SỰ KIỆN VỀ

KỲ THỊ CHỦNG TỘC HOẶC MẦU DA

Khoản VII thuộc Luật Dân Quyền 1964 bảo vệ những cá nhân chống lại kỳ thị trong việc làm dựa trên chủng tộc và màu da cũng như trên nguồn gốc quốc gia, giới tính, hoặc tôn giáo.

Bị xem là là bất hợp pháp nếu kỳ thị đối với bất cứ nhân viên, người xin việc nào dựa trên chủng tộc, mầu da trong lúc tuyển dụng, sa thải, thăng thưởng, bồi thường, học việc, hoặc đặt ra bất cứ thời hạn, điều kiện nào, hoặc ban phát bất cứ đặc quyền nào trong việc làm. Khoản VII cũng ngăn cấm những quyết định về việc làm căn cứ vào định kiến và suy đoán về khả năng, dáng vẻ, hoặc hiệu xuất của những người thuộc một số chủng tộc nào đó. Khoản VII ngăn cấm những chính sách cố ý hoặc không cố ý kỳ thị nhằm loại bỏ một cách quá đáng dân thiểu số và các chính sách này không liên quan gì đến việc làm.

Không ai bị từ khước cơ hội làm việc bình đẳng vì lý do hôn nhân hoặc có liên hệ với người khác chủng tộc; là hội viên hoặc có liên hệ với những tổ chức hoặc nhóm người thiểu số; hoặc đi học hoặc tham gia vào những trường học hoặc những nơi thờ phụng thường được xem là của một nhóm dân thiểu số nào đó.

Những Đặc Điểm Thuộc Chủng Tộc và các Điều Kiện

Kỳ thị căn cứ vào những nét bất biến của một chủng tộc, chẳng hạn như mầu da, sợi tóc, hoặc nét mặt nào đó sẽ vi phạm Khoản VII, mặc dù không phải ai ai trong chủng tộc đó cũng có cùng một nét.

Khoản VII cũng cấm kỳ thị dựa trên một điều kiện có ảnh hưởng rõ rệt đến một chủng tộc, ngoại trừ hành động đó liên hệ đến nghề nghiệp và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Thí dụ, bệnh thiếu máu tế bào hình liềm thường gặp nơi đa số người Mỹ gốc Phi châu, một chính sách làm việc không thu nhận những cá nhân có bệnh thiếu máu tế bào hình liềm phải có liên hệ đến nghề nghiệp và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Thí dụ khác, chính sách đi làm “không được để râu” có thể kỳ thị đối với người Mỹ gốc Phi châu là những người bản chất thường có râu nằm mấp mô, ngoại trừ chính sách đó liên hệ đến nghề nghiệp và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Sách nhiễu

Sách nhiễu dựa vào chủng tộc và/hoặc mầu da là vi phạm vào Khoản VII. Chửi rủa người sắc tộc thiểu số, những “chuyện đùa” về màu da, những lời bình phẩm xúc phạm hoặc hạ giá trị, hoặc những lời nói hoặc những hành vi khác dựa vào chủng tộc/mầu da của người khác sẽ tạo thành một sự sách nhiễu phi pháp nếu hành vi đó gây ra một môi trường làm việc có tính cách đe dọa, thù nghịch, hoặc xúc phạm, hoặc cản trở năng suất làm việc của người khác

Tách Biệt và Phân Loại Nhân Viên

Khoản VII bị vi phạm khi nhân viên gốc thiểu số bị tách biệt hẳn ra khỏi các nhân viên khác hoặc không cho họ tiếp xúc với khách hàng. Khoản VII cũng cấm đưa nhân viên gốc thiểu số tới làm việc tại những cơ sở hoặc những vùng đa số là thiểu số. Cũng bị coi là phạm pháp nếu gạt nhân viên gốc thiểu số ra khỏi một số chức vụ nào, hoặc lập nhóm hoặc xếp loại nhân viên hoặc công việc để rút cục nhân viên gốc thiểu số chỉ được làm một số công việc nào đó mà thôi. Đặt mã số vào những đơn xin việc hay bản tiểu sử để ghi chủng tộc người nộp đơn, do chủ nhân hoặc văn phòng tìm việc thực hiện, cũng đủ tạo bằng chứng kỳ thị về không thâu nhận vào làm hoặc gạt ra khỏi một số chức vụ nào đó.

Thẩm Tra Trước Khi Cấp Việc

Trước khi cấp việc, yêu cầu cung cấp tin tức trong đó tiết lộ hoặc có vẻ tiết lộ chủng tộc của người xin việc thì coi như chủng tộc đã được sử dụng bất hợp pháp trên căn bản tuyển dụng. Việc thẩm tra tin tức trước khi cấp việc được suy đoán là những tin tức đó sẽ được sử dụng để quyết định có tuyển dụng hay không. Sau đó, nếu thành viên của nhóm thiểu số bị gạt ra, thì việc yêu cầu cung cấp tin tức trước khi cấp việc như vậy có thể coi là bằng chứng kỳ thị.

Tuy nhiên, được xem là hợp pháp khi chủ nhân cần những thông tin về chủng tộc của nhân viên hoặc của ứng viên xin việc để chiếu cố người thiểu số theo nguyên tắc affirmative action, hoặc để theo dõi số ứng viên, hoặc vì cả hai mục tiêu. Một cách có thể thu thập thông tin về chủng tộc và đồng thời tránh được hành động kỳ thị là khi chủ nhân sử dụng “tờ giấy có thể xé rời” để nhận diện chủng tộc của ứng viên xin việc. Sau khi ứng viên điền đơn xin việc và điền phần giấy xé ra, chủ nhân sẽ tách phần xé ra khỏi đơn xin việc và không sử dụng nó trong thủ tục chọn lựa.

Nộp Đơn Tố Giác

Đơn tố giác kỳ thị về chủng tộc và/hoặc mầu da có thể nộp tại bất cứ văn phòng địa phương nào của Ủy Ban Cơ Hội Làm Việc Bình Đẳng (EEOC). Các văn phòng địa phương được đặt tại 50 thành phố khắp Hoa Kỳ và có ghi trong hầu hết điện thoại niên giám dưới tiêu đề “U.S. Government” (Chính phủ Hoa Ky)ø. Quý vị cũng có thể gọi số 1-800-669-4000 hoặc số 1-800-669-6820 (TDD cho người điếc) để biết văn phòng EEOC trong vùng quý vị. Muốn có tin tức về những đạo luật được EEOC thi hành, xin gọi số miễn phí 1-800-669-EEOC hoặc 1-800-800-3302 (TDD cho người điếc). Thời hiệu để nộp đơn tố giác với EEOC là 180 ngày kể từ ngày có cáo giác kỳ thị, hoặc 300 ngày tại những tiểu bang có chỉ định cơ quan Quản Lý Việc Hành Nghề Công Bằng.

Nếu quý vị bị kỳ thị dựa trên chủng tộc hoặc mầu da, quý vị có thể có quyền được tuyển dụng, thăng thưởng, tái dụng, truy lãnh lương bổng, hoặc phụ cấp khác. Quý vị cũng có thể được bồi thường về những khoản tiền mất mát tự mình bỏ ra trong tương lai và trong quá khứ, sự thiệt hại về tình cảm, sự phiền hà, và những sự mất mát không phải là tiền tài khác. Quý vị cũng có thể được hưởng loại bồi thường để trừng phạt chủ nhân nếu chủ nhân đã hành động với dã tâm hoặc thờ ơ một cách cẩu thả đối vối những quyền được liên bang bảo vệ của quý vị. Quý vị cũng có thể có quyền được bồi thường về thù lao của luật sư.

Khi có yêu cầu, tờ sự kiện này cũng được phát ra dưới dạng thay thế khác.

Tháng Giêng 1999 EEOC-FS/V-8