hoàn toàn không liên quan gì đến việc thực hiện Hiệp định.

Hiệp định nêu rất rõ rằng mỗi nước có thể tiếp tục thực hiện các luật lệ thương mại công bằng của mình và rằng các điều khoản như kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp sẽ tiếp tục có hiệu lực.

Thương mại càng tăng thì tranh chấp càng nhiều. Trong tương lai, thậm chí sẽ có nhiều tranh chấp hơn nữa, vì thương mại sẽ còn tiếp tục gia tăng. Và Việt Nam cũng có tranh chấp thương mại với các nước khác nữa -- ví dụ như các vụ kiện chống bán phá giá lớn với Canada và Liên minh châu Âu. Tất nhiên là các vấn đề đó thu hút ít sự chú ý của giới báo chí hơn.

Chúng ta sẽ giải quyết các tranh chấp khi chúng nảy sinh. Mỗi bên sẽ giải quyết chúng theo luật pháp của mình. Trong năm qua, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào Hoa Kỳ đã tăng lên. Và cá da trơn luôn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đó, song xuất khẩu cá da trơn cũng tiếp tục tăng.

Như vậy chúng tôi đã thực hiện hiệp định, và chúng tôi trông đợi Việt Nam thực hiện hiệp định.

Về câu hỏi thứ hai, vâng, năm qua là một năm rất nhộn nhịp đối với quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, và chúng ta đã thấy sự tiến triển trong một số lĩnh vực. Ðây vẫn là một mối quan hệ rất mới, chỉ mới có 7 năm sau đạt được quan hệ song phương bình thường.

Chúng ta đã khởi đầu mối quan hệ này bằng việc giải quyết những vấn đề lịch sử trước đây; giải quyết những vấn đề về MIA, những quân nhân mất tích trong chiến tranh; xử lí vấn đề người tị nạn; và các chương trình nhân đạo.

Và sau đó chúng ta chuyển sang quan hệ kinh tế, quan hệ này giờ đây đang phát triển tốt đẹp. Chúng ta đã bắt đầu có một cuộc đối thoại tốt về các vấn đề chiến lược của khu vực và thế giới, và vấn đề nhân quyền.

Chúng tôi có những chương trình trao đổi giáo dục rất tốt với Việt Nam, trên thực tế, đó là những chương trình thuộc loại tốt nhất mà chúng tôi có trên thế giới.

Tôi rất chú ý đến lĩnh vực này. Tôi đã đi thăm hầu hết các trường đại học ở Việt Nam và chúng tôi đã thiết lập quan hệ tốt đẹp với các trường đại học đó.

Quĩ Giáo dục Việt Nam sẽ đi vào hoạt động trong năm tới, và chúng tôi sẽ chi thêm 5 triệu đô-la mỗi năm cho các chương trình giáo dục với Việt Nam. Và đó là dành cho sinh viên trong các ngành khoa học, công nghệ và y học. Và một khi quĩ này đi vào hoạt động thì các chương trình giáo dục mà Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho Việt Nam sẽ thực sự là những chương trình giáo dục lớn nhất được Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ trên thế giới.

Và chúng tôi đang xem xét các lĩnh vực khác để mở rộng và phát triển quan hệ, chẳng hạn như hợp tác trong thực thi pháp luật, hợp tác chống ma tuý, và hợp tác quân sự.

Ví dụ, đầu năm nay, chúng tôi đã có một hội nghị rất bổ ích về thực thi pháp luật giữa Bộ Công An và tất cả các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ.

Tôi cho rằng, nếu 10 năm trước có ai đó ở đây dự đoán rằng chúng tôi sẽ có một cuộc hội nghị như vậy vào năm 2002, thì hẳn họ đã cho rằng đó chỉ là ảo tưởng.

PAO: Xin mời Jason Folkmanis của "Bloomberg News".

Bloomberg: Không có ý định kéo dài thêm về vấn đề cá da trơn, song tôi muốn được hỏi Ngài về một khía cạnh có liên quan nhưng rộng lớn hơn, có khả năng tác động tới quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với Việt Nam trong một thời gian.

Ðó là việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam.

Hiểu rằng đây là sự xác định của Bộ Thương mại chứ không phải Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tôi chỉ phân vân không biết trên quan điểm của Ngài, với việc đây là lần đầu tiên Việt Nam trải qua quá trình này, liệu Ngài có cho rằng có một khung thời gian nào đó để Việt Nam rút cục có thể đạt được tình trạng kinh tế thị trường hay không? Tôi xin hỏi một câu nữa.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, và liên quan trực tiếp hơn tới công việc của Ngài, như phóng viên của báo "Tuổi trẻ" cho biết rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam trong buổi họp báo của mình ngày hôm qua đã đề cập đến việc có ý kiến cho rằng tiến trình nêu trên đã được xử lí thiếu công bằng, trên cương vị của mình, Ngài nhận thấy tiến trình này đã diễn ra khó khăn như thế nào? Hoặc Ngài đang làm gì để tìm cách giải thích rõ quan điểm của Hoa Kỳ cho rằng đây không phải là một quá trình thiên vị. Xin cảm ơn Ngài.

Ðại sứ Burghardt: Trước hết, về vấn đề xác định tình trạng phi thị trường, như ông đã nói, đây là một quá trình được tiến hành bởi Bộ Thương mại. Nó được tiến hành trong mỗi vụ kiện về chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp. Ðây là một sự xác định cụ thể cho vụ kiện đó và tuân theo những cách thức rất cụ thể phù hợp với từng bối cảnh.

Luật pháp cũng nêu rất rõ rằng sự xác định kể trên phải tách rời khỏi quan hệ chính trị, do đó Bộ Thương mại không được phép hỏi ý kiến Bộ Ngoại giao hoặc xem xét bất kì nhân tố chính trị hay nhân tố quan hệ song phương nào trong việc đưa ra quyết định.

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tự xác định mình là một nền kinh tế chuyển đổi đang trong quá trình hướng tới những nguyên tắc thị trường tự do hơn.

Vấn đề mà Bộ Thương mại phải quyết định trong vụ việc này là "Việt Nam đang ở đâu trong quá trình chuyển đổi đó?" Và điều này được xét cụ thể trong mối liên hệ với việc bán các loại cá phi-lê đông lạnh vào Hoa Kỳ.

Xem xét theo góc độ lớn hơn, chúng tôi và các tổ chức của Liên Hợp Quốc, cùng với IMF và các nước khác cùng đang hợp tác với Việt Nam để giúp nước này thực hiện việc chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường tự do hơn.

Ðó là một trong những chủ đề lớn của hội nghị Nhóm Tư vấn diễn ra vào tuần tới - Chúng ta có thể làm thêm gì và làm gì tốt hơn để giúp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi đó?

Và tôi không muốn dự đoán, tôi sẽ không dự đoán sự chuyển đổi này diễn ra trong bao lâu, nhưng tôi tin chắc rằng nó sẽ diễn ra; trên thực tế, một vụ kiện bán phá giá khác sẽ xảy ra, và quyết định lúc đó sẽ là Việt Nam giờ đây là một nền kinh tế thị trường.

Và các bạn có biết điều gì xảy ra sau đó không?

Khi đó các bạn (Việt Nam) thực ra sẽ mất đi một số sự bảo hộ nhất định mà các bạn được hưởng theo pháp luật khi là một nền kinh tế phi thị trường, và các bạn sẽ phải chịu một số rủi ro mới, những điều các bạn phải chịu nếu được coi là một nền kinh tế thị trường.

Nếu các bạn được coi là một nền kinh tế phi thị trường, các bạn không thể bị kiện vì các khoản trợ cấp và do đó không bị áp dụng các khoản thuế chống trợ cấp.

Một nền kinh tế phi thị trường cũng có thể đàm phán một thỏa thuận tạm đình chỉ một vụ kiện bán phá giá, còn một nền kinh tế thị trường thì không thể làm như vậy. (Trao đổi riêng với Cố vấn Kinh tế). Thôi được, tôi xin rút lại ý kiến vừa rồi.

Tôi cho rằng các doanh nhân mà tôi đã cùng trò chuyện ở Việt Nam, các doanh nhân Việt Nam, những người Việt Nam tham dự vào các vấn đề thương mại của chúng ta, những người lãnh đạo ở địa phương và trung ương, tôi nghĩ họ hiểu rằng Hiệp định đã đem lại rất nhiều thuận lợi cho Việt Nam và sẽ còn tiếp tục như vậy. Tôi cho rằng những người lãnh đạo ở trung ương cũng hiểu điều đó.

Tôi nghĩ chúng ta cần coi sự nổi tiếng của vấn đề cá da trơn trong một chừng mực nào đó như một kĩ thuật đàm phán.

Cần nhớ rằng, mọi điều chúng tôi phải làm theo hiệp định, chúng tôi phải làm ngay lập tức. Trong khi đó, các nghĩa vụ của Việt Nam thì được thực hiện dần. Ðiều đó có nghĩa là mỗi khi chúng ta nhìn lại những kết quả của hiệp định, chúng tôi luôn có nhiều điều để phàn nàn hơn so với Việt Nam.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, chúng ta có những cuộc gặp gỡ như thế này, chúng ta cố gắng nói ra vấn đề, chúng ta có thể viết thư cho các biên tập viên ở đây, và có thể chúng sẽ được đăng báo.

PAO: Xin mời phía Việt Nam. Báo "Tiền phong".

Tiền phong: Tôi chỉ có một câu hỏi cho Ngài Ðại sứ. Ngài vừa nói rằng hợp tác giáo dục giữa hai nước sẽ là sự hợp tác tốt nhất trên thế giới. Vậy Ngài có thể cho chúng tôi biết chi tiết hơn không?

Cám ơn Ngài rất nhiều.

Ðại sứ Burghardt: Ông Carmichael biết tất cả những con số đó rõ hơn tôi. Xin để ông trả lời câu hỏi này.

PAO: Cám ơn ông rất nhiều về câu hỏi này. Nếu chỉ tính nỗ lực giáo dục của chúng tôi ở đây qua chương trình Fulbright, và thêm vào đó hoạt động của Quĩ Giáo dục Việt Nam, thì Hoa Kỳ sẽ tài trợ cho các chương trình giáo dục của mình ở Việt Nam nhiều hơn cho bất cứ nước nào khác trên thế giới, với tổng số tiền là 10 triệu đô-la một năm.

Số tiền đó bao gồm Chương trình Fulbright. Chương trình này có 5 triệu đô-la một năm, trong đó 1,5 triệu đô-la dành cho Chương trình Ðào tạo Kinh tế Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh. Và chúng tôi tự hào có Ðại học Harvard phối hợp với Chương trình Fulbright thực hiện chương trình này.

Chúng tôi cũng dành 3,5 triệu đô-la, được chi cho các suất học bổng dành cho sinh viên Việt Nam đi đào tạo thạc sĩ tại Hoa Kỳ, khoảng 20 suất một năm; cho khoảng 6 nhà nghiên cứu Việt Nam sang Hoa Kỳ mỗi năm; khoảng 6 học giả Hoa Kỳ sang giảng dạy và nghiên cứu ở Việt Nam mỗi năm. Cũng chừng ấy sinh viên Hoa Kỳ sẽ tới, làm việc và nghiên cứu tại đây.

Như ngài Ðại sứ đã đề cập, chúng tôi sẽ tăng thêm 5 triệu đô-la nữa vào tổng số 5 triệu đô-la mỗi năm nói trên. Việc này sẽ được tiến hành thông qua Quĩ Giáo dục Việt Nam. Và khoản tiền này chủ yếu sẽ dành cho các sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập về khoa học, toán học, công nghệ và y tế cộng đồng, và dành cho các học giả Hoa Kỳ trong các lĩnh vực đó tới Việt Nam và giảng dạy tại các tổ chức giáo dục và nghiên cứu của Việt Nam. Chúng tôi sẽ sớm có thêm thông tin về vấn đề này cho các bạn.

PAO: Vâng, xin mời bà Christina Pantin (của Reuters).

Reuters: Theo những con số ước tính về xuất khẩu của cả hai nước, có vẻ như mức tăng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam sẽ là khoảng 100 triệu đô-la trước và sau khi có Hiệp định, còn xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng khoảng 600 triệu đô-la -- một sự cách biệt khá lớn. Ðiều này có được trông đợi không, và liệu Ngài có thể nói về các hàng hóa cấu thành xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam được không? Chúng bao gồm những gì?

Ðại sứ Burghardt: (Nói với các Quan chức Kinh tế và Thương mại) Tôi không chắc liệu con số trên có chính xác hay không. Có ai khác có số liệu đó không? Mức tăng? OK. Ðúng như vậy, của Hoa Kỳ tăng khoảng 100 triệu đô-la cho cả năm, và của Việt Nam tăng khoảng từ 600-800 triệu đô-la.

Những biểu đồ mà chúng tôi có đằng kia cho thấy trong số các sản phẩm xuất khẩu ước tính của Hoa Kỳ vào Việt Nam, mười sản phẩm hàng đầu, thứ nhất là bông, thứ hai là phân bón, và có những hàng hóa như thiết bị bơm hơi, nguyên phụ liệu giày dép, máy khoan, thực phẩm đã chế biến và gan cá.

Những con số này là từ 1997 đến 2002, do vậy chúng chưa phản ánh một số khoản xuất khẩu lớn của Hoa Kỳ - máy bay Boeing và động cơ của các hãng General Electric và Pratt and Whitney, những khoản này sẽ xuất hiện trong các số liệu của năm 2003.

Reuters: Về bảo hộ sở hữu trí tuệ, hình như Việt Nam đã đồng ý thực hiện các cam kết về bằng sáng chế và thương hiệu trong vòng 12 tháng sau khi ký hiệp định, và về bản quyền và nhãn hiệu trong vòng 18 tháng, vậy chúng ta hãy xem xét từ thời điểm 12 tháng trước, về vấn đề này họ đã thực hiện đến đâu? Và các phản ứng, nếu có, sẽ là gì nếu như họ không thực hiện đúng thời hạn?

Ðại sứ Burghardt: Trên thực tế, Việt Nam có nền tảng pháp lý, pháp luật tương đối tốt về bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề là ở chỗ hầu như thiếu việc thực thi những luật lệ đó.

Như mọi người trong phòng này đều biết, ở Việt Nam gần như không thể mua, hoặc tìm thấy và mua các phần mềm, đĩa DVD hay CD hợp pháp.

Và rút cục, áp lực đòi thay đổi lớn nhất có lẽ sẽ từ chính các nghệ sĩ thu băng đĩa ở Việt Nam, chính các nhà phát triển phần mềm của Việt Nam, và những người giống như vậy, họ nói với tôi rằng họ rất khó chịu, tức giận trước tình trạng ăn cắp bản quyền hiện nay.

Hậu quả lớn nhất của việc không thực thi các quyền sở hữu trí tuệ là việc bỏ lỡ các cơ hội phát triển.

Tất nhiên, có thể áp dụng các thủ tục theo điều 301 trong đó chúng ta cuối cùng có thể có một hình thức chế tài nào đó.

Song, thành thật mà nói, đó chỉ là một hậu quả rất nhỏ đối với Việt Nam so với thiệt hại mà Việt Nam gây ra cho chính mình bằng cách ngăn cản các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành công nghệ cao ở Việt Nam. Ðây là một thế giới cạnh tranh.

Người Malaysia cũng từng gặp phải chính vấn đề đó, và cuối cùng họ đã dàn xếp được tình hình. Giờ đây họ đang thu hút loại đầu tư mà họ muốn.

PAO: Xin mời báo "Quốc tế".

Quốc tế: Tôi có hai câu hỏi. Như Ngài đã biết, Việt Nam được xếp vào một trong những nước an toàn nhất thế giới. Tôi để ý thấy có một số xe tải đỗ trước cổng Ðại sứ quán Hoa Kỳ. Câu hỏi của tôi là: Ngài đánh giá như thế nào về môi trường an ninh ở Việt Nam?

Câu hỏi thứ hai là: Ngài vừa đề cập đến Hội nghị Nhóm Tư vấn vào tuần tới. Liệu Ngài có thể tiết lộ trước cho chúng tôi biết Hoa Kỳ sẽ đề nghị giúp đỡ gì cho Việt Nam được không?

Ðại sứ Burghardt: Ðối với câu hỏi thứ nhất về an ninh của Việt Nam, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đã được nhắc nhở nhiều lần trong vài tháng qua ở Bali và Kenya, rằng không có gì là an ninh tuyệt đối.

Một cách rất có hệ thống, những kẻ khủng bố tìm kiếm những mục tiêu dễ bị tấn công. Nếu một số nơi được bảo vệ, chúng sẽ chuyển hướng sang nơi khác. Vì thế chúng tôi phải tiến hành một số yêu cầu an ninh tối thiểu ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Ðại sứ quán mà chúng tôi có ở Việt Nam là một Ðại sứ quán tạm thời mà chúng tôi có được từ năm 1995. Nó không đáp ứng được bất cứ tiêu chuẩn an ninh nào của chúng tôi trên khắp thế giới, bởi vì nó nằm ngay ở mặt phố. Nó không có khoảng cách từ đường phố.

Và cách dễ nhất để tấn công một tòa nhà là với một quả bom trong một chiếc xe tải hay xe hơi, và tòa nhà của chúng tôi thật sự gần như không có sự bảo vệ nào trước nguy cơ đó.

Cách thông thường để chống lại loại nguy cơ này là đặt những thứ giống như những bồn hoa lớn hay các loại vật dụng bê tông khác hoặc trên phố, hoặc trên vỉa hè để bảo vệ tòa nhà.

Và chúng tôi đã đề nghị được làm như vậy ở đây, nhưng chính quyền Thành phố Hà Nội vẫn chưa cho phép.

Vì vậy, chúng tôi để những chiếc xe tải đẹp đẽ ấy ở đó như một biện pháp tạm thời. Chúng tôi sẽ trang trí chúng trong lễ Giáng Sinh. Và nếu phải để chúng ở đó lâu hơn, chúng tôi sẽ bắt đầu trồng cây trên đó và làm những gì chúng tôi có thể. Chúng tôi có thể sơn những màu sắc tươi đẹp cho chúng.

Như vậy đó. Còn câu hỏi kia là gì nhỉ?

Trong Hội nghị Nhóm Tư vấn, vấn đề chủ yếu của Hội nghị là thảo luận làm sao để các khoản viện trợ được sử dụng tốt hơn ở Việt Nam.

Toàn bộ việc các nước tuyên bố các cam kết viện trợ của mình, nói thật ra, hoàn toàn chỉ là hình thức, bởi vì những con số đó đều đã được biết theo mức của mỗi nước.

Số viện trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam trong năm 2002 là khoảng 30 triệu đô-la thông qua viện trợ song phương. Và tôi cho rằng các khoản viện trợ này sẽ tiếp tục xấp xỉ mức đó.

Dĩ nhiên, đó mới chỉ là các khoản chúng tôi viện trợ trực tiếp song phương cho Việt Nam.

Tất nhiên là Hoa Kỳ cũng còn là nước đóng góp nhiều nhất hoặc là một trong những nước đóng góp nhiều nhất cho rất nhiều tổ chức viện trợ quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, như Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển châu á, và Quĩ Tiền tệ Quốc tế.

Nếu tính cả phần đóng góp của Hoa Kỳ trong viện trợ của tất cả các tổ chức, thì tôi không có một con số chính xác cho các bạn về số lượng viện trợ của chúng tôi. Tôi không thể đưa ra một con số chính xác ngay bây giờ. Song tôi có thể cho các bạn một dự đoán gần đúng là nó có thể sẽ vào khoảng 70 triệu đô-la nữa, đưa tổng số viện trợ của chúng tôi lên khoảng 100 triệu đô-la một năm.

Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng viện trợ song phương trực tiếp của Hoa Kỳ đều là viện trợ không hoàn lại, không có các khoản cho vay trong đó. Và viện trợ này hướng nhiều vào các vấn đề chăm sóc sức khoẻ và nhân đạo. Ðó không phải là viện trợ nhằm giúp các công ty Hoa Kỳ đạt được những hợp đồng ở nước ngoài. Và tôi cũng không cho rằng viện trợ của bất kì nước nào khác lại hoạt động theo hướng này.

PAO: Xin mời Margot Cohen của "Far Eastern Economic Review" (FEER).

FEER: Các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Ðài Loan đóng góp ở mức độ nào vào mức tăng nhanh trong xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ? Ngài có số liệu hay ước tính nào về vấn đề này không? Theo Ngài thực ra cần phải làm gì để thuyết phục được nhiều hơn các công ty đang quan tâm đến Việt Nam ngay lúc này để họ đưa ra cam kết, tiến hành đầu tư, và thu được lợi ích từ những cơ hội mà Hiệp định đem lại. Xin cám ơn.

Ðại sứ Burghardt: Câu hỏi thứ nhất của bạn cho chúng ta cơ hội xem xét một điều rất quan trọng về các mô hình đầu tư ở Việt Nam.

Các công ty của Ðài Loan, Singapore, Hàn Quốc có những khoản đầu tư rất lớn ở đây, chúng xuất hiện trong cột các khoản đầu tư của những quốc gia đó, song họ đầu tư vào đây là nhằm sản xuất để xuất khẩu sang châu Âu và sang Hoa Kỳ. Như các bạn đã biết, rất nhiều công ty may mặc và giày dép lớn của Hoa Kỳ không trực tiếp đầu tư vào đây. Họ kí hợp đồng với các Công ty của Hàn Quốc và Ðài Loan.

Trong năm qua, xuất khẩu các sản phẩm dệt may và giày dép sang Hoa Kỳ đã có mức tăng trưởng rất lớn.

Tôi không có số liệu cho các bạn về những khoản đầu tư cụ thể liên quan đến vấn đề này, song tôi nghe phong thanh rằng, trước hết, tất cả các công ty mang những quốc tịch mà bạn vừa đề cập đều đã sử dụng hết công suất hiện thời và giờ đây đang nâng cao năng lực sản xuất của mình.

Như vậy, do việc mở cửa thị trường Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng trong năm tới các bạn sẽ thấy những mức tăng cao trong đầu tư của những nước như Hàn Quốc hay Ðài Loan.

Có lẽ đây cũng là lúc để chỉ ra rằng những con số chính thức về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong nhiều trường hợp rất lộn xộn và sai lạc.

Ví dụ, chúng ta biết rằng các con số đầu tư của Hoa Kỳ trên thực tế cao hơn rất nhiều so với các con số chính thức. Nhiều số liệu chính thức cho thấy đầu tư của Hoa Kỳ cho đến tháng 8/2002 là khoảng 1,03 tỷ đô-la. Nhưng những số liệu này không bao gồm bất kì khoản đầu tư nào từ chi nhánh của các công ty Hoa Kỳ đặt tại những nước thứ ba. Bạn chỉ cần tính đến khoản đầu tư vào ngành dầu khí của hai công ty Hoa Kỳ đặt tại Singapore, là sẽ có được con số gần gấp đôi số liệu ở trên.

Và các con số về Ðài Loan cũng sai nữa, bởi vì đầu tư của Ðài Loan thực ra lớn hơn nhiều so với các con số chính thức, do nước này tiến hành nhiều khoản đầu tư của mình thông qua Hồng Kông và các nơi khác.

Cần phải làm gì để tăng đầu tư của Hoa Kỳ?

Tôi nghĩ chúng ta đã đề cập đến phần lớn những việc phải làm, và tôi cho rằng đó là các vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, các vấn đề về tính minh bạch, và tính đáng tin cậy của các hệ thống pháp lý.

Và tôi không nghĩ rằng đó là những vấn đề chỉ riêng các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm. Theo tôi, dù là các nhà đầu tư châu Âu, Nhật Bản, hay Hoa Kỳ, thì tất cả họ đều xem xét những yếu tố như nhau trước khi tiến hành đầu tư vào những lĩnh vực như ngành công nghệ thông tin hay các ngành công nghệ cao khác. Còn như các bạn biết đấy, nếu ai đó định sẽ sản xuất giày dép hay áo sơ mi thì sẽ dễ quyết định hơn.

Tôi nghĩ có lẽ chúng ta còn đủ thời gian để dành cho mỗi phía một câu hỏi nữa, hay là...Vâng, chỉ một câu hỏi nữa từ phía Việt Nam.

PAO: Xin mời báo "Lao động".

Lao động: Câu hỏi thứ nhất: Với Hiệp định liệu Ngài có thể so sánh tính cạnh tranh của Việt Nam với một vài nước khác trong ASEAN và với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) hay không? Câu hỏi thứ hai: Danh sách mà Ngài cho chúng tôi xem lúc nãy chỉ liệt kê các nguyên liệu và trang thiết bị chứ không đả động gì tới các sản phẩm công nghệ cao. Ðiều này có nghĩa là các nguyên liệu được nhập khẩu vào Việt Nam, một sản phẩm giá trị gia tăng nào đó được tạo ra, và sau đó được tái xuất sang nước khác. Ngài bình luận như thế nào về nhận định này?

Ðại sứ Burghardt: Tôi không biết. Ðối với tôi, điều này giống như 101 Câu hỏi Kinh tế học vậy.

Về câu hỏi thứ nhất, tôi không nghĩ là tôi ở vào vị trí thích hợp để đưa ra một phân tích về khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước láng giềng.

Dù sao thì phân tích của tôi cũng không quan trọng. Phân tích quan trọng là những phân tích mà Tổng Giám đốc của các công ty đang phải tiến hành hàng ngày để quyết định xem có đầu tư hay không.

Và dĩ nhiên, đó cũng là những câu hỏi mà chính các nhà đầu tư trong nước của Việt Nam đang đặt ra.

Vậy câu hỏi thật sự ở đây là người ta xem xét cái gì khi quyết định có nên tiến hành đầu tư hay không? Liệu họ có thể huy động vốn tại thị trường vốn địa phương được không? Liệu bạn có thể đưa tiền vào và ra khỏi quốc gia này dễ dàng hay không? Hệ thống pháp luật có công bằng không? Nếu bạn dính vào một vụ tranh chấp, liệu các tòa án ở đây có đối xử công bằng với bạn hay không? Bạn có được đối xử bình đẳng như với các công ty trong nước hay không? Ðó là những vấn đề mà các công ty quan tâm. Và họ cũng xem xét chất lượng của lực lượng lao động địa phương nữa.

Và đương nhiên là họ cũng quan tâm đến các chi phí. Không chỉ chi phí lao động, mà cả chi phí cho cơ sở hạ tầng nữa. Gọi một cuộc điện thoại tốn bao nhiêu tiền? Các chi phí bốc xếp ở cảng thì sao? Ðể chuyên chở hàng hóa từ nhà máy tới cảng tốn bao nhiều tiền?

Về câu hỏi cuối cùng: Ðó là cách vận hành của nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Nó bao gồm những bộ phận di chuyển từ nước này sang nước khác và rồi được lắp ráp ở đâu đó trong dây chuyền.

Và đó là nguyên nhân tại sao thương mại lại theo sau đầu tư.

Tôi nhớ khi mình còn ở Philippines, ở đó Nhà máy Công cụ Texas vừa là nhà nhập khẩu lớn nhất vừa là nhà xuất khẩu lớn nhất.

Và mọi việc là như vậy đó. Xin cám ơn.

PAO: Cám ơn Ngài rất nhiều, thưa Ngài Ðại sứ. Thưa các bạn đại diện cho các cơ quan thông tin đại chúng Việt Nam và quốc tế, cám ơn các bạn rất nhiều.

(Hết biên bản)