CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI VỀ VIỆC

SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC


NHẬN DIỆN SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC

SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC LÀ GÌ?

Sách nhiễu tình dục là một hình thức của kỳ thị giới tính vi phạm vào Khoản VII của Luật Dân Quyền năm 1964. Các hướng dẫn của EEOC định nghĩa hai loại sách nhiễu tình dục: “trao đổi ơn huệ” và “môi trường thù nghịch”.

SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC LOẠI “TRAO ĐỔI ƠN HUỆ” LÀ GÌ?

Những hành động khêu gợi tình dục không được tán đồng, đòi hỏi ban ơn tình dục và những lời nói hoặc cử chỉ có bản chất tình dục sẽ trở thành sách nhiễu tình dục loại “trao đổi ơn huệ” khi (1) hành vi đó hoặc rõ ràng hoặc ẩn ý là một điều kiện mang lại việc làm đối với một cá nhân, hoặc (2) phục tùng hoặc chống lại hành vi đó sẽ được dùng làm lý do ảnh hưởng đến việc làm của cá nhân đó.

SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC LOẠI “MÔI TRƯỜNG THÙ NGHỊCH” LÀ GÌ?

Những hành động khêu gợi tình dục không được tán đồng, đòi hỏi ban ơn tình dục và những lời nói hoặc việc làm có bản chất tình dục sẽ trở thành sách nhiễu tình dục loại “môi trường thù nghịch” khi hành vi đó nhằm mục đích hoặc gây trở ngại một cách vô lý cho sự làm việc của một cá nhân hoặc gây ra một môi trường làm việc bị đe dọa, thù nghịch, hoặc xúc phạm.

NHỮNG YẾU TỐ NÀO XÁC ĐỊNH MỘT MÔI TRƯỜNG “THÙ NGHỊCH?”

Vấn đề chính ở đây là hành vi đó có “gây trở ngại một cách vô lý cho sự làm việc của một cá nhân” hoặc gây ra “một môi trường làm việc bị đe dọa, thù nghịch, hoặc xúc phạm” hay không. Cơ quan EEOC sẽ xét những yếu tố sau đây để xác định xem có phải là một môi trường thù nghịch: (1) hành vi đó thể hiện bằng lời nói hoặc việc làm hoặc bằng cả hai; (2) xẩy ra thường hay không; (3) hành vi đó có thù nghịch hoặc rõ ràng xúc phạm hay không; (4) người bị tố cáo sách nhiễu có phải là đồng nghiệp hay cấp trên không; (5) có ai khác tham gia vào việc sách nhiễu không; và (6) việc sách nhiễu nhắm vào nhiều cá nhân không. Không một yếu tố riêng rẽ nào được xem là chính. Sụ đánh giá phải dựa trên toàn cảnh.

HÀNH VI KHÊU GỢI TÌNH DỤC KHÔNG ĐƯỢC TÁN ĐỒNG LÀ GÌ?

Hành vi tình dục chỉ trở thành phi pháp khi nó không được tán đồng. Hành vi bị tố giác đó phải có tính cách không được tán đồng theo cái nghĩa là người nhân viên đã không gạ gẫm hoặc không kích thích hành vi đó, và thao cái nghĩa là người nhân viên coi hành vi đó là không được mong muốn và xúc phạm.

NHẬN DIỆN SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC (tiếp theo)

LÀM SAO EEOC XÁC ĐỊNH HÀNH VI CÓ ĐƯỢC TÁN ĐỒNG HAY KHÔNG?

Khi đứng trước bằng chứng trái ngược nhau để xem hành vi có được hoan hỷ tiếp nhận hay không, cơ quan EEOC sẽ coi tất cả trong hồ sơ và toàn diện hoàn cảnh, đánh giá mỗi trường hợp trên căn bản từng vụ một. Cuộc điều tra phải xác định xem hành vi của nạn nhân có đồng nhất hay bất đồng nhất, dựa trên sự khẳng định của nạn nhân là hành vi tình dục đó không được tán đồng.

AI CÓ THỂ LÀ NẠN NHÂN CỦA SỰ SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC?

Nạn nhân có thể là nữ hoặc nam. Nạn nhân không nhất thiết phải là người khác giới. Nạn nhân không nhất thiết là người bị sách nhiễu mà có thể là bất cứ người nào bị ảnh hưởng bởi hành vi xúc phạm.

NGƯỜI NÀO CÓ THỂ LÀ KẺ SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC?

Kẻ sách nhiễu có thể là nữ hay nam. Đương sự có thể là cấp trên của nạn nhân, một đại diện của chủ nhân, một cấp trên thuộc vùng khác, một đồng nghiệp, hoặc một người ngoài không phải là nhân viên.

CHỈ MÔT LẦN CÓ THỂ TẠO THÀNH SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC ĐƯỢC KHÔNG?

Tùy trường hợp. Trong những trường hợp “trao đổi ơn huệ”, chỉ một hành động tình dục đơn độc có thể trở thành sự sách nhiễu nếu nó liên quan đến việc ban cho hoặc không ban cho việc làm hoặc những phúc lợi trong việc làm. Trái lại, ngoại trừ hành vi thật nghiêm trọng, một vụ độc nhất hoặc riêng biệt về hành vi hoặc lời nói khiêu khích tình dục thường không gây ra “môi trường thù nghịch”. Khi tố giác về “môi trường thù nghịch” phải chứng minh nhiều hành vi xúc phạm. Tuy nhiên, chỉ cần một lần sách nhiễu nghiêm trọng bất thường cũng đủ để gây ra sự vi phạm Khoản VII; sự sách nhiễu càng trầm trọng bao nhiêu thì càng bớt phải chứng minh về những lần tái phạm. Điều này càng đúng nếu sự sách nhiễu có hành đông cụ thể. Thí dụ, EEOC sẽ coi sự sờ mó cố tình và khiêu khích vào chỗ kín trên cơ thể của người tố giác là đủ tạo tính cách xúc phạm để thay đổi điều kiện môi trường làm việc của nạn nhân và do đó đã vi phạm Khoản VII.

LỜI NÓI CÓ THỂ TẠO THÀNH SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC KHÔNG?

Có. EEOC đánh giá toàn cảnh để xác định bản chất, mức độ, hoàn cảnh, và mục tiêu nhắm tới của những lời nói. Những yếu tố liên hệ gồm có: (1)những lời bình phẩm đó có thù nghịch và làm mất phẩm giá hay không; (2) người bị tố giác là sách nhiễu có đặc biệt nhắm vào người đứng tố giác không; (3) người đứng tố giác có đối đáp không; và (4) sự liên hệ giữa người đứng tố giác và người bị tố giác.

NẠN NHÂN SỰ SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC CÓ THỂ LÀM GÌ?

Nạn nhân nên báo trực tiếp cho người sách nhiễu là hành vi đó không được tán đồng và phải chấm dứt. Điều quan trọng là nạn nhân phải cho biết là hành vi đó không được tán đồng, đặc biệt là khi kẻ sách nhiễu có thể có lý do tin rằng hành vi của đương sự có thể được hoan nghênh. Tuy nhiên, nạn nhân của sự sách nhiễu không cần phải luôn luôn đối chất trực tiếp với kẻ sách nhiễu, nếu hành vi của nạn nhân chứng tỏ là hành động của kẻ sách nhiễu không được tán đồng. Nạn nhân cũng nên sử dụng thể thức khiếu nại hoặc hệ thống khiếu nại của chủ nhân, nếu có. Nếu những phương pháp này vô hiệu, nạn nhân nên liên lạc với EEOC càng sớm càng tốt (xin xem phần Nộp Đơn Tố Giác đoạn dưới). 

PHÒNG NGỪA SỰ SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC

CHỦ NHÂN CẦN CÓ NHỮNG BIỆN PHÁP RÕ RỆT NÀO PHÒNG NGỪA SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC?

Phòng ngừa là cách tốt nhất để loại bỏ việc sách nhiễu tình dục tại nơi làm việc. Chủ nhân được khuyến khích áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết nhằm phòng ngừa sự sách nhiễu tình dục xẩy ra.

Một chương trình phòng ngừa hữu hiệu nên bao gồm một chính sách công khai chống sách nhiễu tình dục, thông báo rõ ràng và thường xuyên cho nhân viên và thi hành cho hiệu quả. Chủ nhân nên dứt khoát đặt vấn đề với các nhân viên chỉ huy và nhân viên thường trong cơ sở, tỏ thái độ không chấp nhận, và giải thích các biện pháp kỷ luật về sách nhiễu.

CHỦ NHÂN NÊN CÓ MỘT THỦ TỤC KHIẾU NẠI KHÔNG?

Chủ nhân nên có một thủ tục để giải quyết những khiếu nại về sách nhiễu tình dục. Thủ tục được soạn ra để khuyến khích nạn nhân bị sách nhiễu đứng lên tố giác và không nên buộc nạn nhân phải khiếu nại trước với một cấp trên phạm tội. Chủ nhân có thể thực hiện được điều đó bằng cách thiết lập thể thức khiếu nại hoặc than phiền hữu hiệu, cũng như phải có biện pháp nhanh chóng và thích đáng khi nhân viên khiếu nại. Nên bảo mật tối đa và có biện pháp sửa sai hữu hiệu, kể cả việc bảo vệ nạn nhân và nhân chứng khỏi bị trả thù.

NẾU CHỦ NHÂN KHẲNG ĐỊNH SỰ SÁCH NHIỄU ĐÃ CHẤM DỨT THÌ SAO?

Khi chủ nhân khẳng định là đã có biện pháp sửa sai, EEOC sẽ điều tra để xác định xem hành động sửa sai đó có xẩy ra ngay, có thích đáng và có hiệu quả không. Nếu EEOC xác định là sự sách nhiễu đã chấm dứt, nạn nhân được nguyên vẹn, và những biện pháp phòng ngừa đã được thiết lập, EEOC thường sẽ đóng hồ sơ vì chủ nhân đã có biện pháp sửa sai mau chóng.

 

NỘP ĐƠN TỐ GIÁC

TÔI PHẢI NỘP ĐƠN TỐ GIÁC KỲ THỊ RA SAO?

Đơn tố giác kỳ thị về giới tính có thể nộp tại bất cứ văn phòng địa phương nào của Ủy Ban Cơ Hội Làm Việc Bình Đẳng. Cơ quan này có văn phòng địa phương tại 50 thành phố khắp Hoa Kỳ và được ghi trong hầu hết các cuốn điện thoại niên giám dưới tiêu đề “U.S. Government” (Chính Phủ Hoa Ky)ø. Muốn tìm văn phòng EEOC địa phương gần nhất, xin gọi số miễn phí 800-669-4000. Muốn biết thêm tin tức về sách nhiễu tình dục và tin tức về những đạo luật được EEOC thi hành, xin gọi số điện thoại miễn phí 800-669-EEOC. Số điện thoại miễn phí của EEOC cho người điếc là 800-800-3302. 

THỜI HIỆU NỘP ĐƠN TỐ GIÁC KỲ THỊ RA SAO?

Đơn tố giác kỳ thị trên cơ sở giới tính phải nộp tại EEOC trong vòng 180 ngày sau khi việc kỳ thị bị tố giác xẩy ra, hoặc trong vòng 300 ngày, nếu tại tiểu bang hoặc địa phương có cơ quan quản lý việc hành nghề công bằng, thi hành luật cấm những hành động kỳ thị như đơn tố giác. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền pháp định, quý vị nên liên lạc với EEOC ngay khi sự kỳ thị được tin tưởng là đã xẩy ra.

NỘP ĐƠN TỐ GIÁC (tiếp theo)

NHỮNG LOẠI BẰNG CHỨNG NÀO ĐƯỢC EEOC XÉT ĐỂ XÁC ĐỊNH CÓ XẨY RA SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC HAY KHÔNG?

Khi điều tra tố giác về sách nhiễu tình dục, EEOC sẽ xem xét đến tất cả hồ sơ: những hoàn cảnh nào, ví dụ như bản chất của những lần khêu gợi tình dục, khung cảnh dẫn đến nội vụ. EEOC nhìn nhận là hành vi tình dục có thể xảy ra ở chốn riêng tư và khó nhận biết, không có nhân chứng. Bằng chứng để hậu thuẫn sẽ được cứu xét trong bất cứ trạng thái nào.

EEOC cũng sẽ điều tra xem có những sự khiếu nại hoặc phản đối nào đã xẩy ra. Tuy nhiên, dù sự khiếu nại hoặc phản đối có lợi cho bên tố giác, điều đó không nhất thiết là một yếu tố của đơn thưa. Nạn nhân có thể sợ hậu quả của sự khiếu nại về sách nhiễu và sự sợ hãi đó có thể cắt nghĩa sự chậm trễ trong việc phản đối. Nếu nạn nhân không khiếu nại hoặc khiếu nại trễ, cuộc điều tra sẽ phải tìm hiểu tại sao.

NẾU TÔI NỘP ĐƠN TỐ GIÁC KỲ THỊ, CÓ NHỮNG LOẠI BỒI THƯỜNG NÀO?

Nếu quý vị bị kỳ thị vì giới tính, quý vị có quyền được đền bù để trở lại vị thế cũ giống như sự kỳ thị không hề xẩy ra. Quý vị cũng có thể có quyền được tuyển dụng, thăng thưởng, tái chỉ định, truy lãnh lương bổng và thù lao khác. Quý vị cũng có thể có quyền được bồi thường cho những sự thiệt hại về tiền bạc trong tương lai, đau đớn tinh thần và phiền hà. Quý vị cũng có thể hưởng loại bồi thường để trừng phạt chủ nhân nếu chủ nhân đã hành động với dã tâm hoặc thờ ơ một cách cẩu thả. Quý vị cũng có thể có quyền được bồi thường về thù lao trả cho luật sư.

CHỦ NHÂN CÓ THỂ TRẢ ĐŨA VÌ TÔI ĐÃ NỘP ĐƠN TỐ GIÁC VỚI EEOC KHÔNG?

Chủ nhân hoặc pháp nhân bị luật chi phối sẽ bị coi là phạm pháp nếu trả đũa người nộp đơn tố giác kỳ thị, người tham dự vào cuộc điều tra, hoặc người chống đối những hành động kỳ thị. Những cá nhân nào tin rằng họ đã bị trả đũa nên liên lạc ngay với EEOC. Ngay cả việc một cá nhân đã nộp đơn tố giác sự kỳ thị, đương sự có thể nộp đơn tố giác mới nếu bị trả đũa.

NHỮNG LUẬT NÀO ĐƯỢC EEOC THI HÀNH?

EEOC thi hành Khoản VII trong Luật Dân Quyền 1964, luật này cấm kỳ thị trong việc làm căn cứ vào chủng tộc, mầu da, tôn giáo, giới tính hoặc nguồn gốc quốc gia; Luật Kỳ Thị Tuổi Tác Trong Việc Làm; Luật Lương Bổng Đồng Đều; cấm kỳ thị đối với những cá nhân bị khuyết tật trong chính phủ liên bang; những tiết đoạn trong Luật Dân Quyền năm 1991; Khoản I thuộc Luật Người Mỹ Mang Khuyết Tật, cấm kỳ thị những người bị khuyết tật trong lãnh vực tư và trong chính quyền tiểu bang và địa phương.

NHỮNG THÔNG TIN TRÊN ĐÂY NHẰM TRÌNH BẦY ĐẠI CƯƠNG VỀ SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC CHỨ KHÔNG MANG HIỆU LỰC CỦA Ý KIẾN PHÁP LÝ


Tháng Mưòi Hai 1992                                                                                                                                   EEOC-BK-SH/V